L’OFFICIEL BookClub: Chàng Chó - Chiếc hộp Pandora đã mở nắp của Yoko Tawada
Văn chương của Yoko Tawada là một lời nguyền, là chiếc hộp Pandora một khi đã mở ra là chẳng thể vãn hồi, chẳng thể ngừng ngẫm nghĩ về câu chuyện, về tình tiết, chẳng thể ngừng sục sạo để tìm cho bằng ra ý nghĩa của những điều phi lý.
Năm 1991, tiểu thuyết gia người Nhật, sinh sống tại Đức Yoko Tawada cho ra mắt tác phẩm đầu tay mang tên Chú Rể Là Chó. Tác phẩm này của bà vừa được dịch bởi dịch giả Nguyễn Thị Ái Tiên, do Nhà Xuất Bản Phụ Nữ phát hành tại Việt Nam và mang một cái tên tiếng Việt rất hay, rất súc tích – “Chàng Chó”. Chàng Chó đã mang về cho Yoko Tawada giải thưởng Gunzo dành cho những cây bút mới, tiếp đó là giải thưởng Akutagawa danh giá của văn chương Nhật Bản vào năm 1993. Từ đó đến nay, bà đã được xướng tên để nhận về hàng chục giải thưởng trong và ngoài nước.
Tôi biết đến Yoko Tawada qua Hiến Đăng Sứ, cũng do tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Tiên đồng biên dịch với Nguyễn Đỗ An Nhiên và được thầy Nhật Chiêu viết lời giới thiệu. Khi đã đọc Hiến Đăng Sứ rồi mới đọc tới Chàng Chó, tôi không khỏi bất ngờ khi Chàng Chó là tác phẩm đầu tay được viết trước Hiến Đăng Sứ, vì những lớp lang ngụ ý và sức sáng tạo khủng khiếp trong Chàng Chó tựa hồ như bao tinh hoa được chắt lọc kỹ càng cẩn thận bởi một cây bút đã thực hành viết lách lâu năm. Sự chắt lọc khiến ta nhớ đến hình ảnh người ông trong Hiến Đăng Sứ ra sức vắt từng giọt cam, vớt từng miếng đậu hũ trong câu chuyện phản địa đàng, nơi nước Nhật đang đối diện hậu tận thế và bế quan toả cảng với thế giới. Với độ dài của một “novella”, Chàng Chó, in cùng với một truyện khác với độ dài tương đương tựa là Bản Nguyên cũng không khiến quyển sách cầm lên nặng tay, nhưng dư âm của chúng dai dẳng, và đeo bám.
Nếu chúng ta vốn quen với motif truyện ngụ ngôn người hoá thú hay thú biến thành người, thì với Chàng Chó, Yoko Tawada đã để công cuộc biến hoá ấy chỉ còn một nửa. Người đàn ông có tên Taro chỉ hoá chó trong hành vi cung cách, chẳng hạn như thích ngửi, thích liếm mông, thích cắn lên cổ, còn lại anh ta hoàn toàn là người, biết nói tiếng người và hình dáng con người. Nhân vật chàng chó còn có một thói quen là luôn giữ mọi thứ ngăn nắp sạch sẽ và đúng chỗ. Nếu tôi không lầm thì đây cũng có thể làm là một đặc điểm của loài chó, vì khi những con chó cưng nếu được huấn luyện thì chúng cũng sẽ thoải mái với những thói quen lặp đi lặp lại như thế. Tựu trung lại, yếu tố ngụ ngôn không được Yoko Tawada đẩy đến cùng. Cái được đẩy lên tới đỉnh điểm chính là những điều phi lý. Phi lý tới tột bậc, tới ngỡ ngàng, và, điều phi lý nhất là chúng mang một màu sắc trung tính, thoải mái đến độ khiến người đọc đôi khi cảm thấy những điều này không còn phi lý nữa. Văn chương của Yoko Tawada cứ thế, trùng điệp những lớp ý nghĩa thoắt ẩn thoắt hiện, ngay vào giây phút ta tưởng mình đã nắm bắt được cái tác giả cài cắm thì ta lại thấy nghi ngờ chính mình ngay sau đó. Vậy rốt cuộc thì Yoko Tawada muốn nói gì ở đây?
Ta có thể nghĩ về Chàng Chó theo nhiều cách, chẳng hạn như liệu tất cả chỉ là một lời đồn đại được những bà mẹ cho con theo học lớp học thêm của cô giáo Kitamura thêu dệt nên, dần dà trở thành một truyền thuyết đô thị theo phong cách Phố Ngũ Hương của Tàn Tuyết. Hay ta cũng có thể so sánh với tâm lý muốn rơi xuống tận cùng. Thứ tâm lý rất đỗi con người nhưng cũng vô cùng đen tối như cách Milan Kundera đã từng mô tả trong Đời Nhẹ Khôn Kham, khi một lần sẩy chân vào nhơ nhuốc là ta chỉ muốn rơi sâu sâu nữa mà chẳng thể cưỡng lại. Hay sâu xa hơn là với Borges đã viết trong truyện ngắn Ba Phiên Bản Judas rằng “Chúa trọn vẹn trở thành người và là người tới mức ô danh, người tới mức đoạ ngục và tới vực thẳm;…; người đã chọn một số phận tồi tàn: Làm Giuđa” (Trích Truyện Hư Cấu – Jorge Luis Borges, Nguyễn An Lý dịch và chú giải).
Mà đâu chỉ có cô giáo Kitamura Mitsuko mới có xu hướng muốn nhúng mình sâu vào các nhơ nhuốc, mà ngay cả nhân vật phụ, Ryoko, vợ cũ của Taro cũng ẩn hiện xu hướng đó, khi thấy chồng mình dần dần biến đổi sau khi bị chó cắn, cô cũng đã nảy sinh cảm giác ganh tỵ khi thấy sức vóc của anh biến đổi, dù là rõ là một sự biến đổi dị thường.
Hoặc nhiều và nhiều cách hiểu nữa khi đọc xong Chàng Chó, thế nhưng khi nhìn lại dường như ta chỉ đang cố nắm bắt lấy một thứ vô hình, cố tìm cách giải nghĩa cho một điều vốn dĩ phi lý, cố cắt nghĩa chúng để chúng ta có thể an tâm mà tin rằng mình đã hiểu được tất tần tật ngọn nguồn của bao ẩn ức trên thế gian hay trong chính thâm tâm mình. Đáng tiếc, điều đó dường như là bất khả. Và đấy, chính cảm giác đấy. Cảm giác bất khả trước những biến động lẫn ngẫu nhiên ở đời ấy nó được Yoko Tawada kể lại một cách gọn gàng và “sạch sẽ” không một câu văn thừa như thế đấy. Để sau khi đi một vòng tìm kiếm ý nghĩa của chuỗi phi lý kia, ta chẳng thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận và sống tiếp để… tiếp tục đi tìm.
Cái được đẩy lên tới đỉnh điểm chính là những điều phi lý. Phi lý tới tột bậc, tới ngỡ ngàng, và, điều phi lý nhất là chúng khiến người đọc đôi khi cảm thấy những điều này không còn phi lý nữa.
Người ta thường có thói quen so sánh các cây bút siêu thực với Kafka, Yoko Tawada tất nhiên cũng nằm trong số những nhà văn ấy. Nếu bỏ qua những nhận định liên quan đến siêu thực, kỳ ảo, một điều đặc biệt giống nhau giữa Kafka và Yoko Tawada nữa đó chính là sau khi đọc văn của họ ta sẽ nhìn nhận những tác giả đương thời với cách nhìn khác. Tất nhiên việc đánh giá và so sánh như thế này trong văn chương là một điều hoàn toàn không nên. Bản thân tôi cũng thấy đó là một hành động thiển cận và vô ích, nhưng thật sự khó mà làm lơ được khi hạt giống suy nghĩ ấy đã bắt đầu ngọ nguậy trong suy tưởng. Đọc Yoko Tawada từ Hiến Đăng Sứ tới Chàng Chó, ta sẽ thấy một văn phong thản nhiên đến mê hoặc. Cô giáo Kitamura Mitsuko trong Chàng Chó Taro thản nhiên ăn nằm với một người đàn ông lạ mặt hành xử như chó, thản nhiên đắp phân gà lên vai và thản nhiên nói với học trò của mình về điều đó. Không có bất cứ lằn ranh nào được vạch ra trong lối cư xử của nhân vật. Đến cả nhân vật có thể xem như điểm tiếp nối là cô bé Fukiko cũng mang một cái vẻ thản nhiên lạ đời dù bị bạn bè xa lánh, dù người bố bỏ đi. Chàng chó Taro thì cũng thản nhiên khi mình trở thành chó. Những nhận vật họ cứ bình thản trước những gì số phận quẳng vào họ. Cách ứng xử như thể họ cũng là Joseph K. khi đi đến toà án và gặp những con người trong cái mê cung ngoằn ngoèo ấy. Không khí kỳ dị, đầy mẫu thuẫn nhưng không bị lên gân như cách Han Kang mô tả trong Người Ăn Chay hay rối rắm ken đặc những ẩn dụ như Phố Ngũ Hương của Tàn Tuyết. Yoko Tawada cứ thản nhiên phơi hết, vạch hết ra những cái nhơ nhuốc rồi sống với chúng như thể chúng là một điều tất nhiên. Chính sự bình thản ấy lại khiến cho ta cảm thấy mọi thứ diễn ra trong câu chuyện này thật bình thường, những thứ nhơ nhuốc cũng là một phần của số phận, những tình tiết này nghiễm nhiên có chỗ đứng trong thế giới xung quanh. Chính khoảnh khắc đó ta mới thấy rùng mình. Ta mới thấy trong tay mình không phải là quyển sách nhẹ bẫng mà là một chiếc hộp Pandora đã được mở nắp. Ta sẽ không thể nào ngừng rùng mình về việc vì sao ta lại cho rằng những điều kia là khả dĩ và không quái dị.
Văn chương của Yoko Tawada là một lời nguyền, một chiếc hộp Pandora một khi đã mở ra là chẳng thể vãn hồi, chẳng thể ngừng nghĩ về những câu chuyện, những tình tiết, chẳng thể ngừng sục sạo để tìm cho bằng ra ý nghĩa của những điều phi lý.
Hình ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn trên Internet.