Love & Life

L'OFFICIEL Book Club: Những đoá hồng của nhà văn Nguyễn Mai Chi

Một buổi chuyện trò về văn chương, về nghề viết từ góc nhìn của một nhà văn. Một người luôn biết cách lôi tuột chất liệu sống của chính mình ra khỏi mình, bày nó lên trang giấy một cách hồn nhiên và dũng cảm, tự mở toang những vết thương, mở to tròn đôi mắt để nhìn vào ký ức xa xôi, biến nó thành những đoá hồng tặng cho độc giả. Đoá hồng vừa đỏ thắm, vừa tua tủa gai nhọn. 

publication face head person smile photography portrait advertisement book poster

Sau khi trò chuyện về văn chương với nhà văn Nguyễn Mai Chi, tôi đã nghĩ ngay đến việc đặt tựa đề bài viết này là "Những Đoá Hồng Của Nhà Văn Nguyễn Mai Chi". Không chỉ vì trong danh sách các tác phẩm của chị có tập truyện ngắn Harpocrates và bông hồng phía trên thành phố, cũng chẳng phải vì kỷ niệm cô giáo cấp 2 tặng chị tác phẩm “Bông hồng vàng và bình minh mưa” của Konstantin Paustovsky, từ đó đã vun trồng trong tâm hồn chị tình yêu dành cho văn chương, mà vì đối với góc nhìn của một độc giả, tôi luôn xem văn chương của chị là những đoá hoa hồng. Đỏ thắm, rực rỡ và tua tủa nhọn hoắc những chiếc gai. 

Sẽ rất khó để bạn không thấy trái tim mình tê buốt và nhói lên như kim chích khi đọc những trang viết của Nguyễn Mai Chi. Từ ngữ của chị không cầu kỳ. Chúng đơn giản và tiết chế, và khi các câu từ ấy được đặt cạnh nhau, dưới sự sắp xếp khéo léo và, tôi nghĩ, là chân thành từ nữ nhà văn, từng câu chuyện Nguyễn Mai Chi đang kể đều biến thành những đoá hồng đẹp đẽ. Chúng ta không thể ngăn bản thân chạm vào, bất kể việc ta biết gai nhọn sẽ đâm xuyên vào tâm hồn ta. 

Ernest Hemingway từng nói rằng "In order to write about life first you must live it." (Tạm dịch: Để có thể viết về cuộc đời, bạn phải sống cuộc đời đó đã).

Tôi nghĩ Nguyễn Mai Chi đã làm một việc mà bất cứ nhà văn nào cũng nên và cần làm, đó là lôi tuột chất liệu sống của mình ra khỏi mình, bày nó lên trang giấy một cách hồn nhiên và dũng cảm. Nếu nhà văn không tự mở toang những vết thương của mình, nếu không mở to tròn đôi mắt để nhìn vào ký ức xa xôi, thì họ sẽ viết được gì ngoài những điều mơ hồ và trôi chảy vào quên lãng? Harpocrates và bông hồng phía trên thành phố, Những toạ độ song song hay Thế giới qua đôi mắt cá của cô ấy sẽ không trôi đi vào vùng quên lãng. Những câu chuyện, những lát cắt cuộc đời, những mảnh vụn ký ức, những chiếc gai mang trong mình hình dáng của hội thoại, độc thoại và suy tư, chúng khe khẽ len lỏi vào một ngách nhỏ trong trái tim bạn, ngụ lại đó và làm bạn châm chích khôn nguôi. Thế nhưng tôi tin đó là điều bạn cần khi tìm đến văn chương, cũng như đó là điều văn chương đại diện. Neo giữ lại những xúc cảm, dẫu đó là những cảm xúc như lửa đốt, dày vò tâm can, chúng vẫn là điều ta cần neo giữ lại để biết rằng mình vẫn mang một trái tim ấm nóng. Như đoá hoa hồng đỏ rực đầy gai nhọn. Như bóng tối và ánh sáng luôn tồn tại song song, phóng chiếu qua đôi mắt mở to như mắt cá, ngắm nhìn trọn vẹn đời mình và những cuộc đời trôi qua chính mình. 

book publication advertisement poster
advertisement publication book poster
book publication person business card paper text
Những tác phẩm của Nguyễn Mai Chi
face head person smile dimples adult female woman portrait neck

Như lời thoại mà tôi từng ghi chép lại trong bộ phim As I Was Moving Ahead Occasionally I Saw Brief Glimpses of Beauty của Jonas Mekas: “Hết thảy mọi thứ rồi sẽ trôi qua, ngoại trừ khoảnh khắc đặc biệt này. Chỉ một giây nữa thôi, ta đã sống trong một khoảnh khắc khác và một điều khác đang xảy đến và tất cả mọi thứ còn lại đã kịp biến mất. Ký ức, là ký ức. Dẫu vậy, một vài ký ức không bao giờ thực sự bị xoá nhoà, hay thậm chí chẳng có ký ức nào bị tẩy xoá hoàn toàn, chúng vẫn luôn ở đây, và đôi khi chúng xâm chiếm lấy ta, mạnh hơn mọi khung cảnh thực tế đang xoay quanh ta.” (Trích Những Toạ Độ Song Song - Nguyễn Mai Chi)

Cũng đã 4 năm kể từ khi Những Toạ Độ Song Song của chị ra mắt, trong suốt khoảng thời gian đó chị vẫn viết đều và ấp ủ thêm những câu chuyện mới chứ?

Chào độc giả của L’Officiel. Cảm ơn bạn đã có lời mời phỏng vấn. Tôi vẫn tiếp tục viết với mong muốn có thể hoàn thành cuốn truyện dài đầu tiên của mình. Đó là câu chuyện kể về chuyến du lịch của một nhóm bạn ngoài ba mươi tuổi. Về cuốn sách sắp được in, đó lại là một lần tái bản có bổ sung của cuốn “Thế giới qua đôi mắt cá của cô ấy”. Cuốn sách được phát hành bởi Bloom Books.

Trong những tác phẩm trước, độc giả có thể nhận thấy yếu tố gia đình luôn chiếm phần lớn trong câu chuyện của chị. Đó có phải là chủ đề lớn nhất chị luôn muốn hướng tới trong văn chương không?

Tôi luôn cảm thấy mình không có toàn quyền kiểm soát với những chủ đề mà mình muốn viết. Chúng đến với tôi một cách tự nhiên, bắt nguồn từ những gì khiến tôi chú tâm trong cuộc sống. Có thể khi kinh nghiệm sống của tôi mở rộng hơn cùng với năm tháng, môi trường sống thay đổi, tôi sẽ có được những tư liệu sáng tác khác. Nhưng cũng có thể càng đi nhiều và thấy được nhiều điều, người ta lại càng có xu hướng quay về với gốc rễ của mình.

Có rất nhiều cách để một tâm hồn nghệ sĩ kể câu chuyện của mình, có người vẽ, có người hát, có người múa, còn chị thì là viết. Vì sao lại là viết?

Một câu chuyện có thể được kể ra mà không cần bất cứ một công cụ hỗ trợ nào khác ngoài trí óc và một giọng nói. Tôi nghĩ rằng văn học là bộ môn nghệ thuật ít cầu kỳ nhất, sơ khai nhất. Và nhà văn là những người lười biếng nhất trong số các nghệ sĩ. Ngày còn nhỏ, tôi chọn ở nhà đọc truyện thay vì học đàn, học múa, học vẽ vì tôi nghĩ rằng việc đọc không đòi hỏi một chút cố gắng nào. Dĩ nhiên sau này tôi nhận ra rắng mình đã lầm. Tôi bị cuốn vào việc viết một cách tự nhiên sau khi đọc được những cuốn sách hay và thấy được những cảm xúc mà chúng tạo ra nơi người đọc.

Ở chiều ngược lại, chị nghĩ vì sao người ta luôn cần đọc văn chương, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca?

Chúng ta sẽ luôn hạnh phúc nếu chúng ta có thể hạnh phúc ngay cả khi không có gì trong tay. Những câu chuyện mà bạn đã đọc, chúng sẽ mãi thuộc về bạn. Chính chúng sẽ giúp bạn giữ được hy vọng ngay cả trong những giờ phút tuyệt vọng nhất.

shelf adult female person woman furniture book publication library bookcase

"Một tác phẩm kinh điển khiến ta rung động trước cái đẹp, nhưng trên hết, nó giúp ta có cái nhìn điềm tĩnh hơn trước cái sai."

Một câu hỏi liên quan về quan điểm sáng tác, chị nghĩ rằng văn chương thì nên đi theo hướng nào hơn trong hai hướng đi sau: Đề cao cái đẹp hay vạch trần cái ác?

Mục đích của mỗi cuốn sách là để giúp chúng ta hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Nhà văn tìm kiếm sự thật, những mặt chưa được khai phá trong bản chất con người, những gì người ta cố gắng che đậy hoặc khó để bộc lộ, dù muốn hay không muốn. Một tác phẩm kinh điển khiến ta rung động trước cái đẹp, nhưng trên hết, nó giúp ta có cái nhìn điềm tĩnh hơn trước cái sai.

“Vạch trần tội ác” là một cụm từ nặng nề, bởi có những lúc khi đã hiểu được cái ác đó từ đâu tới, tại sao người với người lại hành xử như vậy với nhau, chúng ta sẽ thấy cay đắng, xót xa nhiều hơn là căm phẫn. Văn học không có nghĩa vụ phải chỉ điểm những cái xấu. Ví dụ như khi xem một bộ phim của Ozu, một người thực tế có thể sẽ có suy nghĩ rằng “người Nhật trong thực tế không ăn vận như vậy, không nói chuyện với nhau như vậy”. Có rất nhiều tác phẩm điện ảnh bị đánh giá “oan” bằng cách đó, bị phê phán rằng “kịch” quá, không thật. Tôi cho rằng những cảnh phim đó, những lời thoại đó cũng là một dạng sự thật trong thế giới riêng của nó, vì đó là cách mà người ta nên ăn vận, người ta nên trò chuyện và cư xử với nhau. Nếu bạn muốn nhìn vào thực tế, có thể nghệ thuật không phải là thứ bạn nên tìm đến.

Chị có nghĩ với những nhà văn mới bắt đầu văn nghiệp thì tốt hơn là họ nên viết ngắn thay vì lựa chọn viết tiểu thuyết không?

Cá nhân tôi luôn mong muốn có thể hoàn thành những truyện dài mà mình đang viết. Tôi nghĩ đó là “tham vọng” của bất cứ người viết nào.

So với các truyện ngắn, sự đồ sộ và những đòi hỏi trong việc xây dựng cấu trúc của truyện dài là thử thách với nhà văn. Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng truyện ngắn là một thứ dễ dãi mà bất cứ ai cũng có thể viết. Hãy thử điểm lại mà xem, dư âm mà các truyện ngắn của John O’hara hay của Ivan Bunin để lại trong chúng ta cũng không hề nhẹ nhàng chút nào. Nhà văn hẳn là những kẻ độc ác, họ thấy việc hạ knock-out bạn bằng một cú đấm như truyện ngắn thì chẳng có gì vui thú cả, thay vào đó, họ dày công pha chế một liều độc dược không màu không mùi mang tên tiểu thuyết, để mỗi ngày bạn uống từng chút một, cho đến khi tàn tạ. Người đọc chỉ việc chọn giữa cái chết chóng vánh hay chết dần chết mòn mà thôi.

Với những nhà văn mới bắt đầu ấy, đặc biệt là những người có vốn đọc rộng và phong phú thường mắc phải một cái bẫy đó là họ luôn cảm thấy những gì mình viết ra không thể so sánh với những gì họ đọc từ các nhà văn đã thành danh khác. Cảm giác so sánh đó có thể nói vừa là động lực nhưng đa phần lại là yếu tố gây nên sự tắc nghẽn trong sáng tác. Chị có từng như thế không? Và nếu có, chị đã vượt qua bằng cách nào?

Tôi không coi đó là một sự tắc nghẽn. Đó là một bước phải có trong quá trình tìm tòi và sáng tạo. Bạn thấy cái mình đang làm chưa đủ tốt, vậy nên một cách tự nhiên, bạn tìm kiếm thứ gì đó hoàn mỹ hơn, chấn động hơn. Chính vì vậy mới cần các nhà xuất bản, các công ty phát hành. Nếu bạn làm việc với một biên tập viên đủ tốt, họ sẽ là người giúp bạn củng cố niềm tin rằng bản thảo mà bạn đang có đã sẵn sàng để đem tới nhà in. Tôi cũng thường tin tưởng ý kiến đánh giá của những người lớn tuổi hơn mình, những người có sở thích đọc, những người làm nghiên cứu.

"Nếu bạn muốn nhìn vào thực tế, có thể nghệ thuật không phải là thứ bạn nên tìm đến."

city urban person street building cityscape arbour garden metropolis face

Chị Mai Chi cũng là một người đọc rất nhiều sách, vậy quyển sách nào có thể xem là tác phẩm khiến chị muốn trở thành nhà văn nhất?

Vì bạn hỏi một cuốn sách nên tôi sẽ chọn một cuốn sách, đó là “Bông hồng vàng và bình minh mưa” của Konstantin Paustovsky, món quà mà cô giáo dạy Văn cấp 2 đã tặng cho tôi. Tôi nghĩ chính cô mới là người đem tình yêu văn học đến với tôi.

Neil Gaiman từng nói rằng ai khi bắt đầu cũng nên cứ “bắt chước” một nhà văn nào đó mà mình yêu mến văn phong của họ, rồi từ từ trong quá trình thực hành ta sẽ tìm giọng văn riêng của mình sau. Chị cũng từng như thế ở những ngày đầu viết lách chứ? Và theo chị nhà văn nào đã ảnh hưởng lên phong cách văn chương của chị?

Tôi chưa từng làm bài tập về nhà này, cố gắng bắt chước một nhà văn nào đó. Tôi không nghĩ đây là một cách hay để luyện tập, vì như vậy nghĩa là bạn đang cố đè nén bản thân mình xuống. Thay vì tập trung vào phong cách viết, bạn có thể tập trung vào câu chuyện mà bạn muốn kể. Một số độc giả của tôi từng nhận xét rằng họ thấy tôi chịu ảnh hưởng bởi Thạch Lam, là một nhà văn mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.

Được biết chị là người sáng lập Ka Koncept, có sự tương quan nào giữa việc làm CEO và làm một nhà văn không?

Ở Ka Koncept, tôi là đồng sáng lập cùng với những người khác. Tôi chịu trách nhiệm chính về việc làm truyền thông. Vậy là cũng có liên quan tới ngôn từ và việc viết, phải không?

Được biết chị cũng là một dịch giả, vậy dịch sách và viết sách giống / khác thế nào? Nếu được chị có thể chia sẻ vài kỷ niệm vui trong quá trình chị dịch quyển Nghề Nghiệp Của Bố (Sorj Chalandon) không?

Cá nhân tôi thấy việc dịch khó khăn hơn so với việc viết. Bạn cần phải đọc tác phẩm gốc nhiều lần, liên hệ với tác giả để có thể hiểu được trọn vẹn tác phẩm. Trong khi dịch, bạn phải chấp nhận việc sẽ đánh mất gần như toàn bộ vẻ đẹp về âm điệu và các ẩn ý một cách tự nhiên vốn có trong tác phẩm gốc. Bạn cũng phải bằng lòng với việc sẽ có những ý kiến chê trách một số đoạn chuyển ngữ bị trúc trắc, vì đôi khi bạn buộc phải lựa chọn giữa việc trung thành với cách diễn đạt trong ngôn ngữ gốc, hay “viết lại” tác phẩm để câu chữ được mượt mà hơn. Tôi theo trường phái thứ nhất, với quan niệm rằng đọc một tác phẩm văn học ngoại quốc cũng là cách để hiểu về văn hóa của họ, ngôn ngữ của họ. Sẽ là vô nghĩa nếu như người đọc một cuốn tiểu thuyết Pháp lại không biết được những cách diễn đạt hay cách hành văn của người Pháp.

Về “Nghề nghiệp của bố”, tôi rất tiếc vì không nhớ ra kỉ niệm nào vui để có thể chia sẻ cùng bạn đọc. Có lẽ bởi khi dịch “Nghề nghiệp của bố”, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi vẫn mong ước được dịch các tác phẩm khác của Sorj Chalandon sang tiếng Việt. Ông thực sự là một nhà văn lớn của văn học Pháp đương thời.

“Vạch trần tội ác” là một cụm từ nặng nề, bởi có những lúc khi đã hiểu được cái ác đó từ đâu tới, tại sao người với người lại hành xử như vậy với nhau, chúng ta sẽ thấy cay đắng, xót xa nhiều hơn là căm phẫn.

Bàn luận xa hơn một chút về văn chương thế giới. Có nhiều ý kiến cho rằng văn chương ngày nay đang thiếu dần tính “bản địa hoá”. Đọc một tác phẩm có thể dễ dàng hình dung nơi chốn ở bất cứ đâu, sự đa dạng và độc bản về văn hoá, truyền thống, lịch sử đang dần thiếu vắng, trong khi đó sự ẩn dụ lại lên ngôi. Chị có nghĩ đây là một điểm tốt trong văn chương không? Hay văn chương đang “nhàm chán” dần do thế?

Văn hóa không phải là thứ ta chỉ có thể có được qua sự dạy dỗ, giáo dục. Khoa học thần kinh đã chứng minh được rằng chúng ta không sinh ra là một tờ giấy trắng: bạn là một tình tiết tiếp nối của một câu chuyện rất dài đang diễn ra. Bộ gen của bạn chứa đựng tất cả những gì mà các thế hệ trước đã trải qua, quan trọng là nó có được khơi dậy hay không mà thôi. Môi trường xung quanh sẽ là tác nhân giúp bạn bộc lộ những yếu tố sẵn có về văn hóa trong mã gen của mình. Nếu cứ quá tập trung vào việc làm thế nào để người đọc nhận biết được đây là tác phẩm của một nhà văn Việt, có thể bạn sẽ đi lệch hướng so với chính bộ gen của bạn.

Mặt khác, nếu như có ngày càng nhiều các tác phẩm nơi người đọc không nhìn ra rõ được sự khác biệt về văn hóa, thì có nghĩa rằng thế giới ta đang sống đã dần cởi mở hơn, người ta tập trung vào con người chứ không còn là con người trong một môi trường sống cụ thể về mặt địa lý nào cả. Với số đông, điều này có thể kém hấp dẫn hơn vì không còn gì mới lạ, thứ họ tìm kiếm là một điều gì đó họ chưa từng được thấy, như trong những quyển sách du ký. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là thứ yếu, nếu bản thân tư tưởng của tác phẩm đủ hay, thì người ta sẽ không còn đặt câu hỏi về tính bản địa. Lấy ví dụ như các tác phẩm khoa học viễn tưởng chẳng hạn?

Chắc chị cũng có theo dõi Nobel Văn Chương vừa rồi đúng không ạ? Có vẻ như Viện Hàn Lâm ngày càng hướng sự chú ý tới văn học ở những nơi ngoài “phương Tây”, chị có niềm tin vào một giải Nobel cho Việt Nam trong tương lai không? Và nếu có thì chị có bật ra được cái tên “đề cử” nào ở nước ta không?

Khi nãy chúng ta có nói tới việc dịch, và chúng ta đã cùng đồng ý rằng có rất nhiều vẻ đẹp của tác phẩm sẽ bị rơi rớt một cách đáng tiếc trong việc chuyển ngữ. Giải thưởng Nobel Văn học được trao cho ai, điều đó cũng phụ thuộc vào việc các tác phẩm của nhà văn được đề cử sẽ được dịch hay tới đâu. Đây là việc nằm ngoài tầm kiểm soát của tác giả. Deborah Smith, người dịch tác phẩm The Vegetarian của Han Kang sang tiếng Anh, là người đồng thắng giải Man Booker 2016, điều này cho thấy vị trí của dịch giả quan trọng đến mức nào. Có thể các nhà văn Việt chưa tìm được tri kỉ của mình trong việc dịch chăng? Trong số các nhà văn đương thời của Việt Nam, tôi yêu thích các tác phẩm của các nhà văn Dương Hướng, Chu Lai, Ma Văn Kháng.

"Nếu bản thân tư tưởng của tác phẩm đủ hay, thì người ta sẽ không còn đặt câu hỏi về tính bản địa"

black hair person face head smile adult female woman coffee cup portrait

Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện cùng L'Officiel Vietnam.

(Hình ảnh do nhân vật cung cấp)

Related Articles

Recommended posts for you