L'OFFICIEL BookClub: Khi cánh hoa anh đào rơi, những giấc mơ đẹp nhất sẽ không biến mất
“Biến mất” là một trong những chủ đề quan trọng của nhà văn Nguyễn Hoàng Mai. Ở tập truyện ngắn vừa ra mắt với nhan đề Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi – chủ đề này lại tái xuất dưới những sắc thái khác nhau, đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc.
Ngay từ trang đầu tiên của cả tập truyện ngắn, Nguyễn Hoàng Mai đã lấy một đoạn trích từ truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi có nhắc đến từ khóa “biến mất”:
“Nếu em biến mất hãy mang anh đi cùng
Chúng ta biến mất cùng nhau
Khi cánh hoa anh đào rơi
Đó mãi là khung cảnh rực rỡ nhất.”
Chủ đề “biến mất” đã từng xuất hiện trong tác phẩm đầu tiên ra mắt công chúng của Nguyễn Hoàng Mai là tiểu thuyết Đung đưa trên những đám mây (2018) – vốn được thai nghén khi Mai còn là sinh viên đại học. Đến tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi – được sáng tác ở thời điểm cô đã sống và làm việc tại Tokyo nhiều năm – chủ đề này lại lần nữa chiếm vị trí trọng tâm.
Tại sao “biến mất” lại ám ảnh tác giả một thời gian dài như thế? Bài viết này sẽ tập trung khảo sát những sắc thái ý nghĩa khác nhau của việc “biến mất” được thể hiện trong Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi.
Sự biến mất đau lòng nhất không nằm ở mặt vật lí
Sự “biến mất” trong truyện của Nguyễn Hoàng Mai không hoàn toàn đồng nghĩa với “mất tích” hay “không còn hiện hữu”, “không thể tìm thấy dấu vết”… Đôi khi, sự biến mất chỉ đơn giản là tên gọi khác của “sự thay đổi”. Trong truyện Hôm nay cô ấy kết hôn rồi, nhân vật “tôi” vẫn biết được những thông tin về Giang – người con gái anh yêu thương; cô không biến mất về mặt vật lí, chỉ là một Giang ngày xưa mà anh từng yêu đã biến mất.
Câu chuyện trong Hôm nay cô ấy kết hôn rồi là một tình cảnh buồn bã rất dễ bắt gặp với đời du học sinh bôn ba xứ người. Tuy nhiên, lối văn trầm tĩnh, chậm rãi, đậm phong vị Nhật của Nguyễn Hoàng Mai lại khiến câu chuyện có sức hút lạ thường; không cần phải quá khoa trương mà vẫn có thể thong dong dẫn dắt độc giả tiếp tục khám phá các câu chuyện còn lại về những người trẻ lạc lõng trong cả tập truyện.
Trong truyện Biến mất ở chốn tận cùng, sự “biến mất” cũng không nằm ở mặt vật lí, lại càng không phải là “sự thay đổi” nơi đối tượng được xác định là “biến mất”. Nhân vật trong truyện đã tự đặt ra một định nghĩa lí tưởng về hiện thực, và giữ gìn tình yêu thuần khiết dành cho lí tưởng này đến mức khi hiện thực không thể giống như lí tưởng thì hiện thực đó “biến mất” trước mắt anh ta, chỉ còn lí tưởng là tồn tại.
Độ không của sự biến mất
Trong tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, nước Nhật không phải là một không gian, mà bản thân nước Nhật chính là yếu tố nghệ thuật cấu thành nên tác phẩm này từ văn phong, cấu trúc, không khí, dòng suy tư… tất tần tật mọi thứ thuộc về tinh thần. Vì vậy, tinh thần của xứ sở hoa anh đào còn thấm đậm trong cách từng nhân vật lựa chọn sự biến mất, hoặc đối diện với sự biến mất của một nhân vật khác.
“Biến mất” vốn là một việc không dễ dàng cả với người ra đi lẫn người ở lại. Nhưng những sự “biến mất” trong tập truyện Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi lại đến rất nhẹ nhàng bằng một câu văn, câu thông báo đơn giản: “Muộn mất rồi, Gin trở về nhà thì cô đã biến mất.” (Biến mất ở chốn tận cùng), “Một ngày em bỗng nhận ra tình yêu trong em đã cạn kiệt.” (Truyền thuyết về biển xanh), “Mùa hè năm ấy, Nana biến mất.” (Người đọc sách ở Jimbocho), “Mùa đông năm đó, người con gái tôi thương ở quê nhà đi lấy chồng.” (Vị ngọt ở Kyoto)…
Chính vì sợ sự biến mất ở khía cạnh vật lí hay tinh thần, hầu như những nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Hoàng Mai đều có điểm chung là đặc biệt say mê quá khứ. Sự say mê đó không chỉ dừng lại ở việc hồi tưởng; đôi khi họ tìm cách đóng băng quá khứ bằng nghệ thuật (Biến mất ở chốn tận cùng) hoặc thông qua việc duy trì đều đặn thói quen ở một địa điểm nhất định (Người đọc sách ở Jimbocho). Nana – một nhân vật làm công việc bán thời gian ở tiệm sách cũ trong truyện Người đọc sách ở Jimbocho cho rằng:
“Nơi đây cho anh cảm giác quá khứ chưa bao giờ mất đi, vẫn sống mãi, từng ngày anh quay trở về đây, lật từng trang sách, trong tâm tưởng mọi thứ thuộc về quá khứ ngày càng sống động hơn.”
Giấc mơ là nơi lưu trữ trọn vẹn những điều đã biến mất
Hai truyện đầu tiên trong tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi là Hôm nay cô ấy kết hôn rồi và Biến mất ở chốn tận cùng đều có cách mở đầu tương tự nhau bằng cảnh nhân vật vừa thức giấc.
Nếu như “tôi” trong Hôm nay cô ấy kết hôn rồi thức giấc trong khung cảnh quen thuộc đến mức có phần chán chường thì Gin ở truyện Biến mất ở chốn tận cùng lại thức giấc trong tâm trạng ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh sắc tuyệt đẹp, lạ lẫm đang bày ra trước mắt anh. Ngay sau đó, có một hiện tượng kì lạ đã xuất hiện: cô gái anh vẽ bước ra từ trong tranh. Đối mặt với sự việc có phần siêu thực này, Gin chỉ thoáng chút bối rối, anh không thông báo cho cô gái biết sự thật mà vội giấu đi bức tranh trong túi áo – cũng giống như cách một người nằm mơ thường có xu hướng giấu đi những chi tiết gợi nhớ đến hiện thực, hoặc ngụy trang nó dưới lớp vỏ khác trong giấc mơ. Việc Nguyễn Hoàng Mai chọn thời điểm bắt đầu câu chuyện ngay sau khi nhân vật vừa tỉnh dậy cũng dễ tạo nên cảm giác mơ hồ nơi người đọc; không thể chắc chắn rằng liệu nhân vật đã thực sự tỉnh dậy hay vẫn còn đang nằm mơ.
Xuyên suốt tập truyện Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, giấc mơ cũng là một yếu tố nghệ thuật quan trọng xuất hiện ở rất nhiều nhiều truyện ngắn khác nhau; có lẽ vì đây là không gian để nhân vật thể hiện những tâm tư sâu kín nhất bởi họ đã không được sống đúng như những gì mình mong muốn trong hiện thực, họ bị kiềm hãm dưới những áp lực mưu sinh để rồi “biến mất” trong chính cuộc đời mình. Và những gì đã “biến mất” chỉ có thể được tìm thấy trọn vẹn trong giấc mơ.
“Hình như Jin đang tự đặt áp lực quá mức cho bản thân, chẳng làm sao nếu cậu sống đúng như những gì cảm nhận. Và xem này... điều hay nhất của một cuốn sách sẽ không ghi ngay ở trang đầu phải không?” (Người đọc sách ở Jimbocho)
Có thể nói, hầu hết các nhân vật trong tập truyện ngắn này cũng sống với tâm thế nhẹ nhàng như vậy. Dù bên ngoài họ có tất bật mưu sinh kiếm sống hay đã sớm đạt được thành công và đang thong dong làm công việc của mình; ở nội tâm sâu thẳm, họ vẫn không ngừng soi chiếu về bản thân trong hành trình đã qua, trong mối quan hệ tương giao với những người khác, tựa như thời gian vẫn chỉ mới dừng lại ở trang đầu tiên của cuốn sách đời người dài bất tận. Và kể cả khi đã đến những trang cuối cùng của Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, người đọc cũng có cảm giác rằng những điều hay nhất vẫn còn đang chờ ta khám phá trong những trang viết tiếp nối đến tương lai của Nguyễn Hoàng Mai.