L'OFFICIEL BookClub: Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Vĩ thanh đẹp đẽ bi ai
Một lần nữa, người đời lại được đọc một tác phẩm về tình yêu đầy lãng mạn lẫn bi thương, về cách tình yêu đã soi rọi lẫn dày vò thêm những đau đớn, ẩn ức của cuộc đời, của người phụ nữ và của xã hội phương Tây thế kỷ 19.
Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết hay còn có tựa đề khác là Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai (dịch từ tựa đề tiếng Anh The Thorn Birds) của nhà văn Colleen McCulough được viết bằng ngòi bút hiện thực lãng mạn, từ câu chuyện tình bi tráng để vẽ ra bức tranh về giai đoạn lịch sử của sự phát triển của xã hội phương Tây trong thế kỉ 19, thời kỳ của những định kiến và truyền thống gia đính cứng nhắc tác động sâu sắc lên tư duy con người và xã hội. Đó cũng là giai đoạn chủ nghĩa tư bản dần phát triển và định hình trong đời sống thông qua sự phân biệt giai cấp ngày càng rõ rệt.
Mặc dù cốt truyện chính kể về mối tình vừa trong sáng vừa táo bạo của nhân vật chính Meggie Cleary và cha đạo Ralph de Bricassart, nhưng dường như những người phụ nữ xuất hiện trong tác phẩm – ba thế hệ của nhà Cleary đều là những nhân vật chính. Tất cả họ đều là những con chim đang chuẩn bị cất tiếng hót vang vọng, lảnh lót, thấu cả trời xanh rồi lao vào những cành gai nhọn và chết đi một cách bi tráng. Từng người phụ nữ đi qua từng thế hệ nhà Cleary, nắm trong tay mình những nghĩa vụ và trái tim chất chứa hàng núi tâm tình khác nhau, cách họ đối diện và ứng xử với các xung đột tâm lý, đạo đức cũng khác nhau, vậy mà nhìn chung họ lại đều có cùng một nỗi bất hạnh và một cái kết giống nhau.
Đầu tiên là bà Fiona; mẹ của nhân vật chính Meggie khiến ta vừa thương cảm vừa thầm trách móc. Bà là biểu tượng của những tư tưởng đã cũ, những người phụ nữ buộc phải trở nên gai góc, mạnh mẽ trước những đắng cay trong số phận mình, là hiện thân của sự cam chịu, nhẫn nhịn và đầu hàng trước số phận mà không một lần dám mảy may tranh đấu cho sự tự do và hạnh phúc thật sự của mình. Dường như những sóng gió của số phận cũng đã trui rèn nên ở họ; những người phụ nữ như Fiona một thứ sức mạnh đáng kinh ngạc. Đáng tiếc thay, đó chẳng phải là sức mạnh để đánh bật lại những cay đắng mà lại là một sức chịu đựng tuyệt vời, một trái tim rắn rỏi để gánh chịu tất cả phong ba cuộc đời đổ ập lên họ.
Và rồi Meggie, trung tâm của câu chuyện, con chim xinh đẹp và hót hay nhất, nàng là hiện thân của ước mơ lẫn niềm kinh hãi của chính mẹ mình; bà Fiona. Người con gái không cố gắng rắn rỏi, không mạnh mẽ, chai lì để phải chịu đựng như mẹ mình, Meggie muốn đánh bại số phận, thậm chí muốn đánh bại cả Chúa để giành lấy những gì mà nàng cho là mình xứng đáng, là tình yêu của nàng, là sự tự do trong tâm hồn mà nàng luôn mong muốn, luôn hướng đến. Cuộc đấu tranh Meggie mang lại cho nàng sức sống mãnh liệt, đồng thời cũng mang lại những đau thương khôn tả.
“Những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại.”
Fiona và Meggie tuy hai nhưng lại là một. Ta có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh của họ ở bất kỳ thời điểm nào trong dòng chảy xã hội từ xưa đến này. Ta khó có thể nói đó là nỗi tuyệt vọng ai oán hay sự công bằng mà Chúa Trời đã định đoạt cho loài người, đó là đến cuối cùng, dường như họ cũng sẽ đến một điểm kết thúc giống nhau. Dẫu cho họ cam chịu đến cực hạn hay đấu tranh đến khi trắng tay thì đến cuối cùng họ sẽ vẫn bị đánh bại, nếu trong xã hội nơi họ đang sống vẫn còn đầy rẫy những định kiến và luật lệ hà khắc và vô số những kẻ chỉ biết chỉ trích, dẫm đạp lên những hy vọng đang le lói nảy mầm. Ngay cả nhân vật Cha Ralph cũng là nạn nhân của các lề lối cổ hủ. Cha Ralph vừa đáng thương vừa đáng trách. Bởi khi Cha nhún nhường, Cha thuận theo dòng chảy của những thứ hủ lậu quanh mình thì không chỉ Cha đang đầu hàng mà còn gián tiếp tiếp tay cho những điều xấu xa ấy. Nhưng, Cha cũng đáng thương biết bao! Bởi có lẽ trong hoàn cảnh của Cha, Cha không còn lựa chọn nào khác. Và Cha cũng đau đớn vì điều ấy, nỗi đau của một con người thông minh, uyên bác phải nhún nhường và nhắm mắt trước những giáo điều vô lý và những bất công trốn dưới lớp áo mang tên Tôn Giáo.
Nhưng có lẽ chúng ta cũng không nên xem tất cả điều trên là tiêu cực, cùng đường, mà ta nên nhận định đó là một góc nhìn thực tế từ những quan sát và cảm nhận của tác giả về cuộc đời, về những gì ta chấp nhận đánh đổi và những khổ đau trong đời mang một ý nghĩa tiềm tàng ra sao. Có lẽ do khi viết tác phẩm này, cô y tá Colleen vẫn chưa thật sự là một nhà văn, nên chính vì vậy mà những câu văn khá gãy gọn và không rườm rà, dễ đi vào lòng người đọc. Colleen McCullough sinh năm 1937 ở vùng nông thôn New South Wales và trưởng thành ở Sydney. Gia đình, bố mẹ bà không hạnh phúc nên bà đã tìm lối thoát bằng cách vùi đầu trong sách vở và viết lách. Khi lớn lên bà mắc chứng suy giáp gây tăng cân quá mức nên Colleen liên tục phải tới bệnh viện để khám chữa bệnh, và từ đó bà nảy sinh tình cảm với nghề y và quyết định theo đuổi y học. Có thể nói, hai nỗi đau lớn nhất đời tác giả Colleen đã hun đúc nên bà lẫn tài năng của bà, và ta cũng có thể thấy tinh thần đó trong tác phẩm tiêu biểu này của Colleen McCullough.
Ngòi viết của Colleen dù lãng mạn nhưng vẫn cho chúng ta quay trở về thực tế. Cuộc chiến của Meggie bi tráng và cảm động, nàng cũng thoả mãn được những gì trái tim mách bảo cho nàng, nhưng có cuộc chiến nào mà không đổ máu. “Những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại.” Meggie đã trả giá cho quyết định chiến đấu của mình, và chính cái cách mà người phụ nữ nhìn nhận, đối diện với cái giá phải trả của họ nói lên họ có dũng cảm hay không, họ có chiến thắng hay không. Và Meggie có chiến thắng hay không? Xin nhường câu trả lời lại cho các độc giả.
Cuộc đời luôn và sẽ luôn là những chuỗi đấu tranh không ngừng. Kết quả cầm trên tay sẽ chỉ là phù du, vô thường, thứ duy nhất có giá trị vĩnh cửu của cuộc đấu tranh chính là cách mà chúng ta đã đứng đối diện với sóng gió.
Như những con chim chỉ hót một lần trong truyền thuyết ấy, chúng biết là chúng sẽ chết, những cành gai nhọn kia sẽ đâm xuyên vào tim chính và làm chúng đau đớn đột cùng trước khi từ giã cõi đời. Nhưng chúng vẫn dấn bước bay vào. Không phải vì chúng không biết, không phải vì chúng không thấy, mà vì chúng biết trong đau đớn ấy giọng hót của chúng sẽ lanh lảnh và vang vọng hơn bao giờ hết, từng giọt máu đổ xuống sẽ đỏ thẫm hơn bao giờ hết. Và dù giọng hót có ngừng lại cùng hơi thở của chúng, người ta hẳn cũng sẽ phải rùng mình trước âm vang rung động đầy can đảm của những chú chim kia. Một điều gì đó trong tâm khảm đã được đánh động, một nốt rung cảm nhẹ tênh được đổi lại bằng cái chết của một sinh linh thơ ngây vô hại. Một vĩ thanh đẹp đẽ, bi an đến vô cùng.
Bên cạnh đó, tiếng chim hót trong bụi mận gai còn chỉ những người thanh niên, những người lính trở về gia đình sau chiến tranh, mang theo vết thương tâm lý và tâm hồn vĩnh viễn không thể chữa lành. Về điểm này Colleen và Harper Lee với tác phẩm Giết Con Chim Nhại khá giống nhau, khi đếm hình ảnh những cánh chim vô tư, ngây thơ để rồi cho người đọc cảm thấy đau buồn khi những sinh vật nhỏ bé, vô hại đó bị huỷ hoại, không chỉ về thể xác mà còn là tâm hồn, trong khi điều mà “chim trong bụi mận gai” hay “chim nhại” muốn làm đó là được hót vang, mang tiếng hót của mình tắm tưới lên cuộc đời khô cằn và gai góc này.
“Khi chiến tranh mới bắt đầu, có người nào chiêm bao thấy được những mất mát sẽ lâu dài và nặng nề đến thế không?”
Không, không ai biết cả, không ai đoán trước được số phận, chúng ta chỉ có thể cầu mong mình đủ sức sống tiếp với những mất mát xảy đến mà thôi.
Cuộc đời luôn và sẽ luôn là những chuỗi đấu tranh không ngừng. Kết quả cầm trên tay sẽ chỉ là phù du, vô thường, thứ duy nhất có giá trị vĩnh cữu của cuộc đấu tranh chính là cách mà chúng ta đã đứng đối diện với sóng gió.
Và từ thông điệp đó mà thế hệ phụ nữ thứ ba của nhà Cleary xuất hiện – Justine – Con gái của Meggie với người chồng đầu tiên, một người con gái sôi nổi, mạnh mẽ, tự đề ra những chuẩn mực đạo đức và tin rằng cuộc đời, số phận đều nằm trong tay mình. Nàng không chống đối với Chúa trời hay Thượng Đế, mà Nàng chống đối với chính những lề lối trong mình. Gọi Justine là một điểm sáng hay con đường mở ra cuối truyện thì cũng không hẳn, mà có lẽ đúng hơn, Justine là một phần mà những người phụ nữ thời của Colleen khát khao, ao ước được đánh thức bên trong mình. Để sống đúng với những gì họ yêu, để sống với tình yêu họ chọn, để tiếng chim hót lảnh lót, bay xa, trước khi cành gai cuộc đời đâm vào tim đổ máu.
Câu chuyện khép lại với tình yêu và những đoá hồng mang màu hồng tro, một kết thúc mở mang vẻ đẹp thâm trầm, khi ngay cả trong to tàn ta vẫn cảm giác được vẻ đẹp hiện hữu và trong mọi hiện hữu của cuộc đời, nỗi đau liệu có bao giờ trôi đi.