Nhà văn Trần Lam Vy - "Cái tên cần phải đứng bên dưới tác phẩm"
Có lẽ bản thân tác giả Trần Lam Vy cũng không ngờ rằng tác phẩm đầu tay của cô; tập truyện ngắn Nhiều Buổi Chiều Và Nhiều Buổi Tối đã tái bản chỉ trong vòng vài tháng sau khi ra mắt. Có lẽ các độc giả cũng bất ngờ trước cái tên lạ lẫm này trên văn đàn. Nhưng khi đã đi cùng Lam Vy qua "nhiều buổi chiều và nhiều buổi tối", ta sẽ không ngạc nhiên vì sao cô lại được yêu mến đến như thế.
Trong một thời buổi mà văn học dịch gần như chiếm lĩnh mọi ngóc ngách trong lòng độc giả thì Trần Lam Vy lại chứng minh điều ngược lại, đó là văn học đương đại Việt Nam vẫn luôn có đất sống khi nó tìm được tiếng nói riêng và cách kể chuyện mang hơi thở thời đại, chạm vào những điều tưởng chừng bình thường nhưng lại khắc hoạ rõ nét tâm tư, tình cảm đang đè chặt trong cõi lòng của biết bao con người. Trần Lam Vy sinh năm 1992; Tốt nghiệp chuyên ngành Văn học Nước ngoài tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; Hiện viết lách và chăm sóc thú cưng tại Cần Thơ.
Ban đầu, tôi đã dự tính hẹn gặp Lam Vy vào buổi tối cho đúng tinh thần tựa sách của cô, nhưng tôi lại nghĩ, nếu như thế có khi tôi lại đang chuyện trò với một nhân vật nào đó của Lam Vy chăng? Đó là những bóng hình lướt qua nhau dưới ánh sáng đô thị chói loà nhưng mãi chẳng thể tìm ra nhau thậm chí không thể thấy bóng dáng chính họ đang chiếu thẳng xuống đất. Tôi muốn gặp một Lam Vy với tư cách một người kể chuyện, một người đã vận dụng những kỹ thuật, những thủ pháp riêng để làm nên những phông cảnh và đặt nhân vật cũng như độc giả của mình vào đó, khiến họ phải trải nghiệm cái gọi là "kịch ứng tác". Ta đọc truyện và ta ứng tác như thế nào với những tình huống mà tác giả tạo ra? Bởi hầu như cảm xúc là điều thiếu vắng trong câu chữ của Lam Vy, cô như "yêu cầu" chúng ta phải tự quyết định lấy tình cảm của mình. Không có sự dẫn đắt, không có độc thoại nội tâm. Chỉ có những khoảng trống giữa các từ, khoảng trống trong thời khắc chuyển giao từ buổi chiều sang buổi tối. Trong các khoảng trống đó, độc giả sẽ tìm thấy bản thân mình.
Còn riêng tôi, tôi tìm thấy Trần Lam Vy trong một buổi trưa, trò chuyện cùng cô cho đến lúc xế chiều thì dừng lại, để nhường chỗ cho những điều không thể nói thành lời, như cách các nhân vật của cô đã trải qua.
"Khen-chê chỉ nên là một cơn gió"
Xin chào Lam Vy, đầu tiên xin chúc mừng tập truyện ngắn đầu tay Nhiều Buổi Chiều Và Nhiều Buổi Tối của bạn đã được đón nhận nồng nhiệt và tái bản chỉ trong vòng vài tháng kể từ ngày ra mắt. Theo bạn, đâu là điều đã tạo nên sức hút đó?
Thú thật, nếu bạn hỏi tôi vì sao người ta lại không đọc có khi tôi còn dễ trả lời hơn (cười). Vì tôi thấy lối viết của mình thiên về kiểu không có cốt truyện mà chỉ có tình huống. Thứ hai là giọng văn, đa phần là văn miêu tả và hạn chế đặt để cảm xúc vào câu chữ tới mức tối đa. Và thứ ba là tôi sẽ không cố dẫn dắt độc giả một cách trực tiếp mà hơi “đòi hỏi” và “thách thức” một chút, yêu cầu người đọc phải sẵn sàng nhập cuộc. Có thể nói đó là lối viết vận dụng nhiều kỹ thuật và có đôi chỗ đánh đố, chứ không phải là một bữa tiệc cảm xúc đầy màu sắc và hương vị để mời gọi bạn đọc
Liệu bạn có là một tác giả đi theo tư tưởng không quá cần độc giả?
Tôi vẫn cần độc giả. Khi được khen tôi vẫn thấy rất vui. Nhưng tôi hiểu rõ một điều rằng cái mình viết ra phải thoả mãn được mình trước đã. Mình phải thấy nó hay thì mới dám đưa người khác đọc. Thêm nữa là cái tên của mình nằm ngay đó nên chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tuỳ tiện công khai một tác phẩm mà bản thân chưa hài lòng.
Nếu có ai đó khen tôi rất cảm ơn nhưng rồi tôi cũng sẽ cất kỷ niệm đó đi, còn nếu có lời chê thì ta cũng nên xem là họ chê như thế nào, chê đúng hay không. Khen-chê chỉ nên là một cơn gió, ta không nên xem nó là một cơn bão.
Vậy bạn có đặt kỳ vọng nào cho độc giả của mình không?
Tôi sẽ rất vui nếu có những độc giả không phải độc giả phổ thông phân tích tác phẩm của mình. Vì dù gì thì bản thân tác giả cũng đã dành thời gian để cài cắm những ý nghĩa, thông điệp nên có người nhận ra hoặc đào sâu bàn luận về nó thì tôi rất vui. Nhưng đó chỉ là một phần thôi, vì đôi khi có những chỗ cần phải có kiến thức nền tảng thì mới phân tích rõ ràng được. Dù là thế, tôi vẫn tin có rất nhiều bạn đọc không cần phải học chuyên ngành vẫn có thể đọc sâu dựa trên những trải nghiệm cá nhân và góc nhìn đa dạng của họ. Với tư cách tác giả, tôi dùng kỹ thuật viết của mình để dắt bạn đến đây, phần còn lại bạn đi đến đâu, đi bao xa và đi thế nào thì phụ thuộc hoàn toàn vào trải nghiệm và bản ngã của bạn đọc.
Tôi tin mây tầng nào gặp gió tầng đó. Một tác giả dễ dãi sẽ gặp độc giả dễ dãi. Một tác giả nghiêm túc, cẩn trọng thì sẽ gặp độc giả biết tôn trọng tác phẩm của mình.
Nhân nói đến việc học chuyên ngành, Lam Vy đã từng học lên Thạc Sĩ Văn Học, bạn có thể chia sẻ thêm về sự khác biệt khi là một độc giả/tác giả và khi là một Thạc Sĩ không?
Tôi bắt đầu viết từ khá lâu rồi nhưng chúng đều là những thứ tôi chỉ muốn giữ cho riêng mình, thậm chí bây giờ đọc lại còn thấy ngượng nữa (cười).
Thật lòng mà nói khi học Đại Học chuyên ngành Văn Chương tôi đã bị sốc. Sốc đến độ tôi ngưng viết vài năm. Khi đi học tôi bắt đầu nhận ra những gì trước đó mình viết đều bị nhồi nhét quá nhiều cảm xúc. Kiểu như lúc nào cũng phải đau khổ, giật gân, bi kịch hoá mọi thứ lên. Tôi đã từng nghĩ phải như thế thì mới đáng để đọc, cho tới khi đi học, tôi được dạy về hình thức lẫn nội dung, tôi đã vỡ lẽ ra rất nhiều thứ.
Trong số đó thì có một sự thật là từ khi đi học thì tôi đã không còn đọc sách theo cách cũ. Một quyển sách lúc này trong mắt tôi như một tử thi còn tôi hoá thành một pháp y, mổ xẻ, nghiên cứu xem bên trong thật sự đang ẩn chứa những điều gì. Nó dẫn đến một giai đoạn hơi cực đoan đó là tôi từng nghĩ văn chương mất đi vẻ lấp lánh, lung linh mà mình vốn cảm nhận. Nhưng rồi giai đoạn đó cũng đi qua, và khi nó đi qua cũng là lúc tôi tự tin cầm bút trở lại. Tôi bắt đầu hiểu bản thân hơn và biết được tôi muốn viết gì và viết nó như thế nào. Tôi dần dần tin vào những điều mình viết hơn.
Lam Vy thường mất bao lâu để hoàn thành một truyện ngắn?
Tôi thuộc dạng viết lâu, thậm chí rất lâu. Một truyện ngắn khoảng một tháng nếu may mắn (cười), còn ko có khi vài năm, tôi khó mà đoán định hay lên kế hoạch chính xác được. Bản thân tôi cũng không vội vã hay ép uổng một tác phẩm phải hoàn thành đúng kỳ hạn.
Thế còn kỷ luật trong viết lách thì sao?
Tôi vẫn có kỷ luật của riêng mình. Tôi vẫn viết đều nhưng tôi cũng sẵn sàng bỏ hết những gì mình đã viết hôm nay nếu ngày hôm sau thấy cần phải bỏ. Tôi viết vì ngày hôm đó tôi phải viết nhưng tôi sẽ không bắt bản thân mang áp lực phải hoàn thành cho bằng được.
Một phần nữa đó là giới hạn về thời gian. Tôi vẫn có công việc phải làm bên cạnh viết lách nên cũng không thể nào cứ buông bỏ trách nhiệm để viết được. Thông thường tôi sẽ dành vài ngày trong tuần để ưu tiên việc viết, nếu không có gì cấp bách thì tôi sẽ tập trung vào viết, để nhập vào tác phẩm. Đây cũng là một thao tác cần nhiều thời gian, vì mình cần nhập vào nhân vật để kể cảm xúc của nhân vật, bộc bạch nội tâm nhân vật.
"Người kể là nhân vật, không phải tôi"
Ban nãy bạn có trả lời về việc bạn chỉ dẫn dắt độc giả một đoạn đường mà thôi, còn lại tuỳ thuộc vào từng cá nhân và nhân sinh quan của họ. Điều đó cũng thể hiện rất rõ trong mọi truyện ngắn của bạn, đó là chừa rất nhiều khoảng trống để cảm xúc người đọc tự do len lỏi. Vì sao bạn lại chọn kỹ thuật viết này?
Theo tôi, mối tương quan giữa tác giả và độc giả hay sáng tác và thưởng thức không nên quá chênh lệch nhau. Những tình huống trong truyện tôi viết nó rất đời thường và chắc chắn cũng có nhiều người đã trải qua, như đi làm bị kiệt sức, thất tình, cô đơn,… Và chính vì nó quá đời thường nên mình càng phải tôn trọng cảm xúc riêng của từng người. Cốt lõi của lối viết này có lẽ tôi cũng chỉ mong độc giả sẽ cảm thấy đôi phần ủi an sau khi đọc, rằng không chỉ mỗi mình mình gặp phải tình huống ấy.
Một điều nữa đó là tôi tự thấy mình khá dở trong cách kể theo ngôi thứ ba. Nếu có thì người kể đó cũng không biết được nhiều. Ví dụ như trong truyện đầu tiên chẳng hạn, người kể chuyện là ai, là gì, không ai biết, tôi thì tôi thấy nó như mấy cái camera an ninh trong xóm vậy đó. Chỉ nhìn thấy sự việc và kể lại, tiết chế tối đa cảm xúc. Còn nếu có nhân vật “tôi” thì nhân vật đó cũng bị bó tay, bó chân, không can dự được gì nhiều vào cảnh huống.
Tôi nhớ có lần bạn nói với tôi rằng bạn là nhà văn “mất gốc”. Bạn có thể chia sẻ thêm về hai chữ “mất gốc” này?
Là mất gốc khỏi miền Tây đó (cười). Tôi vốn thích văn Âu Mỹ, và khi học thạc sĩ tôi lại học văn Âu Mỹ, kỹ thuật Âu Mỹ, nên có lẽ tôi cũng áp dụng khá nhiều, nhất là ở giọng văn lạnh lùng, dửng dưng.
Thật ra tôi vẫn luôn tự hào nói mình là một nhà văn miền Tây, nhưng miền Tây đâu chỉ có sông nước mà nó cũng có những câu chuyện như bất cứ nơi đâu. Thêm nữa là dù sống ở miền Tây nhưng tôi vẫn sống nơi thành phố, ngày nhỏ về quê chơi biết ruộng, biết đồng là thế nhưng chỉ có thế thôi, chứ nào có biết gặt lúa, chạy đồng hay lúa chín nó chính xác chi tiết ra làm sao đâu mà viết cho được. Tôi sẽ không viết những gì mà mình không chắc chắn, sự sai lệch đó rất nguy hiểm.
Vậy tác giả nên lấy bao nhiêu % cuộc đời để cho vào tác phẩm?
Nên là trên trung bình, còn trên bao nhiêu thì cũng tuỳ. Có vài tác giả viết bán tiểu sử, như Marguerite Duras là tác giả chuyên viết bán tiểu sử rồi hư cấu lên, hay có người biến nó thành phong cách kỳ ảo luôn. Quan trọng là kỹ thuật. Nhưng dù gì thì chắc chắn cũng phải từ chính cuộc đời mình trở lên. Vì cảm xúc lớp lang nhiều bậc lắm. Ví dụ như khi ta giận một ai đó thì đâu phải chỉ là mình giận, nó chỉ là cảm xúc bề mặt, còn sâu hơn nữa là gì? Ví dụ một cô gái gọi điện cho người yêu mà anh ta không nghe máy nên cô ta giận. Nhưng đó có phải là tất cả? Là cô ấy chỉ giận vì anh chàng kia không nghe hay tận sâu bên trong là cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ mình không đủ? Những lớp cảm xúc đó nó nên lấy chất liệu từ chính cuộc đời, trải nghiệm của tác giả. Còn nhiều hay ít thì còn tuỳ mình dùng kỹ thuật nào như tôi chia sẻ ban nãy.
Như trong một bản thảo truyện dài tôi đang viết dở có một nhân vật thích vẽ. Bản thân tôi cũng đã phải đi học vẽ để xem xem qua trình hoàn thành bức vẽ sẽ có những điều cần lưu ý và cảm giác như thế nào. Tôi cần phải nắm rõ các nhân vật cần gì vì người kể là nhân vật chứ không còn là tôi nữa.
Nhìn chung về kỹ thuật viết trong văn học Việt Nam, theo bạn là gì?
Tôi nhận thấy rằng văn học Việt Nam đã có nhiều bước tiến và mọi người vẫn đang tiếp tục học hỏi lẫn thay đổi.
Có vài nhà văn xa xứ thì tác phẩm của họ đang dần mang đến những chủ đề mới. Còn văn học trong nước thì thú thật là tôi cảm nhận vẫn còn đang bám lấy những đề tài cũ. Tôi ví dụ như ta lấy cột mốc từ Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh chẳng hạn, đó như một điểm đánh dấu bước từ Văn Học Cách Mạng sang Văn Học Hậu Chiến, thì những nhà văn lớn tuổi, theo cảm nhận cá nhân tôi họ vẫn lưu lại ở thời kỳ hậu chiến đó. Còn lớp trẻ ngày sau thì đang cố gắng thoát ly ra, thế nên tôi mới nói có sự học hỏi và có bước tiến.
Quay lại tác phẩm của bạn, thông thường tôi thấy một tập truyện ngắn thường mang tựa đề lấy nguyên văn từ tựa một câu chuyện tiêu biểu trong sách như một tinh thần tổng thể, nhưng Nhiều Buổi Chiều Và Nhiều Buổi Tối lại chỉ là một câu văn lọt thỏm trong một truyện ngắn. Vì sao bạn lại chọn tựa như thế?
Ban đầu, tựa của bản thảo là Một Ngày Trong Đời, đặt theo một bài hát của The Beatles. Bài hát đơn giản lắm! Nó kể về một người đàn ông sáng ra ngồi đọc báo và từng bản tin cứ lướt qua, lướt qua. Mọi sự kiện, mọi thứ đều là một ngày trong đời, đúng như tinh thần tập truyện của tôi vậy. Nhưng khi nằm trên bàn biên tập thì mọi người có gợi ý tôi đổi lại để nghe bắt tai hơn. Tôi nghĩ ngay đến tựa đề hiện tại, vì rõ ràng buổi chiều và buổi tối vẫn thuộc về một ngày trong đời.
"Tên của mình phải đặt dưới tác phẩm, không phải ở vị trí bên trên"
Tôi cảm giác tập truyện có bầu không khí chung rất lạc lõng, cô đơn. Vậy mạch cảm xúc chung nối liền các câu chuyện là gì?
Đó là khao khát được gắn kết.
Gắn kết với bản thân hay với người khác?
Họ đều mất kết nối với bản thân và đi tìm một sự kết nối thay thế từ bên ngoài.
Có vẻ như lạc lối nhỉ?
Đúng rồi. Họ ko ổn khi ở một mình. Như trong truyện cá mòi. Nhân vật sợ ngày Chủ Nhật vì sợ phải ở một mình. Khi ở một mình họ không chịu đựng nổi chính họ. Những ngày trong tuần khi đi làm thì cuộc đời họ như thể đã vạch sẵn mọi thứ, họ không cần phải đối diện với sự rỗng không trong cuộc sống của mình. Và họ cố gắng tìm sự kết nối với một ai đó đi ngang qua đời dù tất cả chỉ là ảo tưởng và họ ôm cái ảo tưởng đó đi chìm vào giấc ngủ. Đến cuối cùng họ vẫn không kết nối được với bản thân cũng như chẳng kết nối được với ai khác.
Thế theo Lam Vy, chúng ta có ngày càng trở nên yếu đuối không?
Tôi có theo học tâm lý mà trả lời là Có thì kỳ quá ha (cười).
Đùa chứ, tôi nghĩ rằng ở giai đoạn trước, giai đoạn chiến tranh và đầy rẫy khó khăn, yếu đuối đồng nghĩa với việc bị khai tử. Thời nay chúng ta không phải lo về chiến tranh nữa mà lại còn được cổ vũ việc buồn bã. Truyền thông cũng phần nào góp tay dẫn dắt, kêu gọi chúng ta bộc lộ cảm xúc, rồi thì chữa lành, đủ thứ cả, cốt để khiến ta nghĩ rằng mình cứ việc thoải mái yếu đuối và buồn bã. Nỗi buồn trong thời hiện đại nó tựa như đồ trang sức vậy. Ai cũng nghĩ mình phải buồn thì chắc người ta mới cho mình là người thâm trầm, sâu sắc, kiểu thế!
Nhưng nếu so sánh thì trước đây đâu phải ông bà cha mẹ mình không có những cảm xúc đó. Ta chưa bao giờ thấy họ khóc không có nghĩa là họ không đau đớn, tuyệt vọng hay yếu đuối. Chẳng qua là họ không được cổ vũ nói ra và không có cơ hội công khai nó, để thể hiện và “lãng mạn hoá” nỗi buồn mà thôi.
Vậy văn học có tác dụng dắt người đọc đi sâu vào tầng cảm xúc hay thoát ra khỏi những tiêu cực bủa vây?
Văn học chỉ có chức năng kể chuyện chứ không giúp ta đi lên đi xuống.
Trong Phật Giáo có nói con người không thể an lạc nếu vô minh. Ta phải hiểu, phải biết ta trước đã, thì ta mới tự tìm đường cho mình.
Văn học nói riêng hay nghệ thuật nói chung dùng những ngôn ngữ khác như nhưng giống nhau ở chỗ chỉ ra các khía cạnh khác nhau của con người và thế giới tự nhiên. Giúp ta hiểu hơn về cảm xúc, nhưng quan trọng hơn là ta phải biết ta là ai thì khi việc hiểu sâu hơn này mới có ý nghĩa.
Việc này làm tôi nghĩ đến việc một tác phẩm hời hợt. Đó là một quyển sách nghèo nội dung nhưng giàu cảm xúc. Cuối cùng cảm xúc là một mớ bòng bong vì nhân vật trong tác phẩm bị ép phải buồn chứ thật ra không có gì để phải bi kịch đến thế.
Bạn liên tục gọi bạn là “tác giả” thay vì “nhà văn”, vậy điều gì mới làm nên một “nhà văn”? Tương tự, bạn nghĩ một người viết được nhà xuất bản mua bản thảo và xuất bản và việc tự in sách, cả hai trường hợp có đều gọi là “nhà văn”?
Theo ý kiến cá nhân tôi thì nhà văn không phụ thuộc vào hình thức mà nó nằm ở phong cách. Họ phải có đủ khối lượng tác phẩm để định hình phong cách, nếu phong cách đó gắn liền được với họ và người đọc có thể nhìn ra được thì đó chính là nhà văn.
Tôi gọi mình là “tác giả” cũng vì lẽ đó. Nhưng dù là tác giả hay nhà văn thì cũng nên cẩn trọng với mọi điều mình viết. Danh xưng là một lẽ nhưng tác phẩm mới là điều quan trọng nhất. Tên của mình phải đặt dưới tác phẩm, không phải ở vị trí bên trên.
Cảm ơn Lam Vy đã dành thời gian chuyện trò cùng L'Officiel Vietnam.