Our voice: Dấu chấm hết của micro-trend hay quãng nghỉ giữa thời đại tiêu dùng quá mức
Liệu xu hướng nhất thời (micro-trend) đang trở thành dấu chấm hết hay chỉ là dấu phẩy trong dòng chảy thời trang đương đại?
Trong hai năm 2022 và 2023, TikTok trở thành một cuốn bách khoa toàn thư về phong cách thời trang do cộng đồng tạo nên - nhanh, ngẫu hứng và bùng nổ. Mỗi bản phối đều phải có một cái tên, mỗi phong cách là một kiểu “core”, và thuật toán TikTok thì đã quyết định cái gì đang hot trước cả khi bạn kịp mặc nó ra khỏi nhà. Ban đầu thì thú vị, cho đến khi mọi thứ diễn ra quá nhanh và ập đến quá nhiều. Đến giữa năm 2024, cảm giác kiệt sức và "cháy trend" đã xảy ra. “Grandpacore,” “Cottagecore,” “Blokecore,” “Quiet Luxury,” “Office Siren,” “Balletcore” - dường như mọi outfit đều có tên gọi bắt tai, một hashtag và một vị trí thật đẹp trong guồng quay xu hướng. Cỗ máy microtrend đã tự vận hành đến mức cạn kiệt, và ai cũng chỉ mong được dừng bước.
Giờ đây, năm 2025 đã trôi qua ba tháng, cuối cùng, cảm giác điên cuồng phân tích từng dòng chảy xu hướng nhỏ, từ mạng xã hội đến ngoài đời thật, cũng đang dần hạ nhiệt. Người ta bắt đầu nhận ra: những xu hướng siêu cụ thể này vốn không sinh ra để tồn tại lâu dài. Và vào thời điểm này, tất cả gần như đã trở thành trò đùa - ai ăn mặc quá chuẩn chỉnh, trông như thể bước ra từ một bảng mood Pinterest, lập tức bị gán mác “microtrend final boss.” Đó là cách người ta tinh nghịch vỗ vai những người đi theo trend sát ván.
Tuy nhiên khi nhìn rộng hơn vào hiện tượng microtrend, ta bắt đầu nhận ra một điều: chúng vốn dĩ chưa bao giờ thật sự "sâu sắc" như người ta tưởng. Không có cảm hứng văn hoá để bám rễ, phần lớn những xu hướng thẩm mỹ tương tự chỉ vụt sáng một quãng thời gian ngắn rồi lại tắt, tồn tại vì sự vui vẻ nhất thời, cho đến khi niềm vui không còn, người ta bắt đầu đi tìm điều gì đó bền vững hơn.
Hãy lấy “Brat Summer” làm ví dụ. Khác với những xu hướng chớp nhoáng khác, sức ảnh hưởng văn hoá từ Charli XCX không chỉ dừng lại hạn sử dụng một tháng. Xu hướng “Brat” không chỉ là một kiểu phối đồ đơn thuần mà còn ở góc nhìn và tư duy của người mặc. Tuy vậy, tính bền vững, lâu dài để brat hay microtrend vượt khỏi ranh giới thời trang trở thành một làn sóng thật sự cần có sự đồng thuận từ số đông, và quan trọng hơn nữa, nó phải có sức bền.
Xu hướng đã “sống sót” qua năm 2024 gọi tên Quiet Luxury. Cốt lõi, microtrend này như một liều giải độc cho sự ồn ào: dễ mặc, tinh tế mà không gắng gượng, và trong một số trường hợp - được tạo ra để trường tồn. Năm ngoái, nó trở thành từ khóa vàng cho mọi bộ sưu tập theo phong cách tối giản, chiếm lĩnh sàn diễn gần như mọi mùa. Hay có thể nhìn thấy vẻ đẹp thanh lịch từ chốn công sở từng nổi lên vào 2023, và kỳ lạ thay, chưa bao giờ rời khỏi feed của chúng ta — vì chính làng mốt cũng đang nghiêng hẳn theo hướng đó. Cụ thể hơn Maximilian Davis đã tái sinh Ferragamo bằng chủ nghĩa tối giản hiện đại, sắc sảo nhưng vẫn đầy thời trang. Matthieu Blazy đưa Bottega Veneta đến những phom dáng thanh nhã, và hiện tại, mọi ánh mắt đang dõi theo những gì anh sẽ làm tại CHANEL vào tháng 9 này. Sabato De Sarno, khi còn dẫn dắt Gucci (2023–2025), đã hồi sinh chất gợi cảm đậm chất Tom Ford, như một cú phản công ngọt ngào trước sự tối đa của Alessandro Michele. Và mới đây nhất, Veronica Leoni tại Calvin Klein Collection đã đưa thương hiệu trở lại thời kỳ hoàng kim thập niên 1990, với phiên bản quiet luxury mang dấu ấn rất riêng.
Việc bắt kịp một xu hướng tưởng chừng chỉ đơn giản là chọn đúng món đồ, nhưng thực tế, để mặc chuẩn một xu hướng nào đó, người mặc phải tuân thủ một loạt quy tắc không chính thức: từ phom dáng, chất liệu đến cách phối từng chi tiết nhỏ. Lấy “Grandpacore” làm ví dụ: thoạt nhìn, đó chỉ là sự kết hợp quen thuộc giữa cardigan, chinos và sơ mi. Tuy nhiên, chỉ cần thêm một chiếc cà vạt, tổng thể lập tức chuyển hướng sang phong cách preppy. Sự cầu toàn và tính công thức cao trong mỗi xu hướng đôi khi khiến người mặc, kể cả những tín đồ thời trang kỳ cựu, cảm thấy bị giới hạn, và tệ hơn, mất kết nối với chính phong cách cá nhân của mình.
Chính sự mệt mỏi đó đã góp phần đưa những xu hướng đơn giản hơn quay trở lại dòng chảy chính. Normcore, uniform dressing hay “basic” tối giản đang trở thành phản ứng tất yếu trước tình trạng "quá tải thẩm mỹ" sau nhiều năm chuộng tối đa hóa hình ảnh. Giống như cách “Quiet Luxury” từng nổi lên như một lời phản biện trước làn sóng Y2K gợi cảm hậu đại dịch, những chuyển dịch hiện tại hướng về sự tinh giản. Sau giai đoạn 2024 mà nhiều người gọi là “đỉnh điểm của bội thực xu hướng”, người tiêu dùng dường như đang bước vào một giai đoạn tái định nghĩa gu thẩm mỹ cá nhân. Và có thể, chính khát khao trở lại với phong cách đích thực của bản thân là lý do khiến guồng máy microtrend dần chậm lại, để thời trang có thể thở, và người mặc được là chính mình trở lại.
Hai năm trước, tại buổi ra mắt toàn cầu H&M x Mugler ở New York, giới mộ điệu thời trang đổ bộ thảm đỏ trong những bộ cánh khó áp dụng trong đời thường. Nhưng đến show Xuân/Hè 2025 của Mugler, mọi thứ đã thay đổi. Ngay cả những nhân vật nổi tiếng với phong cách ăn diện "khó chiều" nhất cũng đang tiết chế rõ rệt. Dara Allen, từng được biết đến với phong cách nổi loạn, nay xuất hiện trong bộ suit đen tối giản và cổ lọ ton-sur-ton. Kun, ca sĩ kiêm biểu tượng thời trang đến từ Trung Quốc, chỉ đơn giản là áo tank top đen và suit kẻ sọc. Thông điệp rất rõ ràng: đôi khi, sự tối giản mới là tiếng nói mạnh mẽ nhất. Ngay cả giới trẻ từng mê mẩn “Rick Owens hoá” đời sống hằng ngày cũng đang chuyển hướng. Những người từng thề sống chết với 17 lớp vải thả rũ kiểu tận thế, nay chọn quần jeans rộng và áo thun đen trơn.
Vậy sự “giản thể” hóa của những món đồ từng là biểu tượng underground như Grilled Platform Boots của Rick Owens hay Tabis của Maison Margiela có phải là dấu hiệu của một làn sóng phản kháng với xu hướng đại chúng? Có thể. Nhưng cũng có thể, đó chỉ là dấu hiệu của sự mệt mỏi, một phản ứng trước thời trang hiệu ứng đám đông, hoặc tệ hơn, trước những xu hướng đòi hỏi chi tiêu vượt quá khả năng tài chính thực tế. Khi thời trang trở thành áp lực hơn là niềm vui, sự giản đơn không chỉ là một lựa chọn thẩm mỹ mà là một hình thức tự bảo vệ.
Dưới góc nhìn kinh tế, sự chuyển dịch sang phong cách ăn mặc thông minh và tiêu dùng có chọn lọc không chỉ là tuyên ngôn thời trang, mà còn phản ánh tinh thần của thời đại. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế cận kề và khủng hoảng chi phí sinh hoạt lan rộng toàn cầu, chủ nghĩa tiêu dùng không kiểm soát từng bùng nổ sau COVID đang dần mất chỗ đứng một cách tự nhiên. Ẩn sau cảm giác mệt mỏi với những chu kỳ xu hướng xoay vòng liên tục là một nguyên nhân sâu xa hơn: một cuộc tái định vị văn hoá. Khát khao không ngừng đổi mới đang dần nhường chỗ cho sự dửng dưng xuất phát từ "kiệt sức thẩm mỹ", vừa là phản ứng logic với thực tế tài chính hiện tại.
Vậy kỷ nguyên microtrend có thật sự đi đến hồi kết, hay đơn giản chỉ là đang tạm nghỉ sau chuỗi ngày quá tải thị giác? Câu trả lời còn bỏ ngỏ. Thời trang vốn linh hoạt và luôn phản chiếu văn hoá, kinh tế, chính trị cùng những chuyển động tinh tế của thời đại. Điều tưởng như là một bước chững hôm nay có thể chỉ là khoảnh khắc lặng trước khi làn sóng tiếp theo ập đến, mạnh mẽ và bất ngờ như mọi khi.
Theo Syazil Abd Rahim