Love & Life

Váy đen: Cuộc cách mạng dưới cánh tay

Nhiều người gọi đó là phản ứng thái quá của chủ nghĩa nữ quyền, những người khác coi nó chỉ đơn giản như việc quay trở về với vẻ đẹp cổ điển, dù là gì, cạo lông trên cơ thể phụ nữ vẫn là chủ đề gây tranh cãi nhất.

Mỗi lần đi đâu đó về, hành lý của tôi luôn có một thứ mới: một chiếc nhíp. Thói quen bỏ quên nhíp khi xếp hành lý để đi đâu đó của tôi nực cười đến mức giờ căn hộ tôi ở có cả một bộ sưu tập nhíp, từ những tỉnh thành và quốc gia khác nhau. Vì sao à? Vì tôi sẽ luôn phát hoảng lên khi ở một nơi nào đó không phải nhà mình với vùng da dưới cánh tay có lông mới mọc, và cơn hoảng loạn dẫn tới chuỗi hành động kế tiếp: đi mua ngay một cái mới, để nhổ chúng, nhổ sạch bách, nhổ đến khi không còn gì để nhổ thì thôi. Một lý do khác: những chiếc nhíp gợi cho tôi nhớ đến những người phụ nữ trong đời mình, mẹ tôi, bà ngoại tôi, họ cũng là người dạy tôi khi đến tuổi dậy thì rằng cô gái nào cũng nên có một chiếc nhíp. 

“Em may mắn đấy, vì ít nhất không phải cạo lông chân lông tay như những cô gái khác,” một vài anh bồ cũ từng nói với tôi. Sự may mắn ấy khiến tôi cảm thấy mình chẳng nên bỏ đống tiền đi triệt lông cơ thể làm gì, những việc tôi có thể dành ra chỉ vài phút mỗi ngày, thì cớ gì phải trải qua đủ thể loại trị liệu, đủ thứ laser bắn lên người, đủ kiểu hoặc đau đớn hoặc đắt đỏ để có một… cơ thể hoàn hảo như cái cách người ta mặc định trước nay vẫn vậy. 

Nhưng sự may mắn ấy cũng là vấn đề, khi một anh chàng nói như vậy với bạn, rằng bạn may mắn vì không phải mất thời gian cạo lông, đó là sự may mắn sẻ chia giữa cả bạn và họ. Vì chính họ cũng đang cảm thấy may mắn mình đang không cặp kè một cô gái có lông cơ thể, dù cứ nhìn họ mà xem, những sợi lông trên tay, chân, ngực hay dưới cánh tay họ sẽ chẳng khiến bạn thấy họ cảm thấy bớt hấp dẫn. Thậm chí ngược lại, phải như thế mới nam tính! Vẫn biết chuẩn mực cái đẹp của hai giới thường chẳng giống nhau, nhưng sao Hoả sao Kim gì, thì vẫn có một sự khó hiểu ở đây. Vì sao người ta lại sợ lông trên cơ thể phụ nữ đến vậy? Vì sao, lông với đàn ông đại diện cho một chuẩn mực nam tính, nhưng với phụ nữ lại như một thứ đáng nguyền rủa, và ruồng bỏ, và triệt tiêu?

Cảm giác sợ hay kinh tởm một thứ gì đó là thành quả của quá trình tiến hoá của loài người, nó nhắc con người để tránh xa những thứ có thể gây hại. Nhưng ở mức độ tiến hoá của chúng ta, cảm giác này cũng có thể đến từ việc học và tiếp cận tự nhiên. Nói cách khác, bạn sợ thứ gì đó có thể chỉ là do văn hoá và xã hội của bạn dạy bạn như vậy (điều này đúng với trường hợp của tôi, và mẹ, và bà tôi). Và không phải đến bây giờ khi quảng cáo thì nhan nhản và những cô gái xinh đẹp khoe da thịt không tì vết lấp đầy newsfeed của bạn, khi Kim Kadashian chẳng ngần ngại trả lời phỏng vấn năm 2010 rằng “Tôi là người Armenia, vì thế tất nhiên tôi bị ám ảnh với việc tẩy lông. Cả cơ thể tôi giờ không có tí lông nào,” thì chúng ta mới thấy lông cơ thể phụ nữ đáng sợ.

Vì sao, lông với đàn ông đại diện cho một chuẩn mực nam tính, nhưng với phụ nữ lại như một thứ đáng nguyền rủa, và ruồng bỏ, và triệt tiêu?

Sự tránh né này đã trở thành một phần của lịch sử. Vào năm thứ 2 sau Công nguyên, nhà thơ từ Roma cổ đại Ovid đã “khuyến nghị” phụ nữ nên tẩy lông để “không con dê nào đến gần cánh tay bạn và chân bạn có cảm giác mượt mà hơn”. Từ khuyến nghị khiêm tốn trở thành một nhân tố định vị tầng lớp ở thời Phục Hưng, khi phụ nữ và những nữ thần được tái hiện trong nghệ thuật đều không có tí lông nào trên người. Rồi thời trang tiến hoá dưới hình hài những chiếc váy không tay vào năm 1915, và xã hội giai đoạn đó mê những chiếc váy tân thời đến độ đùng đùng tin rằng phụ nữ cũng nên cạo sạch lông nách thì mới có thể mặc chúng. Gillette chớp tình thế, ra mắt ngay dòng dao cạo đầu tiên dành riêng cho phái nữ có tên Milady Décolleté, hệ quả là 2 triệu dao cạo được bán ra chỉ trong vòng 2 năm! HIệu ứng domino này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều thập kỷ về sau, thể hiện trong một khảo sát gần đây nhất với 90% phụ nữ Úc cạo lông chân và dưới cánh tay, hay 99% phụ nữ Anh từng cạo lông trong đời. Số liệu này chưa được khảo sát ở Việt Nam, có lẽ vì nó là chuyện hiển nhiên đến độ chẳng ai bận tâm đến, nhưng tôi đồ rằng số phụ nữ không cạo không tẩy chỗ này chỗ kia trên cơ thể để cảm thấy tự tin hơn vẫn thuộc về phần đông (hơn).  

Câu hỏi đặt ra là, sự tự tin đó được dùng cho việc gì? Trong bài tiểu luận tâm lý có tên “Sex and the Nose”, tác giả Mamood Bhutta lý giải con người nhận ra nhau bằng mùi hương, và chỉ từ mùi hương của một chiếc áo, người ta có thể nhận ra nó thuộc về đàn ông hay phụ nữ. Những vùng xuất hiện lông trên cơ thể cũng là nơi lưu giữ thứ mùi hương tự nhiên đó. Trong khi phụ nữ cảm thấy thư giãn hơn khi ngửi mùi cơ thể đàn ông, thì mùi cơ thể phụ nữ có thể tác động đến phần não kiểm soát cảm giác ham muốn tình dục. Một khảo sát khác thực hiện vào năm 2001 có tên “Evolution and Human Behavior” chỉ ra, rằng cả phụ nữ và đàn ông đều coi mùi hương đối phương là những điểm thể hiện sự cuốn hút.

face head person photography portrait black hair hair adult female woman
Emily Ratajkowski không ngại phô bày phần lông dưới cánh tay trong một shoot chụp hình

Sự thể đã rõ, tất cả những căm ghét (hay tránh né) này, về mặt sinh học cũng chỉ là một cơ chế tự nhiên hướng đến tình dục.

Từ cổ chí kim, bất chấp những lý giải bề mặt về sự hấp dẫn tính nữ của một cơ thể nhẵn nhụi, suy cho cùng đó cũng chỉ là một cuộc tiến hoá và biến thể của nhu cầu và ham muốn duy trì giống nòi đầy bản năng.

Nhưng, vào những năm 1970, đã có những người phụ nữ gián tiếp phản kháng bản năng ấy. Họ nhận ra văn hoá “cạo lông” là hiện thân của tham vọng giữ hình ảnh người phụ nữ ở trạng thái hoàn hảo hơn, và phủ nhận bản chất nội tại của họ. Đó cũng chính là một trong những phát súng khởi đầu cho phong trào nữ quyền đòi quyền bình đẳng, không cạo lông vì một xã hội bình quyền hơn giữa nam và nữ. Thế nên mới có chuyện buồn cười là khi Julia Robert bước trên thảm đỏ với chiếc váy hồng và vùng lông không cạo dưới cánh tay ở giai đoạn cả thế giới gọi cô là “người đàn bà đẹp” sau bộ phim tình cảm lãng mạn “Pretty Woman” gây tiếng vang, ai cũng nghĩ chỉ có tư tưởng tân tiến nữ quyền mới có thể là lý do. 20 năm sau, Robert giải thích thực ra mình chẳng có ẩn ý gì, mà chỉ đang là chính mình mà thôi. “Chẳng có thông điệp gì ở đây hết, mà nếu có, thì nó cũng chỉ thể hiện rằng tôi cũng là một con người trên hành tinh này mà thôi,” Robert nói.

Bella Thorne - một người phụ nữ khác xem việc sở hữu lông dưới cánh tay là điều quá đỗi bình thường

Dù Robert không có ý định thay đổi chuẩn mực xã hội hay tái định nghĩa vẻ đẹp phái nữ, thì mô típ từ những năm 1970 dường như vẫn vương vấn đâu đó trong trí óc những cô gái, chực chờ một đợt sóng nữ quyền khác trỗi dậy để quay trở lại như một thứ vũ khí quan trọng. Vì sao à? Vì chẳng có gì dễ dàng hơn việc cứ để đấy, họ chẳng cần động tay vào đám lông trên cơ thể, họ cũng chẳng cần mất thời gian và tiền bạc để cố gắng tống khứ chúng đi. Quá tiện lợi! Từ Lady Gaga với đám lông màu xanh chói mắt dưới cánh tay trên sân khấu vào năm 2011 cho đến Miley Cyrus vào năm 2015, từ nữ ca sĩ Janelle Monáe trên thảm đỏ Met Gala cho đến người mẫu Arvida Byström với đôi chân không cạo trong chiến dịch Superstar của Adidas, từ Gigi Hadid trong bộ đồ tập cố tình “khoe” vùng lông dưới cánh tay trên tạp chí Love cho đến hình ảnh diễn viên Emma Corin lên bìa Vouge chẳng màng giấu giếm vùng da không cạo của mình trong chiếc váy Louis Vuitton… Danh sách này sẽ còn kéo dài đến hàng triệu phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới với hashtag #armpithairdontcare. Đây là cuộc chiến hài hước, khi đám lông là chiến binh, còn kẻ thù là những kĩ thuật và thiết bj hiện đại vẫn đang từng ngày từng giờ được cải tiến để làm cho việc tẩy lông đơn giản nhẹ nhàng hơn.

Julia Robert có thể không phải mang danh nữ quyền, nhưng những gì cô nói ở tuổi 50 có lẽ lại là phép giải cho những cự nự giữa một niềm tin cố hữu về vẻ đẹp và tham vọng thay đổi thế giới của thế hệ đi sau. Có lông hay không có, cạo lông hay không cạo, đó là lựa chọn của bạn. Lựa chọn ấy chỉ nên dựa vào việc bạn có cảm thấy là chính mình hay không, thoải mái hay không, tự tin với nó hay không, vui vẻ khi nhìn vào gương và thấy cơ thể chính mình hay không. Không ai nhất thiết phải chống lại việc cạo lông chỉ bởi họ tin vào bình đẳng giới, nhưng với những người tin vào điều đó, thì đã sao?

Recommended posts for you