Money & Finance

Váy Đen: Mức lương cho phụ nữ, họ tức giận, và còn gì nữa?

Khỏi phải nói, việc phải nghĩ đến một mức lương xứng đáng với bản thân chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với bất cứ ai. Nhưng dường như những con số này còn làm cho phụ nữ đau đầu hơn.

accessories sunglasses person face head photography portrait glasses

Tháng 7 năm 2017 là thời điểm hỗn loạn của đài BBC. Sức ép từ chính phủ Anh về việc công khai tài chính của đài phát thanh hoạt động từ quỹ đại chúng này buộc BBC phải công bố danh sách bảng thu nhập của những nhân vật được trả lương nhiều nhất công ty. Nhưng BBC không ngờ tới, những con số họ đưa ra không chỉ là bằng chứng của sự minh bạch tài chính, mà còn là chỉ dấu cho những bất công trong việc trả lương cho phụ nữ so với đàn ông tại một trong những đài phát thanh và đơn vị truyền thông lâu đời nhất thế giới.

Danh sách những người được trả nhiều nhất ở BBC gồm 62 nhân viên nam và 34 nhân viên nữ, nhưng người phụ nữ được trả cao nhất trong nhóm thiểu số ấy vẫn kiếm được ít hơn 1,7 triệu bảng Anh so với nhân sự nam được trả cao nhất của BBC, trong khi rất nhiều những cái tên biên tập hay nhà báo nữ nổi tiếng của BBC vốn nhan nhản khắp kênh truyền hình và sóng radio thì “mất hút” trong danh sách. Khỏi phải nói, những con mắt soi mói thấy nhiều vấn đề trong tờ danh sách tưởng vô hại và minh bạch này.

Từ trước đến nay, việc lương bổng và đãi ngộ đã và luôn được coi như một thỏa thuận kín giữa công ty và cá nhân, có nghĩa người ta không thể (và cũng không muốn) công khai mình kiếm được bao nhiêu tiền. Số tiền lương họ nhận được mỗi tháng là một “định giá” ngấm ngầm về năng lực được công nhận, và so sánh số tiền được trả thì cũng như việc so sánh tài năng và khả năng của người này so với kẻ kia. Nhất là ở một môi trường luôn vận hành trong sự đào thải và cạnh tranh khốc liệt như BBC. Vì thế, khỏi phải nói những nhân nữ BBC bàng hoàng thế nào khi nhìn thấy con số đứng cạnh những đồng nghiệp nam của mình.

clothing coat jacket blonde person adult female woman photography portrait
Ảnh: Paul Whitfield

Họ đột nhiên nhận ra, trong suốt hàng chục năm làm việc ở đây, ở quãng thời gian sóng yên bể lặng, họ ôm lấy niềm tin (không biết ở đâu mà có) rằng chẳng có sự phân biệt đối xử nào ở cơ quan ngôn luận này. Nhưng tờ danh sách nói trên như cái tát giáng vào mặt họ. Hóa ra từ trước đến nay, BBC vẫn luôn coi họ chỉ như nhân viên thứ cấp so với đàn ông, vị trí của họ có thể ngang bằng nhưng chất lượng công việc và độ nguy hiểm vẫn không thể so sánh với đàn ông, và số tiền họ nhận được vẫn chỉ là con số xứng đáng so với sức khoẻ, trí tuệ và độ khó của vị trí họ làm.

Và họ tức giận. Một trong những người tức giận hơn cả là Carrie Gracie, một Biên tập viên 56 tuổi làm việc tại văn phòng ở Trung Quốc của đài BBC.

Bà ngồi nhìn tờ danh sách trong cảm giác bán tín bán nghi, bởi không có chuyện bà và những đồng nghiệp nữ của mình có thể được trả lương chỉ bằng một nửa so với đồng nghiệp nam. BBC không thể vận hành với sự khác biệt quá lớn ấy khi có quá nhiều nhân viên nữ trong đài và thậm chí từ trước đến nay luôn khăng khăng đứng về phía phụ nữ trong lịch sử đến mức có cả một chương trình radio có tên “Women Hour” chỉ để nói về phụ nữ. Carrie có lý do khác để sững sờ. Ở thời điểm nhận công việc tại văn phòng Trung Quốc (đồng nghĩa với việc sống xa hai đứa con vị thành niên của mình), bà đưa ra điều kiện mình sẽ phải được trả lương ngang bằng với đồng nghiệp nam. BBC tất nhiên đồng ý, và Carrie sống trong lời nói dối này cho đến khi tờ danh sách được công khai và truyền thông ví von đây có lẽ là một trong những vụ scandal tồi tệ nhất trong lịch sử trăm năm của thương hiệu truyền thông.

Nhiều phụ nữ của BBC bất bình, nhưng Carrie Gracie lại là cái tên hiếm hoi chọn hành động. Bà làm tất cả những gì mình có thể làm để “đòi hỏi một sự công bằng trong lương bổng, không phải chỉ là tăng lương, mà là công bằng!”, bà viết thư riêng cho CEO của BBC, bà công khai bức thư của mình với độc giả BBC trên trang web cá nhân, bà nghỉ việc khi không nhận được phản hồi chính đáng, và cùng những đồng nghiệp nữ tổ chức cuộc đình công ở trước Trụ sở chính của BBC giữa lòng London. Hơn 1000 phụ nữ làm việc ở BBC bắt đầu đòi thỏa thuận lương bổng mới, BBC sau khi vòng vo tam quốc trong suốt cả năm trời cuối cùng buộc phải thừa nhận mình đã trả lương cho những phụ nữ như Carrie ít hơn như thế nào, dù thứ người ta chờ đợi là một sự thừa nhận rằng, đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của một vấn đề lớn hơn, cứng đầu hơn: sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong môi trường làm việc, thể hiện trong bất bình đẳng về thu nhập.

fashion dress coat long sleeve formal wear robe overcoat gown person shoe
Ảnh: Paul Whitfield

Ai đó có thể thở phào khi có vẻ như cuộc đấu tranh lương bổng kinh thiên động địa nhất của BBC đã đến hồi ngã ngũ, chỉ khi họ làm ngơ những con số thống kê khác vẫn đang được cập nhật hàng tháng, hàng năm, ở nhiều ngành nghề, và nhiều nền GDP. Sự khác biệt về đãi ngộ giữa đàn ông và phụ nữ từ trước đến nay vẫn luôn là một nhức nhối “mềm”, có nghĩa là nó vẫn ở đó, người ta vẫn biết là có nó, nó vẫn nhúc nhích biến động theo chiều hướng lạc quan hơn nhưng với tốc độ của một con rùa, và hoặc họ không thể làm gì khác để đốt cháy quá trình, hoặc họ chẳng biết phải làm gì với một sự khác biệt “cứng đầu” nhất của kinh tế.

Thế nên mới có chuyện cứ mỗi lần một phụ nữ (nổi tiếng) nào đó lên tiếng về số tiền lương họ kiếm được so với đàn ông, là một lần người ta ngạc nhiên như mới. Năm 2021, một trong những nữ diễn viên được trả lương cao nhất trên thế giới Jennifer Lawrence thừa nhận việc buộc phải chấp nhận thực tế này không khiến cô cảm thấy mảy may thỏa đáng hơn với nền công nghiệp điện ảnh Hollywood. Trong bộ phim “Don’t Look Up” ra mắt vào năm 2021, Lawrence được trả kém nam diễn viên Leonardo DiCaprio tới 5 triệu USD. 

“Ở đâu thì cũng thế thôi, Hollywood thì cũng chỉ là chỗ làm việc, và thậm chí ở Hollywood thì người ta cũng sẽ ngần ngại khi đề cập đến bình đẳng trong đãi ngộ. Và nếu bạn dám lên tiếng, người ta sẽ nói điều này chẳng liên quan quái gì đến bất bình đẳng giới. Và họ im luôn. Nó liên quan đến chính xác thứ gì thì cũng chẳng ai nói ra được.”

clothing long sleeve sleeve chair furniture coat overcoat formal wear
Ảnh: Paul Whitfield

Những bóng bẩy của Hollywood có thể đánh lừa hàng triệu người, nhưng thực tế đầy cay đắng mà Lawrence gọi tên cũng chỉ cho thấy một Hollywood như bất cứ xứ sở nào khác - đầy định kiến và văn hoá đãi ngộ đi lùi. Sau một mùa #MeToo với tất cả những gì dơ bẩn và xấu xí nhất của ngành công nghiệp này được phơi bày, hàng loạt nữ diễn viên, nhà sản xuất cũng tiện thể phàn nàn về khoảng cách lớn trong lương bổng với những đồng nghiệp nam, từ Michelle Williams, Octavia Spencer, Amy Schumer, Claire Foy, Emma Stone, Jessica Chastain đến Meryl Streep. Natalie Portman thậm chí còn so sánh sự khác biệt này ở Hollywod với những lĩnh vực chuyên môn khác: “Ở hầu hết những công việc khác, phụ nữ kiếm ít hơn 20% so với đàn ông, nhưng ở Hollywood, phụ nữ kiếm 70% ít hơn!”

Với quá nhiều thống kê và những đấu tranh liên tục cho bình đẳng giới, ý nghĩa và định nghĩa thực tế của trả lương công bằng trở nên méo mó và phức tạp hoá hơn mức cần thiết. Về cơ bản, nó chỉ có nghĩa nếu đã làm trong cùng một công ty, cùng một vị trí, cùng một phận sự, thì họ nên được trả cùng một mức lương với những con số giống hệt nhau đến từng con số lẻ. Bỏ qua việc phụ nữ hay đàn ông ở đây, hãy chỉ trả tiền cho những bộ não và đầu việc họ làm.

Nhưng nếu đây quả thực là vấn đề đơn giản, có lẽ Serena Williams đã chẳng viết trên tờ Fortune về mưu cầu của phụ nữ nói chung với lương bổng: “Không gần. Không gần như ngang bằng. Tiền phải được trả ngang như nhau.” Dù không thực sự lấy trường hợp của mình làm dẫn chứng, nhưng ai cũng biết Williams chỉ kiếm được 495.000 USD (so với số tiền 731.000 USD mà Roger Federer kiếm được trong cùng một mùa giải). Điều này đủ để nữ vận động viên quần vợt vĩ đại nhất lịch sử có quyền đòi hỏi một lẽ thông thường như việc được trả mức lương ngang bằng với những ngôi sao nam trong giới này.

blouse clothing long sleeve sleeve coat person blazer shirt sweater face
Ảnh: Paul Whitfield

“Không gần. Không gần như ngang bằng. Tiền phải được trả ngang như nhau.”

Nhiều nguyên nhân và giả thiết được các nhà xã hội học và kinh tế học đưa ra để lý giải cho thực trạng những phụ nữ phía trên đề cập đến. Phân biệt đối xử với phụ nữ, lựa chọn nghề nghiệp khác nhau của đàn ông và phụ nữ, sự hạn chế của những cái tên nữ giới trong vị trí cấp cao, và những đãi ngộ tác động đến phụ nữ liên quan đến chế độ thai sản hay nuôi dưỡng con cái. Chủ quan hơn, phụ nữ dường như ngần ngại thỏa thuận lương bổng hơn đàn ông.

Trong cuốn sách Women Don’t Ask của hai nhà kinh tế học Linda Cabcock và Sara Laschever, hai nữ tác giả đề cập đến một hiên thực rằng phụ nữ thường ít khi thỏa thuận khi muốn mức lương cao hơn và đãi ngộ tốt hơn. Thậm chí, nếu thấy bất công, họ thà nghỉ việc còn hơn ngồi vào bàn đàm phán. Và kể cả khi đã đến được cái bàn đó rồi, thì khả năng họ nhận được mức lương xứng đáng vẫn là cuộc chiến mù mờ ước lượng. Trong cuốn sách What Works: Gender Equality by Design, nhà kinh tế hành vi học Iris Bohnet cho rằng “những người đứng đầu công ty thường phản hồi khá tiêu cực khi phụ nữ tự đề cao chính mình. Phụ nữ, về cơ bản thậm chí còn không thể thực hành chiến lược mà đàn ông xưa nay vẫn làm, bởi khi phụ nữ hành xử giống với một người đàn ông, họ thường sẽ bị chỉ trích.”

coat long sleeve shoe high heel adult female person woman floor jacket
Ảnh: Paul Whitfield

Nên đừng ai hỏi vì sao phụ nữ không tự đòi hỏi quyền lợi công bằng cho mình, bởi tiếng nói của họ cũng chỉ như một sự gào thét vào thinh không. Nhất là khi ngay cả quốc gia nổi tiếng nhất với việc vận động hành lang cho bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực như Iceland, tỉ lệ bất bình đẳng lương bổng vẫn là 9.9% (vào năm 2017). Con số này ở Việt Nam vẫn ở mức 13.7%, bất chấp những nỗ lực và chính sách về bình đẳng giới. 

Thế mới biết, gào thét chưa bao giờ là chuyện thừa thãi, dù ở bất cứ xã hội nào, đang phát triển hay đã phát triển. Bởi ít nhất về mặt tâm lý học, nó cũng sẽ mang đến một lợi ích giải tỏa nào đó. Và biết đâu đấy, có khi nếu chúng ta gào đủ nhiều và đủ hệ thống, thì một ngày không xa, có lẽ sẽ chẳng ai cần phải đòi hỏi một điều rất đơn giản như trả lương công bằng cho cùng một công việc.

Tags

Recommended posts for you