Trưng bày “Tương Tức”: Vạn vật ở trong nhau
“Tương tức”, ám chỉ sự cùng nhau hiện diện – vạn vật ở trong nhau, là cuộc trưng bày gợi mở những tư duy mở và sâu lắng về hành trình khám phá sợi dây liên kết giữa tâm cảnh, phong cảnh với con người. Trên tinh thần diễn giải các mối quan hệ tương hỗ đó, “Tương tức” trưng bày tác phẩm của các họa sĩ Ca Lê Thắng (sn. 1949), Nguyễn Tấn Cương (sn. 1953), Đoàn Xuân Tặng (sn. 1977), Nguyễn Thế Hùng (sn. 1981), Đoàn Văn Tới (sn. 1989), Mifa (sn. 1990).
Tiếp nối tinh thần “Art for living” - nghệ thuật cho không gian sống, Indochine House Lê Công Kiều là địa điểm mới được đội ngũ Indochine House dành nhiều tâm huyết, mong được đón tiếp nhiều hơn cộng đồng bảo trợ, sưu tập và yêu mến nghệ thuật tại Hồ Chí Minh.
Nằm tại địa điểm 10 Lê Công Kiều, Quận 1 – con phố nổi tiếng với một thời vàng son trao đổi cổ vật từ đa miền văn hóa, địa điểm mới này là nơi Indochine House sẽ mang đến những cuộc viễn du nghệ thuật từ thời quá vãng cho tới hiện tại trong dòng chảy thời gian. Indochine House số 10 Lê Công Kiều, Sài Gòn đã chính thức mở cửa với trưng bày “Tương tức”.
Thông qua những chất liệu đa dạng từ giấy Điệp, sơn mài trên toan, sơn dầu, acrylic đến thử nghiệm sắp đặt lụa, thực hành của các nghệ sĩ khởi nguồn cảm hứng từ truyền thống tới các triết thuyết, đan cài cùng sự lặp lại của những hình ảnh tự nhiên mang tính biểu tượng như nước, sương mù, tán lá, ánh sáng, tạo nên cảnh quan hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Mỗi nghệ sĩ, bằng cảm quan riêng đều đồng quan điểm hình dung con người và thiên nhiên như những thực thể liên kết qua lại chặt chẽ. Mặc dù có sự khác biệt về thế hệ cũng như phong cách sáng tác nghệ thuật, họ cùng nhau dẫn lối người xem chiêm nghiệm về mạch kết nối không thể tách rời của mọi đối tượng, khước từ tư duy nhị nguyên “cá nhân - thiên nhiên”, “chủ thể - khách thể”.
Tại trưng bày, ký ức và sự chuyển dịch thời đại là nền tảng của nhiều nghệ sĩ. Cụ thể, Mifa vẽ trên giấy điệp truyền thống để tạo nên hệ thống nhiều lớp lang, kết nối dân gian với tư duy đương đại, biến những trải nghiệm thoáng qua từ vô hình sang hiện hữu. Cùng kết nối các giá trị xưa và nay, Nguyễn Thế Hùng kiến tạo không gian huyền ảo, đa tầng với chất liệu cách tân sơn mài trên toan.
Trong khi đó, Đoàn Văn Tới, từ góc nhìn ảnh hưởng bởi văn minh nhà Phật, tạo nên những bức tranh lụa tương tác với ánh sáng, không gian và người xem. Những thực hành này mang tính thiền định, phản ánh truy vấn sâu sắc về sự tồn tại, khơi gợi sự tĩnh lặng trong nhận thức, mang đến một ngôn ngữ thị giác vượt qua mọi đường biên của văn hóa, tôn giáo và sự áp đặt. Như một đối thoại mở, họa sĩ Nguyễn Tấn Cương sử dụng bố cục nhiều lớp màu chồng lên nhau, chơi với ánh sáng, sự mờ tỏ và cảm quan trải nghiệm không gian. Ông, thông qua ngôn ngữ trừu tượng, khám phá liên kết sáng - tối, vô hình - hiện hữu, diễn đạt trạng thái cảm xúc nội tâm và mở ra một chiều kích khác để người xem tiến vào suy tưởng.
Cảnh quan và ký ức cũng đồng hiện trong tác phẩm của họa sĩ Ca Lê Thắng và Đoàn Xuân Tặng. Một mặt, Ca Lê Thắng với nét vẽ phóng khoáng khắc họa phong cảnh mùa nước nổi tại quê hương Đồng Tháp Mười như chuỗi ký sự Mekong, vừa tĩnh tại bóng nước in trời, vừa hoang hoải hoài niệm xưa cũ. Ở khía cạnh khác, Đoàn Xuân Tặng đưa người xem đến với những vệt sơn mờ ảo, lấy cảm hứng từ phương Bắc Việt Nam, nơi con người từ đời sống lao động đến sinh hoạt thường nhật đều gắn bó với thiên nhiên như hơi thở. Theo đó, ngôn ngữ hội họa của anh qua thời gian cũng dần trừu tượng hóa, phản ánh những mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời.
Tập hợp sáu góc nhìn đầy chất thơ về tư duy một là tất cả, tất cả là một, trưng bày “Tương tức” đưa đến những tác phẩm mang đậm sự giao hòa giữa “con người - thiên nhiên”, gắn kết “truyền thống - đổi mới” trong một trường tương tác chung. Ở đây, hội họa trở thành phương thức họa sĩ cùng chúng ta lắng nghe thế giới, là những thực hành của sự hòa điệu và nhận thức (giữa nội tâm và ngoại cảnh). Kết quả đưa đến vượt ra khỏi đường biên của những hình ảnh đan xen, là hàng loạt những sợi kết nối tiếp diễn trong không gian của tương tức – vạn vật trong nhau.
Trưng bày “TƯƠNG TỨC”
Thời gian: 06.04 - 29.04.2025 (9:30 - 18:30)
Địa điểm: Indochine House, 10 Lê Công Kiều, Quận 1, Hồ Chí Minh
Trưng bày không thu phí tham quan, vào cửa tự do.