L'OFFICIEL BookClub: Băng Điểm - Nước mắt có đủ nóng để làm tan băng giá?
Bằng thứ văn phong giản dị và mạch truyện nhịp nhàng, nối tiếp nhau với từng cảnh huống, Miura Ayako đã vẽ một bản đồ lắt léo và lạnh giá, bản đồ của một mê cung trắc trở nơi tận sâu đáy lòng của con người. Nơi mọi thứ dường như đóng băng, đợi chờ một điều kỳ diệu nóng hổi đủ sức làm tan rã những mảng băng khắc nghiệt.
Miura Ayako là nữ tác giả Nhật Bản nổi tiếng với nhiều tác phẩm khai thác nội tâm đầy ẩn ức và lắt léo của nhân sinh. Tác phẩm của bà thậm chí còn được đưa vào chương trình giảng dạy đạo đức trong trường cấp Hai tại Nhật Bản (Đèo Shiokari) và Băng Điểm (Ái Tiên dịch, Nhật Chiêu giới thiệu) là chính là cú đẩy đưa tên tuổi của bà lên một tầm cao trong văn đàn xứ Phù Tang.
Ngoài khả năng miêu tả sâu sắc những phức cảm dày xéo và tội lỗi của con người, các tác phẩm của Miura Ayako thường hướng đến mục đích truyền đạo (theo chính tác giả tự nhận xét). Khi đọc Băng Điểm ta cũng sẽ thấy rất nhiều những lời răn của Chúa và các bài học tôn giáo được lồng ghép vào giữa các tình huống và độc thoại nội tâm của nhân vật. Cũng vì lẽ đó, vì bà luôn sáng tác trong tâm thế muốn dùng văn chương để truyền đạo nên đôi khi ta sẽ cảm thấy cách kể chuyện của bà rơi vào trạng thái diễn giải, kể lể dông dài, làm mất đi những khoảng trống cần thiết cho độc giả được tự do cảm nhận. Thế nhưng điều đó không làm suy giảm sức ảnh hưởng của Miura Ayako đối với độc giả, đặc biệt là độc giả phổ thông. Điều đó chứng tỏ đôi khi văn chương chỉ đơn thuần là cách ta trò chuyện và tiến gần đến tâm hồn con người. Một câu chuyện được kể với giọng điệu bình dị, chân thành hay một áng văn trác tuyệt nên thơ trong từng con chữ đôi khi chẳng khác nhau là bao.
Trong tiểu thuyết Thám Tử Hoang Dã, nhà văn người Chile Roberto Bolaño đã viết như sau “Có thứ văn chương dành cho những khi ta chán[...] Có thứ văn chương dành cho những khi ta bình tâm[...] Cũng có thứ văn chương dành cho những khi ta buồn. Và có thứ văn chương dành cho khi ta vui. Và có thứ văn chương dành cho khi ta tuyệt vọng.”
Dù cho văn chương của Miura Ayako có mang âm hưởng truyền đạo đi chăng nữa thì nó vẫn làm được điều mà mọi tác phẩm văn chương nên và cần làm được, đó là đánh thức những xúc cảm, làm run rẩy một góc nào đó trong tâm hồn bởi ta nhận ra ta bất toàn và mong manh đến chừng nào, nhưng cũng nhờ đó ta mới thấy mình thật “con người” biết bao.
Cũng chính vì sự bất toàn ấy của con người mà tội lỗi mới được sinh ra. Bi kịch và tội lỗi trong Băng Điểm chẳng thể nào truy cùng đuổi tận để nói cho ra nhẽ đâu là nguyên nhân đầu tiên. Bởi lẽ đó là một chuỗi những mắt xích đan cài vào nhau không thể thoát ra hay hoá giải của số phận.
Liệu ngày hôm đó Natsue; phu nhân viện trưởng Keizo; vì muốn ở bên cạnh người đàn ông khác ngoài chồng mình đã đẩy đứa con gái ba tuổi vào chỗ chết? Liệu đó có phải là căn nguyên trực tiếp? Hay nếu suy xét xa hơn, đi ngược lên trên nữa thì do đâu? Do đâu mà phu nhân Natsue lại dễ dàng ngả lòng trước bác sĩ Murai trực thuộc bệnh viện của chồng mình? Nàng cô đơn? Hay vì nàng chẳng thể tỏ bày thật lòng mình với chồng và chồng nàng cũng thế? Hay chỉ đơn giản vì nàng quá đẹp. Nếu nàng xấu xí hơn liệu bi kịch sẽ chẳng xảy ra, hay liệu có một bi kịch khác đang chờ nàng nếu nàng thay da đổi thịt? Hay chỉ đơn giản đó là một cơn say nắng thoáng qua, nhưng nếu thế thì liệu quá tàn nhẫn chăng khi đổ lỗi cho nàng như thế? Liệu vài phút chuyện trò với người đàn ông khác có đáng để trừng phạt Natsue đến độ đó chăng? Khi cả đời nàng vốn dành trọn cho chồng con?
Còn Keizo thì sao? Từ nỗi đớn đau không sao tả xiết được, viện trưởng Keizo đã lên kế hoạch trả thù vợ mình bằng cách tàn nhẫn nhất và để rồi những cơn sóng cuồng nộ đã đổ xô đến mái ấm vốn tưởng chừng như hoàn hảo của họ. Tại sao viện trưởng không chỉ đơn giản là ly hôn, hoặc, hỏi thẳng vợ mình để nghe Natsue phân bua ít nhất một lần mà phải chọn cách làm chỉ khiến đau khổ xếp chồng đau khổ như thế?
Natsue chắc chắn chưa bao giờ mảy may suy nghĩ hy sinh bất cứ đứa con nào hay hạnh phúc của nàng vì nhân tình. Viện trưởng Keizo hẳn cũng không mong cầu gì hơn ngoài việc được sống một đời hạnh phúc. Vậy điều gì đã khiến giông gió kéo đến nơi đây?
Có lẽ câu trả lời chính là ở chỗ vì họ chỉ là những con người, những tạo vật bất toàn của Chúa. Những kẻ từ khi sinh ra vốn đã mang trong mình mầm mống của tội lỗi và chắc chắn họ sẽ gây ra tội lỗi. Nhiệm vụ của họ, hay nói rộng hơn là của mọi chúng sinh trong cuộc sống này, đó là không phải ngăn ngừa không cho bất cứ tội lỗi nào xuất hiện, điều đó là bất khả. Ý nghĩa của cuộc sống này chính là học cách làm sao sống cùng tội lỗi đó một cách tốt đẹp nhất có thể. Sám hối hay trả thù, tưởng chừng là hai thái cực nhưng hoá ra chỉ cách nhau bởi một lần quyết định. Chỉ một quyết định duy nhất là đủ để kéo lê biết bao số phận quay cuồng không điểm kết.
Trong Băng Điểm, các tình huống gây ra mâu thuẫn và hiểu lầm cứ vô tình xảy ra, đè lên nhau, xâu xé nhau như một trò đùa có phần độc ác của Thượng Đế. Nhưng giá như họ có thể nói cho nhau nghe điều họ thật sự cảm nhận. Giá như họ hiểu được rằng im lặng và mạnh ai người nấy tìm giải pháp chưa bao giờ là cách để vượt qua một cơn bão giông kinh khủng như thế mà ta bắt buộc phải nắm lấy tay nhau, phải lắng nghe và dìu dắt nhau qua những cuồng phong của số phận. Keizo đau đớn những vẫn không mở một lời nào oán trách vợ, anh ôm lấy những tổn thương để từ đó chúng mọc lên tua tủa những hoang tưởng đen tối. Về phía Natsue cô cũng chẳng mở lòng với bất cứ ai dù là chồng hay người bạn thân Tatsuko mà chỉ chăm chăm chăm chút cái tôi và lòng kiêu hãnh bị hành hạ của mình. Để rồi sự thật lại đến với họ một cách tồi tệ nhất. Để rồi khi cánh cửa lòng nhau đã mở ra, họ đã mặc định sẵn thứ bên trong đối phương là một hố đen ô uế như địa ngục, thay vì hoàn toàn có thể nhìn vào nhau mà cảm thông cho nỗi đau chung họ vô tình gánh chịu.
Ta có thể thấy tất cả các nhân vật trong Băng Điểm đều cô độc.
Tuy rằng mất mát lớn lao ấy là của riêng nhà viện trưởng, nhưng suy cho cùng, ai cũng có những mất mát và đớn đau trong lòng. Người dì vũ công Tatsuko cũng từng mất đứa con khi vừa sinh nó ra, Murai trăng hoa nhưng cũng bị chinh phục bởi một tâm hồn trong trắng rồi chính anh cũng đẩy cô vào cửa tử, Takagi hào sảng nhưng cũng chỉ là cái cười phớt đời để che đậy đi đôi bàn tay chuyên nạo phá thai và trái tim tan vỡ của mình. Họ không hẳn buông trôi cuộc đời nhưng dường như họ không tin rằng vết thương sẽ được xoa dịu khi chỉ cần thành thật với chính mình, thành thật với nhau. Có lẽ vì chính những đánh giá của họ dành cho người khác quá lớn nên tự bản thân họ cũng mang mặc cảm đè nặng lên tâm hồn mình. Tự họ xây nên những mê cung khúc khuỷu trong tâm khảm, rồi trầm mặc u hoài vì sao chẳng ai tìm được lối vào để ấp ôm trái tim.
Ý nghĩa của cuộc sống này chính là học cách làm sao sống cùng tội lỗi một cách tốt đẹp nhất có thể.
Loài người, sao cứ phải đau đớn và làm nhau đau đớn đến thế? Nỗi đau lớn tới mức Đức Tin cũng chẳng thể xoa dịu. Đó là khi Keizo còn chẳng dám đến nhà thờ hay chẳng thể thốt lên được một tiếng cầu kinh. Hay chính đức tin sai lệch, chính tư tưởng bám víu vào đức tin để biện minh cho tội ác lại còn là thứ đáng sợ hơn nữa. Các phân đoạn độc thoại nội tâm của viện trưởng Keizo khi anh liên tục nhắc đến điều răn "Phải yêu thương lấy kẻ thù của mình" và dùng chính điều ấy để thuyết phục chính bản thân anh cũng như người khác, sự chênh chao qua lại trong tâm lý và lời kể của Keizo khiến ta tưởng như chính tác giả cũng đang lồng ghép sự hoài nghi của chính mình vào. Nhưng chính chi tiết trông có vẻ như “nghi ngờ” đức tin ấy, Miura Ayako đã nêu cao tinh thần truyền đạo một cách tinh tế. Rằng nghĩ về điều thiện một cách đầy mưu mô, toan tính, thì tự mình sẽ chôn vùi chính tâm hồn mình trong hoả ngục tâm can.
“Trong chúng ta có ánh sáng và bóng tối cùng tồn tại. Cả hai đều hình thành nên bản chất của chúng ta.” – Miura Ayako.
Các nhân vật trong Băng Điểm hoàn toàn không chỉ sống trong thù hận và bóng tối. Ánh sáng vẫn tồn tại bên trong họ và cả những người xung quanh. Họ cũng có đôi lúc muốn quay đầu, họ đã muốn nhìn lại và sửa sai nhưng cuộc đời không đơn giản đến thế. Có thể số phận và Chúa Trời đang mang đến cho họ một thử thách. Một thử thách khủng khiếp như cách Ngài đã từng ban lệnh buộc Abraham phải hiến tế Issac? Và chỉ có một cách duy nhất để vượt qua cửa ải là hoàn toàn phó thác vào Chúa, và yêu thương Ngài, tin ở Ngài. Và thử nghĩ, chẳng phải như thế chính là ta phải yêu lấy nhau, tin lấy nhau đó hay sao? Vì Chúa tồn tại trong mỗi con người. Ta nhìn thấy đồng loại là ta nhìn thấy Chúa. Bởi con người đã được Ngài nhào nặn ra từ chính hình ảnh của chính Ngài.
Đoạn kết của Băng Điểm được Miura Ayako kết bằng câu: “Có lẽ sẽ lại có bão tuyết.”
Đối với tôi đây là một kết thúc mở. Nói thế thì sẽ chính xác hơn việc nhìn nhận cái kết này có hậu hay không. Bởi vì băng đã tan nhưng rồi sẽ có lúc chúng kết tinh và lạnh giá trở lại. Xuân hạ thu qua rồi đông sẽ lại kéo tới với băng giá và bão bùng tuyết rơi. Con người ta chỉ cần còn sống là sẽ phải tiếp tục đi qua những mùa đông của cuộc đời rét mướt và bỉ cực như thế đấy. Nhưng ý nghĩa của cuộc sống nào chỉ có tận hưởng những ấm áp, nóng hổi của mặt trời và những cái ôm hôn, mà còn là việc ta phải đương đầu và vượt qua những bão giông như lời văn kết thúc ấy.
Kết thúc; là kết thúc một đoạn đường. Rồi băng tuyết sẽ tan, sẽ trở lại và rồi sẽ tan.
“Tại sao nước mắt con người nóng hổi? Là để băng tan” (theo lời thầy Nhật Chiêu)
Nhưng cho tôi được mạn phép bổ sung rằng, nước mắt nóng hổi sẽ làm tan băng giá và phải chăng đó là những giọt nước mắt khi ta biết khóc thương cho người khác? Rồi Yoko sẽ mở mắt ra, Keizo và Natsue, và tất cả sẽ đối diện với đôi mắt như thiêu đốt tất cả của Yoko. Nhưng việc quyết định xem ánh mắt ấy sẽ thiêu đốt một tảng băng lạnh toát giữa họ và trong lòng họ, hay sẽ thiêu tốt hết sạch những hy vọng còn sót lại; tất cả sẽ tuỳ thuộc vào việc ta tin vào điều thiện lành nơi bản ngã con người và của chính ta đến bao nhiêu.