L’OFFICIEL BookClub: Nhà thơ Nhược Lạc, một người đang đi... hứng cơn mưa chữ
Bình dị, ngọt lành và an yên. Ba tính từ vừa có thể dùng để tả về thơ Nhược Lạc, về hình ảnh ta thấy ở Nhược Lạc, về quán trà của Nhược Lạc, nơi cô vẫn trú mình và tiếp đón những lượt khách yêu trà ghé đến, và chưa hết, đó còn là ba tính từ gói trọn tất cả những gì ta có thể cảm khi tiếp xúc với Nhược Lạc, khi nghe cô nói, khi nghe cô hát và khi nghĩ về cô.
Nhược Lạc là một nhà thơ vốn được đông đảo độc giả yêu thích bởi chất thơ nhẹ nhàng nhưng sâu lắng của cô. Lời thơ kể về những điều nhỏ xíu li ti, giản dị vốn quen thuộc ở đời, nhưng qua những câu thơ, Nhược Lạc khiến chúng trở nên lấp lánh và tràn đầy yêu thương. Tập thơ Cơm Nhà Nói Chung Là Êm của cô được ra mắt vào năm 2022 và đã tái bản gần như chỉ trong một năm đó. Ngoài ra Nhược Lạc còn là chủ nhân của tiệm trà Lạc Teahouse. Một quán trà nhỏ nằm trong một con hẻm lọt thỏm giữa khu phố đông đúc và hỗn loạn, tựa hồ một chốn trú chân, một thánh địa riêng tư, một nơi để những dòng thơ chảy tràn qua những tách trà thơm ngát.
Chúng tôi bắt đầu buổi phỏng vấn khá đơn giản. Thế nhưng đó lại là cách hoàn hảo nhất để trò chuyện với Nhược Lạc, tôi nghĩ thế. Chúng ta không cần phải quá kiểu cách hay lên gân với một người như cô ấy, ta cứ bình thường thôi, cứ đến, cứ chuyện trò, câu này rồi đến câu kia, chuyện thơ, chuyện văn, chuyện chữ, chuyện trà. Cứ bình thường mà chảy trôi nhưng đọng lại là cảm giác khoan khoái dễ chịu, như mùi đất ẩm dịu mát sau một cơn mưa rào sớm mai.
Làm thơ - Uống trà - Kinh doanh. Đối với chị, có điểm chung nào giữa ba điều này không?
Tôi nghĩ điểm chung của ba thứ này đó là: Nó đều là tiếng gọi. Tôi đã uống trà với ông bà, bố mẹ từ lúc nhỏ, nhưng mãi đến năm 22 tuổi, tôi mới nhận ra là nó ngon - đến - như - thế - nào, và tôi muốn đi vào lãnh địa của trà nhiều đến mức nào.
Việc làm thơ cũng vậy, tôi đã có nhiều cơ hội với thi ca từ bé, có thể bắt đầu từ trường lớp, hay với những cuốn thơ trong nhà. Nhưng mãi sau này, tôi mới bắt đầu với việc viết thơ một cách đều đặn. Những bài thơ xuất hiện ở hàng ghế phía sau trong xe taxi, giữa những ồn ào của phim trường, hay trong một nhà vệ sinh im tiếng, băng ghế chờ xe buýt, hay giữa một bãi giữ xe đông người. Nó xuất hiện, rồi tôi lôi điện thoại ra, và gõ xuống.
Chuyện kinh doanh đến muộn nhất, và theo cách tôi cũng ít khi nghĩ đến. Nó bắt đầu từ thứ tôi yêu thích, là Trà. Thế là Lạc Teahouse ra đời. Với một suy nghĩ thoạt đầu đơn giản: muốn chia sẻ với mọi người những thức trà ngon. Rồi sau đó, là Thời Trang. Cũng với suy nghĩ đó: muốn tạo ra những bộ trang phục khiến mình thoải mái khi mặc - mình được là mình, nhưng mà vẫn đẹp. Thế là Tênh Tênh ra đời.
Chúng ta biết rằng việc gì thì cũng có hai mặt. Thế thì việc vừa làm kinh doanh, vừa làm quảng cáo nó bổ trợ và ảnh hưởng thế nào tới việc sáng tác của chị?
Nó bổ trợ thu nhập cho tôi, có thực mới vực được đạo mà (cười). Nói chứ, tôi nghĩ là làm việc gì cũng vậy - nó cho tôi những trải nghiệm sống quý giá. Hàng ngày, tôi làm việc một cách chăm chỉ, gặp gỡ nhiều người, đối mặt với nhiều chuyện. Có những chuyện siêu khó, có những thứ làm mình đau đầu, hoặc đau lòng. Nhưng mà khi tất cả đi qua, nó để lại trong tôi những dòng cảm xúc, những câu chuyện. Thế là tôi viết xuống.
Tôi nhận ra có những khoảng thời gian tôi nhàn rỗi hơn, nhưng lại không giúp tôi viết tốt hơn, vì thì tôi bị thiếu những yếu tố đầu vào. Nên tôi vẫn hài lòng với việc được tiếp tục làm nhiều điều, học nhiều điều, mỗi ngày.
Chị có bao giờ muốn thử một kiểu viết khác ngoài thơ và tản văn không? Như viết truyện ngắn hay tiểu thuyết chẳng hạn?
Tôi có đấy. Và tôi đã thử. Trong máy tính của tôi bây giờ vẫn còn những truyện ngắn chưa từng đăng, những bản viết dang dở của truyện dài (chưa dám đụng vào tiểu thuyết). Nhưng chắc là chưa đủ đâu, tôi nghĩ mình vẫn còn trẻ. Không phải quá trẻ trong tuổi đời, nhưng còn quá trẻ trong tuổi văn chương. Tôi cũng không vội vàng gì cả. Tôi muốn sống thêm, trải nghiệm thêm, và ghi câu chữ gọi mình thế nào, mình sẽ đáp lại y thế.
Theo chị thì viết thơ có dễ hơn so với viết tiểu thuyết không?
Tôi không nghĩ nó dễ hơn. Tôi chỉ nghĩ nó khác nhau. Mỗi người, mỗi kiểu tính cách, hoặc mỗi giai đoạn trong cuộc đời - có thể mình sẽ hợp với các hình thức, thể loại viết khác nhau. Mình có thể nương theo cái mình cảm thấy, nghe thấy từ tiếng lòng, để chọn ra điều phù hợp với bản thân.
À nhưng có một cái đúng là hơn, đấy là thơ ngắn hơn tiểu thuyết (cười). Nên vào những ngày mệt quá, và chỉ muốn ghi xuống một ít chữ, thì thơ luôn là lựa chọn của tôi.
Chị nghĩ như thế nào về quãng thời gian gần đây có rất nhiều người viết (chúng ta tạm gọi như thế nhé) tự in thơ, tự làm ebook thơ mà không cần thông qua nhà xuất bản hay đơn vị phân phối phát hành nào? Liệu đây là phải là một xu hướng mới trong giới thơ Việt Nam?
Vâng! Tôi nghĩ đó là một hướng đi mới cho những người viết hiện đại. Ngày xưa, khi phương tiện truyền thông chưa quá phát triển, thì chỉ có một vài hình thức để giới thiệu câu chữ của mình tới độc giả thôi, như là đăng báo, ra sách. Còn bây giờ, mạng xã hội đã phát triển đến độ, người viết có thể tự tìm thấy độc giả cho mình bằng nhiều cách.
Điều này với tôi là một điểm sáng cho người viết đương thời, nhưng cũng là thử thách. Thử thách ở chỗ, mình vừa phải tự viết, vừa tự tìm chỗ-đứng cho mình. Mình cần độc giả, nhưng phải không để độc giả tác động quá nhiều đến cái lõi-viết của mình. Một tác giả của thời đại mới vừa phải nuôi dưỡng cái tôi sáng tạo của mình, vừa phải lắng nghe độc giả của mình, và cân bằng toàn bộ những yếu tố ấy. (Tất nhiên là, bạn vẫn có thể viết theo cách không cần quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Đó lại là, một lựa chọn khác).
Chị có đặc biệt chú ý đến cái tên nào trong số những người viết thuộc dòng chảy đó không?
Có một bạn, tôi theo dõi qua Facebook và Wordpress, tên là Ikarus Airlines. Trích một bài thơ của bạn.
“Đêm bão ngọn cây khóc
ô cửa lá tàn thay.
Tảng sáng tôi mắt tạnh,
mái nhà tốc vờn bay.
Những cồn mây mới sôi cơn lạnh
ngả gương nước ngủ say.
Biệt ly trên đường vắng
ấm hồi lâu bàn tay.
Ngàn cây lung linh nước
rơi lạc xuống đường ray
rồi xuống hồ sương phủ,
không lạc mất mảy may.”
Ikarus Airlines
"Mỗi người nên tự hỏi mình xem mục đích của mình khi viết là gì, rồi bắt tay vào thực hiện nó thôi."
Trong lúc nói về chủ đề này, ta có thể thấy một điều các nhà xuất bản hiện này luôn có tâm thế “dè chừng” khi nhận một bản thảo thơ. Lý do muôn thuở là “không bán chạy”, trong khi rõ ràng Việt Nam là một dân tộc được xem là rất mê thơ, yêu thơ. Là một tác giả, theo chị nguyên nhân do đâu mà một dân tộc yêu thơ lại không tiêu thụ được sách thơ?
Theo tôi, có thể là vì mọi người yêu thơ nên cũng dễ sáng tác thơ.
Thật ra thơ ca ngày xưa đi vào đời sống cũng rất thường, có khi ngồi nói chuyện với nhau một hồi đã thành bài thơ lục bát rồi. Hát ru con cũng bằng thơ lục bát. Thơ trong đời sống người Việt là một điều gần gũi đến nỗi mà, có khi ta không có nhu cầu mua thêm nữa.
Ngoài ra thì, thơ dễ mang lại một cảm giác hơi…sến và thiếu thực tế. Nếu bạn đọc sách kỹ năng sống, bạn sẽ cảm thấy mình đang học thêm được điều gì đó mới. Nếu bạn đọc văn, bạn đang nhận cho mình một câu chuyện hay. Nhưng khi bạn đọc thơ, bạn có được gì? Cũng rất khó nói.
Nhưng có một lần, một chị khách đến quán tôi đã nói rằng: “Có hôm chị đến, ngồi bên cửa sổ và đọc một bài thơ của em, và chị cứ thế khóc thôi. Khóc vì thương mình ấy. Nhưng khóc xong thì nhẹ lòng, và lại đi tiếp được. Chắc em không biết đâu, nhưng có nhiều đoạn khó đi trong cuộc đời, những câu chữ của em đã giúp chị bước tiếp.”
Thì, có thể, đó là một cái được của thơ. Dù cái được đó, chắc nhỏ bé lắm.
Và chị nghĩ người viết văn có nên đặt mục tiêu là được xuất bản không? Hay chỉ cần được viết đã là hạnh phúc?
Cái này chắc tôi không nghĩ được rồi, mà tùy thuộc vào mục đích của từng người viết. Với tôi thì viết ra được đã là hạnh phúc. Được in thành sách cũng là hạnh phúc. Được đọc bài thơ của mình trong một đêm thi-ca là hạnh phúc. Được đăng trên blog cá nhân của mình và hữu ích cho ai đó là hạnh phúc. Mỗi người nên tự hỏi mình xem mục đích của mình khi viết là gì, rồi bắt tay vào thực hiện nó thôi.
Trong quyển Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi của Rainer Maria Rilke có một câu rằng “Đối với tôi mình phải cảm thấy rằng mình có thể sống không cần viết thì mình cũng không nên cố sức viết làm gì” (Bản dịch bởi Hoàng Thu Uyên). Chị nghĩ gì về điều này? Nó có phải là điều không thể không có để trở thành nhà thơ? Và chị có thể sống mà không sáng tác không?
Tôi đồng ý với cụ Rilke quá!
Tôi nghĩ có những người mà nếu không viết thì họ sẽ không chịu nổi luôn ấy. Tôi cũng có những lúc như thế, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Giữa viết và sống, thì tôi coi trọng việc sống hơn. Có những khoảng thời gian tôi không muốn viết gì cả, và tôi cũng không ép bản thân (viết trong công việc thì lại khác nhé). Với những tác phẩm mà mình viết xuống, tôi chỉ viết khi câu chữ tìm đến. Mình cũng không quá mong nó phải tìm đến. Mình cứ sống bình thường thôi. Rồi một lúc nào đó, chữ như hạt mưa, rớt lộp bộp bên đời, thì mình mang giấy ra hứng. Là một người viết có khi chỉ như một người hứng mưa.
Thử tưởng tượng nếu chị được trao cho một cuộc đời an nhàn dư dả, chẳng cần kiếm sống mà chỉ cần sống để làm thơ thôi. Chị có thấy đó là cuộc đời trong mơ không?
Thật ra tôi không hề định sống chỉ để làm thơ (cười).
Tôi thích làm nhiều thứ lắm, và viết là một trong số đó. Nếu có cuộc đời an nhàn dư dả, tôi sẽ được uống trà thảnh thơi mỗi ngày (giờ thì không đâu, còn vội vã lắm). Tôi vẫn sẽ làm việc đấy (hehe), tôi vẫn yêu những việc mình đang làm, nhưng không cần áp lực quá về doanh thu nữa. Tôi sẽ viết và sẽ vẽ, sẽ trồng và chăm những cái cây và cụm hoa nhài, hoa hồng và cả hoa quỳnh. Tôi sẽ đi đến những vùng đất mới. Và cứ sau những điều đó, tôi sẽ viết xuống, chắc chắn rồi, thành những bài thơ.
Thơ là đời mình, là con người mình, vậy bài thơ nào có thể được xem là gói gọn rõ ràng nhất về con người và tâm hồn chị?
Tính đến giờ, chắc là bài “Kể một chuyện dài”. Cái bài này dài lắm, nên lần nào tôi cũng ngại trích. Nhưng mà tôi thích nó lắm. Đấy là cái tôi mong đợi khi mình viết, nghĩa là mình chỉ cần viết xuống thôi. Cuộc đời mình, tự thân nó đã là một câu chuyện - một bài thơ rồi.
Trích đoạn:
“chuyện đời tôi: chẳng chỗ chôn
ngày mai lá cũ,
mong thành đốm lửa hắt bên đồi,
rồi tắt
kể chuyện xa vạn dặm
chân cũng mỏi mỏi nhiều
tôi ngồi ngắm lá ban chiều
nghe anh đọc nốt một điều, trong thơ.”
Nhược Lạc
"Mình cứ sống bình thường thôi. Rồi một lúc nào đó, chữ như hạt mưa, rớt lộp bộp bên đời, thì mình mang giấy ra hứng. Là một người viết có khi chỉ như một người hứng mưa."
Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện cùng L'Officiel Vietnam.
(Hình ảnh do nhân vật cung cấp)