L’Dictionary: [Bootleg] – Vay mượn ý tưởng
Tuy nhiên, hàng giả tồn tại dưới cái bóng của hàng thật và được rao bán trên thị trường với tư cách như một sản phẩm gốc. Còn bootleg, được khởi xướng bởi cộng đồng người da màu đặc biệt là các rappers tại Mỹ, trong giới thời trang, những sản phẩm này được coi như một dạng “biến cái của người khác thành của mình” và chúng không bao giờ được quảng bá là hàng chính hãng.
Bootleg không sao chép mà đúng hơn, chúng là sản phẩm của sự vay mượn ý tưởng mà đôi khi chính là mang logo của thương hiệu khác lên sản phẩm của bản thân một cách không hề che đậy. Nếu bạn đã từng thấy những chiếc áo phông với logo của công ty vận chuyển nổi tiếng DHL hay thuốc lá Malboro tràn lan trên thị trường, đây hoàn toàn không phải sản phẩm hợp tác của những công ty trên và thương hiệu thời trang mà chính là một sản phẩm bootleg. “Trông là nó nhưng không phải nó”, bootleg là tiếng nói chống lại sức mạnh và những ưu tiên vô lý mà chế độ tư sản dành cho tầng lớp thượng lưu Mỹ với những LV, Gucci cùng mức giá rất cao – vốn dĩ được coi là “địa bàn” của người da trắng.
Bootleg là một thuật ngữ của thời trang đường phố, bởi vậy, “luật chơi” của bootleg dĩ nhiên vô cùng phóng khoáng. Một ví dụ chính là dòng đồ thể thao của Tommy Hilfiger có ý tưởng bắt nguồn từ những sản phẩm bootleg. Ngay từ những năm 90, khi Tommy Hilfiger chưa có nhánh đồ dành cho dân thể thao, những sản phẩm bootleg với cái tên Tommy Sport và logo 3 sọc trắng xanh đỏ đã tràn lan trên thị trường. Sweater, hoodie và áo khoác Tommy Sport nổi bật tới mức thương hiệu gốc Tommy Hilfiger sau này đã tự làm ra nhánh thể thao của mình dựa trên những ý tưởng bootleg.
Nhắc tới bootleg, không thể không nhắc tới Dapper Dan, cha đẻ của hàng loạt những sản phẩm bootleg nổi tiếng nhất. Xuất thân từ con phố Harlem – “quê nhà” của rất nhiều rapper da màu đình đám trên thị trường âm nhạc Mỹ hiện nay, Dapper đã khiến những sản phẩm bootleg của ông được chú ý mạnh mẽ từ những năm 80 và chưa từng hạ nhiệt ở thời điểm hiện tại. Đã từng không được công nhận bởi số đông nhưng khi thị trường thay đổi, bootleg trở nên quá nổi tiếng song song với sự “xâm lấn” không ngừng nghỉ của streetwear vào thị phần thời trang cao cấp, năm 2017, cửa hàng của Gucci ở phố Harlem đã có sự nhúng tay của Dapper Dan trong những công đoạn thiết kế và tới 2018, giới mộ điệu chứng kiến màn hợp tác của hai cái tên này cho một bộ sưu tập thời trang chính thống.
Một cái tên hiện tại đã và đang nổi tiếng vô cùng với loạt sản phẩm bootleg không ai khác chính là Demna Gvasalia. Từ thời chưa rút khỏi thương hiệu tự thành lập Vetements cho tới Balenciaga, Demma đã bootleg những chiếc logo từ McDonal cho tới Champion. Jeremy Scott và Moschino cũng đã từng rất nổi tiếng với chiếc áo phông bootleg lấy cảm hứng từ nữ hoàng nhạc pop Madonna, thiết kế đã trực tiếp gây ảnh hưởng lên tiêu đề của album phòng thu thứ 14 của Madonna: MadameX.
Tuy nhiên, bootleg cũng là con dao 2 lưỡi và chắc chắn sẽ cắt đứt bất kì cá nhân hay thương hiệu nào quá lạm dụng những sản phẩm này mà quên đi việc “xây dựng” bộ DNA cá nhân của thương hiệu.
Nguồn tham khảo: i-D, Hypebeast, Trí Minh Lê