L’OFFICIEL BookClub: Bảy Kẻ Khùng Điên – Vẻ đẹp của cơn vĩ cuồng
Roberto Arlt đã chứng minh văn chương Mỹ La-tinh không chỉ có Gabriel Garcia Márquez, Jorge Luis Borges, Mario Vargas Llosa hay nhà thơ Pablo Neruda. Trong cuộc đời bủa vây bởi khó khăn và khá ngắn ngủi của mình, Roberto Arlt đã để lại cho hậu thế tổng cộng bốn tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn, nhiều vở kịch cũng như các bài báo. Bảy Kẻ Khùng Điên là một trong bốn tiểu thuyết ông để lại cho đời, với tựa gốc tiếng Argentina là Los Siete Locos được ra mắt năm 1929, khi ông chỉ mới 29 tuổi. Một tác phẩm quá vĩ đại, quá kinh điển, quá choáng ngợp đã ra đời từ một chàng trai tuổi đời vẫn quá trẻ với tâm hồn, có lẽ, ngập chìm trong giằng xé.
Khi Giải Nobel Văn Chương năm 1982 được trao cho nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Márquez, nền văn học Mỹ La-tinh từ nửa sau thế kỷ 20 như bừng sáng lên với phong cách chủ nghĩa hiện thực huyền bí (magical realism). Nhưng trước khi chúng ta đã quá quen với Trăm Năm Cô Đơn, một nhà văn người Argentina khác là Jorge Luis Borges (1899 –1986) đã sớm nổi danh trên văn đàn thế giới với phong cách siêu thực (surrealism). Khác với tượng đài Márquez, văn chương của Borges gắn liền với tính triết học, đầy biểu tượng và phi tuyến tính rất “Borgesian”. Và sau Gabriel Garcia Márquez, chúng ta còn có cả Mario Vargas Llosa từ Peru và Pablo Neruda, nhà thơ đến từ Chile, họ đều là những cái tên thuộc nền văn chương Mỹ La-tinh tiếp bước nhận về giải Nobel danh giá.
Nhưng thật là một thiếu sót to lớn nếu Roberto Arlt (1900–1942) không được kể tên vào danh sách những cây bút đại tài làm nên nền văn chương độc đáo Mỹ La-tinh. Roberto Arlt không đi theo chủ nghĩa nào của Borges hay Márquez, mà văn chương của ông có thể gọi là “hiện thực nghiêm ngặt”, đào sâu về số phận con người, chạm vào những nỗi đau và tuyệt vọng không hồi kết, không lối ra, bị bó chặt trong muôn vàn bí bách. Tuy không phải là tiểu thuyết đầu tay (Tiểu thuyết đầu tay của Roberto Arlt là El Juguete Rabioso viết năm 1926, có tựa đề tiếng Anh là Mad Toys) nhưng Bảy Kẻ Khùng Điên lại là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và còn được chuyển thể thành phim điện ảnh bởi đạo diễn Leopoldo Torre Nilsson. Phiên bản điện ảnh bao gồm của phần truyện chính lẫn hậu truyện.
Tác phẩm hiện đã được Nhà Xuất Bản Tao Đàn phát hành tại Việt Nam, dịch bởi dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng.
Đọc Bảy Kẻ Khùng Điên là một trải nghiệm như đi trên dây, chênh chao qua lại giữa hiện thực và những ảo tưởng đậm tính vĩ cuồng của các nhân vật, từ nhân vật chính Remo Erdosain cho đến toàn bộ các nhân vật khác. Hay nói cách khác đó là cảm giác nghiêng qua nghiêng lại giữa bế tắc và mênh mông. Mênh mông trước cuộc đời rộng lớn của mỗi con người và bế tắc trước những gì mà tâm hồn lẫn trái tim họ đang phải chịu đựng. Mênh mông trước những bao la không thể đoán định của những điều số phận sẽ thảy vào thân mình, đời mình nhưng đồng thời bế tắc vì những rào cản đôi khi đến từ việc rất đơn giản đó là đã được “sinh ra”. Ta sinh ra, ta tồn tại và ta sống giữa đời này, sống giữa đời ta với những mênh mông và bế tắc cứ đan cài vào nhau. Mà sự đan cài cảm xúc mênh mông - bế tắc này nó lại không hề lớp lang, xen kẽ hay theo thứ tự. Nó hỗn loạn và nhập nhằng như chính tâm trí của “bảy kẻ khùng điên”. Nó tạo thành một khối nặng nề và không thể tháo gỡ.
Remo Erdosain trong tiểu thuyết được khắc hoạ từ những mảnh ghép thô kệnh và rải rác để ta có thể phần nào hình dung về cuộc đời cũng như tính cách của anh. Có lẽ, anh thật sự là một kẻ điên. Có lẽ, anh chỉ là một tên lông bông bất mãn xã hội và luôn dùng xã hội để biện hộ cho mọi thứ anh làm. Có lẽ, anh là chỉ một dạng sống bản năng. Có lẽ, anh là một nghệ sĩ, một thiên tài bị vùi dập. Có lẽ, anh là một người có tuổi thơ bất hạnh, thiếu vắng tình thương của mẹ và sống dưới sự bạo hành của cha, vì thế anh mới trở thành một con người lạc lối hoàn toàn trong cõi sống của mình, lúc nào cũng khao khát đi tìm một sự cứu rỗi, chở che từ những người phụ nữ, đồng thời cũng muốn chứng tỏ mình có thể tự tay thay đổi đời mình, bằng những vĩ cuồng và mông lung trong tâm tưởng. Hoặc, có lẽ anh là tất cả. Là bi kịch của những thứ “có lẽ” tồn tại quá nhiều, quá tràn trề trong tâm hồn anh. Chúng xé đời anh ra từng mảnh, những cái “có lẽ” ấy. Và nó khiến anh không ngừng nhắc đi nhắc lại với chính mình “Ta đã làm chi đời ta?”
Trong buổi chuyện trò ấm cúng và gần gũi về quyển sách được tổ chức bởi chính dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cuối tuần qua, những độc giả tham gia đã nêu một ý kiến rất thuyết phục rằng Bảy Kẻ Khùng Điên hay chính Roberto Arlt ảnh hưởng khá nhiều từ văn học Châu Âu, cụ thể chính là đại văn hào Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky.
Ngoài việc hoàn cảnh Remo Erdosain có đôi phần giống với nhân vật chính trong Tội Ác Và Hình Phạt, tôi muốn so sánh thêm với cả Anh Em Nhà Karamazov của Dostoyevsky với hình tượng của Ivan và Dmitri. Điểm giống nhau không chỉ nằm ở những hỗn loạn, dằn xé bởi hàng loạt suy tưởng trong đầu, mà còn ở chi tiết Remo Erdosain luôn tìm kiếm sự cứu rỗi từ những người phụ nữ, từ Elsa-vợ anh, cô bé gặp trên tàu hoả, cô gái trong nhà thổ, Ả Điếm Què, thậm chí ảo tưởng đầu tiên của Remo Erdosain ở đầu tác phẩm cũng là hình ảnh của một người phụ nữ, một nữ bá tước giàu sang có thể cưu mang và cứu rỗi đời anh. Tương tự Ivan, Dmitri trong Anh Em Nhà Karamazov cũng thế. Cả hai đều được cứu rỗi bởi những người phụ nữ là Grushenka (Trong truyện của Dostoyevsky nhân vật này cũng có thể xem là tương đương với các cô gái trong nhà thổ của Roberto Arlt), và Katerina (có thể xem tương đương với những nhân vật mà Remo tôn thờ với ảo tưởng về vẻ đẹp trong sáng của họ, như vợ của Remo, cô gái nhỏ trên tàu,…)
Điểm thứ hai tương đồng đó là các nhân vật của hai nhà văn đều không phải là hiện thân cho cái ác thuần tuý, họ đều những người tốt và có những suy tưởng cao đẹp, phạm vào điều ác chưa bao giờ là thứ họ hướng tới. Để chứng minh cho điều đó, các nhân vật, từ trong sách của Dostoyevsky hay chính Remo Erdosain của Roberto Arlt đều dằn xé chính mình, lạc trôi trong những vĩ cuồng trác tuyệt trước những điều mình làm và sẽ làm. Remo Erdosain ý thức được rằng giết người là một tội ác, nhưng vì anh khao khát muốn biết liệu rằng những đau đớn này có chấm dứt, liệu rằng đời anh có khác đi nếu anh phạm vào tội lỗi không thể quay đầu này hay không? Những phát minh của anh từ hành động này có thành hiện thực hay không? Giết người chưa bao giờ là mục đích, cũng chưa bao giờ là lý tưởng của Remo. Hành động đó của anh như thể một khúc gỗ mục mà anh cố bám víu và thuyết phục mình rằng rồi nó sẽ đưa anh tới bến bờ. Bi kịch ở chỗ, bến bờ đó có tốt đẹp hay không thì chẳng ai có thể biết được.
Liệu ta có thể nói rằng Remo Erdosain là một người có lý tưởng cao đẹp? Chưa chắc. Bởi khi đọc thật kỹ, ta sẽ không nói chắc được rằng rốt cuộc Remo Erdosain muốn gì. Anh có muốn làm cách mạng không? Chưa chắc. Bởi nếu muốn thì anh đã không dễ dàng bị lung lay lý tưởng từ người này đến người kia như thế. Anh có muốn được an phận, yên thân không? Cũng chưa chắc, vì cái sang chấn từ tuổi thơ quá nặng nề với anh, khiến anh muốn mình phải khác mình của bây giờ, anh không muốn mình lại tiếp tục làm một “thằng đần” như cuộc đời mình vốn dĩ. Ta sẽ chưa chắc rất nhiều thứ về Remo Erdosain, nhưng có một điều có thể chắc chắn đó là anh không và sẽ không bao giờ là một kẻ ác, và những cơn vĩ cuồng, ảo tưởng của anh luôn đẹp và rộng mở. Chúng đẹp không phải ở mục đích, mà đẹp bởi chính sự rõ ràng và thấu đáo trong những suy tưởng của anh. Cảm xúc của anh về cuộc đời mình khủng khiếp tới choáng ngợp. Nỗi đau của anh vĩ đại tới nhức nhối. Liệu có gì đẹp đẽ hơn sự chân thật khi thấy đời mình đau đớn đến độ chỉ mong toàn bộ cơ thể thu nhỏ lại hết mức, để diện tích tiếp xúc mặt đất càng ít càng tốt để giảm thiểu nỗi đau? Và còn gì choáng váng hơn một người tin rằng mình có thể làm cách mạng với một bông hoa hồng bọc thép? Xin được gã mũ trước Roberto Arlt vì những câu văn và đoạn mô tả quá tuyệt vời, cả những trường đoạn khi sáu kẻ khùng điên còn lại thuyết giảng về những lý tưởng của họ, chúng đẹp đẽ đến độ ta quên mất rằng đây chỉ là những con người tuyệt vọng và bị mất phương hương trong đời, trong xã hội. Vẻ đẹp của sự vĩ cuồng nó hớp hồn ta, nó khiến ta cũng hoà vào bầu không khí sục sôi, mịt mù, không lối ra giữa các nhân vật. Phải chăng những vĩ cuồng trong chính Remo Erdosain cũng đã đánh lạc hướng anh theo cách đó?
Liệu có gì đẹp đẽ hơn sự chân thật khi thấy đời mình đau đớn đến độ chỉ mong toàn bộ cơ thể thu nhỏ lại hết mức, để diện tích tiếp xúc mặt đất càng ít càng tốt để giảm thiểu nỗi đau?
Remo Erdosain theo góc nhìn của tâm lý học có thể được xem là một người bị mất kết nối với thế giới, với chính bản thân mình, một người bị rơi vào hoang tưởng bởi những xung năng sống và xung năng chết liên tục xung đột với nhau. Thế nhưng với góc nhìn của một người đọc, bi kịch của Remo Erdosain là vì bản thân anh kết dính quá chặt với những rối ren không ngừng sinh ra bên trong mình. Bi kịch của Remo Erdosain là anh ý thức được quá rõ ràng anh muốn gì, và muốn quá nhiều. Anh mong được cứu rỗi bởi tình yêu, những suy niệm trong anh luôn tràn ngập cái đẹp, như thể anh tin cái đẹp có thể cứu được gã (Một tư tưởng đậm chất Dos) đồng thời anh cũng ý thức được anh là một phần của bóng tối và bất cứ khi nào anh có cho mình một cơ hội được cứu rỗi thì chính anh lại là người huỷ hoại chúng. Vậy thì liệu phải chăng, dù ảnh hưởng Dostoyevsky tới cỡ nào thì chính Roberto Arlt cũng đã phủ nhận điều cốt lõi trong lý tưởng chủ đạo xuyên suốt mọi tác phẩm của Dostoyevsky, là “vẻ đẹp cứu rỗi thế giới”, thì với Roberto Arlt, vẻ đẹp, hay chính xác hơn là vẻ đẹp của những cơn vĩ cuồng này, chính là hồi chuông báo tử cho một kiếp người chất đầy não nề, tuyệt vọng như Remo Erdosain.
Vẻ đẹp của những cơn vĩ cuồng này, chính là hồi chuông báo tử cho một kiếp người chất đầy não nề, tuyệt vọng như Remo Erdosain.
Vậy, Bảy Kẻ Khùng Điên có ẩn chứa thông điệp đạo đức nào hay không? Có những tiểu thuyết mà ở đó thông điệp đạo đức, hướng thiện rất rõ. Nhưng cũng có những tác phẩm chúng khiến ta phải mượn lời của Carver để lạm bàn. Raymond Carver đã từng nói trong một phỏng vấn rằng truyện ngắn của ông tràn đầy bóng tối, để khi đó người đọc mới thấy nỗi thiết tha đi tìm và giữ gìn ánh sáng bên trong tâm hồn. Bảy Kẻ Khùng Điên là trường hợp ta phải nương nhờ đến Raymond Carver để nói về thông điệp đạo đức. Cái mênh mông bế tắc và tuyệt vọng trải dài khắp quyển sách chính là thông điệp. Bản thân bóng tối là thông điệp. Thông điệp sẽ réo rắt và đọc lên cho từng người. Nhưng bản thân cái đớn hèn, đau khổ và tuyệt vọng, điên cuồng chính là thông điệp. Trong văn chương, đây là một lối viết mang nhiều thử thách. Thay vì nói rằng “đừng làm điều ác” mà tác giả đã chọn cách vạch ra cái tăm tối và nói về nó rõ ràng, bi tráng thậm chí rất hấp dẫn, cám dỗ chỉ để người ta thấu hiểu rằng “đừng làm điều ác”. Việc này rất khó và đòi hỏi một tài năng lẫn độ nhạy cảm cao vời. Roberto Arlt đã làm được điều đó.
Thế nhưng nếu ta đọc kỹ, ngẫm kỹ và xin nhắc lại một lần nữa về điều này trước khi kết thúc bài viết. Quyển sách không hề chỉ có bóng tối. Ánh sáng đã le lói rọi vào rất nhiều ngõ ngách nơi đây. Như khi Du Côn Sầu Muộn đã giúp Remo Erdosain trả hết nợ, hay ở đoạn gần cuối, nàng Luciana ở gia đinh Espila đã thể hiện tình yêu thanh thuần với Erdosain nhưng gã đã gạt đi. Hay lúc ngồi tâm sự trút lòng với Ả Điểm Què. Đó chính là ánh sáng. Nhưng là do ánh sáng quá le lói không đủ soi rọi, hay vì con người đã sống lâu trong bóng tói đến độ hắn ta nhạy cảm với ánh sáng nên đã từ chối quay lưng và đi sâu vào bóng tối hơn?
Bản thân câu hỏi đã là một bi kịch, và từ bi kịch ta tìm được những thông điệp đạo đức cho riêng mình. Sau khi đã say sưa no nê với những vĩ cuồng đẹp đến khốn khổ của bảy kẻ khùng điên.
Hình ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn trên Internet.