Cần không một bộ luật thời trang hoàn chỉnh để ngăn chặn vi phạm bản quyền?
Mỗi khi xuất hiện nghi vấn về việc đạo nhái, cộng đồng người tiêu dùng lại dậy sóng, đầy bất bình và phẫn nộ khi ai đó bị chiếm đoạt giá trị lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng coi việc sao chép là một vấn đề nghiêm trọng.
Sau khi Đạo Luật Geneva của Hiệp Định Hague (Geneva Act of the Hague Agreement) về đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế trong cộng đồng Châu Âu có hiệu lực vào năm 2003 [*1], tiến sĩ Fridolin Fischer, một luật sư ở Thuỵ Sĩ, đã xuất bản sách “Kleidermode – Phänomen Ohne Rechtsschutz?” (Tạm dịch: Quần áo Thời Trang - Một Hiện Tượng Chưa Được Pháp Luật Bảo Vệ?), vào năm 2007. Tiến sĩ Fridolin cũng đóng góp một bài viết cho tạp chí WIPO, với tựa đề "Luật thiết kế trong lĩnh vực thời trang Châu Âu" (2008).
Bài báo cho biết: “Trong năm 2006, thâm hụt thương mại của Liên Minh Thương Mại Châu Âu đối với mặt hàng quần áo là 33,7 tỷ euro. Từ năm 1994 đến 2006, tổng khối lượng sản xuất quần áo của 27 quốc gia EU giảm khoảng 5% mỗi năm”.
Khi năm 2007 kết thúc, Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới - WIPO chỉ ghi nhận 29 trường hợp đăng ký thiết kế quốc tế (chiếm 2,5% trên tổng số đăng ký) thông qua Hệ Thống Hague. Hơn nữa, các thiết kế được đăng ký bởi các nhà mốt không dành cho quần áo, mà dành cho các loại phụ kiện đồng hồ, túi xách, kính mát...vốn là một nguồn doanh thu quan trọng của các thương hiệu lớn.
Trong khi đó, một số đại diện của ngành công nghiệp thời trang Châu Âu vẫn kêu gọi một sự bảo hộ sở hữu trí tuệ (intellectual property, viết tắt SHTT hoặc IP) quyết liệt hơn trên toàn thế giới, vì cho rằng hàng giả, hàng nhái giết chết sự sáng tạo, và lo ngại những thiệt hại do ngành công nghiệp thời trang sao chép gây ra sẽ ngày càng lớn.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Fridolin Fischer, “một số lý thuyết kinh tế hiện đại coi cạnh tranh bao gồm sự tương tác năng động giữa đổi mới và bắt chước: đổi mới tạo ra sản phẩm ưu việt, trong khi đó sự bắt chước tạo ra một lượng lớn người tiêu dùng; vì vậy một làn sóng bắt chước ồ ạt rất quan trọng để kích thích một sự cạnh tranh năng động”.
Để biết một lý thuyết như vậy có thực tế hay không, cần nhìn vào chu kỳ của sự bắt chước và sự đổi mới. Đổi mới phải bao gồm khấu hao chi phí nghiên cứu, phát triển để tạo ra những cái mới độc bản nhưng vẫn có được lợi nhuận. Điều này liệu có khả thi và có ý nghĩa đối với nền kinh tế toàn ngành? Làm thế nào để các nhà sáng tạo luôn giữ được sự khác biệt độc tôn và không ngừng bùng nổ những ý tưởng tuyệt đỉnh chưa từng có?
Nhìn về quá khứ, sự phát triển của luật thiết kế thời trang Châu Âu đã luôn song hành với lịch sử của ngành công nghiệp quyến rũ này. Khái niệm về bản quyền thiết kế thời trang (fashion design copyright) được cho là bắt nguồn từ Châu Âu vào thế kỷ XV, cụ thể là hình thức ban hành các sắc lệnh thông qua Lettres Patente (tạm dịch: Thư Bằng Sáng Chế).
Lettres Patente một đạo luật đặc quyền do Hội đồng Nhà vua soạn thảo dưới Chế Độ Cũ (l'Ancien Régime) của Pháp. Tương ứng với luật pháp đương thời, Lettres Patente được dùng để ban hành các quy chế của các ngành nghề (bao gồm ngành công nghiệp dệt may thời bấy giờ); các sắc lệnh về tôn giáo và quyền thương mại ở cấp thị, thành, quốc gia; cũng như các quy định cho học viện, trường cao đẳng, nhà máy Hoàng Gia...
Trong số các sắc lệnh Hoàng Gia về ngành nghề thời Trung Cổ của Pháp, dưới thời Vua Louis XII, một Lettres Patente của Nhà Vua khẳng định những đặc quyền của thợ dệt ở Meaux (Paris, Pháp) đã được ban ra vào tháng 10.1498. Vua François I sau khi kế vị từ năm 1515, đã tiếp tục ban hành những đặc quyền và sắc lệnh cụ thể liên quan đến sản xuất, nhằm bảo hộ cho ngành nghề dệt may thông qua các Lettres Patente.
Từ năm 1711, tại Lyon (Pháp), hành vi làm giả các mẫu dệt đã bị nghiêm cấm. Đến năm 1787, các nhà sản xuất hàng dệt may tại Anh và Scotland đã thúc đẩy nhu cầu bảo vệ sản phẩm của họ thành đạo luật cơ bản. Năm 1876, nước Đức ban hành luật để bảo vệ các thiết kế cũng như những người mẫu. Đến năm 2002, một hệ thống thống nhất về quyền thiết kế công nghiệp đã được đưa ra và có hiệu lực trong toàn Liên Minh Châu Âu.
Nhưng trong vòng hai thập niên qua, những thống kê sau khi cải cách luật đã khiến các nhà lập pháp phải cân nhắc lại. Các con số cho thấy mặc dù có những lợi ích thiết thực từ luật SHTT trong thời trang thiết kế, nhưng các yếu tố kinh tế và nhiều nhân tố ngoại vi khác vẫn cản trở sự phát triển trên toàn ngành. Và nước Mỹ đã tìm thấy một sự đồng cảm đối với điều này.
Khi bàn về luật trong thiết kế thời trang và bản quyền, có một án lệ tiêu biểu luôn có thể được đưa ra tham khảo (như một cách để xem xét khả năng bảo hộ của luật bản quyền và các luật liên quan, giữa Mỹ và Liên Minh Châu Âu (EU) nói chung). Đó là một trường hợp của toà án Pháp: Yves St. Laurent kiện Ralph Lauren vi phạm bản quyền chiếc đầm halter phong cách tuxedo của mình (một thiết kế của Yves St. Laurent năm 1992), sau khi bắt gặp một chiếc đầm tương tự của Ralph Lauren, đăng trên một tạp chí thời trang Pháp.
Vụ kiện kéo dài cho đến năm 1994, toà án Pháp đã đưa ra phán quyết Yves St. Laurent thắng kiện, phạt Ralph Lauren 395.090 $ vì "hàng giả và cạnh tranh không lành mạnh". Tại phiên toà năm 1994, thẩm phán người Pháp Madelaine Cotelle lệnh rằng những chiếc váy dạ hội này phải được trình toà. Dẫn đến, một show trình diễn thời trang đặc biệt đánh dấu một mốc lịch sử - lần đầu tiên tác phẩm của một nhà thiết kế được công nhận là một tài sản trí tuệ.
Luật SHTT hiện hành có đang được ứng dụng hiệu quả không?
Ngày nay, luật SHTT của Mỹ bị chính các luật sư nước này cho là lỗi thời. Đó cơ bản là một bộ quy tắc được viết cách đây gần nửa thế kỷ, khi mà thời trang của quốc gia này được định nghĩa như một ngành sản xuất hơn là một ngành sáng tạo. Theo trích dẫn trong một bài báo của Vox.com, luật sư Douglas Hand [*2] giải thích: khi luật SHTT được ban hành vào năm 1976, "chúng tôi chủ yếu là một quốc gia của các nhà sản xuất hơn là các nhà thiết kế".
Vị thế của Mỹ trong ngành công nghiệp thời trang toàn cầu đã thay đổi đáng kể trong 40 năm qua, thúc đẩy bởi các thương hiệu hàng đầu từ Ralph Lauren, Calvin Klein đến Donna Karan. Các nhà thiết kế Mỹ đã nhận được sự ca ngợi từ quốc tế và phát triển các thương hiệu trị giá hàng tỷ đô la. Ngày nay, truyền thống được tiếp nối bởi các thương hiệu Michael Kors, Kate Spade, Tory Burch, Coach và Marc Jacobs…
Các thương hiệu thời trang của Mỹ đã định vị được bản sắc thời trang của mình. Tuy nhiên, luật bản quyền của gần nửa thế kỷ qua vẫn chưa được nâng cấp. Những luật lệ này vẫn còn hiệu lực, nhưng lao động sáng tạo trong thời trang gần như không được đề cao giá trị và không dễ dàng được bảo hộ về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, không có nghĩa là các nhà thiết kế không có biện pháp bảo vệ thành quả lao động sáng tạo của mình. Cơ bản, các yếu tố và kỹ thuật cấu thành nên một thiết kế hoàn chỉnh, chẳng hạn như chất liệu vải độc quyền, có thể được cấp Bằng Sáng Chế (Patent); Tên công ty, slogan và logo có thể đăng ký Trademark. Những điều này để đảm bảo không có bất kỳ ai khác ngoài thương hiệu sở hữu Patent hay Trademark được phép sử dụng.
Bên cạnh đó, một thương hiệu cũng có thể đăng ký Trade Dress cho những thiết kế quan trọng của mình, nhưng cần chứng minh được tính độc bản và mức độ nhận diện của thiết kế đó, sao cho người tiêu dùng bình thường cũng có thể liên kết sản phẩm với thương hiệu.
Một ví dụ điển hình như dòng túi xách Hermès Birkin, chiếc túi xách mang tính biểu tượng được tạo ra cho Jane Birkin vào năm 1984, sở hữu doanh số bán hàng khổng lồ, và được đầu tư chi phí khủng để quảng cáo phủ sóng trên các phương tiện truyền thông. Từ lâu, phom dáng của những chiếc túi Hermès Birkin đã được nhận biết như một Trademark nổi tiếng. Ngay cả dây đeo, chốt xoay, ổ khoá cũng có tính biểu tượng riêng và là đối tượng được bảo hộ tại Mỹ (cũng như có đăng ký bảo hộ ở các thị trường lớn khác).
Hình dáng 3D (hay silhouette) của túi Birkin đã đăng ký Trademark và Trade Dress tại United States Patent & Trademark Office (USPTO), số hiệu 3936105, năm 2011. Mỗi phiên bản Hermès Birkin được làm thủ công từ các loại da tốt nhất và bởi các nghệ nhân có tay nghề cao nhất, giá khởi điểm khoảng 6.000 USD và ngang với giá của một chiếc xe thể thao được chế tạo tinh xảo.
Mặc dù các phiên bản được sản xuất bằng nhiều loại da và kết cấu có sự khác nhau, nhưng Trade Dress của túi Birkin được xác định bởi: “(a) thiết kế nắp ba vạt đặc biệt với các rãnh hình lỗ khoá vừa vặn với phần đế của quai túi, (b) mặt bên hình tam giác lõm, (c) một bộ dây đai bản nhỏ được thiết kế vừa vặn để luồn qua các chi tiết khuy/khoen của thân túi, nắp túi và nẹp kim loại ở hai đầu dây chập vào chốt xoay, (d) một ổ khoá để cài vào chốt xoay, và cuối cùng, (e) một túi nhỏ dáng chuông chứa chìa khóa được treo vào một quai túi".
Đăng ký bảo hộ SHTT trong lĩnh vực thiết kế thời trang thực sự là một hành trình khó khăn và tốn kém. Nhưng cái giá đó sẽ được bảo vệ trong những trường hợp tối quan trọng.
Đó là khi Hermès kiện những công ty làm nhái túi Birkin vi phạm Trademark và Trade Dress. Ngày 17.12.2020, Tòa Án Tối Cao Sở Hữu Trí Tuệ Nhật Bản (The Japan IP High Court) đã tuyên bố mức bồi thường lên đến 2.000.000 JPY (khoảng 18.290 USD) cho những thiệt hại mà thương hiệu cao cấp này đã phải gánh chịu vì bị vi phạm Japan Trademark (số 5438059, đăng ký từ năm 2011, cho hình dáng 3D của túi Birkin), và cả những phí tổn liên quan khác trong quá trình tố tụng.
Hermès Birkin có thể là một dẫn chứng điển hình thuyết phục các nhà thời trang lớn cần nhận thức và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Tuy nhiên, đăng ký các biện pháp bảo vệ như Patent, Trademark hoặc Trade Dress là một quá trình không chỉ phức tạp về thủ tục mà còn là vấn đề tài chính quan trọng. Các thương hiệu nhỏ và mới nổi hầu như không có khả năng này. Ngay cả khi đạt được dãy số hiệu Trademark ở những thị trường có doanh thu lớn, chỉ các thương hiệu có một cơ quan pháp lý và năng lực kinh tế mạnh mẽ đứng sau mới chịu đựng được những cuộc chiến pháp lý tốn kém và kéo dài hàng năm trời.
Năm 2012, Gucci đã giành được khoản tiền bồi thường thiệt hại trị giá 4,7 triệu USD sau một hành trình theo đuổi vụ kiện kéo dài 3 năm, cáo buộc Guess đã sao chép logo và hoạ tiết có đăng ký Trademark của Gucci. Cuộc tranh chấp giữa hai “ông lớn" vẫn tiếp tục di chuyển qua các toà án Pháp, Ý, Trung Quốc và Úc cho đến tận tháng 04.2018, cuối cùng một khoản tiền không được tiết lộ đã thu xếp ổn thoả mâu thuẫn giữa hai thương hiệu.
Copyright, Patent, Trademark hay Trade Dress là cách để các thiết kế mang tính biểu tượng trong thời trang được bảo hộ hợp pháp, nhưng chúng không phải công cụ toàn năng để khẳng định tác quyền cho mọi ý tưởng sáng tạo, càng chưa bao giờ đóng vai trò thiết lập công bằng thương mại.
Trong trường hợp những chiếc t-shirt “Raising The Future" của nhà thiết kế Carrie A.Roberts và Old Navy năm 2018. Sau nhiều ngày hứng chịu vô vàn chỉ trích, Old Navy đã rút những mặt hàng tai tiếng ra khỏi trang web của mình. Carrie A.Roberts cũng nhận được phản hồi qua email. Tuy nhiên, đại diện công ty của Old Navy chỉ ra rằng Roberts đã không đăng ký Trademark cho các cụm từ “Raising the Future" và “The Future", hay Trademark cho font chữ hoặc graphic của những chiếc áo đó, và khẳng định cô không có quyền hợp pháp đối với chúng. Và dù “ẩn" khỏi thế giới trực tuyến nhưng những chiếc áo vẫn tiếp tục được bán trong chuỗi cửa hàng của Old Navy.
Chiến thắng duy nhất mà Roberts và cộng đồng mạng có thể ghi nhận, chính là trong phản hồi của Old Navy có đề cập rằng thương hiệu sẽ không tái sản xuất hai mẫu áo này.
Roberts chỉ là một đơn cử, cô không phải là nhà thiết kế duy nhất hay cuối cùng gặp phải tình cảnh này. Những thương hiệu lớn “mượn" ý tưởng của các thương hiệu nhỏ hơn, các thương hiệu lớn cũng “hưởng ứng xu hướng" từ các nhà mốt cao cấp hơn, việc nhân bản thời trang xuyên quốc gia vẫn diễn ra và không có biên giới châu lục hay phạm vi văn hoá.
Mặt khác, không phải vụ kiện nào cũng được coi là một cuộc chiến pháp lý chống đạo nhái, bài trừ hàng giả. Dù được viết ở một quốc gia phát triển như thế nào, bộ luật SHTT cũng có cơ sở và phạm vi nhất định của mình. Một ví dụ điển hình như Levi's từng khởi kiện Kenzo sau khi nhà mốt này tung ra mẫu quần jeans có một tag nhỏ hình chữ nhật ở túi sau. Levi's cho rằng thương hiệu đã đăng ký Trademark với chi tiết này, nhưng tag của Kenzo có màu trắng trong khi Levi’s được nhận diện bởi tag màu đỏ.
Tương tự, thương hiệu giày dép cao cấp Aquazzura của Ý cũng từng đưa đơn kiện thương hiệu Marc Fisher của “đệ nhất tiểu thư” Ivanka Trump, vì đã sao chép mẫu sandal Wild Thing đã đăng ký Trademark của Aquazzura. Tuy nhiên, CFO của Marc Fisher cho biết mẫu sandal này là "một phong cách thời trang thịnh hành không được bảo vệ theo luật SHTT". Ông cũng chỉ ra rằng những mẫu giày khác của Aquazzura giống với giày của một số thương hiệu khác.
Nỗ lực làm-một-cái-gì-đó để thay đổi không phải chưa từng xảy ra. Quay trở lại năm 2012, Đạo Luật Bảo Vệ Thiết Kế Sáng Tạo - IDPA (The Innovative Design Protection Act) - một dự luật do Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer và CFDA ủng hộ - đã được viết ra để bảo vệ các thương hiệu khỏi những vấn nạn hàng nhái.
Dự luật này ban đầu được gọi là Đạo Luật Cấm Vi Phạm Bản Quyền Thiết Kế (Design Piracy Prohibition Act) nhưng ngay cả nhà thiết kế Diane Von Furstenberg - Chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế Mỹ CFDA (2006 - 2019), người được Forbes vinh danh là người phụ nữ quyền lực nhất trong lĩnh vực thời trang vào năm 2012 - cũng không thể đủ sức tác động để khiến Quốc Hội xem xét dự luật.
Soạn thảo lần đầu tiên vào năm 2007, mục tiêu của dự luật là cung cấp cho các nhà thiết kế khoảng thời gian ba năm để các thiết kế có thể được bảo vệ, miễn là chúng phải trải qua một quá trình nghiêm ngặt để chứng minh chúng là "mới lạ" và chưa từng tồn tại trước đây. Dự luật không bao giờ được đưa ra biểu quyết, và các nỗ lực cải cách lặng lẽ dừng lại.
Các chuyên gia thời trang có thể nghĩ rằng đây là bằng chứng cho thấy chính phủ không bảo vệ lợi ích chính đáng của các nhà thiết kế. Tuy nhiên, bàn cân đưa ra trước Quốc Hội còn là một bài toán kinh tế phức tạp đến từ một ngành công nghiệp “phái sinh" trị giá hàng trăm tỷ đô la.
Theo Ariele Elia, điều phối viên dự án tại Fashion Institute of Technology New York, chia sẻ với Racked.com vào năm 2014 rằng: "Quốc Hội coi ngành công nghiệp thời trang là phù phiếm, một lĩnh vực không cần được bảo vệ. Họ không thấy sự phân tán, rằng việc sao chép làm tổn hại ngành công nghiệp và gây khó khăn cho các nhà thiết kế nổi lên".
Các thương hiệu mới nổi có nên đăng ký các hình thức SHTT?
Trong bài viết "Các doanh nghiệp thời trang nhỏ có thể bảo vệ quyền SHTT như thế nào?", tác giả Nan Shen (ứng viên Tiến Sĩ Luật Khoa của trường Đại Học Luật Saint Louis, 2021) đăng trên Vlaa.org [*3], nêu rằng: “Dữ liệu được tổng hợp trong Fashion and Apparel Industry Report phác thảo doanh thu dự kiến trên toàn thế giới của ngành này sẽ tăng từ 481,2 tỷ USD vào năm 2018 lên 712,9 tỷ USD vào năm 2022”.
Theo Nan Shen, các nhà thiết kế phải chống lại hai kẻ thù đặc biệt - hàng giả (counterfeits) và hàng nhái (knockoffs). Trong khi, “nền kinh tế ngầm của hàng giả đã lan rộng trên toàn cầu, trở thành một ngành công nghiệp trị giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2018".
Do đó, các thương hiệu cao cấp đầu tư bảo vệ tài sản trí tuệ của họ không chỉ vì doanh số, tính sáng tạo hay biểu tượng, mà còn nhằm tạo ra một tấm chắn tự bảo vệ mình trong một thế giới luôn thay đổi. Trong khi, các thương hiệu thời trang mới nổi ít chú ý đến việc bảo vệ quyền SHTT, phần vì năng lực tài chính khiêm tốn, mặt khác các thương hiệu này không nhận biết và xác định được giá trị cụ thể mà họ nên đầu tư bảo vệ là gì.
Thực tế, luật SHTT không thể bảo vệ toàn diện và tất cả các mặt hàng thời trang thiết kế, ngay cả khi thiết kế đó sinh ra từ một quá trình lao động sáng tạo miệt mài.
Đề cập trên phạm vi luật của Mỹ, luật sư Nan Shen nhận định:
"Theo khuôn khổ pháp lý hiện tại, các thiết kế quần áo không dễ dàng được bảo vệ theo luật về Trademark, Patent, hay Copyright vì một mặt hàng quần áo chủ yếu được coi là một món đồ thực dụng và không thể được bảo vệ toàn bộ.
Trade Dress là một phần của luật Trademark và có thể được vận dụng để bảo vệ đặc tính thiết kế của sản phẩm dựa trên bằng chứng về "ý nghĩa thứ cấp", tức theo cách chủ yếu mà người tiêu dùng liên kết thiết kế đó với một thương hiệu. Tuy nhiên, điều này có một rào cản quá lớn về bằng chứng, đặc biệt là khi các phong cách thường đến và đi”.
Thêm nữa, không phải tất cả các tác phẩm sáng tạo đều có thể đăng ký bảo hộ theo luật SHTT hay các quy định pháp lý liên quan. Dù là một tập đoàn lớn, một nhà mốt danh giá hay một startup với kế hoạch kinh doanh bài bản, đều cần xem xét nghiêm túc các khả năng và sự cần thiết của việc đăng ký quyền bảo hộ cho thương hiệu hoặc sản phẩm, dịch vụ.
Từng quy trình đăng ký Trademark, Trade Dress, Copyright và Patent đều tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, không dễ dàng đối với các thương hiệu độc lập quy mô nhỏ, hay thậm chí một công ty lớn nếu thiếu sự tư vấn, trợ giúp pháp lý chặt chẽ từ một đại diện pháp luật.
Theo Nan Shen, “ngoài phí luật sư cho hàng tá hồ sơ, một đơn xin cấp Patent tại United States Patent & Trademark Office yêu cầu $480 đối với một tổ chức nhỏ, và $960 từ một tổ chức có quy mô lớn".
Việc đăng ký các hình thức bảo hộ SHTT sẽ tùy thuộc theo từng quốc gia. Tại Việt Nam, luật SHTT 2005 (sửa đổi 2009) không bao gồm điều khoản cụ thể nào đối với lĩnh vực thời trang, dù là về bảo hộ Trade Dress hay chế tài Passing Off (cạnh tranh không lành mạnh). Nhưng theo nội dung trên webiste của công ty luật SHTT Phạm & Liên Doanh (trụ sở tại Hà Nội): “xét về bản chất pháp lý, luật pháp của Việt Nam cũng có các quy định điều chỉnh các đối tượng đó”.
Đạo Luật Nhãn Hiệu Lanham (Lanham Trademark Act) - luật thương hiệu chính thức của liên bang Mỹ (1946), quy định Trade Dress có thể được bảo hộ bằng cách đăng ký tương tự như Trademark hoặc theo luật Án Lệ (Common law).
Tại Anh, Trade Dress được bảo hộ thông qua luật Passing Off. Luật Passing Off cũng được viện dẫn trong trường hợp một doanh nghiệp tự ý sử dụng hình ảnh hay thông tin của người nổi tiếng trên hàng hoá, dịch vụ của mình. Và ở nhiều quốc gia khác, Trade Dress có thể được bảo hộ bằng việc đăng ký tương tự như Trademark.
Theo công ty luật SHTT Phạm & Liên Doanh, Trade Dress có thể được bảo hộ ở Việt Nam tương ứng theo luật SHTT, chẳng hạn bảo hộ như một nhãn hiệu, bảo hộ như một kiểu dáng công nghiệp hoặc bảo hộ theo quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh (đối với các ngành kinh doanh nói chung)
Cổ vũ hay ngăn chặn một ngành thời trang sao chép?
Mỗi khi xuất hiện nghi vấn về việc đạo nhái, cộng đồng người tiêu dùng lại dậy sóng, đầy bất bình và phẫn nộ khi ai đó bị chiếm đoạt giá trị lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng coi việc sao chép là một vấn đề nghiêm trọng.
Khi mà thời trang đóng góp hàng trăm tỷ USD cho GDP của Mỹ, và nhìn vào cách mà thời trang nhanh vươn lên thành một ngành công nghiệp bất chấp dư luận. Nếu lập luận rằng luật SHTT sẽ kìm hãm sự phát triển đó, thì có phải các nhà lập pháp nên hết sức thận trọng hay không?
Theo như luật sư Brittany Rawlings (người có văn phòng ở New York, Washington, D.C. và Florida chuyên về luật thời trang) chia sẻ với Racked.com trong một bài báo (01.2015) rằng: “những đóng góp của thời trang nhanh cho nền kinh tế Mỹ đã khiến Quốc Hội do dự trong việc bảo vệ ngành thiết kế thời trang”.
Từ tầm nhìn của mình, các nhà lãnh đạo quốc gia có thể không tin rằng việc sao chép gây tổn hại đến sự phát triển trên toàn ngành hay ngăn trở các nhà thiết kế sáng tạo. Thêm nữa, tình trạng “bắt nạt" vẫn phổ biến giữa các thương hiệu. Các công ty lớn ưa “lấy thịt đè người" có thể sử dụng các vụ kiện tụng tốn kém chi phí để bóp chết các doanh nghiệp nhỏ hơn đang tiến vào thị trường. Các nhà lập pháp có cơ sở để lo ngại sự ra đời của Đạo Luật Bảo Vệ Thiết Kế Sáng Tạo - IDPA nói trên sẽ khiến các nhà thiết kế mới nổi bị “xét xử" nhiều hơn.
Có thể, luật thời trang luôn/hoặc đã từng là một mối quan tâm lớn trong ngành, kể từ năm 1977, khi UCLA Law Review (Cơ Quan Đánh Giá Luật của UCLA) đề cập rằng “một trong những hạng mục quan trọng và cấp bách của hoạt động kinh doanh đang hình thành". Nhưng đến nay, các luật sư vẫn đang tiếp tục lặn ngụp “một cách sáng tạo” qua các luận điểm phức tạp liên quan đến luật SHTT của nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết các trường hợp khiếu nại cụ thể.
“Trong thời trang không có chuyện hối tiếc hay nhìn về quá khứ. Thời trang luôn phải tiến về phía trước” - Anna Wintour
Không giống các biện pháp bảo vệ nghệ thuật, như trong âm nhạc, hội hoạ hay văn học, thời trang không được đề cập đến như một nội dung chuyên biệt trong luật SHTT. Các luật sư đã phải ngầm gộp các trường hợp thời trang vào các luật liên quan đến giải trí hoặc âm nhạc, và căn cứ vào số ít các án lệ trước đó để đưa ra lập luận. Nhiều người không hề nhận định thời trang như một loại tài sản trí tuệ, mà là một ngành giải trí phù phiếm, ngược lại, một số khác tin rằng việc nâng cao nhận thức và giáo dục về luật thời trang là một lợi ích cấp thiết cho ngành kinh tế này.
Luật sư Brittany Rawlings đã từng làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ như một nguồn lực hợp pháp cho các thương hiệu. Cô cũng giám sát uỷ ban luật thời trang của Hiệp Hội Luật Sư Bang Florida (thành lập năm 2011). Khi Rawlings gia nhập một công ty luật giải trí ở Florida, cô ấy đã tập trung vào ngành luật thời trang, điều này đôi khi khiến cô nhận lấy những lời châm chọc bởi các giáo sư ngành luật. Nhưng cách đây hơn 5 năm, cô đã thành lập công ty của riêng mình như một trong những văn phòng luật đầu tiên tập trung vào luật thời trang.
Học giả pháp lý người Mỹ Susan Scafidi cũng là một trong những luật sư tiên phong định hình luật thời trang. Năm 2010, cô thành lập Học Viện Luật Thời Trang (thuộc đại học Fordham) như một trung tâm học thuật đầu tiên trên thế giới giảng dạy chuyên ngành này.
Với tư cách là giám đốc của học viện, Scafidi đã xây dựng chương trình giảng dạy dựa trên 4 nội dung chính: SHTT; kinh doanh và tài chính; thương mại quốc tế và các quy định của chính phủ; cuối cùng là văn hoá tiêu dùng và quyền công dân. Các sinh viên của Susan Scafidi sẽ tìm hiểu toàn bộ các quy định về hải quan và an toàn sản phẩm, đạo đức sản xuất và quyền của người mẫu. Ý tưởng giảng dạy luật thời trang của Scafidi sau đó đã trở thành tiền đề thúc đẩy các trường luật khác làm theo.
Đối lập với những người như Brittany Rawlings hay Susan Scafidi. Kal Raustiala và Christopher Sprigman, các tác giả của cuốn sách “Nền Kinh Tế Đạo Nhái: Bắt Chước Khơi Nguồn Sự Đổi Mới Như Thế Nào” (The Knockoff Economy: How Imitation Sparks Innovation) đã tiếp cận một học thuyết mà họ gọi là "nghịch lý vi phạm bản quyền" (piracy paradox).
Theo đó, “The Knockoff Economy” đặt câu hỏi liệu Copyright hay Patent có luôn cần thiết không, và lập luận rằng việc sao chép thực sự giúp ngành công nghiệp thời trang đổi mới. Chẳng hạn như “quyền tự do bắt chước những thiết kế tuyệt vời chỉ làm cho chu kỳ thời trang chạy nhanh hơn - và buộc ngành công nghiệp này phải sáng tạo hơn nữa".
Chia sẻ với Racked.com trong một bài báo năm 2016, tác giả Raustiala nói: "Có vẻ như đây là một ngành công nghiệp hoạt động rất tốt mà không cần bảo vệ bản quyền, và trên thực tế, chúng tôi nghĩ rằng nó hoạt động tốt vì không có bảo vệ bản quyền".
Cô cũng nhận định thêm rằng, “bản quyền có ý nghĩa đằng sau nó, và mục đích là bảo vệ người sáng tạo để họ tiếp tục sáng tạo. Khi chúng tôi nhìn vào thời trang, chúng tôi thấy một ngành công nghiệp rất, rất sáng tạo và đưa ra hàng tấn ý tưởng mới mỗi mùa, và cứ thế làm điều đó liên tục trong nhiều thập niên”.
Các tác giả cũng lập luận rằng nếu mọi thiết kế trang phục hoặc giày dép đột nhiên được bảo hộ quyền SHTT, các thương hiệu lớn với ngân sách pháp lý lớn sẽ đăng ký bản quyền thiết kế càng nhiều càng tốt và liên tục nộp đơn kiện, có thể tạo ra một môi trường thù địch buộc các nhà thiết kế nhỏ hơn không thể tham gia vào ngành công nghiệp.
Netizen không phải quan toà
Khi một thiết kế nổi tiếng hoặc có thể sẽ được yêu thích xuất hiện trên social media, cỗ máy thời trang nhanh vốn đã được khởi động sẵn sẽ lập tức vận hành với công sức tối đa. Việc còn lại chỉ là vấn đề thời gian và có bao nhiêu bản sao được tạo ra càng chứng tỏ cho sự “thành công" của thiết kế đó. Đôi khi, những kẻ sao chép khi bị tố cáo sẽ đáp trả đại loại kiểu “đừng ích kỷ như thế" hoặc “không ai quan tâm đâu".
Trong giai đoạn tiền kỹ thuật số, tốc độ nhân bản thời trang diễn ra chậm hơn và tương đối hạn chế do rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như chỉ có thể xem tác phẩm gốc qua video hoặc ảnh chụp trên tạp chí với độ phân giải thấp. Ngày nay, các thương hiệu thời trang nhanh coi Instagram là một trong những công cụ đề xuất ý tưởng tốt nhất, hay Pinterest là moodboard và Tik Tok là kênh trend forecasting hữu dụng nhất. Tốc độ sản xuất những “ý tưởng tương đồng" diễn ra nhanh đến mức nào không còn phụ thuộc vào kỳ xuất bản của tạp chí thời trang, hay khoảng cách địa lý, mà là tốc độ internet và mật độ load social media.
Nếu ai đó sao chép bạn, bạn đã thắng! - Đừng nổi điên, hãy nâng trình của bạn lên! - Khuyết danh
Social media đầy rủi ro, nhưng cũng là nơi cứu rỗi. Không cần đến sự bảo hộ của luật SHTT, các nhà thiết kế có thể đưa ra bằng chứng trực quan, minh bạch để nhận được “sự bảo hộ" mạnh mẽ của cộng đồng mạng.
Như trong trường hợp của Carrie A.Roberts và Old Navy, gã khổng lồ thuộc sở hữu của Gap hẳn sẽ không ngừng sản xuất áo phông nhái nếu cộng đồng mạng không có hành động. Liệu Dapper Dan có nhận được cú bắt tay công khai với Gucci nếu đám đông trực tuyến không cảm thấy bất bình khi một thương hiệu cao cấp sao chép thiết kế của anh ấy.
Social media đã trở thành một cầu nối mạnh mẽ giúp các phong trào tạo ra làn sóng thay đổi toàn cầu, từ #BlackLivesMatter đến #MeToo, và chưa bao giờ ngừng lên tiếng trước các sự kiện nghi ngờ “cướp đoạt" giá trị lao động sáng tạo, dù là thuần sáng tạo nghệ thuật hay trong lĩnh vực thời trang phù hoa hào nhoáng. Social Media đã trao quyền cho mọi người, khi tiếng nói chung cất lên sẽ buộc những “kẻ khổng lồ” phải cúi xuống lắng nghe. Một thương hiệu không thể bỏ qua hàng nghìn bình luận giận dữ nếu họ muốn bảo vệ hình tượng trước công chúng - hoặc doanh số bán hàng của mình.
Vậy, nếu hỏi: Ai mới có đủ quyền và lực để ngăn chặn vấn nạn đạo nhái ý tưởng trong thời trang và các lĩnh vực sáng tạo khác nói chung? Trước tiên, cần tự vấn: Bạn - chúng ta - người tiêu dùng thời trang - người cảm thụ sự sáng tạo, sẽ ủng hộ hay lên án, thỏa hiệp hay đặt ngoài mối quan tâm? Có lẽ, mỗi người, chỉ cần tập trung vào điều ta muốn, loại giá trị mà ta nghĩ nó nên tồn tại, sẽ tìm thấy câu trả lời phù hợp.
Chú thích
[*1] Hiệp Định Hague thông qua lần đầu tiên năm 1925. Geneva Act đưa ra dự luật từ năm 1999 và chính thức có hiệu lực từ tháng 12.2003.
[*2] Douglas Hand, một luật sư thời trang nổi tiếng ở Mỹ, trợ giúp pháp lý cho nhiều thương hiệu như Rag & Bone, Philip Lim, Anna Sui... Mr. Hand còn là giáo sư trợ giảng về luật thời trang, thành viên của Uỷ Ban Cố Vấn Kinh Doanh của Hội Đồng Nhà Thiết Kế Thời Trang Mỹ (CFDA), đồng sáng lập công ty tư vấn doanh nghiệp Hand Baldachin Associates LLP và cố vấn cho một số Hội Đồng, Quỹ Thời Trang khác. Ông đã được giới thiệu trên nhiều phương tiện truyền thông và ấn phẩm bao gồm New York Times, The Wall Street Journal, The Business of Fashion…như một biểu tượng của kiểu người phấn đấu ở New York, một luật sư yêu thời trang và hết lòng phụng sự cho ngành công nghiệp quyến rũ này của nước Mỹ.
[*3] Vlaa.org: một tổ chức Luật sư và Kế toán Tình nguyện cho nghệ thuật đến từ St.Louis (St. Louis Volunteer Lawyers and Accountants for the Arts - VLAA), đồng sáng lập vào năm 1982 bởi Trường Luật Đại Học Saint Louis và Ủy Ban Nghệ Thuật & Nhân Văn của thành phố (nay là Ủy Ban Nghệ Thuật Khu Vực).
Nguồn:
Taftlawpr.pdf, Noip.gov., Wipo.int, Vox.com, Racked.com, Marks-iplaw.jp, Iptrademarkattorney.com, Refinery29.com, Hypebae.com, Vlaa.org
Thực hiện: Xu