Love & Life

L'OFFICIEL BookClub: Nick Carraway, nhân chứng suốt trăm năm của The Great Gatsby

Câu chuyện của The Great Gastby sẽ không thể vĩ đại nếu không có người tạo ra nó, kể về nó. Nhưng ngẫm mà xem, chính Nick Carraway, chính cậu ấy đã kể đấy thôi! Và liệu ta có thể nói chỉ mỗi Jay Gatsby mới là bản sao của Fitzgerald chăng?

book publication alcohol beer beverage

“Tài năng của ông tự nhiên như hoa văn bụi phấn trên cánh bướm. Đã có lúc ông cũng như bướm, không biết lúc nào hoa phấn sẽ bay đi hay tàn tạ. Sau này, ông ý thức hơn về đôi cánh bị tổn thương của mình và cấu trúc của chúng, ông biết suy nghĩ hơn, nhưng bao giờ được nữa vì niềm say mê bay lượn đã cạn, và ông chỉ còn biết nhớ về một thuở khi mọi thứ đến cứ nhẹ nhàng như không.”

Đoạn văn trên là của Hemingway viết về Scott Fitzgerald trong tiểu thuyết bán tự truyện Hội Hè Miên Man. Còn về bản thân tác phẩm The Great Gatsby thì được Alonzo Vereen viết trong bài luận trên tờ The Atlantic năm 2023 như sau:

"Bản sắc Mỹ nơi Gatsby rất mơ hồ, học sinh sinh viên có thể áp cho nhân vật bất kì nguồn gốc nào mà họ tưởng tượng ra. Nhưng nhờ làm thế mà quyển tiểu thuyết cứ luôn được tiếp thêm luồng sinh khí mới”.

Cả hai nhận định trên đều như một lời tiên tri. Ngày xưa Hemingway sau khi chứng kiến bao thăng trầm trong sự nghiệp lẫn cuộc hôn nhân của Scott Fitzgerald hẳn đã dự cảm được đám mây mù rồi sẽ bao trùm lấy cuộc đời người bạn văn của mình. Và ông đã không sai. Nhưng hậu thế cũng không nói ngoa khi cho rằng quyển tiểu thuyết sẽ luôn được hồi sinh và sống tiếp bởi những luồng sinh khí mới, vì giờ đây, vào tháng 4/2025 là tròn một thế kỷ, chẵn 100 năm từ ngày The Great Gatsby ra mắt và thế giới vẫn không ngừng bàn tán, phân tích, nhắc đến với niềm yêu mến lẫn ghét bỏ. Sự sống của Scott Fitzgerald có thể lụi tàn như một “cánh bướm tổn thương” nhưng bản sao của ông; Jay Gatsby; thì trường tồn trong dòng chảy lạnh lùng của thời gian.

Đã có vô số bài phân tích, bình luận về sức sống mãnh liệt lẫn hình tượng vị đại gia bí ẩn nơi Long Island của tác phẩm. Và đúng như Alonzo Vereen đã nhận định rằng bất cứ người đọc nào hay nghiên cứu sinh nào cũng có thể áp cho nhân vật Gatsby một bản sắc, một lối tư duy và cách biểu đạt tư tưởng riêng. Chẳng hạn như ta có thể nói Gatsby là bức tranh về “Thời đại nhạc Jazz” của nước Mỹ, hoặc ta cũng có thể vĩ mô hoá tình yêu của Gatsby dành cho Daisy thành một giấc mơ Mỹ xa hoa, lộng lẫy nhưng cũng đầy những hư ảo và bẽ bàng. Đi xa hơn nữa, ta còn có thể gán cho Gatsby là một người… da đen, như theo tên cuốn sách Jay Gatsby: A Black Man in Whiteface, năm 2017. Lý do của nhận định này đến hình tượng một kẻ luôn phân biệt chủng tộc và giai cấp của Tom Buchanan. Và rồi những kẻ theo trường phái lãng mạn sẽ chỉ khóc thương cho nhân vật và gán ghép cho đời sống của chính tác giả cái kết tương đồng với Gatsby, và trái tim của những ai theo trường phái này sẽ rung lên thống khổ mỗi lần nhìn thấy lời đề tặng “Một lần nữa, tặng Zelda”. Và tất nhiên một khía cạnh không thể bỏ qua đó là nan đề Gatsby có vĩ đại hay không? Nan đề này đã được dịch giả Trịnh Lữ “giải đáp” trong phần Lời Người Dịch của mình rằng:

“Gatsby không vĩ đại, người tạo ra Gatsby mới vĩ đại.”

Ta còn có thể diễn giải một điều gì đó hay hơn thế chăng?

Nếu đã có quá nhiều bài phân tích về Gatsby như thế, thì ta còn gì để nói về Gatsby hay Scott Fitzgerald nữa đây vào dịp kỷ niệm 100 năm ra mắt tác phẩm này của ông?

book publication novel alcohol beer beverage

“Gatsby không vĩ đại, người tạo ra Gatsby mới vĩ đại.”
(dịch giả Trịnh Lữ)

Có lẽ sẽ chẳng có gì để bàn nữa!

Nhưng, đó lại chính là một điều tốt, bởi sau 100 năm bóc tách, mổ xẻ và phanh phui tới cùng tận từng đường gân thớ thịt của Gatsby, ta chỉ có thể đọc The Great Gatsby theo lối đơn thuần, có nghĩa là đọc trong một tâm thể không dùng đến trí óc, không dùng nhãn quan của một người phân tích, lý luận phê bình để đọc tác phẩm nữa. Ta chỉ đọc và nhấm nháp nó với tư cách là một câu chuyện buồn, một vẻ đẹp của văn chương, của một thời hoang dại sáng bừng lên như pháo hoa rồi tắt liệm với những satin, vải lụa, thuốc lá và rượu giả. Hoặc có thể nói như thể độc giả được quay về giai đoạn những năm 1940, đó là khi Fitzgerald đã qua đời còn The Great Gatsby lại bị giới phê bình lẫn độc giả thờ ơ, lãnh cảm so với các tác phẩm trước của ông. Thế nhưng, tác phẩm khi ấy lại hồi sinh ngoạn mục, khi Malcolm Cowley và Edmund Wilson cùng quân đội Hoa Kì đã phân phối hơn 150.000 bản cho quân Mĩ trong Thế Chiến Thứ Hai. Sau khi chiến tranh kết thúc, sự hoài niệm, nỗi khắc khoải mong muốn tìm về những vàng son một thuở trong xã hội dấy lên mạnh mẽ, và The Great Gatsby nghiễm nhiên trở thành một tư liệu quý, một món ăn tinh thần trong giai đoạn hậu chiến.

Một điểm cộng khác nữa của việc khi không còn gì để bàn sâu thêm về Gatsby, ta lại có thời gian và không gian để chuyển góc suy tư vào những nhân vật khác. Ngoài cả Daisy, ngoài Tom và hình tượng cặp mắt của vị bác sĩ nhãn khoa, ta có cho mình một yếu tố quan trọng không kém cạnh, một cánh cửa cùng chìa khoá để bước vào tận sâu những thượng vàng hạ cám nơi câu chuyện diễn ra, đó chính là Nick Carraway.

Thật ra người mà ta có thể áp lên bất cứ bản sắc hay cá tính nào không chỉ là Gatsby mà còn cả Nick. Toàn bộ câu chuyện về Gatsby được kể lại bởi Nick, một người hàng xóm đồng thời là em họ của Daisy. Nick Carraway dẫn dắt chúng ta đi vào từng ngõ ngách của thế giới thượng lưu old money lẫn new money, Nick mở đường cho ta có thể nhìn ngắm từng nhân vật với cự li gần nhất cùng những lời nhận xét như mớm mồi cho độc giả để ta hình thành nên sự yêu ghét rõ ràng cho từng cá tính. Ngoài Scott Fitzgerald ra thì cách kể chuyện “mượn lời” như thế cũng là cách kể rất quen thuộc của nhà văn người Ba Lan Joseph Conrad với nhân vật Marlow thường xuất hiện trong các tác phẩm của ông như Giữa Lòng Tăm Tối, hay May. Lợi thế của phong cách này là tác giả sẽ được toàn quyền “nhét chữ vào miệng” của nhân vật đóng vai người kể chuyện. Câu chuyện khi đó sẽ không bị rơi vào lối mòn giành hết phần suy tư, cảm nhận của người đọc, vì chính bản thân người kể cũng là một người đọc, hay đúng hơn là một người quan sát, đọc cuộc đời, đọc một giai thoại và họ tự viết nên trong lòng mình những đoạn trường ca đầy xúc cảm trước những gì họ trông thấy, rồi họ mớm cho chúng ta. 

Khi đọc Gatsby là ta đang đọc dưới góc nhìn của Nick. Ta thương cảm và nghĩ về Gatsby, về Daisy về Tom nhưng thường có xu hướng quên đi Nick. Bởi lẽ thường tình ta chỉ xem vai trò của người kể chuyện chỉ duy nhất có một việc là kể chuyện, dẫn dắt. Ta quên rằng họ cũng là một phần trong câu chuyện được kể ấy. Cảm xúc của người kể và của người đọc; đôi khi; sẽ bị nhập nhằng và hoà làm một; nhưng bản chất đó vẫn là những nỗi đau và chiêm nghiệm của một nhân vật thuộc tác phẩm. Cảm giác của người kể là chất keo dính để giữ cho ta không sa đà vào những cảm xúc lan man khác, những đánh giá khác mà vô tình bị tách rời khỏi câu chuyện. Đồng thời nó cũng mang một nhiệm vụ gần như "tung hoả mù", khiến ta nhập nhằng giữa bản thân ta và bản thân nhân vật người kể ấy. 

Ngay trong chương đầu tiên, Nick đã tuyên bố như một lời răn đe rằng:

“Những năm thiếu thời và còn hay dễ bị người khác làm tổn thương, tôi được cha tôi khuyên mấy lời mà tôi vẫn tâm niệm cho đến tận bây giờ. 'Hễ định phê phán ái đó,' ông nói, 'con hãy nhớ rằng chưa có ai trên đời này được như mình'."

Và tựa một cái bẫy sập, ta gần như hoàn toàn không còn đánh giá bất cứ ai nữa, vì đã có nhãn quan của Nick, lời kể của Nick hoàn thành nhiệm vụ “cãi lời cha” đó. Cho đến khi ta hoàn thành tác phẩm, nỗi day dứt mới âm ỉ và kéo dài, bởi đó mới là lúc ta đang cảm nhận bằng chính cảm xúc của cá nhân mình. Yêu, ghét, cảm thông, khinh bỉ,... có lẽ tới lúc này mới bắt đầu kéo đến, tuỳ vào từng người đọc và cảm giác nào sẽ trội lên hơn hẳn. 

formal wear suit adult male man person tie portrait flower flower arrangement
Nick Carraway ( Tobey Maguire thủ vai), phiên bản điện ảnh chuyển thể The Great Gatsby năm 2013 của đạo diễn Baz Luhrmann

Thật ra hoàn toàn không phải chưa từng có ai nói về Nick. Tuy nhiên, nếu nhắc về cậu thì phần đông mọi người sẽ đặt câu hỏi về việc Nick một mực không tiết lộ sự thật ai mới là người gây ra tai nạn. Bởi nếu là chúng ta thì chắc chắn ta đã phải tố cáo Daisy ngay lập thức. Để giải thích cho điều đó, tôi đoán ta phải tách mình ra khỏi Nick và nhìn nhận cậu theo chính cá tính và con người cậu.

Sự chán nản và suy sụp chỉ là một phần, còn phần lớn; tôi đoán; là vì cậu muốn bảo vệ tới cùng niềm hy vọng của Gatsby. Niềm hy vọng không chỉ điều khiển tương lai mà còn là khát vọng đổi thay cả quá khứ. Niềm hy vọng đã đưa Gatsby của cậu lên đỉnh danh vọng, chạm được vào ánh sáng xanh rồi bị nó nuốt chửng mãi mãi. Nếu Nick tiết lộ ra bí mật đó, há phải chăng tất cả những gì Gatsby đã làm, đã gầy dựng đều trở nên vô nghĩa. Một con số không tròn trĩnh và cái chết của vị đại gia chẳng qua chỉ là một tai nạn nữa, một sự hiểu lầm đáng khinh bỉ chứ chẳng còn là nỗi day dứt kéo dài, lập loè nhưng chói loá tựa ánh sáng phía bên kia vùng vịnh. Nếu thế, liệu ta có thể tự cho phép bản thân mình suy đoán rằng chính Nick mới là Fitzgerald chứ nào phải Gatsby? Bởi “một lần nữa, tặng Zelda”, bởi chính Fitzgerald dù trong những lúc kiệt quệ nhất hay khi cuộc hôn nhân của họ đã tan nát chẳng thể cứu vãn thì Zelda vẫn luôn luôn và mãi mãi là nàng thơ của ông, Nick chính là Fitzgerald luôn tìm cách bảo vệ hình ảnh đó; dù cho Gatsby đã nằm xuống, dù cho Daisy đã bỏ đi, dù cho cả thế gian chẳng còn ai quan tâm nữa nhưng Nick vẫn phải giữ kín bí mật ấy để bảo vệ niềm hy vọng buồn bã của Gatsby, của Fitzgerald, của chính mình, theo mọi nghĩa.

Jay Gatsby là cuộc đời của Fitzgerald, còn Nick Carraway là một siêu ngã của chính ông, được tách ra khỏi ông để nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình, cố gắng không phán xét, nhưng chẳng thể nào thôi day dứt, đồng thời tự biến mình thành một chứng nhân cho tất cả những điều ấy, một kho lưu trữ tự thân và rồi nó đã truyền đời tới tận một thế kỷ vẫn còn tiếp tục đập nhịp nhàng hơi thở của sự sống huy hoàng ấy. 

Có một chi tiết trong phiên bản điện ảnh chuyển thể The Great Gatsby năm 2013 của đạo diễn Baz Luhrmann tôi cho là rất nhân văn, rất dịu dàng dành cho nhân vật chính. Đó là phân đoạn khi Gatsby (Leonardo DiCaprio thủ vai) sắp lìa đời dưới nòng súng của Wilson. Ngay khoảnh khắc chuông điện thoại vang lên, anh đã chắc mẩm đó chính là Daisy đang gọi đến. Anh nở một nụ cười và khẽ gọi tên cô, cùng lúc đó tiếng súng vang lên và Jay Gatsby trút hơi thở cuối cùng với niềm tin rằng cuối cùng nàng cũng đã tìm đến mình, nàng đã chọn mình, nhưng hỡi ôi nào có phải thế. Người gọi đến là Nick Carraway (Tobey Maguire thủ vai) còn Daisy và Tom đã bỏ đi từ lâu, họ bước đi lạnh lùng và vô cảm trước những hỗn loạn họ đã gây ra cho tất cả. Một cái kết đẹp đẽ đến nhường ấy, một niềm hy vọng chỉ tiêu tan trong nhãn quan của Nick Carraway nhưng vẫn tồn tại trọn vẹn trong tâm hồn đã thoát xác của Jay Gatsby.

lighting adult male man person coat portrait suit tie light
Gatsby (Leonardo DiCaprio thủ vai) , phiên bản điện ảnh chuyển thể The Great Gatsby năm 2013 của đạo diễn Baz Luhrmann

Một thế kỷ đã trôi qua nhưng tác phẩm The Great Gatsby vẫn đang tiếp tục đập những nhịp sống nồng nhiệt dẫu ta có thừa nhận rằng chẳng còn gì để bàn đến thì vẫn còn đấy mỹ cảm khi thưởng thức một tác phẩm văn chương thực thụ. Văn chương chưa bao giờ chỉ đơn thuần là kể chuyện, dù rằng đó là yếu tố tối hậu quyết định một tác phẩm có sức hấp dẫn hay không; song song đó còn là bầu không khí mà người tác giả đã thổi vào tác phẩm của mình. Bầu không khí là thứ giữ cho các nhân tố trong truyện có thể thở và tiếp tục sống, đồng thời khi độc giả đã bước chân vào không gian, không khí đó, một phần hồn của họ cũng đã bị neo lại, hít thở cùng tầng khí quyển ấy và sống trong thời đại ấy. Trong trường hợp của Gatsby, thật may mắn khi ta có một nhân vật là Nick Carraway để ta có thể được một thoáng nhập vào cậu rồi lại thoát ra rồi có khi lại nhập vào, để từ đó; như nhận định của Alonzo Vereen cũng là một trong những cách tiếp thêm sinh khí cho sự tồn tại của chính Jay Gatsby. Nick Carraway, cậu như một mỏ neo để những lửng lơ cảm xúc của chúng ta có chỗ bám víu vào. Có lúc ta là ta, có khi ta là cậu. Có khi lại là cả hai.

Câu chuyện của The Great Gastby sẽ không thể vĩ đại nếu không có người tạo ra nó, kể về nó. Nhưng ngẫm mà xem, chính Nick Carraway, chính cậu ấy đã kể đấy thôi! Và liệu ta có thể nói chỉ mỗi Jay Gatsby mới là bản sao của Fitzgerald chăng? Khi có khi chính vì Fitzgerald cũng không muốn quên đi tất cả những gì từng xảy đến với mình, ông cũng đang tìm cách bảo toàn những huy hoàng lộng lẫy trong số phận của mình nên mới phân tách bản thân ra và tạo một nhân vật là Nick, vì nếu không thì có khi những cuộc tiệc rượu tưng bừng xa hoa của chính Gatsby sẽ khiến ta quên mất đi điều cốt lõi, để rồi từ đó mọi thứ sẽ lại chìm vào lãng quên, lạnh lùng như huyệt mộ buồn tẻ, không một lời thăm viếng, không một bông cúc hoạ mi và một thế kỷ lại trôi qua nhưng không trôi về quá khứ để làm chi nữa.

book publication page text

Related Articles

Recommended posts for you