Love & Life

Reality show hẹn hò – Tình yêu thật hay chỉ là chiêu trò để nổi tiếng?

Các chương trình hẹn hò bùng nổ như một cơn sốt, và chẳng khó hiểu vì sao. Chúng vẽ ra những chuyện tình thần tốc cùng cái kết viên mãn như truyện cổ tích. Nhưng nếu ai từng cày đủ vài mùa sẽ nhận ra đằng sau ánh đèn sân khấu, thực tế chẳng hề lung linh như ta tưởng. 

nature outdoors countryside people person rural blazer adult male man

Thực tế cho thấy, hầu hết các cặp đôi bước ra từ chương trình hẹn hò đều có tỷ lệ gắn bó rất thấp. The Bachelor là một ví dụ điển hình. Từ năm 2002, 26 chàng trai độc thân rời khỏi biệt thự với một nửa của mình, nhưng chỉ có năm mối quan hệ còn tồn tại đến năm 2022 - tương đương tỷ lệ thành công vỏn vẹn 4%. Love Is Blind cũng chẳng khá hơn khi chỉ bốn trong số 16 cặp đính hôn đi đến hôn nhân, mà hai trong số đó đã đường ai nấy đi. Are You the One? thậm chí còn tệ hơn, với tỷ lệ ghép đôi thành công chỉ 3,3%. Dĩ nhiên, vẫn có ngoại lệ. Nhưng nhìn chung, tình yêu trên sóng truyền hình thường chẳng trụ nổi khi máy quay tắt. Lý do xuất phát từ đâu?

Sự sắp đặt quá hoàn hảo

furniture person boy male teen plant indoors

Các chương trình hẹn hò không xảy ra tình cờ ngẫu nhiên, mà là vở kịch được dàn dựng bởi đội ngũ biên tập. Mọi thứ, từ ánh sáng đến âm nhạc, đều lấp lánh như một kỳ trăng mật, nhưng là trăng mật ở tốc độ x2, x3, bỏ qua tất cả những sự vụn vặt thường ngày. Thế là người trong cuộc không rõ mình đang thực sự yêu, hay chỉ đang phản ứng với bối cảnh được dựng lên quá hoàn hảo.

Vấn đề nằm ở chỗ: đó không phải đời thật. Mọi thứ trong show hẹn hò vận hành như một giấc mơ – không deadline, không hóa đơn, không tin nhắn bị bỏ quên. Chỉ còn những cái ôm đúng lúc, những lời hứa ngọt ngào, ánh nến lung linh và không gian được thiết kế để con người ta dễ mềm lòng hơn. Nhưng tình yêu thực sự lại sống trong những chi tiết rất khác - những ngày mệt đến mức không nói được với nhau câu nào, những lúc cùng vượt qua lịch làm việc dày đặc, và cả những khoảnh khắc kém lãng mạn đến ngượng ngùng. Và rồi, khi mà màn đêm của showbiz tắt lịm, thực tế ập đến như gáo nước  lạnh. Những cuộc hẹn lộng lẫy tan biến, thay vào đó là lịch trình chật chội, thói quen nhàm chán, và những va chạm giữa những tính cách chẳng còn được che đậy. Lúc này, họ nhận ra rằng thứ họ yêu không phải là người đối diện, mà là giấc mộng đẹp đã hết giờ chiếu.

Sự giới hạn về mặt thời gian

person photobombing adult female woman male man coat people smile

Một vấn đề không kém phần tréo ngoe với tình yêu trên các chương trình hẹn hò chính là nhịp độ chóng mặt của nó. Các thí sinh chỉ có vỏn vẹn vài tuần, thậm chí vài ngày, để tuyên bố mình đang yêu, sẵn sàng đính hôn, hoặc chí ít là thề nguyền như thể định mệnh đã an bài.

Hãy nhìn Married at First Sight, nơi hai người xa lạ gặp nhau ngay tại lễ đường. Love Is Blind còn liều lĩnh hơn khi buộc người chơi phải đưa ra lời cầu hôn chỉ sau 10 ngày trò chuyện mà không hề thấy mặt nhau. Còn Single’s Inferno hay Heart Signal, một mùa giải kéo dài khoảng tám tuần, nhưng thực tế, chỉ vài cuộc hẹn lấp lánh ánh nến đã bắt buộc các nam thanh nữ tú quyết định “chúng ta là của nhau".

Cái nhịp độ hối hả này không chừa chỗ cho sự trưởng thành tự nhiên mà một mối quan hệ thực sự cần có. Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội (Journal of Personality and Social Psychology) từng chỉ ra để thực sự “phải lòng”, con người cần trung bình từ 3–4 tháng. Nhưng đó mới chỉ là con số chung, tình yêu không vận hành theo đồng hồ bấm giờ. Nó cần thời gian để ngấm, để thử lửa, để hai người thấy nhau trong những tình huống thực tế chứ không phải những bối cảnh được nhào nặn để kích thích cảm xúc.

Thế nhưng, trong bầu không khí căng thẳng của các show hẹn hò, người chơi không có đặc quyền chờ đợi. Họ bị đẩy vào những quyết định quan trọng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đến mức phi lý. Không có đủ thời gian để hiểu đối phương, họ chỉ có thể bám víu vào những khoảnh khắc ngọt ngào ngắn ngủi, vào kịch bản đã được sắp đặt để thúc đẩy cảm xúc dâng trào. Một cuộc đua với thời gian, nơi cái gọi là "tình yêu" có khi chỉ là phản ứng dây chuyền của áp lực và kỳ vọng. Và khi chương trình kết thúc, nhiều cặp đôi phát hiện ra rằng họ chẳng có gì vững chắc ngoài một cuộc tình được dựng nên từ deadline và những phân đoạn cắt ghép. Mối quan hệ vội vàng, kết thúc cũng chẳng chờ đợi ai.

Áp lực và kỳ vọng từ bên ngoài

Vấn đề lớn nhất của những cuộc tình trên sóng truyền hình thực tế không phải là những lời thề thốt chóng vánh hay những cuộc hẹn hò diễn ra trong những khung cảnh lãng mạn đến phi thực tế, mà là áp lực từ công chúng. Ngay khi máy quay bật lên, câu chuyện của họ không còn là chuyện của riêng hai người nữa. Đám đông phía ngoài màn hình không chỉ xem, mà còn "đồng sở hữu" chuyện tình ấy, đổ dồn hy vọng, nhiệt tình "ship", thậm chí coi đó như một dạng giấc mơ mà cặp đôi buộc phải hiện thực hóa. Thay vì có không gian để suy nghĩ, các cặp đôi bị đẩy vào thế khó, hoặc tiếp tục đóng vai "couple" hoàn hảo, hoặc đối mặt với cơn cuồng phong của sự thất vọng tập thể. Rời đi không đơn thuần là kết thúc một chuyện tình, mà còn là "phản bội" người hâm mộ, là mở ra cánh cửa cho những bài báo giật tít, những bình luận chua cay.

Cái bẫy lớn nhất nằm ở chỗ, đôi khi, người trong cuộc không còn phân biệt được mình đang giữ một mối quan hệ, hay đang giữ hình ảnh của một mối quan hệ. Với nhiều thí sinh bước ra từ show hẹn hò, tình yêu và danh tiếng dần trở thành hai đường dây chồng chéo – khó gỡ và dễ siết. Một cuộc chia tay không còn là chuyện riêng tư, mà đồng nghĩa với mất mát như mất hợp đồng quảng cáo, mất lượt theo dõi, mất vị trí giữa một thị trường giải trí vốn luôn thèm cái mới. Còn nếu thực sự yêu nhau thì sao? Công chúng vẫn là một thứ áp lực dai dẳng. Một bức ảnh không còn chụp chung, một dòng trạng thái hơi lệch tông, hay một khoảnh khắc riêng tư vô tình bị chộp lại – tất cả đều có thể bị kéo thành “dấu hiệu rạn nứt”. Những điều chưa chắc đúng bỗng trở thành sự thật sau vài cú vuốt màn hình. Và trong vòng xoáy đó, đôi khi chính người trong cuộc cũng không rõ: tình yêu này còn thuộc về mình, hay đã bị biến thành tài sản công cộng – nơi ai cũng được quyền đoán định, soi xét và phán xét.

Người bình thường có thể tranh cãi, có thể chia tay trong im lặng. Nhưng với những cặp đôi bước ra từ các reality show hẹn hò, mỗi lần nứt vỡ đều trở thành một màn kịch, với kẻ thắng, người thua, và một đám đông sẵn sàng reo hò hoặc la ó. Và khi mọi thứ lặng dần, chỉ còn lại hai người đối diện nhau, liệu họ có còn gì để giữ lại, hay tất cả chỉ là một mối quan hệ được sinh ra từ ánh sáng sân khấu và biến mất cùng với nó?

Recommended posts for you