NTK Nguyễn Hoàng Tú: Kể câu chuyện thời trang nguyên bản qua chất liệu
Nếu có một điều khiến tôi nhớ nhất về Nguyễn Hoàng Tú, thì chính là việc anh và những gì anh làm là hai thực thể không thể tách rời, hay nói đơn giản hơn, cuộc sống của Nguyễn Hoàng Tú chính là thời trang. Càng lao vào đào sâu, tìm hiểu, sức làm việc của Hoàng Tú càng hăng và cũng vì thế mà giá trị anh mang vào trong thiết kế của mình càng nhiều. Khác với một số người sẽ muốn đi chơi xa sau một thời gian dài làm việc, Hoàng Tú lại có xu hướng nghỉ ngơi bằng cách… đến một nơi nào đó liên quan đến thời trang, như làng nghề hoặc xưởng dệt vải, để tiếp tục công cuộc nghiên cứu của mình, “Xem coi mình có thể học và tận dụng điều gì từ chúng không, đó là cách tôi thư giãn. Vì tôi có rất nhiều câu hỏi mà lúc nào cũng muốn tìm ra câu trả lời”, anh giải thích cho sự say mê của mình như thế.
Nhìn có vẻ bay bổng và lãng mạn, nhưng thực chất, Hoàng Tú tự nhận là người khá lý trí trong công việc. Càng về sau này, anh càng trở nên rõ ràng và cẩn thận hơn trong mọi công đoạn thiết kế. “Khi làm rập, tôi đã nghĩ sẵn cho công việc người thợ may, và tôi muốn người thợ may cũng phải nghĩ đến công việc tiếp theo của người làm khuy đính, làm sao để mỗi người đều cảm thấy thoải mái hết mức khi thực hiện công việc của họ. Nhờ vậy mới có thể đảm bảo sản phẩm làm ra đạt được đến 99% kỳ vọng thiết kế.”
Trong một bài phỏng vấn cho ấn phẩm Next Gen thuộc Art Republik Vietnam năm 2020, Nguyễn Hoàng Tú từng chia sẻ trong thời gian sớm nhất, anh sẽ ra mắt “những bộ sưu tập được vẽ nên bằng màu của kinh nghiệm, pha một chút trưởng thành”. Một năm qua, Nguyễn Hoàng Tú thấy mình đã thay đổi như thế nào?
Cuối năm 2019, sau khi kết thúc triển lãm thời trang METAMORPHOSIS – HÌNH BIẾN, nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt đã diễn ra: chúng đủ mạnh để vừa phá bỏ song vừa định hình vững chắc hơn hệ giá trị nội tại của tôi. Sau này, mỗi khi suy tư về khoảng thời gian đó, tôi thấy tất cả những gì đã trải qua trong quá khứ thật đáng giá vì chúng giúp tôi nếm trải được sự trưởng thành với đầy đủ sắc, hương, vị, cả tích cực và tiêu cực.
Một năm qua, tôi làm thời trang "đã" hơn, một phần vì có thể đào thêm nơi thẳm sâu bên trong bản thân để xem mình có được bao nhiêu sự thú vị, để rồi “ướp” sự thú vị đó lên từng sản phẩm mình làm ra. Tôi "nhập" vào các sản phẩm của mình ở mức độ sâu hơn, hiểu chúng từ tiểu tiết đến đại thể, và ngược lại.
Trong năm 2020 tôi tiếp nhận vai trò Giám đốc sáng tạo của VIVEIRE. Với tôi, thương hiệu VIVEIRE giống như một đứa con ưu tú sinh sau đẻ muộn trong nhà, khác với thương hiệu anh cả NGUYỄN HOÀNG TÚ đầy trưởng thành, nhưng cũng lắm “tật”.
Anh hiện đang “dừng chân” ở vai trò Giám đốc sáng tạo của hai thương hiệu thời trang – NGUYỄN HOÀNG TÚ và VIVEIRE, với hai định hướng hoàn toàn khác biệt. Cảm giác của anh khi đứng ở vị trí này như thế nào?
Tôi không gọi đó là dừng chân, càng không cảm giác gì cả. Vì với tôi, tất cả diễn ra một cách tự nhiên, như nó phải, nên, là. Có chăng là các nhân cách khác trong con người tôi có thêm những nơi chốn đúng đắn để bộc lộ bản thể của chúng.
Những bộ trang phục mang thương hiệu NGUYỄN HOÀNG TÚ thường mang tính thể nghiệm cao. Điều gì thường diễn ra với anh trong quá trình sáng tạo nên các bộ sưu tập này?
Quá trình sáng tạo, ở một góc độ nào đó, với tôi cũng như một nỗ lực kiếm tìm câu trả lời cho những thắc mắc mang tính hoặc siêu hình, hoặc hiện sinh, thường trực bên trong bản ngã của mình. Thời trang là cách tôi giải thích cuộc sống, giải đáp thắc mắc, và qua đó thể hiện bản thân mình một cách sống động nhất có thể.
Thiết kế của anh dù có trừu tượng đến mấy, vẫn luôn gắn liền với hơi thở cuộc sống như hai thực thể không thể tách rời. Có phải vậy không?
Đúng, nhưng không nên hiểu hoàn toàn là như vậy. Tôi tin rằng bao quanh bất kỳ một vật thể nào cũng luôn tồn tại một trường năng lượng nhất định. Nếu tương tác được với trường năng lượng đó thì toàn bộ trải nghiệm hai chiều giữa bản thân mình và vật thể kia sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều. Vì tin như vậy nên những sản phẩm tôi làm ra không cách nào khác là phải có sự tương tác với thế giới bên ngoài. Sự tương tác đó đến qua kinh nghiệm và sự mạo hiểm trong cách “chơi” với ngôn ngữ thời trang mà trước hết tôi phải cảm nghiệm được.
Nguồn cảm hứng cho sáng tạo của Nguyễn Hoàng Tú đến từ đâu?
Cảm hứng chủ yếu của tôi đến từ giải pháp. Bởi vì tôi xuất thân là dân chuyên về kỹ thuật nên tôi rất thích nghiên cứu, nghiên cứu chất liệu, nghiên cứu tỉ lệ cơ thể người. Khi cầm lên một miếng vải hay nhìn vào một hình học nào đó, tôi thường tưởng tượng chúng trông sẽ như thế nào khi thành một bộ trang phục. Phần lớn là như vậy.
Chất liệu Nguyễn Hoàng Tú yêu thích nhất có phải là lụa không?
Cảm ơn bạn đã ưu ái đề cập lại vấn đề này. Khác với cách nghĩ thông thường, tôi yêu tất cả các loại vải vóc: từ thô cứng đến mềm mại chứ không nhất thiết phải là tơ tằm hay polyester, hay vải tái chế tôi mới yêu... vì tôi thấy mỗi chất liệu đều có một công năng riêng và ẩn chứa cái hay riêng của nó.
Trong quá trình làm nghề tôi cũng dùng tất cả chúng, chứ không chỉ riêng lụa, miễn đúng nơi, đúng chỗ nhằm phát huy được tốt nhất điểm mạnh của loại chất liệu đó. Cá nhân tôi mong tương lai gần có thể có cơ hội, thông qua một diễn đàn phù hợp, để chia sẻ cho mọi người hiểu thêm về tình yêu của tôi với chất liệu, nhằm giới thiệu một cách nhìn khác hơn và từ đó giúp mọi người lựa chọn cho mình những loại vải phù hợp.
Anh có thể bật mí thêm một chút về tình yêu với chất liệu này?
Tạo ra một loại vải với chất liệu nhất định là một quá trình rất công phu mà mỗi nhà sản xuất đều đã nghiên cứu kỹ trước khi đưa đến tay nhà thiết kế. Chẳng hạn, lụa thực ra là tên gọi của tơ tằm, nhưng tơ tằm lại có hàng ngàn loại, có loại khô, loại cứng, loại mềm, loại thô ráp,... Mỗi loại sợi, mỗi kiểu dệt, mỗi hoa văn đều có công năng nhất định mà tôi muốn hiểu và giải thích được hết, chẳng hạn như vì sao vải này lại óng ánh, vì sao vải kia thưa nhưng rất chắc,... Trong thiết kế, tôi chủ yếu dùng chất liệu có sẵn nhưng xử lý theo cách riêng để làm cho chúng mới đi, và chắc chắn sẽ không bao giờ tác động để làm mất đi tính chất cơ bản của chúng.
Tham vọng thời trang của cá nhân Nguyễn Hoàng Tú là gì? Có thể thấy rất nhiều dấu chân của Nguyễn Hoàng Tú trên trường thời trang quốc tế. Trong tương lai, anh có định mở rộng những dấu chân này của mình không?
Thật ra gọi "tham vọng" hay "đam mê" hay gì cũng được. Từ góc độ làm nghề, tôi chỉ biết lặng lẽ quan sát, âm thầm học hỏi từng ngày, và chiêm nghiệm làm thế nào để thời trang tôi làm có thể đến được nơi tôi cho là đúng đắn. Với tôi, làm thời trang không dừng lại ở việc ra những bộ sưu tập thường niên hoặc có được nhiều hình ảnh đẹp từ quốc tế. Cái tôi chú trọng là tạo ra những sản phẩm mà tự bản thân chúng mang giá trị thực đủ lớn để khách hàng, bất kể nơi đâu trên thế giới, cũng cảm thấy xứng đáng chi trả để có.
Việc đấy không dễ: để làm được điều đó là sự phối hợp nhịp nhàng của cả một tập thể: từ creative (sáng tạo), production (sản xuất), marketing, sales, business development (kinh doanh)... Khi làm được điều đó nghĩa là chúng tôi đang góp phần tạo ra thêm nhiều sản phẩm sáng tạo chất lượng đến từ Việt Nam với tư cách là một thương hiệu của người Việt, chứ không phải là sản phẩm được gia công (với giá rẻ) tại Việt Nam.
Khi tôi bất chợt hỏi Hoàng Tú rằng anh thấy mình là một người lý tính hay cảm tính, Hoàng Tú thật thà bày tỏ: “Tôi không hiểu vấn đề này nhiều, thiệt sự.” Có lẽ, càng đi sâu vào những khái niệm lại càng khiến Hoàng Tú khó trả lời. Bởi những sáng tạo của anh với thời trang, bằng một cách nào đó, như một hành trình khám phá đầy bản năng. Khi nhận biết được mình nên đi đâu, làm gì, vào thời điểm nào thì anh sẽ lập tức đứng lên thực hiện đúng như vậy, ngoài ra không còn điều gì khác.
Anh cũng không muốn định nghĩa những điều mình đang làm là vì “tham vọng” hay “đam mê”, vì trong đầu anh chỉ có một đích đến - mang lại cảm giác thoải mái với những bộ trang phục đầy đủ công năng cho người mặc. “Là kiểu người thích ăn ngon, mặc đẹp, tôi vốn chỉ thích dùng những sản phẩm đem lại cho mình cảm giác được đối đãi tử tế. Chẳng hạn, tôi vốn rất sợ ăn đồ sống, nhưng lại thích ăn sashimi vì cách những người đầu bếp chế biến món ăn làm cho mình có cảm giác được săn sóc và được thưởng thức vị ngon thuần túy của món ăn mà không phải thêm bất kỳ gia vị hay loại nước chấm nào. Vậy nên, khi thiết kế quần áo, tôi cũng nghĩ đến cảm giác đó. Trang phục của tôi hướng đến thứ nhất là sự thoải mái, thứ hai là sự tự tin, và thứ ba là sự tỏa sáng.”
Ảnh: RABHUU Studios
Địa điểm: Cửa hàng VIVEIRE