Pop, Music & Film

Album Hay không hay lắm: Chuyến phiêu lưu giàu nhạc cảm của người lãng khách

Không phải là một “món ăn liền” trong thị trường âm nhạc, album Hay không hay lắm của Dzung với chất liệu đàn tranh, sáo đến chất rock hào sảng, tựa như bạn đồng hành trên chuyến điền dã bằng âm nhạc.   

Ngày nay, ranh giới thể loại dần bị xóa mờ, nhường chỗ cho sự pha trộn của những âm hưởng không biên giới. Ta khó lòng khẳng định Hay không hay lắm là world music, rock hay dân ca. Màn ứng đối giữa những chỉ dấu dân gian – hiện đại trải dài suốt album, cộng hưởng cùng âm thanh không gian như tiếng hò, í a từ nơi đất cảng tựa cánh cửa mở ra những vùng đất mới. Giữa thị trường nhạc pop hiện nay, Dzung mang đến một màu sắc khác biệt vừa giàu khí nhạc, vừa sắc bén trong thanh nhạc.

Nhịp đập thình thịch của thành phố từ bài Con tàu dẫn dắt thính giả vào không gian của album Hay không hay lắm. Dzung chú trọng tính không gian trong album lần này qua những âm thanh của chuyển động, thổi vào tinh thần của những chuyến đi. Một nửa tự do, một nửa vội vã; dày chất điện tử và một mảnh quê hương qua tiếng đàn. Trong những lần đầu nghe, chất nhạc của album gợi cảm giác hỗn loạn, ẩn dụ cho thời đại pha trộn những hệ giá trị đối lập giữa truyền thống và hiện đại, trầm tư và sôi nổi.

Album Hay không hay lắm gồm 14 ca khúc, được chia thành hai mặt. Mặt một mang tên Đờn, với 7 bản hoà tấu. Mặt còn lại là Ca, gồm 5 ca khúc và 2 bản hòa tấu. Những khách mời đặc biệt trong album, bao gồm NSƯT Hải Phượng, nghệ sĩ bass Trần Chánh Thảo, Phạm Anh Khoa và nghệ sĩ Lê Hoàng Phi, sẽ cùng Dzung đưa khán giả đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh phần hoà tấu chiếm đa số, ca từ trong album mang chất ngụ ngôn, cùng lối hát phóng khoáng của rocker Phạm Anh Khoa. 

Một con gió vừa sinh 

Trời lặng gió 

gió ùa vào gió 

cùng vào đây cùng thổi đi đâu đây đó đây 

a í a ô ê a 

Gió hát rằng 

có khu rừng loài gió hay đi hoang dạo chơi 

Đùa vui bên cánh quay cao vời í a mong đợi một tiếng ca”

Từ những ẩn dụ về cộng đồng qua tiếng trống, điệu hòa ca ở các sản phẩm trước, album lần này mang đến lối hòa tấu sống động hơn nhờ âm thanh không gian thực, tiếng synth thời công nghiệp hay tiếng xuồng máy trong Nghinh ông thủy tướng. Dừa sai trái lại đầy tung tẩy, nghịch ngợm trong cách phối khí, kết hợp âm thanh rao bán dừa...

lighting tripod photography adult male man person portrait glasses tie

Bất ngờ lớn nhất nằm ở bài Ngập tràn, dẫn dắt bởi chất groovy hiện đại, hòa tiếng gảy tình tứ của đàn tranh. Nếu như nhạc của Dzung trong các album trước đó gợi lên tính tập thể, thì Ngập tràn là điển hình của không gian riêng tư, mềm mại và làm tươi mới nhạc trữ tình. Trăm năm người ta vẫn hát tình ca, vậy nên, việc làm mới tình ca trở thành điểm nhấn trong album này. Điểm này khiến Hay không hay lắm dễ cảm hơn, trong khi giữ mạch nhất quán với nhạc của Dzung từ các album trước đó.

Dzung chia sẻ về đứa con tinh thần mới của mình: “Chuyến du lịch đầu đời trong kí ức của tôi là năm 2 tuổi, tôi theo ông bà ngoại và anh trai đi tàu lửa từ Hà Nội về quê ngoại Nha Trang. Sau này khi lớn lên, cũng trên một chuyến tàu lửa, tôi tạm biệt Hà Nội để vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp khi tuổi mới đôi mươi. Để rồi từ đó, trên những con tàu khác, tôi đã đi đến rất nhiều vùng đất trên đất nước Việt Nam và thế giới, đôi khi là những chuyến du lịch và đa phần là những chuyến đi công tác. Những “sàng khôn” từ những “ngày đàng” ấy tôi gom góp lại như những tư liệu chờ dịp sẽ dùng tới.

“Con tàu “âm nhạc” đã đưa tôi đi chu du qua bao cảm xúc sau hơn 20 năm: từ thăng hoa, tự hào, hi vọng đến cả những âu lo, đau đớn và thất vọng. Tôi đã đi, bền bỉ và can trường, trên con tàu “âm nhạc” ấy với 9 đĩa nhạc phát hành từ năm 2003 cho đến nay. Sau nhiều trăn trở và suy nghĩ, năm 2024 tôi quyết định “đóng” một con tàu mới với sức chứa lớn hơn, thiết kế tối giản hơn, máy móc hiện đại hơn và quan trọng nhất là vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị truyền thống. Tôi đặt tên con tàu đó là 2025´- Hay không hay lắm - Du lịch Việt Nam bằng Âm nhạc Việt Nam.

Recommended posts for you