Love & Life

Mạng xã hội đang dẫn dắt khẩu vị của chúng ta như thế nào?

Bạn dành bao nhiêu giờ mỗi ngày để lướt mạng xã hội? Có thể bạn không nhận ra, nhưng TikTok, Instagram, YouTube không chỉ nuốt chửng thời gian mà còn lặng lẽ "thao túng" cả vị giác lẫn cơn đói của bạn.

Mạng xã hội không chỉ là sân chơi, mà còn là một nhà bếp khổng lồ với hàng triệu lời mời gọi. Bạn đang ăn vì đói, hay chỉ vì một thuật toán nào đó đã sắp đặt sẵn? Theo Tạp chí Dinh dưỡng (Nutrition Journal, 2024), những ai dành hơn hai tiếng mỗi ngày trên mạng xã hội có xu hướng dễ lung lay trước những trào lưu ăn uống, sẵn sàng thay đổi khẩu phần chỉ vì một video viral hay một bức ảnh "foodporn" quá hấp dẫn. Bạn đã từng vội vàng đặt một món ăn chỉ vì bắt gặp ai đó đang review trên TikTok chưa? Bạn không cô đơn đâu. Sự bốc đồng này có thể biến thành những bữa ăn mất kiểm soát, thiếu cân bằng, và tệ hơn, ăn vì cảm xúc thay vì vì cơ thể cần. 

Bên cạnh đó, những gì được gắn mác "healthy food" (thực phẩm lành mạnh) trên mạng cũng chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Các trào lưu ăn kiêng cực đoan lan nhanh, len lỏi vào thói quen của hàng triệu người mà không qua bất kỳ sự kiểm chứng nào. Không ít người vô tình biến cơ thể mình thành một phòng thí nghiệm di động, nơi các công thức ăn kiêng vô danh liên tục được thử nghiệm. Trong khi đó, những ai ít để mạng xã hội định đoạt bữa ăn lại duy trì thói quen ăn uống cân bằng, lắng nghe cơ thể thay vì chạy theo một chiếc trend phù phiếm.

Mạng xã hội thay đổi cân nặng như thế nào?

Mạng xã hội không chỉ quyết định thứ bạn xem, mà còn âm thầm tác động đến số cân nặng theo cách bạn không ngờ tới. Một nghiên cứu kéo dài 22 năm tại Anh theo dõi 1.400 sinh viên để tìm hiểu mối liên hệ giữa thời gian lướt mạng, mức độ gắn bó với SNS và thói quen ăn uống. Kết quả, nhóm dành nhiều thời gian trên nền tảng số có BMI cao hơn, thường xuyên ăn uống theo cảm xúc và dễ rơi vào trạng thái thèm ăn dù không thực sự đói. Một nghiên cứu khác còn phát hiện, những ai vừa ăn vừa lướt mạng có thể tiêu thụ nhiều hơn 15% calo mà không hề nhận ra (Obesity Journal, 2019).

Cơn thèm ăn đôi khi không bắt nguồn từ dạ dày mà từ một cú vuốt màn hình vô thức. Càng ngập chìm trong mạng xã hội, bạn càng dễ bị thao túng bởi những “cơn đói ảo” do quảng cáo tinh vi, video mukbang nhấn chìm giác quan và những bữa ăn hoàn mỹ tràn ngập khắp feed. Khi đó, cơ thể không còn là người ra quyết định, mà chính những thuật toán đã lập trình lại cảm giác thèm ăn của bạn. Ngược lại, những ai dám "cai" mạng xã hội lại như tháo chiếc vòng kim cô khỏi tâm trí, để cơn đói đến từ bên trong chứ không phải từ những kích thích thị giác bày sẵn trước mắt.

Hình ảnh bản thân méo mó dưới lăng kính truyền thông

Nhưng bỏ bớt Tiktok, hay cai nghiện Facebook không chỉ là cuộc tháo chạy khỏi cám dỗ ẩm thực. Đó còn là một cuộc giải phóng toàn diện cho cả cơ thể lẫn tinh thần. Một nghiên cứu đăng trên trang Tâm lý học Truyền thông Đại chúng (Psychology of Popular Media, 2023) chỉ ra, chỉ cần cắt giảm một nửa thời gian lướt mạng, mức độ hài lòng với cơ thể đã tăng đáng kể chỉ sau vài tuần. Cảm giác tự ti, áp lực so sánh, nỗi ám ảnh về chế độ ăn uống, tất cả đều nhạt dần như một bộ lọc màu lỗi thời. Điều thú vị là, những người không còn bị mạng xã hội chi phối lại chọn những phương pháp duy trì vóc dáng bền vững hơn, thay vì đốt cháy mình trong những chế độ kiêng khem khắc nghiệt hay tập luyện đến kiệt quệ.

Những thân hình siêu thực và câu chuyện giảm cân ly kỳ trên mạng xã hội chẳng khác nào tấm vé một chiều đến lãnh địa của sự ám ảnh kiệt quệ. Khi những cú lướt tay vô thức kéo ta vào vòng xoáy của những thực đơn được cân đo từng gram, ta bỗng quên mất rằng cơ thể không phải là một dự án có "deadline", mà là hành tinh cần được thấu hiểu.

Thử bước lùi khỏi thế giới ảo một chút, tắt đi những tiếng thì thầm của những tiêu chuẩn và lắng nghe nhịp điệu riêng của chính mình. Đói không phải là kẻ thù, ăn không phải là một bài toán, và cơ thể chẳng cần được "sửa" theo bất kỳ khuôn mẫu nào. Khi ngừng so sánh, ta không còn chạy trốn chính mình nữa. Ta học cách chạm vào cơ thể bằng sự trân trọng, nuôi dưỡng nó bằng những lựa chọn không xuất phát từ nỗi sợ, mà từ sự thấu hiểu và yêu thương.

Ảnh: Pexels, emmstell, jannaaaaeeee, 

Recommended posts for you