Prada sẽ “hồi sinh” Versace như cách từng làm với Miu Miu?
Tập đoàn Prada vừa xác nhận thương vụ thâu tóm Versace trị giá 1,38 tỷ USD. Đây được dự báo là một bước đi sẽ tái định hình cục diện thời trang xa xỉ toàn cầu.
Cơn sóng ngầm mới
“Ông lớn” của ngành thời trang xa xỉ nước Ý vừa công bố việc mua lại Versace từ Capri Holdings với giá 1,25 tỷ euro (tương đương khoảng 1,38 tỷ USD). Mức giá cuối cùng sẽ được điều chỉnh dựa trên các điều khoản chi tiết của thương vụ.
Trở lại tháng 9 năm 2018, Michael Kors Holdings từng chi 2,1 tỷ USD để thâu tóm Versace, đồng thời tái cấu trúc và đổi tên tập đoàn thành Capri Holdings – động thái thể hiện tham vọng xây dựng một đế chế thời trang xa xỉ, quy tụ Michael Kors, Jimmy Choo và Versace.
Thế nhưng, dưới sự điều hành của Capri, Versace không thể lấy lại ánh hào quang từng làm nên tên tuổi suốt nhiều thập kỷ. Theo báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu của Versace đã sụt giảm 15% trong quý 3 năm tài chính 2025, đặc biệt là mức giảm 11% tại thị trường châu Á. Đến cuối năm 2024, tin đồn Capri đang tìm cách “sang tay” thương hiệu này bắt đầu rộ lên.
Giờ đây, khi đà tăng trưởng chững lại và vị thế dần lu mờ, nước đi kịp thời từ Prada có thể là cú hích mở ra một chương mới, thậm chí là một cuộc tái sinh ngoạn mục cho biểu tượng Medusa.
Vì sao là Versace?
Nhắc đến Medusa, người ta không thể không nghĩ đến Versace. Kể từ khi được Gianni Versace thành lập vào năm 1978, nhà mốt này đã trở thành biểu tượng với bảng màu rực rỡ, vẻ gợi cảm đầy phóng túng và tầm nhìn thẩm mỹ kịch tính về “xa xỉ gợi cảm”. Trong khi thế giới thời trang chuyển mình theo chủ nghĩa tối giản, Versace vẫn kiên định với tinh thần tối đa (maximalism) như một đối trọng, thách thức chủ nghĩa tối giản (minimalism).
Một trong những dấu ấn thẩm mỹ lớn nhất của Versace là họa tiết baroque, ra mắt lần đầu trong bộ sưu tập Thu/Đông 1991. Với những đường xoắn uốn lượn và khí chất vương giả, họa tiết này nhanh chóng trở thành ADN của nhà mốt, xuất hiện trên mọi thiết kế từ áo lụa, váy ôm sát đến khăn quàng lộng lẫy.
Theo năm tháng, baroque chưa từng lỗi thời. Từ thảm đỏ quốc tế đến các tạp chí thời trang, từ Gigi Hadid đến Luke Evans, từ Thái Y Lâm đến Trương Thiều Hàm, tất cả đều từng khoác lên mình “di sản” ấy. Trên nền tảng mạng xã hội, họa tiết này vẫn sống động trong những màn phối đồ hiện đại và dễ ứng dụng, khẳng định sức ảnh hưởng bền bỉ của Versace.
Chính bản sắc không thể nhầm lẫn ấy khiến Versace trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho hệ sinh thái Prada Group. Nếu Prada đại diện cho chủ nghĩa tối giản, Miu Miu là tuyên ngôn nổi loạn của tuổi trẻ, thì Versace là tiếng nói của sự gợi cảm táo bạo – điều mà tập đoàn này vẫn còn thiếu.
Từ áo ngực hình nón của Madonna đến bodysuit gương lấp lánh của Cardi B, Versace chưa từng e dè trước những ranh giới thẩm mỹ. Thương vụ này không chỉ mở rộng chiều sâu sáng tạo cho Prada Group, mà còn mang về một liều “hấp lực giới tính” mạnh mẽ giúp tập đoàn mở rộng cả về thị phần thẩm mỹ lẫn tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Versace có trở thành "hiện tượng Miu Miu" tiếp theo?
Tại sao Prada lại chọn Versace lúc này? Câu trả lời có thể nằm ở chính thành công gần đây của họ – Miu Miu. Từng bị xem là “em gái mờ nhạt” của Prada, giờ đây Miu Miu đã trở thành một trong những thương hiệu hiện tượng toàn cầu – nhờ vào chiến lược định vị rõ ràng và đậm tính đương đại.
Theo báo cáo tài chính công bố ngày 4/3/2025, doanh thu bán lẻ của Miu Miu đã tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng trưởng kỷ lục. Điều đáng nói là chỉ bốn năm trước, Miu Miu vẫn còn loay hoay tìm bản sắc.
Bước ngoặt xuất hiện vào năm 2021, khi Miu Miu hợp tác với stylist Lotta Volkova (cựu cộng sự của Balenciaga) trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2022. Những chiếc chân váy mini cạp trễ và giày ballet nhanh chóng chạm đúng “mạch cảm hứng” của thế hệ Gen Z – thời trang như một tuyên ngôn cá tính. Bộ sưu tập lập tức gây sốt trên mạng xã hội.
Với sự góp mặt của những cái tên đình đám như Jang Wonyoung và Kendall Jenner, độ phủ sóng của Miu Miu càng được đẩy mạnh. Các hashtag như “Y2K campus style” hay “tiểu thư Miu-lennial” bùng nổ khắp Weibo, Instagram… Từ kẹp tóc đính đá đến nội y pha lê, mọi sản phẩm của Miu Miu đều trở thành “hot item” toàn cầu. Năm 2024, Miu Miu giữ vững vị trí top 3 thương hiệu được tìm kiếm nhiều nhất trên Lyst suốt bốn quý liên tiếp.
Màn tái xuất ngoạn mục của Miu Miu không chỉ chứng minh sức hút nội tại của thương hiệu, mà còn thể hiện khả năng nhạy bén của Prada trong việc định hướng thẩm mỹ, tạo nội dung lan tỏa và triển khai chiến lược mạng xã hội hiệu quả. Đó chính là “công thức hồi sinh” đã được chứng thực: kiến tạo bản sắc đủ riêng biệt để viral, sau đó chuyển hóa thành giá trị thương mại thực tế.
Và giờ, câu hỏi được đặt ra: Liệu Prada có thể lặp lại kỳ tích ấy với Versace, đưa biểu tượng Medusa trở lại vị trí trung tâm của văn hóa thời trang đương đại?