Thân – Mật (thật) nguy hiểm
Lo âu và xa cách, hai trạng thái của mối quan hệ tình cảm thường được ấn định cho hai giới. Những nó vốn hiện diện trong tất cả chúng ta, và chẳng ai tránh được khi biết yêu.
Lụy phim ảnh
Một số đàn ông ao ước hóa thân thành Lương Triều Vỹ, trong khi nhiều phụ nữ lại mong được yêu như cách Lương Triều Vỹ yêu. Nói muốn Kim Thành Vũ thì lại hơi ảo tưởng – bởi mấy ai dám mơ đến một nhan sắc trong sáng như dốc hết niềm tin vào nhân loại, và còn mỹ miều đến “hoa ghen liễu hờn”. Nhưng Lương Triều Vỹ thì lại gần gũi với đời thực hơn, với đôi mắt đắm đuối, nụ cười chân chất. Trên màn ảnh, khi thì anh bất cần, lạc lõng (Vô Gian Đạo), lúc lại điềm tĩnh đến man rợ (Sắc, Giới); có đôi khi im ỉm buồn (Tâm trạng khi yêu). Có thể nói, Lương là hình mẫu tính nam dễ chịu, dễ tiếp thu. Anh nam tính và phong trần; nhưng với độ đằm thắm mà nam nữ đều say đắm. Xem anh thì thầm vào cái lỗ ở Angkor Wat trong trường đoạn cuối của Tâm trạng khi yêu. “Quá khứ là thứ anh có thể nhìn thấy, nhưng không thể chạm vào” – phim chạy chữ, người xem chua xót. Trong ba bộ phim ấy, Lương đều vào vai người đàn ông bỏ lỡ mối tình đẹp. Tuyệt đối đau lòng, tuyệt đối điện ảnh.
Trên phim, xót xa nhất là nhìn thấy con vật có nhân tính hơn, xót xa nhì là xem đàn ông lụy tình đến thừa sống thiếu chết. Đàn ông suy sụp vì tình trong thi ca thường gây ra nỗi đau đầy ngưỡng mộ, như chàng Werther của Goethe, hay Orpheus trong Thần thoại Hy Lạp. Ngược lại, phụ nữ lụy tình trông cũng đau lòng – nhưng không hiểu sao lại đi kèm chút dư vị đáng thương, như những nữ nhân đau khổ đến cùng kiệt trong phim của Lars von Triers hay truyện nàng tiên cá. Dường như trạng thái lụy tình có thể mang sắc thái khác nhau ở cả hai giới với cách tiếp nhận hoàn toàn khác biệt. Với một giới, hành động như “tử vì tình” là niềm tự hào. Với giới còn lại, đó là niềm tủi.
Gâu gâu và meo meo
Gần đây, ta nghe nhiều về thuyết Mèo đen và chó Golden.
Thuyết nói rằng: “Trong một mối quan hệ lãng mạn, phụ nữ phải như loài mèo – dửng dưng với thân mật. Còn đàn ông phải như loài chó – háo hức được chung đụng. Trong trường hợp ngược lại: người đàn ông vai mèo, phụ nữ vai chó – thì mối quan hệ ấy được cho là kém hiệu quả”. Điều này xuất phát từ niềm tin cố hữu rằng đàn ông nên và thường chủ động theo đuổi, phụ nữ chỉ việc tiếp nhận. Người ta hay nói rằng phụ nữ nên yêu và cưới một người đàn ông yêu cô ấy hơn cô ấy yêu đối phương. Tôi cảm thấy bối rối với ý tưởng này. Bởi lẽ, trước giờ ai thích tôi quá tôi đều không thích lại. Thế chẳng phải những người phụ nữ lỡ yêu nhiều hơn/nhiều quá lại thật khổ sở sao?
Trong các phong cách ôm khi ngủ của tình nhân – thắm thiết nhất là mặt đối mặt, ấm áp nhất là nam ôm lưng nữ, và chưng hửng nhất là nữ ôm lưng nam. Hình ảnh nữ ôm lưng nam trên phim ảnh thường thể hiện một cuộc hôn nhân trên bờ vực: “Anh rất bận rộn với công việc (cùng cô thư ký nóng bỏng), và không thể dành thời gian cho em”. Thế là người vợ hiện lên trong vai một người theo đuổi vô vọng. Người đàn ông chọn quay lưng với cô, anh dựng bờ tường giấu cô khỏi những cảm xúc trên gương mặt, và cũng chặn cô khỏi nhịp đập trái tim. Cũng chính cô, là người sốt sắng khi anh không trả lời tin nhắn trong thời hạn mà cô đề ra trong đầu. Đôi khi chỉ cần một giờ đồng hồ là đủ để các cô gái phát điên vì bị… “đã xem”. Và nếu cô muốn đóng vai miêu nữ kiêu kỳ đến khi mệt lả, thì cô cần phải cố mặc kệ cho đến khi nhận hồi âm. Nhắn tin trước thì lại biến thành… chó Golden.
“Lạt mềm buộc chặt” – cô gái nọ vừa tắt Wifi vừa tụng thần chú 50 lần.
Nóng và lạnh
Có lẽ vì những đặc tính và vai trò truyền thống mà phụ nữ thường là giới thoải mái hơn về trong việc thể hiện cảm xúc. Phụ nữ nhuần nhuyễn mọi vui hờn trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Về phần đàn ông, cảm tưởng như những cảm xúc nồng cháy nhất của họ dồn hết vào độ thăng trầm của những thứ như cổ phiếu, sàn Bitcoin, và thứ hạng khó lường của đội tuyển họ yêu (thường mang màu áo đỏ). Một điều dễ nhìn nhận rằng đàn ông có xu hướng không quen thể hiện cảm xúc đặc sắc như phụ nữ. Họ thường chọn giấu diếm vì nỗi thẹn của việc bị coi là kém nam tính. Vì thế, dễ thấy được một số cặp đôi dị tính mang sắc thái: người nữ lo âu khắc khoải, người nam xa cách khó lường.
“Anh đang đi đâu, với ai, làm gì?” – một câu đủ để tóm tắt “nỗi buồn chiến tranh” của nhiều anh. Dĩ nhiên, không áp dụng cho mọi cặp đôi.
Lo âu và xa cách là hai trạng thái đối ngẫu lý thú trong thân mật. Không nhất thiết phải là nữ thì mới hay lo âu, hay là nam thì thường xa cách. Theo lý thì người rơi vào phong cách lo âu (anxious attachment) thường cần nhiều quan tâm, còn người xa cách (avoidant attachment) thì cần nhiều khoảng trống. Đó chỉ là tóm tắt vụn của Thuyết gắn bó. Hầu hết mối quan hệ trên đời đều diễn ra giữa một người lo âu và một người xa cách. Không giống với thuyết chó mèo – việc rơi vào trạng thái lo âu hay xa cách là bất đắc dĩ. Mọi người sinh ra với một trạng thái gắn bó tùy vào lề thói và cách nuôi dạy khi còn nhỏ. Quá dựa dẫm hay quá độc lập đều không hoàn toàn tốt. Trong trò chơi thân mật này, một người lo âu vì quá dễ quy phục, một người né tránh vì quá khó đầu hàng. Trước ngưỡng cửa ái tình, cả hai đều sẽ gục ngã trước bản năng ẩm ương khó chữa. Một vấn nạn nan giải của tình yêu đô thị. Khó lòng kiên nhẫn hòa hợp khi mọi mối tình chớm nở đều có thể bị thay thế sớm chiều.
Bộ phim tình cảm chí mạng nhất năm 2023 chính là Quyết tâm chia tay của Park Chan Wook. Thang Duy quá sức vụn vỡ, Park Hae Ill quá sức ám ảnh. Không hẳn là một cuộc bắt cút của nam–nữ, “tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Đây một màn giằng co điện ảnh của hai trạng thái nắm–thả, gần–xa, chôn xuống–đào lên.
Một đoạn tình cứa tim vì cấm kỵ mà chẳng có chút gì suồng sã. Nóng bỏng mà lại điềm nhiên đến mức khiến người xem phải âm thầm cầu xin những nhân vật lầm than này hãy lầm lỗi, hãy nghiến ngấu nhau.
Có thể nghĩ rằng: nhân vật Seo Rae của Thang Duy là một nữ nhân có độc, tồn tại để đưa mọi đàn ông chạm vào cô đến chỗ chết. Hay, cô là mèo, còn anh thanh tra nọ là chó. Nhưng biết đâu, cô Seo Rae là một người mang phong cách gắn bó xa cách? “Phút giây anh nói anh yêu em, tình yêu trong anh đã tan biến. Phút giây tình yêu trong anh tan biến, tình yêu trong em mới bắt đầu” – điều này nghe như, cô cần nhiều khoảng trống để thực khát khao thân mật. Phải cách xa sâu đến vài tấc đất thì tình yêu mới nở rộ. Và kẻ lo âu ráo hoảnh sẽ thét gào trong đau đớn vì mãi mãi bị “ghost” mà không một lời giải thích.
Hoặc là...
Có lẽ ở nơi khốc liệt này, không còn quá nhiều sự thân mật để sẻ chia cho tất cả. Cần phải đầu hàng trước mọi giác quan thì mới có thể hoàn toàn chìm đắm vào thân mật. Người ta không những từ chối đầu hàng, mà còn mở luôn giác quan thứ 6 để soi người đỏ hay xanh. Cân đo đong đếm độ tương hợp bằng những phép thử mơ hồ của con số và vì sao.
Hoặc là một Song Ngư mơ mộng, hoặc một người tình điên dại mỗi khi người ấy không hồi âm. Hoặc là một Nhân Mã độc lập, hoặc một người tình không bao giờ quay lưng lại ôm bạn cùng giường.
Chúng ta tìm đến những hạng mục phân loại trong sự nông nổi vì lo sợ. Sợ trở nên trần trụi và quy hàng trước một thế lực, như tình yêu, cũng có thể là nhân loại, hay trí tuệ nhân tạo. Lắng nghe bản năng và tiếng lòng trông hơi xuẩn ngốc khi đã có: Google Maps, Co-Star và ChatGPT. Trước khi tôi lụy, xin biết liệu Sao Hỏa và Sao Kim của chúng ta có thật tương hợp. Nếu như người là kẻ né tránh trong mối quan hệ, xin tránh xa tôi ra trước.
Epilogue – Chiếc rèm trắng
Tôi thức dậy trong ánh nắng không thể tránh né. Trong ngôi nhà phủ kính. Nơi gia chủ không buồn phủ bất kì chiếc rèm nào. Cho dù là để che nắng, cho dù là để cho vui.
Đây là nơi ở của anh kiến trúc sư. Tối, anh cho tôi xem công trình đang thiết kế dở. Anh chỉ tay vào khu hành lang làm bằng đá, rợp ánh nắng: “Anh muốn treo những chiếc rèm trắng ở đây, khi gió thổi vào, chúng sẽ tung bay lên thật đẹp”. Rèm cửa trắng bằng vải satin hoặc linen đều sang trọng, lãng mạn. Người kiến trúc sư biết rõ điều đó. Trớ trêu thay: chính trong ngôi nhà của anh – chẳng có lấy một chiếc rèm. Mỗi khi anh đi công tác, tôi thấy căn nhà trơ trọi. Nhận ra anh chẳng muốn đặt lại một thứ gì làm mình phải lưu luyến. Như chiếc rèm trắng, chiếc chảo mới, và cả tâm tư của chính mình. Anh cũng thích Tony Lương, và hay quay lưng với tôi. Đã từng trốn chạy khỏi vài thành phố vì con tim tan nát. Có lẽ anh đã từng thật lãng mạn, si tình. Anh mê rèm trắng nhưng không còn tâm trạng để treo nó.
Thay vì tránh né ánh nắng trực tiếp và tia UV, anh kiến trúc sư chọn tránh né cảm xúc. Né luôn những ai có ý định bắt anh giao nộp vũ khí và từ bỏ đời sống độc thân. Đó là định luật bảo tồn trái tim khi thân mật thật nguy hiểm. Hoàn toàn dâng hiến chính mình ngày nay không khác gì Tom Cruise tự đóng cảnh hành động bất chấp tính mạng. Thế nên, người luỵ tình phim ảnh mới khiến người ta xao xuyến. Sự lãng mạn trong thời đại xao nhãng này – phải chăng là hư cấu.
Bài viết gốc trên ấn phẩm L’OFFICIEL HOMMES VIETNAM #1: The Modern Flâneur