L'OFFICIEL BookClub: "Thế Giới Tươi Đẹp, Người Ở Đâu", nơi cuộc sống duy nhất mà ta có?
Tác phẩm thứ ba của nhà văn nữ người Ireland; Sally Rooney; nhận được nhiều lời phê bình tích cực, trong đó có những nhận xét được cho rằng cô đã nói lên tiếng lòng của thế hệ Millennials/ Generation Y (cũng là thế hệ Sally Rooney thuộc về, cô sinh năm 1991)
Câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật Eileen, Alice, Simon và Felix nhưng trọng tâm đa phần dồn vào hai nhân vật nữ Eileen và Alice. Họ là bạn thân của nhau với cá tính và cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Trong điều kiện xa cách về địa lý họ vẫn luôn giữ liên lạc với nhau qua những dòng email dài chất chứa bao tâm tư về con người, thế giới và những hỗn mang đang vận hành cuồng bạo bên trong chính họ.
Sally Rooney sử dụng kỹ thuật kể chuyện rất phù hợp để kể câu chuyện này. Đó là thông qua những bức thư (email) giữa hai nhân vật chính để diễn giải về những gì diễn ra trong đầu, trong tâm hồn họ, đồng thời cho ta thấy một bối cảnh chung trong tâm tư của một thế hệ. Cô khéo léo cài cắm góc nhìn của mình thông qua chính lời kể của hai nhân vật khi họ trao đổi thư từ. Một sự phô bày nhưng lại riêng tư tột độ. Một cách nêu quan điểm nhưng không khiến độc giả mang cảm giác bị nhồi nhét thụ động và tiếp nhận một chiều. Độc giả vẫn có những khoảng trống để lèn vào quan điểm của mình khi họ đọc email của cả hai. Có lúc ta sẽ đồng ý với Eileen, có khi ta ủng hộ tư tưởng của Alice, và tất nhiên, ta cũng có thể tự đúc kết những ý tưởng của mình, cho riêng mình.
Một điều thú vị khác nữa nằm ở những lời nói, câu từ ở những chương kể bằng ngôi thứ ba, các nhân vật thường trao cho nhau những đối thoại đứt gãy hoặc không bộc bạch được toàn vẹn những gì ẩn giấu trong lòng mình. Phải chăng Sally Rooney đang khéo léo thể hiện một điều mà chúng ta đều nhìn thấy nhưng chỉ lờ mờ cảm thấy, đó là sự trưng bày bản thân quá nhiều của thời đại này đã bóp nghẹt đi khả năng diễn giải những sự thật mà ta muốn được nói? Chỉ khi tách mình ra khỏi bối cảnh, đặt một khoảng cách với chủ đề, đôi khi chủ đề là chính bản thân ta, thì những suy tư mới có thể lên tiếng và từ ngữ mới chảy tràn không ứ đọng. Những bức email qua lại giữa Alice và Eileen chứa đầy những suy tư, những trăn trở, những vấn đề lớn lao. Nếu không nhờ những khoảng cách từ địa lý cho đến việc tách bản thân ra khỏi chính mình liệu họ có cơ hội để bộc bạch đủ đầy chúng ra như thế chăng?
Ta hãy nhớ lại một đoạn kể ở ngôi thứ ba về Eileen khi cô tham dự một buổi sinh nhật và mọi người đang nói về giai cấp lao động. Những tiếng nói ồ ạt vang lên để cuối cùng bỏ lửng, Eileen bỏ ra về khi chủ đề chỉ vừa được khởi xướng và tắt ngấm bởi đám đông ồn ào. Cô tách mình ra khỏi cuộc tranh luận và quay lại với những nỗi hoang mang của chính mình. Hay ta có thể nhắc những cuộc đối thoại giữa Alice và Felix thời gian đầu. Sally Rooney cố tình không ngắt xuống dòng hay đặt các đoạn hội thoại ở những chương này vào ngoặc kép. Chúng cứ liên tục chảy trôi, tiếp nối, rồi lại chảy trôi, nhưng đang đi tìm một nơi để dừng lại và đặt cho mình một dấu chấm. Câu từ giữa họ cũng luôn lửng lơ, trong khi điều muốn nói lại cứ dâng đầy và thể hiện qua những vụng về của tay chân. Sau đó mạnh ai người nấy quay về với cuộc sống thường nhật, với những dở dang đè nặng dù họ luôn cố gắng xem nhẹ tất thảy.
Nhưng tựu trung lại, liệu đây có phải là câu chuyện về một thế hệ, Thế Giới Tươi Đẹp, Người Ở Đâu có là đại diện cho cả một lớp người được gói gọn vào dòng chữ “thế hệ Millennials”?
Từ góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ Sally Rooney chỉ dùng nó để làm điểm bắt đầu, rồi từ đó cô phóng ngòi bút của mình chạm vào tất cả những gì từng và sẽ xuất hiện trên dòng chảy thời gian. Trong những bức email của hai người phụ nữ, họ nói về thời kỳ sụp đổ của đồ đồng, rồi về văn minh nhân loại đã từng xuất hiện trên thế gian cũng như sự lụi tàn của nó. Tôi chợt nhận ra một điều rất thú vị khi đọc tác phẩm đó là ta sẽ thấy những trăn trở này của Eileen và Alice vốn đã nằm đâu đó trong suy tư của chính mình, và tôi nghĩ có lẽ rất nhiều người khác cũng có cùng những trăn trở đó. Cái suy tư ở đây không phải chính xác giống hệt nhau về việc ta tò mò thời đồ đồng, về tư bản hay nạn đói, vân vân. Nó giống ở chỗ chúng ta; ở bất cứ thời đại nào; cũng luôn canh cánh đi tìm cho mình một ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa nằm đâu trong những thời khắc huy hoàng nhất của lịch sử, ý nghĩa nằm ở đâu trong đống tro tàn của một thời hoàng kim đã qua? Và ý nghĩa nằm đâu trong thời đại này, thời đại của những “đứa trẻ Millennials” đã kết thúc quá trình trưởng thành và đang đứng trước bờ vực “vỡ mộng” như Eileen nhận xét.
Millennials là những người cuối cùng được sinh ra mà không tiếp xúc với công nghệ, internet khi vừa mới lọt lòng. Họ không bị kẹp giữa chiến tranh hay hậu chiến, là thế hệ đầu tiên được hưởng đặc quyền của một thời kỳ ổn định lâu dài, cũng là thế hệ đầu tiên chứng kiến sự bùng nổ internet rồi sau đó lại bị ép chạy tăng tốc về phía trước mà chưa có được một bước chạy đà đủ "chuẩn". Những đứa trẻ đạt tới giới hạn của sự trưởng thành vẫn còn vấn vương về một thế giới “tuổi thơ” nay đã quá khác biệt với những gì họ đang sống ở thời hiện đại. Những tiện ích và tốc độ phát triển khiến họ nghi ngờ chính mình nếu chợt trong thâm tâm nảy sinh một luồng ý nghĩ nghi ngờ hay chán ghét những gì họ đang có. Đồng thời vẫn chẳng thể nào quên được một thời họ đã ngây thơ và “tự do” trong tư tưởng khi họ lớn lên ra sao. Có lẽ vì thế mà Millennials luôn mang cảm giác mình vẫn là những “đứa trẻ”. Bởi một phần họ từ chối trưởng thành trong hiện tại, nhưng điểm kết thúc đã hiển lộ và họ phải bước vào đó vào những chông chênh, hoài nghi không thể cất thành lời.
Ý nghĩa nằm đâu trong những thời khắc huy hoàng nhất của lịch sử, ý nghĩa nằm ở đâu trong đống tro tàn của một thời hoàng kim đã qua? Và ý nghĩa nằm đâu trong thời đại của những “đứa trẻ Millennials” đã kết thúc quá trình trưởng thành và đang đứng trước bờ vực “vỡ mộng”
Eileen luôn mang cảm giác mặc cảm với bản thân.
Cô luôn cảm thấy mình không sống trọn vẹn cuộc đời này. Cô vùi mình vào những mối quan hệ, những công việc kéo dài hòng tìm cho mình cảm giác ‘thuộc về’, cảm giác có ai đó cần mình. Câu hỏi “ta là ai? Ta làm được gì?” chưa bao giờ được nói ra một cách lộ liễu, nhưng cách Eileen loay hoay hết lần này tới lần khác và sự cố gắng đấu tranh dù không biết bản thân đang tranh đấu cho điều của cô chính là cách câu hỏi được cất lời. Eileen luôn có xu hướng xem việc mình cống hiến cho người khác hay cho một mối quan hệ là cách để khẳng định giá trị của mình. Việc cô ngần ngại không dám nhận lời yêu Simon cũng chỉ đơn giản vì lẽ đó. Cô thấy mình không đóng góp một thứ hữu hình cho anh. Eileen không cam tâm chấp nhận chỉ cần cô hiện hữu đã là quá đủ cho Simon. Cô hoài nghi chính sự tồn tại của mình. Và thứ khiến Eileen đau khổ có lẽ là vì cô nhận thức rõ ràng mong muốn đóng góp nhưng đồng thời cũng loay hoay trước mong muốn tha thiết có được sự che chở của người khác. Đó là khi Eileen nổi nóng với người bạn thân cũng vì tự cảm giác Alice không cần mình sau tất cả những gì cô đã dốc sức làm cho cô bạn. Từ tận sâu trong những lời từ chối tình yêu và nổi nóng đó, Eileen hiện lên yếu đuối và mong manh, luôn lo rằng mình không đủ tốt cho người cô yêu thương. Cô muốn tìm kiếm một liều thuốc an thần nhanh chóng để xoa dịu cô khỏi những lo âu, đó là những lời nói yêu thương từ họ, rằng họ cần cô, họ muốn có cô bên cạnh biết bao, dẫu đó là những lời dối trá, có lẽ Eileen cũng sẽ chấp nhận.
Vừa muốn khẳng định bản thân qua sự công nhận của người khác, vừa thấy cá nhân mình bị chèn ép bởi những thứ vô hình không thể gọi tên. Eileen tìm kiếm lý do để yêu mến cuộc đời này (hay cuộc đời mình) bằng việc đào bới ngược về những nền văn mình xưa cũ để mong ở đâu đó trong những tàn tích ấy cô sẽ thấy được câu trả lời nhưng dường như tất cả cũng chỉ như dẫn Eileen đi một vòng rồi quay lại điểm bắt đầu mà với cô là điểm kết thúc của một quá trình trưởng thành.
“Có thể là do bọn mình vô tình sống trong thời điểm lịch sử đặc biệt này, nhưng cũng có thể mình chỉ đơn giản là đang già đi và bị vỡ mộng, điều này xảy ra với tất cả mọi người.”
Trái lại, Alice luôn hiểu rõ bản thân mình và sống vì bản thân mình.
“Nghĩa vụ phải hiếu thảo đối với tớ chỉ tóm gọn trong các nghi lễ do chính tớ thiết kế ra để bảo vệ bản thân khỏi những lời chỉ trích, chứ thực ra tớ có chịu hy sinh tí nào.”
Eileen trông có vẻ yếm thế bao nhiêu thì Alice lại quăng bản thân vào đời mãnh liệt bấy nhiêu. Cô gần như không cần một sự che chở hay ủi an nào và cô cũng không làm được điều đó cho chính mình. Ta khó có thể nói Alice gặp một bi kịch cuộc đời bởi cô là một nhà văn thành công, có tiền, có địa vị, có sự chú ý của tất cả, nhưng tất cả có ý nghĩa gì nữa nếu chợt một ngày Alice tự hỏi chính mình “Tất cả những thứ này có ý nghĩa gì?”.
Tại sao Alice lại chìm trong tuyệt vọng khi cô dường như có tất cả? Phải chăng vì tất cả những gì cô có chẳng thể nào chia sẻ cùng ai, hay chính xác hơn, khi đã thoả mãn đủ cho bản thân mình thì điều gì sẽ đến tiếp theo, ai sẽ là người tiếp nối bản thân cô để nhận lấy những điều tuyệt vời này, nhận lấy thành quả của những năm tháng cô trải đời và cống hiến hết sức mình cho những gì cô tin tưởng? Phải chăng Alice đã lờ mờ cảm thấy nỗi cô đơn đang khe khẽ chạm vào cô, hay cô bần thần nhận ra chính cô đã nuôi lớn nỗi cô đơn trong lòng mình đến độ nó đã choáng hết chỗ trong trái tim mình.
“Bởi vì sâu trong bản chất, tớ chỉ là một món đồ kết tinh từ nền văn hoá này, chỉ là một bong bóng nhỏ chuẩn bị vỡ tan trên đỉnh của nền văn minh nhân loại. Và nếu tất thảy biến mất, tớ cũng sẽ biến mất.”
Không khó để ta tìm thấy mình trong Eileen và Alice. Thông qua những email và những chương kể về họ, ta sẽ dễ dàng nhặt nhạnh một chút chỗ này một chút chỗ kia từ hai người phụ nữ. Sally Rooney đã rất khéo léo khi đặc tả rõ nét cá tính của từng người, nhưng trong quá trình đọc ta sẽ thấy hai luồng tư tưởng của họ có lúc đan xen có khi lại như đang tráo đổi. Họ trưởng thành không phải theo những con số tính độ tuổi mà họ vốn đã trưởng thành rồi. Tất cả những điều này là tàn dư của một thời kỳ mà họ đã đi qua và chạm đến điểm cuối. Nơi chuông báo hiệu đã vang lên và giờ đây họ phải học cách cầm lên đặt xuống hành lý đời mình một cách đúng đắn. Để làm được điều đó, cả hai phải đối mặt với những câu hỏi mang tính hiện sinh; ta sống để làm gì và tất cả những gì ta làm có ý nghĩa. Câu hỏi ấy dường như đeo bám các nhân vật trong từng trang sách. Câu hỏi (hay những câu hỏi) đã được Sally Rooney chuyển ngữ thành “Thế Giới Tươi Đẹp, Người Ở Đâu” (dịch từ một câu thơ trong bài thơ Die Götter Griechenlands- Các vị thần Hy Lạp; của Friedrich Schiller. Nội dung bài thơ nói về sự chuyển giao từ thời hoàng kim cổ đại sang thời kỳ Thiên Chúa Giáo đầy hoài nghi và băn khoăn). Trong cơn khủng hoảng hiện sinh không ngừng nghỉ của mình, đôi lúc Alice và Eileen cũng nhận ra rằng ngay giây phút này đây là quan trọng. Cái giây phút mà như họ nói với nhau khi cả văn minh đang đến hồi kết thúc họ còn được ngồi đây nói với nhau về tình bạn và tình dục thì còn gì đáng sống và có ý nghĩa hơn nữa đây?
“Bởi vì sâu trong bản chất, tớ chỉ là một món đồ kết tinh từ nền văn hoá này, chỉ là một bong bóng nhỏ chuẩn bị vỡ tan trên đỉnh của nền văn minh nhân loại. Và nếu tất thảy biến mất, tớ cũng sẽ biến mất.”
Và thiết nghĩ, cuộc đời này và mọi thứ vốn dĩ đều mang sẵn ý nghĩa hay ta phải gắng sức gán một ý nghĩa cho chúng, để bám víu vào như chiếc phao cứu sinh giữa đời chìm nổi?
Tôi không dám chắc liệu Eileen hay Alice, hay chúng ta, những độc giả đã tìm được câu trả lời thoả đáng cho điều này. Tôi không biết, hoàn toàn không biết. Tôi chỉ biết một điều rằng ta chẳng còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục sống. Như Alice vẫn tiếp tục sống với những cuốn sách mà cô phải viết ra. Eileen phải sống cuộc sống mà cô chưa từng tưởng tượng ra nhưng “đó là cuộc sống mà tớ có, là cuộc sống duy nhất của tớ.” Đó không phải là ta đang đầu hàng trước những câu hỏi, mà ta từ bỏ việc truy tìm từng câu từng chữ cấu thành nên câu trả lời xác đáng nhưng bất khả! Ta từ bỏ điều đó để ta có thể tiếp tục nhìn vào cuộc sống và sống một cuộc sống.
Và trong lúc ta đang sống, một “thế giới tươi đẹp” nào đó sẽ được khai quật, và đó là cuộc đời mà ta đã chọn, đã sống.