#TheArtOfCopying: Kế thừa và giới hạn của sao chép
Thời trang gọi tên 2 ý niệm quan trọng nhất, là “style” (phong cách) và “trend” (xu hướng). Phong cách không phục vụ xu hướng và xu hướng thì hoàn toàn có thể không tuân theo một phong cách nào. Nói như vậy, “trend” là động, “style” là tĩnh, “style” cố thủ ở trong một trường phái, một tôn chỉ sáng tác, còn “trend” thì biến động không ngừng để làm mới vật chủ, nhưng dù là “trend” hay “style” thì cũng cần có ngọn nguồn để sáng tạo. Thực tế cho thấy hội họa, âm nhạc, kiến trúc, là những tiền đề tất yếu được chọn để thời trang dựa vào và xoay vòng.
Bản thân quần áo không thể phát ra thanh âm hay nhạc điệu, nhưng nó có thể tái hiện được tinh thần của một dòng nhạc và góp phần kiến tạo nên những biểu tượng. Vivienne Westwood đã chứng minh điều đó từ những năm đầu thập niên 70 khi tên tuổi của bà gắn liền với nhóm nhạc Sex Pistols.
Mang dáng vẻ nổi loạn với mái tóc xù, lay-out trang điểm lòe loẹt, chế giễu và khiêu khích, Vivienne mang âm hưởng của Punk tới thời trang với những chiếc áo phông rách, nơi trưng bày văn hóa Anh ngổn ngang dưới dạng cắt dán lộn xộn, hoặc chữ Vạn, slogan hay những biểu ngữ hàm ý thách thức cuộc cách mạng văn hóa và xã hội đang diễn ra. Âm nhạc Punk là chất xúc tác đầu tiên với tư tưởng của nhà thiết kế không tuổi này và dần dà trở thành một tinh thần duy nhất mà Vivienne Westwood theo đuổi cả đời: Tinh thần cách mạng trong thời trang.
Các phong trào nghệ thuật hiện đại ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật tạo hình, từ đó gián tiếp được thời trang đón nhận thông qua ngành nghệ thuật có sức biểu đạt thị giác lớn nhất bấy giờ đó là hội họa. Các nhà thiết kế, giám đốc sáng tạo chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi các trào lưu, trường phái thông qua khả năng truyền tải của hội họa.
Jemery Scott đã làm thế ở Moschino, nổi bật nhất với Pop-art và Kitsch. Cũng như Andy Warhol, Scott thúc đẩy việc lât đổ các biểu tượng của văn hóa tiêu dùng, điều mà không phải bất cứ ai trong ngành này cũng cảm thấy hài lòng. Và đó cũng là tuyên ngôn khi anh trình làng Moschino Thu Đông 2014- một cách tiếp cận hoàn toàn dễ hiểu và gần gũi thậm chí tới mức cực đoan vì thời trang trước giờ vốn chỉ dành cho giới thượng lưu. Những sắc màu Pop Art tương phản tới mức ngộp thở! Jeremy Scott vay mượn một “silhouette” vượt thời gian của Chanel nhưng với một tinh thần hoàn toàn khác, màu đỏ của tương cà đi với cổ áo, nẹp và đường viền vàng tươi, gợi nhớ tới những bữa sáng McDonald cho mọi nhà.
Rõ ràng, thông qua Pop Art và tư tưởng kiểu Warhol, Jeremy Scott mở ra một chương mới cho Moschino: giao tiếp thời trang với toàn cầu. Ở một khía cạnh khác, ông tiếp nối tư tưởng của chủ nghĩa Kitsch (tạm hiểu là một khuynh hướng sáng tác đề cao sự SẾN và LỐ) áp dụng cho một nhà mốt thời trang có tính ứng dụng như Moschino. Kitsch cho phép mọi bất đồng có thể xảy ra trong tác phẩm từ hòa sắc, chất liệu đến hình thức, nó hướng tới những yếu tố nội thất cổ xưa với những chi tiết mạ vàng thời Victoria hoặc mô phỏng tất cả những gì có thể mô phỏng được.
Cả Vivienne Westwood và Jeremy Scott đều thừa hưởng những thẩm mỹ quan trọng của văn hóa nghệ thuật. Thời trang vì thế mà có sự kế thừa từ những vàng son của quá khứ, của những đỉnh cao, ban đầu chỉ là phát khởi, giao thoa, rồi âm thầm tồn tại cho tới tận ngày hôm nay. Trên thực tế không chỉ có hội họa và âm nhạc góp phần làm cho thời trang thăng hoa, bởi tiếp nối một hệ tư tưởng nghệ thuật trong quá khứ cũng là một sự kế thừa đáng kể.
Tiêu biểu nhất là Avant Garde- tồn tại dưới vỏ bọc là một phân nhánh của chủ nghĩa Dada. “Dadaism” là một phong trào nghệ thuật nổi loạn xuất hiện trong Thế chiến thứ nhất và thịnh vượng chưa được mười năm thì suy tàn. Nhưng nó là giao thoa cần có để hậu hiện đại ra đời và đạt đỉnh, manh nha của nó âm ỉ chảy tới tận những năm 70 và được gọi với một cái tên được ưa chuộng hơn: Avant Garde.
Trong thời trang, nó gắn với những thiên tài lỗi lạc Alexander McQueen, Martin Margiela, John Galliano, Vivienne Westwood, Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto, và Rick Owens sau này. Họ tới, thiết lập lại thẩm mỹ và giải phóng tư duy ra khỏi phạm trù của cái đẹp kiểu hàn lâm, cổ điển, họ giải mã những cấu trúc đã có để đưa ra những kết cấu mới, cường điệu hơn, siêu thực hơn và gây tranh cãi nhiều hơn.
Thời trang không thể mất đi tính kế thừa, bởi mỗi một đế chế đều có một ngôn ngữ, mất ngôn ngữ thì đường biên giới lu mờ. Khi đi sâu vào tinh thần của từng nhà mốt trứ danh, tính chất đó càng bộc lộ sâu sắc và đậm đặc. Coco Chanel và Karl Lagerfeld mất hàng trăm năm để tạo dựng biểu tượng của sự thanh lịch trên đất Pháp, và điều đó hiển nhiên trở thành áp lực vô hình trên vai người kế nhiệm, một mặt phải tôn trọng di sản, mặt khác phải làm mới môt tinh thần và có lẽ Virgine Viard đang làm tốt.
Tuy nhiên, công việc đó không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi, Sarah Burton có vẻ như thiệt thòi ở Alexander McQueen, khi vừa phải cân bằng giữa couture (thứ làm nên tên tuổi của nhà sáng lập huyền thoại), vừa phải có tính ứng dụng mà vẫn không được đánh giá cao, trong trường hợp này, kế thừa không thôi chưa đủ, để kinh doanh tốt, người làm sáng tạo nên tiệm cận hơn với văn hóa của giới trẻ.
Văn hóa giới trẻ, văn hóa Instagram là sự tốc biến thần kì của xu hướng, nơi mà Louis Vuitton, Gucci, Balenciaga có thể chiều lòng tất cả các quý cô cậu trung thành với “high fashion”. Điều đó sẽ tốt cho nhãn hàng nhưng đôi khi sinh ra những hệ lụy, thường thấy nhất là “sao chép”
Kể từ khi được bổ nhiệm từ 2018, Virgil Abloh – giám đốc sáng tạo menswear nhà Louis Vuitton đã 2 lần bị nghi án sao chép thiết kế và cả 2 lần đều không có những giải thích xác đáng. Tại CFDA Fashion Awards 2019, Gigi Hadid mặc một thiết kế menswear của LV và ngay lập tức lọt vào tầm ngắm của Peter Do cùng cộng sự của anh vì tổng thể trang phục gần giống hệt với “signature” mà Perter hết lòng xây dựng ở thương hiệu cùng tên, Abloh chặn đứng các tài khoản đã tố cáo mình và không có động thái diễn giải nào khác.
Chưa dừng lại, đỉnh điểm là ở SS21 Menswear của Louis Vuitton diễn ra ở Thượng Hải, Walter Van Beirendonck cáo buộc Virgil Abloh sao chép các thiết kế của mình trong một bộ sưu tập năm 2016, xung đột này được châm ngòi bởi người ngồi hàng ghế đầu show diễn là Tian Wei Zhang, biên tập viên tờ WWD khi anh cho rằng các thiết kế trên đường băng làm liên tưởng với thời trang của nhà thiết kế người Bỉ.
Đúng sai chưa rõ, nhưng ai-là-ai thì đã khá rõ ràng.
Walter Van Beirendonck – một ông già 64 tuổi- đứng đầu khoa thời trang của Học viện mỹ thuật hoàng gia Antwerp, thành viên trụ cột của nhóm Antwerp Six (+1) lẫy lừng. Walter dành 3 thập niên để xây dựng danh tiếng về sự độc đáo với những biểu tượng gắn liền, những thiết kế ngợp màu sắc, họa tiết vui nhộn, tạo hình ấn tượng và có tính cá nhân cao.
Trước Virgil, Walter đã kiên trì xây dựng cho mình một ngôn ngữ riêng và các sáng tạo của ông luôn có sự liên kết chặt chẽ từ các yếu tố mỹ thuật cho tới kiến trúc tạo hình. Bởi vậy sáng tác của Walter có sự đồng nhất, có tiếng nói riêng không thể trộn lẫn. Trước cáo buộc, giám đốc Menswear Louis Vuitton giải trình rằng anh kiếm tìm cảm hứng từ ADN của nhà mốt, trong một show diễn năm 2005 bởi tay của Marc Jacobs, tất cả những gì anh thu lượm được đều phục vụ cho mục đích tham khảo.\
Tham khảo, thậm chí sao chép, là những hoạt động không thể thiếu của những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật, trước khi nó biến tướng thành những hệ quả xấu thì những hoạt động này phổ biến trong mọi ngành nghề nghệ thuật. Ví dụ, tất cả những danh họa đỉnh cao nhất từ thời Phục Hưng cho tới cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, đều trải qua quá trình rèn luyện bằng cách copy các kiệt tác của tiền bối bậc thầy: Leonardo da Vinci copy Verrocchio, Picasso copy tranh và dessin cổ đại, cổ điển, tượng châu Phi, Van Gogh đã vẽ 520 copies,…(ý của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng) Như vậy để đạt tới vẻ hoàn thiện và hình thành bản ngã trong sáng tạo, thì sao chép là một hoàn động thường xuyên và có ích.
Với ngành công nghiệp thời trang thì hoạt động sao chép chỉ nên dừng lại ở giai đoạn phân tích, mổ xẻ để tìm hiểu kết cấu và hoàn thiện những kĩ thuật bắt buộc trong may mặc, hoạt động này nên dừng lại đằng sau cánh cửa atelier và không nhằm mục đích thương mại. Về mỹ thuật, cũng như điểm chung của hầu hết các nhà mốt lớn, việc kế thừa một thành tựu văn hóa, một triết học nghệ thuật, một trường phái âm nhạc, hội họa, hay gần nhất là tinh thần của một nhà mốt là những yếu tố góp phần bồi dưỡng tư duy sáng tạo, bên cạnh đó, việc nắm bắt được văn hóa của giới trẻ cũng quyết định yếu tố sống còn của mỗi thương hiệu.
Bài: Đinh Ma Tám
Bài viết thuộc ấn phẩm L'OFFICIEL Vietnam tháng 5/2021 - The Imitation Game Issue