Vì sao đôi khi hàng "đạo nhái" của Gucci còn hot hơn cả hàng xịn?
Giới mộ điệu đã không ít lần bị chinh phục trước những sản phẩm thời trang đình đám từ Gucci, và sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến sự góp công không nhỏ từ những họa tiết quen thuộc của nhà mốt như kẻ sọc Gucci Vintage Web, hoạ tiết monogram cùng các phiên bản kết hợp với những bông hoa rực rỡ hay các loài động vật. Thế nhưng, đã có không ít lần các thiết kế từ thương hiệu đã được đặt lên bàn để "mổ xẻ" đánh giá, xem liệu chúng có thực sự đáng với số tiền mà khách hàng phải bỏ ra mua hay không.
Những chiếc áo phông và hoodie được trình diễn vào buổi Gucci Cruise 2017 tại Westminster Abbey đã thực sự khiến người ta phải cân nhắc. Mặc dù kể từ khi kỷ nguyên của nhà thiết kế đại tài Alessandro Michele bắt đầu tại Gucci, thương hiệu thời trang nước Ý không ngừng nhận được vô số lời khen và những thành công rực rỡ. Ta không thể phủ nhận rằng có những thiết kế của ông khiến người ta phải ngập ngừng, thậm chí đôi khi cho rằng chúng trông chẳng khác gì những món đồ "đạo nhái". Đương nhiên, cho dù chỉ mang hoạ tiết hay logo đơn giản mà thương hiệu chia sẻ là lấy cảm hứng từ phong cách thập kỷ 80, những chiếc áo này vẫn luôn mang mức giá cao ngất ngưởng nhờ vào thương hiệu Gucci.
Quay trở về giữa những năm 80, nhà thiết kế Dapper Dan đã nổi lên từ Harlem như một hiện tượng nhờ vào những thiết kế vô cùng bắt mắt. Tuy mục đích ban đầu của ông chỉ đơn giản để phục vụ dân cờ bạc và xã hội đen địa phương, những người mà khi ấy ít có cơ hội được tiếp cận với các thương hiệu xa xỉ, nhưng với những thiết kế rất riêng kết hợp hoàn hảo giữa thời trang cao cấp và phong cách đường phố hiphop, cửa hàng của ông dần dần thu hút rất nhiều khách hàng, trong đó có thể kể đến các ngôi sao nhạc hiphop hay các vận động viên như Mike Tyson, Bobby Brown và Salt-N-Pepa.
Dapper Dan vẫn luôn nhớ về làn sóng đầu tiên mà chiếc áo phông Gucci "đạo nhái" mà ông tạo ra nổi lên khắp thành phố New York. Những sản phẩm được sản xuất và bán ra bởi những người bán hàng Hàn Quốc và Trung Quốc đã lập tức lan truyền khắp nơi nhờ vào mức giá rẻ chỉ khoảng $18 và $22 khi mua sỉ. Theo ông, những logo này được lấy từ thiết kế bao bì cũ của thương hiệu, được thấy trên hộp, túi bọc và các sản phẩm bao bì tương tự khác.
Và một trong những dấu ấn lớn nhất trong mối quan hệ giữa Dan và Gucci có lẽ chính là thiết kế chiếc áo khoác tay bồng từng nổi đình đám một thời. Vào những năm 80, khi sự nghiệp ở Harlem của nhà thiết kế đang lên như diều gặp gió, ông đã bày bán chiếc áo khoác với logo monogram Louis Vuitton được in khắp hai bên cánh tay cùng phần áo lông vô cùng ấn tượng. Với Dapper Dan, ông không bán "hàng giả", vì ông chỉ sử dụng các logo từ những thương hiệu thời trang này, nhưng tất cả các thiết kế đều do ông sáng tạo ra. Chẳng khó để nhận ra rằng thiết kế của Gucci sau này đã gần như sao chép toàn bộ thiết kế đó.
Dù sự sáng tạo với việc sử dụng các logo từ thương hiệu cao cấp có ấn tượng đến đâu, việc thu lời bất hợp pháp này đương nhiên sẽ phải trả giá. Thế nhưng sau nhiều vụ kiện tụng rùm beng, cùng với đó là nhiều tranh cãi đã nổ ra trong giới thời trang, năm 2017, nhà mốt nước Ý Gucci đã chính thức hợp tác cùng Dapper Dan.
Sau mối quan hệ 'trái ngang" giữa Dan và Gucci, có không ít nghệ sĩ trẻ vẫn đi theo con đường "đạo nhái" này. Một cái tên nổi bật nhất phải kể đến trong số đó không ai khác chính là GucciGhost, hay còn có nghệ danh khác là Trouble Andrew. Andrew là một nghệ sĩ graffiti, anh đã sử dụng sơn xịt và vẽ logo nổi tiếng hai chữ G lồng vào nhau của Gucci trên khắp các nẻo đường, góc phố, trên tường phòng vệ sinh hay ở cả những cây ATM. Thế nhưng cách xử lý của thương hiệu lại hoàn toàn khác. Alessandro Michele đã hợp tác cùng Andrew trong dự án sau đó và bày bán những sản phẩm cao cấp, đương nhiên với giá rất cao.
Giám đốc Sáng tạo cho rằng: "Đây hoàn toàn không giống với việc sao chép. Đây là ý tưởng đưa biểu tượng của công ty đến với đường phố, nhờ vào ngôn ngữ như graffiti."
Mặc dù đây có thể được coi là một bước tiến lớn của Gucci khi đưa thời trang cao cấp đến gần hơn với thời trang đường phố, song có lẽ điều này vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được tất cả các tín đồ hiphop. Có một bộ phận không nhỏ những người mua sắm lựa chọn các sản phẩm Gucci "đạo nhái", đương nhiên một phần vì chúng có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng, nhưng một phần vì đối với họ, làn sóng hiphop đỉnh cao nhất từ thập kỷ 80 và phong cách retro của những năm 90 được thể hiện rõ nhất qua những thiết kế "đạo nhái" này. Đối với họ, đôi khi những món đồ ấy còn mang phong cách Gucci hơn cả những sản phẩm của chính thương hiệu.
Bài: Chi Le