Váy đen: Trong "thế giới đàn ông"
Đó là tựa đề cuốn hồi ký của Adrienne Miller, người phụ nữ đầu tiên trở thành biên tập văn học của tạp chí nổi tiếng dành cho nam giới Esquire. Và, tôi nhận ra nó đã trở thành câu chuyện của chính mình.
“Tôi đã dành cả sự nghiệp của mình, ở GQ và Esquire, để đọc những truyện ngắn về đàn ông do đàn ông viết…” Adrienne Miller viết như vậy trong cuốn hồi ký của mình. Hầu hết toàn bộ cuốn sách nói về quá trình Miller dần nhận thức về quan điểm của bà với tư cách một người phụ nữ. Miller bắt đầu sự nghiệp với vai trò trợ lý biên tập ở tạp chí GQ vào giữa thập kỷ 90, nơi tất cả những gì liên quan đến đàn ông đều có vẻ dừng lại ở một chuẩn mực dập khuôn từ giữa thế kỷ 20: những ly martinis, những cái tôi mạnh mẽ như một quy chuẩn của sự nam tính… Và cũng chính từ GQ, Miller bắt đầu học cách tồn tại trong thế giới đàn ông.
Ba năm sau, ở tuổi 25, Miller trở thành người phụ nữ đầu tiên bước chân vào Esquire với tư cách biên tập viên văn chương, một vị trí là tất cả với tạp chí văn chương danh tiếng như Esquire ở thời điểm đó (và cả bây giờ). Từ Hemingway, Mailer cho đến Raymond Carver, tất cả những tên tuổi nhà văn nam giới lớn nhất làng văn chương hiện đại nước Mỹ. Kĩ năng từ GQ, hoá ra mới chỉ là sự khởi đầu cho những quan sát và đôi khi tranh đấu của bà ở Esquire, bao gồm cả việc đối mặt với những nhà văn nam chẳng thể nào chấp nhận chuyện tác phẩm của mình bị phê bình và gợi ý từ một biên tập nữ như Miller. “Giờ đây, tôi ngày càng nhạy cảm về cách nhà văn nam viết về nhân vật nữ - hay, cụ thể hơn là cái cách những nhà báo nam viết cho tạp chí nam…” Đó không chỉ là những người phụ nữ chỉ xuất hiện thoáng qua, một khái niệm để đàn ông khám phá những khía cạnh chỉ có đàn ông mới quan tâm, mà đó phải là những người phụ nữ “cũng thông minh và ngu ngốc, cũng tốt đẹp và xấu xí, như bất cứ người đàn ông nào.”
Tôi đọc Miller với tâm thế của một người ngoài cuộc, điểm chung duy nhất của tôi với Miller là nghề nghiệp biên tập và tình yêu văn chương. Sống trong thế giới đàn ông với tôi cũng bình thường như cuộc sống nói chung, những đồng nghiệp nam, những người bạn thân là nam giới, những người dưng vô tình va chạm phải nhau trên phố. Đó là cái thế giới chung hoà về mặt hình ảnh, đó là thế giới ở bề nổi, chẳng ai làm phiền ai và những xung đột giới chỉ dừng lại dưới nóc một mái nhà.
“Bạn tưởng tượng mình sẽ trở thành ai trong 10 năm tới?”
Đó là câu hỏi giảng viên trường Báo phát cho những sinh viên năm nhất ngày đầu tiên bước chân đến giảng đường. Tôi còn nhớ cảm giác hào hứng của mình. Chưa từng ai hỏi tôi câu hỏi này trước đó, mọi con đường đã được hoạch định sẵn, cấp 1, cấp 2 trường chuyên, cấp 3 trường chuyên, đại học thẳng tiến, một công việc sau đó, một gia đình và một sự thăng tiến. Nên khi được gợi mở một tâm thức tôi phải hoạch định chính tương lai của mình là một điều quá mới mẻ.
“Trở thành phóng viên chiến trường.” Đó là những gì tôi viết.
Tất cả những gì tôi nhớ được về sự kiện này chỉ dừng lại ở việc thầy giáo trưởng khoa goi to tên tôi, nói trước mặt những đứa sinh viên khác, “Đúng là ai cũng nên ước mơ, nhưng thầy nghĩ em nên viết về những gì thực tế hơn, phóng viên chiến trường là công việc thường chỉ dành cho nam giới!”
“Một công việc thường chỉ dành cho nam giới.” Câu nói đơn giản và ám ảnh. Dù tôi quyết định từ bỏ đại học để chọn một ngôi trường ở quốc gia khác, dù đã đi đến đủ nhiều quốc gia, đã travel solo đến những vùng đất tôi chưa từng nghĩ mình có can đảm để đến, dù đã lăn lộn trong rất nhiều môi trường và thử nghiệm rất nhiều với công việc viết lách, dù tôi nghĩ rằng thời gian đã quá lâu để tôi phải bận tâm đến những lời khuyên vô nghĩa, câu nói này vẫn len lỏi trong nhận thức của tôi bằng cách này hay cách khác. Nó không phải câu nói sát thương, nhưng tôi không thể phủ nhận mình đã bỏ lỡ rất nhiều những cơ hội chỉ vì đâu đó có sự xuất hiện của một lời khuyên sự nghiệp vô tội vạ như vậy.
“Đúng là nó không đơn giản, đúng là công việc này sẽ dễ dàng hơn với đàn ông, nhưng bọn tôi cũng thấy vài phụ nữ là phóng viên chiến trường.” D. bạn tôi đã nói như vậy khi tôi kể lại cho anh chàng nghe về cú sang chấn tâm lý đầu tiên của tôi với nghề báo. D và P là hai người bạn rất tốt của tôi, hai anh em ruột, công việc của họ là làm những thước phim tài liệu chiếu trên những kênh uy tín nhất Châu Âu. Chỉ trong 3 năm vừa rồi, họ đã đi đến hầu hết tất cả những vùng xung đột ở Nam Bán Cầu, từ Congo cho đến Afghanistan, từ Pakistan cho đến Nepal… Mỗi khi nhận được tin nhắn thoại của D, từ một vùng đất xa xôi nào đó để kể cho tôi nghe về quá trình tác nghiệp của hai anh em, ngoài sự hào hứng, đâu đó, tôi tự hỏi mình, “sẽ thế nào nếu mình là họ? Sẽ thế nào nếu tôi bỏ ngoài tai câu nói ngu ngốc của vị trưởng khoa nọ và chọn một con đường khác trong sự nghiệp báo chí của mình? Sẽ thế nào nếu tôi có thể nhìn thế giới bằng chính con mắt của mình, nghe thế giới bằng chính đôi tai của mình? Sẽ thế nào…” Rất nhiều “Sẽ thế nào…”, theo sau đó là chút cảm giác ghen tị len lỏi trong tâm trí tôi.
Rồi, tôi tự hỏi không rõ có bao cô bé trên thế giới này cũng đã từ bỏ ước mơ của mình chỉ bởi ai đó nói với họ rằng, “Hãy đừng làm nó, nó không phải công việc dành cho phụ nữ!” Adrienne Miller chắc chắn đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo này. Amelia Earhart – phi công người Mỹ đầu tiên trong lịch sử có lẽ cũng chỉ coi đó như một lời doạ nạt vặt vãnh. Angela Merkel - thủ tướng Đức trong suốt 16 năm cũng vậy. Danh sách này sẽ còn kéo dài, nhưng lại chẳng thấm vào đâu so với tỉ lệ nữ giới nói chung. Dĩ nhiên, cách họ bước chân “vào thế giới đàn ông” không chỉ đơn giản nằm ở việc mặc kệ những quan niệm cổ hủ chậm tiến của thời đại để làm bất cứ thứ gì mình muốn. Nó đòi hỏi một sức mạnh nội tâm khủng khiếp để vượt qua những cái miệng vô duyên, những cái đầu bảo thủ, những khó khăn đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua theo cách của phụ nữ, có khi đó là những đòi hỏi thể lực, có khi, họ cần một ý chí sắt thép.
Công việc của tôi trong một thời gian dài là trò chuyện với rất nhiều những người phụ nữ Việt Nam, ở mọi thế hệ khác nhau, từ một nữ đạo diễn hình ảnh ở tuổi đôi mươi luôn phải vượt qua những thử thách và nghi ngại của đồng nghiệp về việc liệu thể lực của cô có đủ tốt để lăn lộn trên trường quay cho đến một nữ DJ muốn thay đổi cách nhìn của mọi người về hình ảnh DJ nữ trong thế giới nhạc điện tử. Công việc của họ đều là những môi trường đàn ông chiếm áp đảo, hình ảnh của họ đều gắn liền với ít nhiều “vẻ bề ngoài” đầu tiên, rồi mới đến năng lực theo sau. Tôi lưu ý những câu chuyện này, tất nhiên, vẫn với tâm thế của kẻ ngoài cuộc, cho đến khi được mời viết một mục khá nhạy cảm cho tạp chí dành cho nam giới.
Khi quyết định chủ bút mục này, tôi biết mình đã chính thức thò một chân vào “thế giới đàn ông”, như cái cách vị trưởng khoa năm xưa từng nói. Dù ông không hoàn toàn sai, tôi đã không còn cửa trở thành phóng viên chiến trường để lăn lộn vào những vùng xung đột như hai người bạn thân của mình, nhưng ông cũng chẳng đúng nếu ông biết được tôi vẫn bằng cách nào đó lần mò vào cái “thế giới đàn ông” của báo chí. Thú thực rằng tôi đã suy nghĩ rất nhiều với mỗi đề tài về quan điểm của mình, về cách tôi nhìn nhận bình đẳng giới và về cách một xã hội lề thói sẽ phản ứng thế nào với những quan điểm như vậy.
Rốt cục, tôi nhận ra đó cũng chẳng phải là cái thế giới quá đáng sợ như lời đồn. Nó đòi hỏi tôi phải suy nghĩ liền mạch hơn, tìm hiểu cặn kẽ hơn, lắng nghe nhiều hơn từ chính những người đàn ông, và liên kết nhiều hơn trên tương quan của những người phụ nữ. Bản chất công việc đã là một nỗ lực ngầm để tìm thấy tiếng nói chung về giới, đôi khi đó là sự thoả hiệp, đôi khi đó là một cuộc đấu tranh mềm, đôi khi nó đòi hỏi tôi phải gai góc và kiên quyết với lập luận của mình, đôi khi nó bắt tôi phải bỏ ngoài tai những phản ứng bảo thủ…
Miller cũng đã làm y hệt như vậy vào thập niên 90. Nếu bà là một người đàn ông, sẽ chẳng có gã đồng nghiệp nào phải tò mò chuyện bà đã ngủ với ai để đạt được vị trí của mình ở Esquire. Nếu cô bạn DJ của tôi là một DJ nam, sẽ chẳng có ai để ý đến trang phục của cô mỗi lần cô chơi nhạc. Nếu tôi là một người đàn ông, công việc mới nhất của tôi về nhạc điện tử và cuộc sống về đêm sẽ chẳng kéo theo những cái nhướn mày hoài nghi. Nếu đàn ông thành công, đó sẽ chỉ là một hệ luỵ hiển nhiên của năng lực từng người. Nếu phụ nữ thành công ở những lĩnh vực thường chỉ dành cho đàn ông như kĩ sư hay tài chính, họ sẽ phải đối mặt với những phán xét từ đồng nghiệp của mình về sự quyết đoán, khó chịu của mình. Theo nghiên cứu từ tạp chí Journal of Applied Psychology, số 89, “phụ nữ thành công trong lĩnh vực đàn ông chiếm lĩnh thường được miêu tả là ích kỉ, thao túng và không đáng tin - những tính cách tiêu cực đặc trưng.”
Vì chẳng có một thực tế ngược lại, nên mỗi người phụ nữ đang từng ngày từng giờ làm việc trong thế giới đàn ông dù muốn hay không cũng sẽ bị khoác lên người những tấm áo xấu xí như vậy. Tôi đã bật cười khi đọc được nghiên cứu phía trên. Tôi nghĩ về những người phụ nữ mình đã gặp, đã trò chuyện cùng, về chính tôi và công việc của mình, về quyết định của một nhân vật nọ khi chọn cây viết nam để viết bài cho festival của anh ta, thay vì tôi. Tôi không thấy giận dữ, tôi không thấy cảm giác thất vọng mình từng có khi nghe vị trưởng khoa đè bẹp giấc mơ của mình nhiều năm về trước. Tôi nhớ về câu nói của nữ đạo diễn người Pháp Agnès Varda, một trong những tượng đài của làn sóng New Wave của điện ảnh Pháp: “Tôi không coi mình là một phụ nữ làm phim, mà là một nhà làm phim quyết liệt xuất hiện trong hình hài của phụ nữ.”
Bài: Thục Quân
Design: Hằng Nga