Trò chuyện cùng Nhật Anh: Gen Z tài năng đã một tay sáng lập nên L’espoir
Đúng với tên gọi mà Nhật Anh đã đặt cho “đứa con tinh thần” của mình, L’espoir đã mang đến không chỉ hy vọng tươi xanh cho những cô gái trẻ, mà thương hiệu cũng đang từng bước, chậm mà chắc, thực hiện khát khao đưa chất lượng Việt Nam ra quốc tế.
Điều gì đã dẫn đến quyết định tạo nên L’espoir của bạn?
Thành thật mà nói, bản thân mình đã có sự quan tâm đặc biệt với thời trang và kinh doanh từ khi còn đi học. Ước mơ là sẽ được điều hành mô hình kinh doanh thời trang nữ do chính mình thiết kế và lên ý tưởng. Khi còn đi học, mình đã thử nghiệm, tập tành với một số mô hình kinh doanh mặt hàng thời trang nữ online để học hỏi kinh nghiệm về làm thế nào tính toán giá thành, tính lỗ hay lãi, chi phí xoay quanh. Khi tốt nghiệp, mình đã lập tức nghĩ đến xây dựng một brand riêng cho mình, và sau nhiều lần suy nghĩ và học hỏi, L’espoir đã ra đời.
Cũng đi theo cảm hứng tối giản với tông màu trắng - đen chủ đạo và các đường nét gãy gọn trong thiết kế các bộ trang phục, điểm làm nên sự khác biệt của L’espoir với các thương hiệu khác dành cho nữ là gì?
Mình tin và cho rằng “thời trang là một sự xoay vòng của xu hướng”. Mỗi năm, mình đọc báo về thời trang đều thấy sẽ có một màu nào đó “lên ngôi”, trở thành màu hot trend của năm đó. Nhưng khách quan nhìn lại, những gam màu nóng hay lạnh đều sẽ có sự xoay vòng và thay thế nhau, trong khi đối với sắc đen và trắng, chưa bao giờ bị đánh giá là thiếu “trendy” hay tính thời trang. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, trắng và đen không phải là màu sắc, bởi tính đơn sắc và sự trung tính của nó nhưng đối với quan điểm của mình, trắng và đen là yếu tố nền để tạo nên những màu sắc khác. Nó là “foundation”.
Thật ra khi mình định hướng phong cách cho L’espoir, mình đã suy nghĩ rất nhiều, rằng L’espoir nên hướng đến phong cách nào? Liệu rằng L’espoir sẽ hợp với phong cách đấy chứ? Kết nối lại với sự quan tâm của chính bản thân mình đối với thời trang nữ, mình luôn mong muốn tạo nên những sản phẩm tối giản nhưng phải thể hiện được sự thanh lịch và ưu nhã của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời các thiết kế không làm mất đi sự nữ tính và tính cổ điển vốn có.
Chất liệu chủ yếu được L’espoir sử dụng trong trang phục của mình là gì? Lý do khiến thương hiệu muốn tập trung vào chất liệu đó?
Hiện tại, L’espoir chủ yếu sử dụng vải Thô và Satin. Lựa chọn hai chất liệu này là bởi tính phù hợp và ứng dụng cao trong mùa hè. Mình luôn cố gắng để ý đến từng chi tiết sẽ khiến khách hàng có cảm nhận ra sao bởi vì khách hàng tìm đến nhãn hàng lần đầu tiên có thể là sự hiệu quả của marketing, nhưng lần tiếp theo khách vẫn lựa chọn L’espoir, mình tin rằng đó là sự hài lòng về chất lượng mà team L’espoir đem đến. Chất liệu nắm vai trò then chốt trong yếu tố trải nghiệm của khách hàng. Vì vậy, mình và team L’espoir luôn cố gắng nâng cao và đảm bảo tính chất lượng của từng bộ sưu tập cho ra mắt.
Trong phom dáng thiết kế của L’espoir toát lên vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính. Đó có phải điều L’espoir muốn mang đến cho khách hàng không? Thông điệp mà L’espoir muốn gửi gắm đến người mặc là gì?
Đúng vậy, L’espoir luôn hy vọng được giúp người phụ nữ tôn lên sự nữ tính và thanh thoát thông qua những đường nét cắt may, form dáng mềm mại của những mẫu thiết kế. Ngoài ra, L’espoir còn mong muốn nâng cao sự chăm chút vẻ ngoài từ khía cạnh thời trang của người phụ nữ Việt Nam vì mình tin rằng, nếu đã là phụ nữ, ai cũng có quyền được làm đẹp cho bản thân mình. Những sản phẩm mà mình thiết kế, đều đảm bảo yếu tố ứng dụng cao, vì mình hy vọng khách hàng có thể mặc đẹp mọi lúc, từ văn phòng đến đi tiệc, hay dạo phố. Mình muốn đem cái đẹp đến mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.
Được biết, những chi tiết xoắn và dập ly là đặc trưng của thương hiệu. Điều gì khiến ngay từ đầu bạn đã bị thu hút vào những điểm nhấn này?
Thành thật mà nói, hai chi tiết này thu hút mình bởi tính tối giản của nó. Như mọi người đã biết, “xoắn” và “dập ly” là hai chi tiết được sử dụng rất phổ biến và rộng rãi nhưng không vì thế mà nó trở nên nhàm chán hoặc mờ nhạt. Như mình đã chia sẻ, mình tin rằng thời trang là sự xoay vòng của xu hướng, cho nên hai chi tiết trên thể hiện sự nguyên vẹn của dấu ấn thời trang từ những thập niên trước cho đến hiện tại.
Trung thành với hai màu trắng-đen, làm sao để bạn giữ cho sản phẩm của mình luôn mới, không bị nhạt nhòa hay lặp lại?
Để có thể đảm bảo sự mới mẻ trong từng thiết kế nhưng không bị “lạc” khỏi hình ảnh vốn có của thương hiệu, mình đã dành phần lớn thời gian để học hỏi và cập nhật những sự kiện mới nhất trong nên công nghiệp này. Mình luôn muốn đem đến cho khách hàng sự trải nghiệm “xưa và mới” trong những mẫu thiết kế của mình. Bởi vậy, mình luôn cố gắng lồng ghép những chi tiết hay concept tưởng chừng đã cũ với những biến tấu mới mẻ của hiện tại, khéo léo làm sao để tạo nên dấu ấn của riêng L’espoir. Mình cho rằng, truyền thống và hiện đại là hai điều đi song song với nhau, nếu thiếu đi một vế, hẳn sẽ buồn lắm.
L’espoir ra mắt từ khi nào? Ý nghĩa của cái tên “L’espoir” mà bạn chọn?
Mình thành lập L'espoir vào năm 2018. Bản thân từ L’espoir có ý nghĩa khát vọng và việc lựa chọn cái tên này là ước muốn cũng như hy vọng của mình được xây dựng cho những cô gái của L’espoir một hình ảnh, phong cách thanh lịch, tinh tế nhưng không giấu đi sự hiện đại, mạnh mẽ chuyển mình hướng đến những điều mới mẻ.
L’espoir định hình thương hiệu nằm trong phân khúc nào? Thương hiệu đang sở hữu những yếu tố gì để đáp ứng khách hàng trong phân khúc đó?
L’espoir hiện tại nhắm đến phân khúc từ 20 đến 40 tuổi. Để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng, mình nghĩ sẽ là tổng hợp rất nhiều yếu tố, chứ không riêng rẽ bất kỳ yếu tố nào.
Khách hàng ở độ tuổi này mong muốn thiết kế trẻ trung nhưng không quá đơn điệu và tính ứng dụng cao, do đó mọi thiết kế đến từ L’espoir đều thể hiện sự giao thoa giữa cái truyền thống và biến tấu để đáp ứng tính trải nghiệm và sự sáng tạo cho khách hàng. Bên cạnh đó là việc chăm sóc khách hàng, đội ngũ L’espoir luôn cố gắng đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất để khách hàng cảm nhận được sự chăm chút, để tâm đến từng cảm nhận và đánh giá khách quan của họ đối với sản phẩm và dịch vụ của nhãn hàng. Và một yếu tố khá quan trọng là giá thành. Hầu hết các sản phẩm của L'espoir đều ở tầm trung, không quá đắt đỏ nên đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhiều khách hàng hơn. Mình mong muốn được mang những sản phẩm của L’espoir trở nên phổ biến hơn nữa đến mọi cô gái.
Làm chủ một thương hiệu từ khi còn rất trẻ, bạn nghĩ là điều gì làm nên thành công của mình? Trong quá trình xây dựng thương hiệu, bạn vượt qua khó khăn, thử thách như thế nào?
Mình nghĩa rằng, để có được một L’espoir như ngày hôm nay, yếu tố quyết định có lẽ là tìm tòi và học hỏi. Tìm hiểu nghiên cứu về thị trường trong nước và quốc tế, học hỏi từ những người có tầm nhìn rộng, kinh nghiệm phong phú để trau dồi kiến thức cho bản thân. Tích lũy vốn sống và kiến thức giúp mình có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn trong quá trình xây dựng và vận hành thương hiệu riêng.
Thật ra, cho đến hiện tại, L’espoir đã vận hành được 3 năm và vẫn còn non trẻ, cần bồi đắp thêm nữa. Mình đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng L’espoir trong 1 đến 2 năm đầu vì sự thiếu kinh nghiệm, quyết định bằng bản năng dẫn đến những sự lựa chọn không đúng đắn. Nhưng từng ngày từng giờ dành thời gian chăm chút cho đứa con tinh thần của mình, mình mới nhận ra rằng, tất cả sự việc xảy ra đều có lý do của nó. Những sự thiếu hụt về trải nghiệm của mình khi xưa là tiền đề để mình vững chắc và sáng suốt hơn hiện tại. Nên đối với những khó khăn khi xưa, mình thấy biết ơn, vì đã đến, đã giúp mình học và ngộ ra rất nhiều điều ý nghĩa trong việc kinh doanh nói chung và cuộc sống nói riêng.
Mục tiêu xa nhất mà bạn muốn hướng đến với thương hiệu này?
Mình có một ước muốn, là được giới thiệu sản phẩm L’espoir đến với bạn bè quốc tế. Mình mong muốn local brands tại Việt Nam có thể tự tin quảng bá về sản phẩm được làm tại Việt Nam, đảm bảo về chất lượng và mẫu mã. Mình hy vọng, một ngày nào đó, bạn bè quốc tế sẽ nhìn nhận được quần áo do người Việt mình sản xuất đều không hề thua kém về công nghệ sản xuất và yếu tố thẩm mỹ.
Cảm ơn Nhật Anh về những chia sẻ tâm huyết này!
Ảnh: NVCC và L’espoir