Hướng nội, hướng ngoại và những hiểu lầm phổ biến nhất về bản thân
Lúc thấy mình là người hướng nội. Lúc thì lại thấy mình hướng ngoại. Điều đó có thể cho thấy bạn chưa thật sự hiểu rõ về bản thân.
Hướng nội và hướng ngoại là hai khái niệm mô tả về tính cách phổ biến nhất thường được dùng để khám phá bản thân. Bạn có cảm thấy bị kẹt giữa tính cách mà bạn sẵn có, tiếc nuối rằng bạn không ra ngoài chơi nhiều hơn hay nên lo lắng ít đi? hoặc đơn giản là cư xử thân thiện hơn với người khác? Bạn có cảm thấy mình lúc thì người hướng nội, nhưng lúc thì giống người hướng ngoại.
Nếu bạn đang cảm thấy mơ hồ về tính cách của bản thân. Bạn có thể đang hiểu nhầm về hướng nội, hướng ngoại. Dưới đây là những hiểu nhầm phổ biến về hai loại tính cách này và cách để bạn xác định bản thân một cách đơn giản.
1.Hướng nội là những người ít nói, còn người hướng ngoại giỏi giao tiếp
Những người hướng nội thường được cho là ít nói, ù lì hoặc thậm chí có phần nhút nhát. Trong khi người hướng ngoại được cho là những cá nhân quảng giao, biết cách ăn nói.
Trong thực tế, những người hướng nội cảm thấy làm tốt hơn với những hoạt đơn lẻ hoặc các cuộc hội thoại gần gũi, thân mật với một hoặc một nhóm người nhỏ hơn là đám đông. Ngược lại những người hướng ngoại lại được truyền năng lượng thông qua các hoạt động xã hội đông người hơn như các bữa tiệc, các hoạt động nhóm.
Bên cạnh đó, giao tiếp là một loại kỹ năng mà chúng ta cần rèn luyện để làm tốt hơn. Đồng nghĩa với việc ngay cả những người hướng ngoại cũng có lúc cảm thấy hồi hộp hay run sợ trước những cuộc phát biểu đông người.
- Hướng nội chỉ làm việc độc lập còn hướng ngoại làm việc nhóm giỏi hơn
Một lần nữa đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Làm việc nhóm là một kỹ năng hợp tác. Bản thân những người hướng nội có xu hướng làm việc độc lập tốt hơn và thoải mái hơn khi làm việc độc lập. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không thích làm việc nhóm.
Ngược lại, những người hướng nội điển hình là những người lắng nghe rất tốt vì vậy họ có thể tiếp thu được ý kiến sâu hơn trong một cuộc họp mà người hướng ngoại có thể không để ý.
- Những người thành công thường là người hướng ngoại
Có một sự thật là nếu bạn là một người hòa đồng, bạn sẽ được người khác yêu mến. Chúng ta đang sống trong một xã hội tôn vinh tính cách hướng ngoại và đánh giá cao những người hướng ngoại. Tuy nhiên chẳng có con số cụ thể thống kê số người hướng ngoại thành công hơn người hướng nội.
Bạn có biết ngoài kia có rất nhiều các vị lãnh đạo tài năng và thành công là người hướng nội? - Hãy kể tên Bill Gates, Elon Musk, Barack Obama và Abe Lincoln?
Tại sao bạn cần hiểu về hướng nội và hướng ngoại?
1.Việc xác định được bản thân là người thiên về loại tính cách nào sẽ giúp bạn tìm được ra thế mạnh của bản thân.
Bạn cũng có thể cảm thấy mình phù hợp với các công việc cần đòi hỏi khả năng làm việc độc lập cao, tư duy cao như thiên về các công việc lập kế hoạch, lập chiến lược hơn là thực thi. Warren Buffet từng nói bạn nên tập trung vào điểm mạnh của bản thân hơn là cố trở thành một kẻ khờ giữa những kẻ khôn ngoan. Điểm mấu chốt ở đây là bạn hiểu thế mạnh của mình khi là một người hướng nội và hiểu được những điểm hạn chế của bản thân, từ đó cải thiện dần những điểm yếu đo bằng cách học hỏi, đào tạo mở rộng phạm vi kĩ năng hoặc đơn giản là kết hợp với một người (có thể là hướng ngoại) có kĩ năng đó tốt hơn bạn.
2.Giúp bạn xác định được môi trường làm việc phù hợp và cách hoà hợp với đồng nghiệp tốt hơn khi làm việc theo nhóm.
Bạn có thể cảm thấy thoải mái trong một môi trường nhỏ hoặc mọi người quan tâm tới nhau và những mối quan hệ sâu sắc. Làm việc trong tập đoàn lớn hay làm việc trong startup nhỏ sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn?
Vậy làm sao để xác định bạn là kiểu người hướng nội hay hướng ngoại?
Có rất nhiều tài liệu hướng dẫn cách để xác định bản thân thuộc loại tính cách nào. Nhưng có một cách đơn giản để tìm ra đó là bạn nạp năng lượng như thế nào.
Những người hướng nội là những kẻ vui sướng một mình. Còn những người hướng ngoại tìm kiếm các cuộc vui để lấy lại năng lượng.
Khi ở trong bữa tiệc nơi làm việc, người hướng nội có xu hướng đứng ngoài nhìn và thưởng thức hơn là trực tiếp tham gia vào những cuộc tương tác. Đơn giản là họ cảm thấy vui sướng một mình.
Trong một nhóm làm việc, người hướng nội thường là những người suy tư, nghĩ nhiều hơn nói, những người này sẽ rất giỏi việc lập kế hoạch hoặc lên chiến lược cho một dự án. Còn những người hướng ngoại sẽ là người hăng hái và bắt tay vào làm việc ngay và luôn, họ là những người giỏi việc triển khai.
Rồi đọc đến đây nếu bạn vẫn cảm thấy chưa chắc chắn lắm, vậy thì bạn có thể là người ở giữa. Chẳng hướng nội và cũng chẳng hướng ngoại. Nhưng ngay cả khi bạn là người ở giữa hai kiểu tính cách này, bạn sẽ vẫn cảm thấy bản thân mình ở đâu đó thiên về một loại tính cách.
Bạn cảm thấy ở một mình cũng tốt, nhưng đôi khi ra ngoài tiệc tùng cũng vui chỉ cần không phải là quá nhiều. Bạn thấy làm việc độc lập thoải mái hơn nhưng làm việc nhóm cũng khiến bạn cảm thấy tốt hơn.
Thế hướng nội, hướng ngoại có thể thay đổi theo thời gian?
Nhiều người tin rằng tính cách không thể thay đổi, chúng ta sinh ra với tính cách đã định và chúng gần như ổn định về mặt sinh lý và cảm xúc sau tuổi 30 (William James).
Nhưng gần đây đã có một vài nghiên cứu cho rằng tính cách có thể thay đổi và đạt được nhờ cố gắng. Trong một cuộc thí nghiệm được thực hiện bởi đại học Illinois năm 2015 đã cho thấy điều này là khả thi. Cụ thể là những người muốn trở nên hướng ngoại hơn có thể học các “hành xử" giống như người hướng ngoại. Thay đổi hành vi là bước đầu thay đổi cách chính bạn nhìn nhận về bản thân. Đó là tiếng nói “tôi đã luôn mà một người hướng nội" chuyển sang trạng thái “tôi thường có những hành vi của người hướng nội".
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ hoàn toàn trở thành một người hướng ngoại nếu tính cách hướng nội của bạn có phần nổi trội hơn. Bạn vẫn cần trở về nhà và tái tạo năng lượng trong không gian của riêng mình, hoặc có lẽ là đóng chặt cửa lại, tay cầm ly cà phê và ngồi đọc sách cả buổi tối trong yên lặng.