Love & Life

Vì sao ta ác cảm với các mối quan hệ lệch tuổi?

Tình yêu chênh lệch tuổi không phải là một hiện tượng kỳ lạ, nó có những nền tảng sinh học và xã hội rõ ràng.

head person photography portrait people formal wear suit adult male man

Chuyện yêu một người hơn (hoặc kém) mình nhiều tuổi không còn là điều hiếm hoi trong xã hội hiện đại. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người nhìn chúng với con mắt hoài nghi. Những biệt danh như “Cougar”, “sugar daddy”, “kẻ đào mỏ” tồn tại như một cách để phủ nhận giá trị của những mối quan hệ này. Một nghiên cứu trên Personality and Individual Differences cho thấy, những mối quan hệ có chênh lệch tuổi tác lớn thường bị đánh giá là "không chấp nhận được", thậm chí còn bị cho là "đáng ghê tởm". Nhưng liệu những định kiến đó có thực sự đúng?

Hiện nay, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi hỏi sự tôn trọng dành cho những tình yêu không đi theo khuôn mẫu. Những cặp đôi lệch tuổi lại thường có những lợi thế đáng ghen tị, họ giao tiếp tốt hơn, hiểu rõ sự khác biệt và nỗ lực hơn để giữ gìn mối quan hệ. Trong khi đó, những cặp đôi đồng trang lứa đôi khi chủ quan rằng mình vốn "hợp nhau" và quên mất rằng tình yêu luôn cần được vun đắp. Theo Psychology of Women Quarterly, những cặp đôi bị xã hội kỳ thị (đồng tính, khác chủng tộc, lệch tuổi...) thực ra có mức độ cam kết cao hơn. Họ không chỉ yêu mà còn phải đấu tranh để bảo vệ tình yêu ấy. Và chính những rào cản từ bên ngoài lại khiến họ gắn kết hơn. Càng bị phản đối, họ càng kiên định.

Bàn về quy luật tự nhiên 

Khi nói về tình yêu và sự hấp dẫn, chúng ta không thể bỏ qua góc nhìn tiến hóa. Bởi xét cho cùng, tình yêu - dưới lăng kính sinh học - vẫn xoay quanh một mục đích quan trọng: duy trì nòi giống. Một nghiên cứu trên Human Nature (2012) của Sascha Schwarz và Manfred Hassebrauck chỉ ra rằng, đàn ông thường bị thu hút bởi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đơn giản vì đó là thời điểm khả năng sinh con ở mức tối ưu. Trong khi đó, phụ nữ lại có xu hướng chọn đàn ông có thể bảo bọc và mang đến sự ổn định cho tương lai.

Khi đặt hai điều này cạnh nhau, không khó để thấy vì sao những mối quan hệ lệch tuổi thường có một mô hình quen thuộc: đàn ông lớn tuổi hơn phụ nữ. Họ có tài chính, có vị thế, còn cô gái trẻ hơn mang đến sức sống và khả năng sinh sản.

Sự thật là, dù bị soi xét thế nào, những mô thức chọn bạn đời này vẫn diễn ra trong thực tế. Một nghiên cứu từ năm 1945 cho thấy đàn ông thích phụ nữ trẻ hơn họ khoảng 2,5 tuổi, trong khi phụ nữ lại thích bạn đời lớn hơn mình khoảng 3,5 tuổi. 

Nhưng đây có phải là quy luật bất di bất dịch? Không hẳn. Chúng ta không còn sống trong thời kỳ mà phụ nữ cần đàn ông để được chu cấp, cũng không bị ràng buộc bởi những quy tắc sinh học của thời xa xưa. Xã hội hiện đại đã thay đổi, và những mối quan hệ cũng đang đi theo những con đường khác nhau.

Độ tuổi hẹn hò chấp nhận được

Mỗi người đều có hình mẫu lý tưởng, nhưng khi bàn đến giới hạn tuổi tác trong hẹn hò, câu chuyện trở nên thú vị hơn nhiều. Nghiên cứu trên Human Nature (2012) của Sascha Schwarz và Manfred Hassebrauck cũng chỉ ra rằng đàn ông thường có thể yêu phụ nữ kém mình tới 10 tuổi nhưng ít khi chọn bạn đời hơn tuổi quá 4,5 năm. Ngược lại, phụ nữ dễ dàng chấp nhận đàn ông lớn hơn mình 8 tuổi, nhưng với người trẻ hơn, con số này chỉ dừng ở mức 5 năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là những giới hạn này không bất biến – chúng thay đổi theo thời gian.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi đàn ông càng lớn tuổi, họ càng có xu hướng thích phụ nữ trẻ hơn. Nhưng độ tuổi tối đa mà họ sẵn sàng hẹn hò thì hầu như không đổi. Còn phụ nữ, khi trưởng thành hơn, họ có thể cởi mở hơn với những người đàn ông trẻ hơn mình, nhưng lại ngày càng ít sẵn sàng gắn bó với người quá lớn tuổi.

Một phần nguyên nhân đến từ tuổi thọ. Phụ nữ trung bình sống lâu hơn đàn ông khoảng 5 năm – như ở Đức chẳng hạn. Điều này có thể khiến họ chùn bước trước việc gắn bó với một người đàn ông lớn tuổi hơn quá nhiều, bởi điều đó đồng nghĩa với việc đối diện với sự mất mát sớm hơn.

Mức độ hạnh phúc trong mối quan hệ 

Quan trọng hơn chuyện chênh nhau bao nhiêu tuổi, câu hỏi nhiều người tò mò là, liệu tình yêu này có thực sự hạnh phúc? Suy cho cùng, chẳng có một công thức cố định nào để đảm bảo một mối quan hệ viên mãn - bất kể tuổi tác, nếu cả hai tìm được sự đồng điệu, tình yêu vẫn có thể thăng hoa. Nhưng khoa học cũng không bỏ qua những điểm thú vị khi phân tích kiểu quan hệ này.

Một nghiên cứu trên Journal of Population Economics cho thấy đàn ông và phụ nữ thường hạnh phúc hơn khi có bạn đời trẻ hơn. Nghe có vẻ dễ hiểu, nhưng điểm mấu chốt là cảm giác hạnh phúc này không kéo dài mãi.

Các nhà nghiên cứu viết: “Mức độ hài lòng trong hôn nhân giảm dần theo thời gian ở các cặp đôi chênh lệch tuổi so với những người đồng trang lứa. Cuối cùng, sự thỏa mãn ban đầu của người đàn ông khi cưới vợ trẻ hơn hay phụ nữ có chồng ít tuổi hơn cũng sẽ bị xóa nhòa.”

Lý do là những cặp đôi này có thể gặp nhiều trở ngại hơn và ít khả năng vượt qua khó khăn bằng sự kiên trì như các cặp đồng trang lứa. Nhưng ngược lại, nếu họ thực sự gắn bó, tình yêu lại có xu hướng bớt ích kỷ, bớt ghen tuông hơn.

Tình yêu chênh lệch tuổi tác không phải là một hiện tượng kỳ lạ, nó có những nền tảng sinh học và xã hội rõ ràng. Nhưng như bất kỳ mối quan hệ nào, nó không thể tránh khỏi thử thách. 

Recommended posts for you