Không hướng nội, không hướng ngoại, bạn có thể là kẻ ở giữa
Dù hướng nội và hướng ngoại thường hay được nhắc đến nhiều hơn, nhưng thực tế phần lớn trong chúng ta sống ở giữa hai nhóm này, hay nói cách khác, phần đông dân số thế giới đều là những người ambivert, dù họ có để ý hay không. Bài kiểm tra đơn giản nhất giúp bạn xác định thiên hướng tính cách của mình là tự đặt ra câu hỏi: Bạn sẽ làm gì vào cuối ngày? Những người nghĩ rằng họ muốn ra ngoài cùng bạn bè, đến một bữa tiệc hay thậm chí club chắc chắn thuộc về nhóm hướng ngoại, bởi họ luôn cần chất dopamine kích hoạt não bộ. Trong khi những người thuộc nhóm hướng nội thường muốn ở một mình hơn vì họ cần thời gian và không gian để suy nghĩ. Nhóm ambivert có cách tiếp cận khác hẳn, họ sẽ quyết định mình muốn làm gì dựa trên cảm xúc và tâm trạng của mình ngay lúc đó.
Hiểu được xu hướng tính cách của mình là bước khởi đầu để bạn thực sự biết mình muốn gì, cần gì, làm việc như thế nào là hiệu quả nhất, dù là những điểm có lợi hay bất lợi. Dưới đây là 5 dấu hiệu cho thấy bạn có thể là một ambivert đích thực.
Bạn có khả năng tập trung
Những người ambivert thường khó bị xao nhãng bởi những yếu tố bên ngoài. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phần não bộ phía trước của nhóm ambivert có khả năng phản hồi nhanh hơn, mạnh hơn. Điều này khiến họ tập trung hơn với các đầu việc so với người hướng ngoại vốn hay bị phân tán bởi yếu tố bên ngoài và người hướng nội thường hay để tâm trí lang thang vô định.
Bạn linh hoạt hơn
Bởi những người ambivert có thể trở nên hướng ngoại khi ở trong tình huống buộc họ phải làm vậy (ví dụ như biết mình nên nói gì trong buổi hẹn hò đầu tiên chẳng hạn), nhưng họ cũng hoàn toàn có thể yên lặng kiên nhẫn lắng nghe người khác nói. Nhóm ambivert đồng thời có thể dễ dàng thích ứng với nhiều kiểu người và nhiều môi trường khác nhau, dù điều này không đồng nghĩa với trí thông minh cảm xúc cao hơn hay nhiều khả năng xã hội hơn. Khả năng ứng biến với thay đổi môi trường tuy nhiên là một lợi thế giúp họ có mối quan hệ xã hội đa dạng.
Khó đưa ra quyết định
Việc có khả năng thích ứng và dễ dàng thân thiện với nhiều người mang đến nhiều cơ hội, nhưng cùng với đó là nhiều sự lựa chọn hơn, dù đó là việc họ muốn dành thời gian của mình thế nào, đi ăn ở nhà hàng nào, chuyển đến nơi ở như thế nào… tất cả những điều này có thể khiến họ hoang mang và mất phương hướng. Thậm chí cả những quyết định đơn giản cũng có thể khiến họ lúng túng, họ thường sẽ mất rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định, và không phải quyết định nào được đưa ra cũng khiến họ thỏa mãn.
Lấy những người hướng nội làm ví dụ, họ hoàn toàn có thể quyết định bỏ qua một sự kiện nào đó bởi họ biết mình không thích những bữa tiệc hay việc trò chuyện với nhiều người, một bữa tiệc ấm cúng hay thậm chí ở một mình sẽ khiến họ thoải mái hơn. Quyết định là một hành động tốn nhiều năng lượng với những ambivert để họ có thể quy chiếu tới cảm xúc, tâm trạng bản thân, những yếu tố tác động như lợi ích của việc tham gia sự kiện đó, hay những hê quả cảm xúc chúng có thể mang đến vào cuối ngày.
Những người khó đoán
Vì những quyết định của họ dựa trên cảm xúc, nên họ thường có những hành vi hay cách thể hiện bản thân không nhất quán, điều này có thể khiến những người xung quanh lúng túng, khó biết cách phản ứng với bạn. Đây là lực đẩy với nhiều người, vì không ai muốn phải làm việc cùng hay dành thời gian với những người luôn thay đổi liên tục thiên hướng tính cách và đưa ra những tình huống khó xử buộc người khác phải mất thời gian tìm hiểu và thích ứng.
Có khả năng thuyết phục
Đây là lý do nhóm ambivert thường có khả năng lãnh đạo tốt hơn, bởi họ có thể kết nối và hiểu được xu hướng tính cách hướng nội hay hướng ngoại của nhân viên. Họ cũng nhạy cảm hơn với tính cách hay nhu cầu của những người họ cần thuyết phục nên nhóm ambivert thường có khả năng thuyết phục rất tốt, họ có thể thu hút sự chú ý của nhiều người nếu cần thiết, nhưng cũng có thể dừng lại và lắng nghe để tiếp thu ý kiến người khác.