Documentary

“Trùng ý tưởng thiết kế" trong thời trang có hợp pháp?

Một chủ đề luôn được đưa ra bàn luận nhưng cần rất nhiều dấu ngoặc kép.

chess game person human

Như thế nào là “ăn cắp" ý tưởng thiết kế? Có phải nguồn cảm hứng sáng tạo trong thời trang quá khan hiếm nên các nhà thiết kế thường xuyên “ý tưởng lớn gặp nhau"? Làm thế nào để nhận biết ai đang “lấy cảm hứng" từ ai? Liệu có phải các thương hiệu nhỏ thường xuyên “bắt chước" phong cách của các nhà mốt lớn để “theo đuổi xu hướng"? 

Rốt cuộc: ở đâu, khi nào, và ai, mới có đủ quyền và lực để ngăn chặn nạn đạo nhái trong thời trang cũng như trong các lĩnh vực sáng tạo khác nói chung? 

...

Ngày nay, gần như ở bất cứ thị trường quốc gia nào, người tiêu dùng thời trang cũng có thể “theo đuổi" phong cách của các nhà mốt danh giá hàng đầu thế giới với chi phí “vừa túi tiền". 

Từ sàn catwalk Fashion Week của những “kinh đô thời trang” danh tiếng quốc tế. Từ “bộ máy thiết kế” của các thương hiệu thời trang nhanh cho đến quy trình sản xuất “tinh tuyển" của không ít local brand trong nước ta. Từ chuỗi nhà máy xuất khẩu đến các phân xưởng gia công quy mô hộ gia đình. Và từ flagship store đến các chợ buôn sỉ lẻ. “Thời trang nói chung” tương tự nhau về phong cách, kiểu dáng, màu sắc với thang giá rất đỗi đa dạng và dễ tiếp cận tất cả mọi người.

Thật là “có tính đại chúng” với vô vàn định nghĩa về thời trang.

"Thời trang được sinh ra từ những sự kiện, xu hướng xã hội hay thậm chí là chính trị, nhưng không bao giờ được tạo ra bằng những nếp gấp và đường viền nhỏ, đồ trang sức hay các món quần áo dễ sao chép, cũng không định nghĩa được qua những chiếc váy ngắn hay những chiếc váy dài" - Elsa Schiaparelli

Những cuộc tranh cãi và nghi vấn “đạo nhái" cứ như có thể xảy ra mỗi ngày ở khắp mọi nơi. Các cuộc kiện cáo vi phạm luật sở hữu trí tuệ (intellectual property, viết tắt SHTT hoặc IP) giữa những ông lớn trong ngành công nghiệp thời trang đôi khi sôi nổi đến mức bị nhầm tưởng như một chiến dịch marketing có tính chiến lược. Các khiếu nại về sao chép ý tưởng sáng tạo, hoặc âm thầm “dắt tay nhau” đến văn phòng luật sư, hoặc công khai lên án, tố cáo, trù dập và "đá xéo" nhau trên mạng xã hội. 

Đã vài thế kỷ trôi qua, vấn đề vi phạm bản quyền trong thời trang có thể nói là trầm trọng hơn rất nhiều, nhưng một “sự thoả hiệp" cùng với mức độ phức tạp cao khiến hàng rào pháp lý đối với vấn nạn này sẽ còn trì hoãn dài lâu. 

Những khối óc vẫn cật lực sáng tạo trong khi vẫn không ngừng “bị tước đoạt” ý tưởng. Một ngành công nghiệp xa xỉ đã đổ hàng đống tiền cho Trademark và Trade Dress để bảo vệ tính di sản của mình, nhưng cũng khó ngăn được một ngành công nghiệp khác tận dụng và khai thác mọi kẽ hở để thiết lập luật chơi mới. 

“Để không bị thay thế, bạn phải luôn khác biệt” - Coco Chanel

Tuy nhiên, ranh giới giữa sáng tạo, phát minh và sáng chế không được nhiều người nhận biết đầy đủ. Những ngộ nhận về quyền tác giả hoặc giá trị độc quyền của một kết quả sáng tạo thường tạo ra những cuộc tranh cãi vô nghĩa. Hoặc đôi khi chính những người trong cuộc đã “kế thừa" cùng một nguồn và thậm chí “chia sẻ cảm hứng” lẫn nhau trong những giai đoạn nào đó. 

Thực tế, không chỉ các thương hiệu nhỏ “học hỏi" những thương hiệu lớn, không chỉ các nhà thiết kế mới nổi “bị ảnh hưởng” bởi những nhà thiết kế danh tiếng lẫy lừng.

Thời trang nhanh hay máy photocopy?

Từ lâu, chúng ta đã biết đến mô hình kinh doanh xoay quanh việc sao chép các xu hướng và đưa chúng ra thị trường nhanh nhất có thể. Sao chép ý tưởng thời trang đã từng là một cuộc đua khốc liệt, và ngày nay có lẽ đã trở nên bình thường và “lành mạnh” như việc chạy bộ mỗi buổi sáng để giữ gìn sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. Ngành công nghiệp hàng nhái ngày càng trắng trợn và lập được “khế ước” với những người bên trong thế giới thời trang hào nhoáng.

Nền kinh tế ngầm của hàng giả đã lan rộng trên toàn cầu, trở thành một ngành công nghiệp trị giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2018” - Luật sư Nan Shen

Năm 2018, mạng xã hội và các nền tảng thương mại trực tuyến của Old Navy (thuộc sở hữu của tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Gap Inc) đã hứng chịu một cơn thịnh nộ của dư luận. Nguyên nhân là những người theo dõi Instagram của nhà thiết kế Carrie Anne Roberts (người sáng lập thương hiệu quần áo Mẹ & Bé ở Anh, Mère Soeur), đã phát hiện và cho rằng Old Navy đang bày bán trên thị trường toàn cầu một mẫu áo sao chép ý tưởng từ sản phẩm graphic tee của Mère Soeur. Hơn nữa, giá bán của Old Navy chỉ bằng một nửa so với sản phẩm của Mère Soeur.

clothing pants shorts sleeve blonde kid person female teen jeans
Hình ảnh Mẹ và con trong chiếc t-shirt “Raising The Future" và “The Future” của Mère Soeur do Carrie Anne Roberts thiết kế. Nguồn: Dillyandtheboo/wordpress

Old Navy đã tung ra những chiếc áo thun có dòng chữ “Raising the Future" giống hệt với mẫu graphic tee best-seller của Mère Soeur. Nhà thiết kế Carrie A.Roberts đã tạo ra mẫu áo có slogan “Raising the Future" để đi đôi với dòng chữ “The Future" trên mẫu graphic tee dành cho trẻ em của cô. Old Navy cũng sản xuất những chiếc áo trẻ em có graphic như thế, thậm chí “trùng ý tưởng" cả về font chữ. 

Năm 2017, khách hàng đã lên tiếng cáo buộc H&M sử dụng trái phép các thiết kế với font chữ gothic đặc trưng của nhà thiết kế người Nga Gosha Rubchinskiy lên t-shirt, áo hoodies và tất. H&M cũng bị cáo buộc tương tự trong trường hợp của thương hiệu đường phố cao cấp Vetements. 

Trong khi đó, Forever 21 được “khen" là có tài bắt chước mọi thứ, từ vỏ điện thoại do thương hiệu indie Valfré ở Los Angeles sản xuất, đến những chiếc áo phông tôn vinh nữ quyền của thương hiệu Word ở Los Angeles, từ thương hiệu đồ bơi nổi tiếng trên Instagram đến áo khoác của người lọt vào chung kết của CFDA/Vogue Fashion Fund Finalist.


Tôi đã nhờ luật sư của mình liên hệ với Zara, họ thực sự nói rằng tôi không có cơ sở vì tôi là một nghệ sỹ indie và họ là một tập đoàn lớn, thậm chí không có đủ người biết đến tôi để điều đó trở nên quan trọng” - Tuesday Bassen

Zara ắt có hẳn một danh sách để “nghiên cứu sáng tạo”, bóc tách các thương hiệu từ cao cấp đến tầm trung. Zara đã từng được đặt biệt danh là Zeline khi những người yêu thích thời trang bị nhầm lẫn lookbook của Zara với bộ sưu tập của Céline. Về sau, thương hiệu này cũng được gọi là Zalmain hay Zalenciaga. 

Năm 2017, Zara đã khiến đôi Triple S sneaker người-người-thèm-muốn trị giá $795 của Balenciaga trở nên “thân thiện" hơn với mức giá $35,9. Trước đó, năm 2016, nhà bán lẻ này bị tố sao chép các ghim cài (pins) từ hoạ sỹ minh hoạ Tuesday Bassen nổi tiếng trên Instagram, cũng như sao chép đôi giày của nhà thiết kế Aurora James của thương hiệu Brother Vellies. Cũng trong năm này, Zara đã nỗ lực biến tấu không ít đối với dòng áo thun Yeezy của nam rapper/nhà sản xuất/nhà thiết kế thời trang Kanye West, để đưa ra BST Streetwise tương thích hơn với DNA sẵn có và hợp thị hiếu với tệp khách hàng của Zara.

person human crowd
BST Yeezy Season 3 của Kanye West, và tinh thần Yeezy cũng được nhận ra trong BST Streetwise của Zara. Nguồn: gq.com

“Đụng hàng" thì sao, “tương đồng ý tưởng” thì thế nào?

Trong drama “Raising The Future" của Old Navy với nhà thiết kế độc lập Carrie A.Roberts, ngay khi biết chuyện, cô đã đăng bài tố cáo Old Navy lên Instagram, than thở về việc bị một thương hiệu lớn sao chép. Roberts nhận lại hơn 800 bình luận ủng hộ, nhiều người sau đó kéo nhau để lại bình luận giận dữ trên các post Instagram của Old Navy, và đăng đánh giá tiêu cực về những chiếc áo thun sao chép đó trên website của thương hiệu này. 

Sự lên án của công chúng, không chỉ xuất phát bởi tính công đạo từ những khách hàng thân thiết của Carrie A.Roberts, đó còn là sức bật của lò xò nén. Người tiêu dùng đã quá mệt mỏi khi nghi vấn đạo nhái thường xuyên xuất hiện, họ cảm thấy bị lừa dối, họ càng tức giận hơn với Old Navy - một doanh nghiệp lớn đang hưởng lợi trên công sức lao động sáng tạo của một nhà thiết kế mới nổi, và còn là một bà mẹ đơn thân đang cật lực kiếm sống.

person human clothing apparel pants female face
clothing apparel t-shirt person human female
Trái: Carrie A. Roberts đã bán những chiếc t-shirt "Raising the Future" kể từ tháng 12.2016, và rất được ủng hộ với thông điệp "mums helping other mums". Phải: một sản phẩm của Old Navy, với slogan và font chữ giống hệt, bán với giá $14.99. Nguồn: mirror.co.uk

Trường hợp “bị bắt nạt” như của Carrie A.Roberts xảy ra tương tự với Tuesday Bassen. Về phần cô, sau khi chật vật liên hệ với Zara, Tuesday Bassen đã đăng một bảng so sánh khả năng copy-paste tuyệt vời của Zara đối với các tác phẩm của mình, kèm một thông báo trên Instagram như sau: 

"Trong năm qua, Zara đã sao chép tác phẩm của tôi (cảm ơn tất cả vì đã mách nước cho tôi). Tôi đã nhờ luật sư của mình liên hệ với Zara và họ thực sự nói rằng tôi không có cơ sở vì tôi là một nghệ sỹ indie và họ là một tập đoàn lớn, thậm chí không có đủ người biết đến tôi để điều đó trở nên quan trọng. Tôi dự định sẽ đi xa hơn với báo chí, nhưng ngay cả việc yêu cầu luật sư lấy được thư phản hồi này từ Zara, đã khiến tôi tốn đến $2000. Thật tệ hại và khó chịu khi tự tôi phải dốc tiền túi chỉ để bảo vệ những gì đáng lý thuộc về tôi một cách hợp pháp".

text clothing apparel

Từ Instagram đến văn phòng luật sư, từ email đến giấy tờ kiện tụng, từ miếng bánh thị trường đến tổn thương văn hoá. Theo một sự vụ được theo dõi kể từ năm 2012, các nhà lãnh đạo của Navajo đã đệ trình lên tòa án U.S. District ở New Mexico rằng Urban Outfitters đã vi phạm quyền Trademark của bộ lạc khi bán hơn 20 dòng sản phẩm “lấy cảm hứng” từ văn hoá bản địa của Navajo. 

Tháng 11.2016, sau gần 5 năm nộp đơn kiện thương hiệu Urban Outfitters chiếm đoạt danh tính Navajo của mình, cuối cùng, Navajo Nation - bộ tộc người Mỹ da đỏ bản địa lớn nhất thế giới, với chính quyền bộ lạc đặt ở Window Rock (Arizona), đã ký một “thỏa thuận cung cấp giấy phép" với Urban Outfitters. 

Mặc dù những trường hợp kể trên đều quy vào “mô hình nhân bản thời trang” của các thương hiệu tầm trung, nhưng đây cũng là một thực tế trong phân khúc thời trang xa xỉ. Một trường hợp đáng chú ý như Gucci Cruise 2018, bộ sưu tập bao gồm một thiết kế được cho là “trùng ý tưởng" với chiếc áo khoác của thương hiệu Harlem của nhà thiết kế Dapper Dan.

clothing apparel person human jacket coat sunglasses accessories accessory
Trái: Mẫu jacket thiết kế năm 1989 của Dapper Dan (với monogram của Louis Vuitton). Phải: Mẫu thiết kế của Gucci, trình diễn tại Ý năm 2017. Nguồn: dazeddigital.com

Vụ việc đó càng thêm phức tạp khi Gucci cũng đã bóc mẽ Dapper Dan rằng chính ông cũng sử dụng các món hàng nhái in logo Gucci, Fendi và Louis Vuitton để làm bomber jacket, jumpsuits và hoodies. Dapper đã điều hành công việc kinh doanh của mình theo cách như thế trong hơn chục năm, cho đến khi các thương hiệu đó kiện ông vì vi phạm bản quyền vào năm 1992. Và cửa hàng Harlem của ông đã ngừng hoạt động do các khoản phí kiện tụng. Tuy nhiên, sự vụ lần này, Gucci đã giải quyết tranh chấp bằng cách hợp tác với Dapper Dan. 

clothing person pants wheel machine shoe footwear jeans car transportation
BST Gucci x Dapper Dan. Ảnh: Ari Marcopoulos. Nguồn: fashionista.com

Ngay cả nhà Chanel tưởng chừng như cũng đã dính phải một vụ bê bối sao chép. Năm 2015, nhà thiết kế người Scotland Mati Ventrillon đã rất ngạc nhiên khi thấy những sản phẩm dệt kim Fair Isle mà nhóm thiết kế Chanel mua từ bà cho mục đích "nghiên cứu" lại trình diễn trên đường băng Métiers d'Art của Chanel. 

clothing apparel person human shoe footwear overcoat coat suit
Paris in Rome Métiers d’Art 15/16 của Chanel. Nguồn: nytimes.com

Chia sẻ với truyền thông, nhà thiết kế Mati Ventrillon giải thích rằng cô quan tâm đến giá trị của nghề thủ công truyền thống hơn là đòi hỏi tiền bạc từ nhà Chanel. Mati Ventrillon điều hành một mô hình kinh doanh nhỏ, sản xuất hàng dệt kim Fair Isle từ len Shetland hữu cơ và theo đơn đặt hàng. Với cô, Fair Isle như một di sản của nghề thủ công truyền thống đang bị mai một và định giá thấp. 

Sau khi Mati Ventrillon bày tỏ phản ứng không hài lòng về tình huống này, Chanel đã ngỏ lời xin lỗi và tuyên bố đưa tên Mati Ventrillon vào các thông tin truyền thông, nhằm công nhận cô là nguồn cảm hứng cho các mẫu thiết kế hàng dệt kim trong bộ sưu tập Paris in Rome Métiers d'Art 2015/2016.

person human poster advertisement flyer brochure paper

Luật pháp có cấm các thương hiệu sao chép lẫn nhau?

"Thời trang có phải là một loại hình nghệ thuật cần được bảo vệ, hay chỉ đơn thuần là một phương tiện truyền thông thay đổi liên tục nhằm kích thích sự mô phỏng các xu hướng phổ biến?” 

Câu hỏi trên được đặt ra và cũng là tiêu đề một bài luận được thực hiện năm 2010 bởi tác giả Alissandra Burack, một luật sư chuyên về SHTT trong ngành thời trang, tốt nghiệp trường Luật Charles Widger, thuộc Đại học Villanova (Mỹ). Tài liệu này xuất bản trên tạp chí Jeffrey S. Moorad Sports Law, đồng thời cho phép truy cập miễn phí bởi kho lưu trữ kỹ thuật số của trường Luật Charles Widger, thuộc Đại học Villanova (Mỹ). 

Trong phần mở đầu, Alissandra viết rằng: 

Sự bảo vệ theo Hiến Pháp (Mỹ) làm phát sinh quyền SHTT bảo vệ tác phẩm và nỗ lực của các nghệ sỹ. SHTT, "một dạng tài sản vô hình", bảo vệ các ý tưởng "không giống các tài sản khác, ở chỗ, khi người khởi tạo chuyển ý tưởng cho bên thứ hai, cả hai đều có thể hưởng lợi ích của nó". Bảo vệ loại tài sản vô hình này nhằm đảm bảo rằng các ý tưởng và khái niệm sáng tạo được ghi nhận một cách chính đáng”.

Giới thiệu về luật SHTT trong ngành thời trang, luật sư Alissandra Burack cho biết: “Các biện pháp bảo vệ theo luật SHTT hiện hành đối với ngành thời trang chỉ đủ khả năng "bảo vệ trang trí bề mặt, thiết kế vải và nhãn mác, thật đáng tiếc khi luật của Mỹ không đủ chặt chẽ để bảo vệ “linh hồn” của các mẫu thiết kế, về đường cắt và vẻ ngoài tổng thể".

Do mức độ bảo vệ quyền SHTT tương đối thấp, luật SHTT trong ngành thời trang không có đầy đủ các biện pháp bảo vệ nhằm chống lại các sản phẩm vi phạm bản quyền và hàng nhái. Mặc dù vậy, các nhà thiết kế Âu, Mỹ có thể sử dụng Copyright, Trademark, Trade Dress và Patent làm cơ chế ngăn chặn các bản sao xuất hiện trên thị trường đại chúng.

comics book poster advertisement person human
Superman fights Fashion Pirates (1943) [*1]. Nguồn: iheartthreadbared/wordpress

Tuy nhiên, luật bản quyền (copyright) chỉ có thể bảo hộ các mẫu vải, hình vẽ và hình ảnh trên quần áo, vì chúng được cho là cấu thành các thiết kế có tính hữu ích. Khi sử dụng logo, các nhà thiết kế có thể đạt được sự bảo vệ SHTT cao hơn để ngăn chặn kẻ sao chép. Vì vậy, các nhà thiết kế đã triển khai Trademark của họ (chẳng hạn như logo đã đăng ký) trên sản phẩm quần áo, điều này giúp họ được bảo đảm khỏi các hàng nhái. Nhưng Trademark nói chung không bảo vệ từng sản phẩm thiết kế và dịch vụ đơn lẻ của một thương hiệu. Trademark dùng để bảo vệ thương hiệu (brand), ngăn chặn các cá nhân, tổ chức làm giả hàng loạt.

“Tôi không bao giờ ra ngoài mà lại thiếu chiếc kính đen trademark của tôi, tôi thích quan sát chứ không phải bị quan sát” - Karl Lagerfeld 

Ngoài ra, các nhà thiết kế cũng có thể sử dụng Trade Dress (như một tập con của Trademark) để khẳng định sự bảo hộ đối với "toàn bộ hình ảnh của một sản phẩm...chẳng hạn như kích cỡ, hình dáng, màu sắc hoặc sự kết hợp màu sắc, kết cấu dệt, đồ hoạ, hoặc thậm chí là các kỹ thuật bán hàng cụ thể".

Mặc dù đăng ký Patent (bằng sáng chế) tăng cường khả năng bảo vệ nhằm chống lại các bản sao chép. Nhưng Patent trong ngành thời trang rất hiếm hoi, vì giới hạn trong cái gọi là "phát minh tiện dụng hoặc thiết kế trang trí có tính độc đáo và chưa phổ biến”, trong khi nhiều thiết kế hàng may mặc đang được truyền cảm hứng từ các loại cổ phục và các mẫu thiết kế thời đầu của chính thương hiệu đó. Do đó, không thể đáp ứng tiêu chuẩn "mới" mà phạm vi luật yêu cầu, thêm nữa, quá trình đăng ký Patent có thể kéo dài vượt quá tuổi thọ thương mại của sản phẩm đó.

clothing apparel person human swimwear
Thuộc series Part Nouvea [*2]. Trái: Trên bãi biển Cornwall, chụp bởi nhiếp ảnh gia Art Kane, Harper’s Bazaar UK, năm 1970. Phải: bức ảnh tái hiện tác phẩm năm 1970 của Kane, người mẫu Arlenis Sosa trên bãi biển Togabo, chụp bởi nhiếp ảnh gia Camilla Akrans, T Magazine’s Travel Winter 2009 Issue. Nguồn: partnouveau.com
person human art
Thuộc series Part Nouveau. Trái: Trang phục Salvador Dali trong vở ballet "Bacchanale", chụp bởi nhiếp ảnh gia Horst P. Horst, năm 1939. Phải: Hình ảnh của bài viết "It's a Magical World", chụp bởi nhiếp ảnh gia Tim Walker, Vogue Italia January, năm 2008. Nguồn: partnouveau.com
clothing apparel evening dress fashion robe gown
Thuộc series Part Nouveau. Trái: Evening dress, của The House of Worth, 1898-1990. Một thiết kế của Charles Frederic Worth, thể hiện ảnh hưởng của Art Nouveau đối với thời trang. Hiện lưu trữ và trưng bày tại Viện Trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Phải: Người mẫu Lucy Birley trong thiết kế của Valentino Couture Spring 2013 (thời Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli), ảnh chụp bởi nhiếp ảnh gia Tim Walker cho W Magazine April 2013. Nguồn: partnouveau.com

Ngày nay, mặc dù nước Mỹ là một trong những kinh đô thời trang có ảnh hưởng lớn của thế giới, nhưng luật bản quyền của quốc gia này đã ra đời trong thời kỳ của một nền kinh tế sản xuất hàng may mặc, gần như chưa có sự xuất hiện của các thương hiệu dẫn đầu và điều hướng sang một ngành công nghiệp sáng tạo trong thời trang. Đạo Luật Bản Quyền (The Copyright Act) năm 1976 của Mỹ chỉ mở rộng bảo vệ bản quyền đối với "tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm kịch, kịch câm và tác phẩm vũ đạo, tác phẩm tượng hình, đồ họa và điêu khắc, hình ảnh chuyển động, các tác phẩm nghe nhìn khác và bản ghi âm".

Ở một lục địa khác, nơi có nhiều nhà mốt cao cấp và lâu đời như Chanel, Balenciaga, Burberry, Lanvin...Do vậy, các quốc gia Pháp, Ý và Đức đã xây dựng luật bản quyền đủ chặt chẽ để bảo vệ thời trang tương đối rõ ràng. 

Trong khi đó, đối tượng được bảo hộ bởi luật SHTT năm 2005 (sửa đổi năm 2009) và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan của Việt Nam hầu như chỉ tập trung vào các tác phẩm, tác giả trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật.

 Ý tưởng không giống các tài sản khác, ở chỗ, khi người khởi tạo chuyển ý tưởng cho bên thứ hai, cả hai đều có thể hưởng lợi ích của nó. Bảo vệ loại tài sản vô hình này nhằm đảm bảo rằng các ý tưởng và khái niệm sáng tạo được ghi nhận một cách chính đáng - Alissandra Burack

Luật pháp có nên siết chặt nhằm chống vi phạm bản quyền thiết kế trong ngành thời trang hay không? - Điều này vẫn đang được xem xét. 

Có rất nhiều quan điểm cần phân tích xoay quanh cuộc tranh luận về vi phạm bản quyền (piracy), từ nội dung Đạo Luật Cấm Vi Phạm Bản Quyền Thiết Kế (Design Piracy Prohibition Act); đến các mối truy vấn: liệu vi phạm bản quyền có thực sự gây hại, đây có phải chỉ là một phạm trù đạo đức, hay bảo vệ bản quyền có thực sự tốt cho xã hội, kinh tế và tính cạnh tranh lành mạnh trong ngành hay không.

newspaper text flyer advertisement paper poster brochure page
The Design Piracy Prohibition Act - Dickstein Shapiro LLP (Mỹ), đăng trên New York Law Journal, 20.01.2009. Nguồn: Yumpu.com

Trong phần “Conclusion: How will this battle end?”, luật sư Alissandra Burack kết luận: “Mặc dù các nhà thiết kế thời trang nên được bảo vệ quyền SHTT một cách mạnh mẽ hơn, nhằm ngăn cản việc sao chép làm giảm giá trị công sức sáng tạo của họ, nhưng các nhà lập pháp cũng nên công nhận rằng việc vi phạm bản quyền đã gắn liền với lịch sử ngành thời trang, và không cản trở khả năng sáng tạo của các nhà thiết kế”.

Và rằng: “Vì vi phạm bản quyền và sản xuất các mặt hàng nhái, hàng giả có thể không gây hại đáng kể cho toàn ngành thời trang, nên có thể nhận thấy rằng khi khả năng bảo vệ SHTT thấp, dẫn đến sự tồn tại của vi phạm bản quyền nhưng trong sự vi phạm đó lại đem đến các thuộc tính có lợi

Alissandra cũng đồng thuận với luận điểm hàng giả làm tăng giá trị của hàng thật, nhưng nhận định rằng chỉ đúng trong điều kiện của một thị trường có đủ nhận thức và sự cảm thụ đối với chất lượng và giá trị khác biệt mà hàng thật đem lại. Cô cho rằng: “Thời trang là một ngành phỏng theo (imitates) những lý tưởng và giá trị xã hội của các thời đại, do đó, các nhà lập pháp không thể không xem xét tác động ngày càng tăng của vấn đề chống vi phạm bản quyền thời trang đang diễn ra trên toàn xã hội”. 

Chú thích 

[*1] Hình ảnh từ truyện tranh Superman năm 1943, đăng trên blog Counterfeit Chic của Ms. Susan Scafidi - giáo sư, học giả pháp lý và là người đã thành lập Học Viện Luật Thời Trang (thuộc đại học Fordham) vào năm 2010 như một trung tâm học thuật đầu tiên trên thế giới giảng dạy chuyên ngành này. Hình ảnh được chia sẻ lại bởi blog iheartthreadbared/wordpress khi blogger này tìm hiểu về Đạo Luật Cấm Vi Phạm Bản Quyền Thiết Kế của Mỹ.  

[*2] Series ​​Part Nouveau của Lila Ramsey, được thực hiện khi cô đang theo học lịch sử thời trang. Lila đối chiếu những bức ảnh thời trang mang tính biểu tượng trong quá khứ và hiện tại, để minh họa cho tính chu kỳ của ngành này.

Ảnh bìa: 

Ảnh bìa minh hoạ của bài viết “How Trump's Presidency Could Affect The Fashion Industry” của nhà thiết kế Mary Ping, kêu gọi mọi người chung tay vì sự liêm chính và hoà nhập trong các ngành công nghiệp sáng tạo", đăng trên I-d.vice.com (12.11.2016)

Nguồn:

Taftlawpr.pdf, Noip.gov., Wipo.int, Vox.com, Racked.com, Marks-iplaw.jp, Iptrademarkattorney.com, Refinery29.com, Hypebae.com, Vlaa.org

Thực hiện: Xu

Related Articles

Recommended posts for you