Skincare hay makeup? Cơn sốt "mỹ phẩm lai" là câu trả lời!
Nhưng đừng nhầm tưởng rằng chỉ cần bớt sản phẩm là da sẽ đẹp. Tinh giản không có nghĩa là cắt bỏ bừa bãi, mà là chọn đúng những gì da cần để đạt hiệu quả tối đa.
Cách đây vài năm, cả thế giới từng chạy theo làn da căng bóng chuẩn Hàn với quy trình 10 bước, nhưng giờ đây, skinimalism - sự kết hợp giữa skincare và minimalism khuyến khích tối giản chu trình dưỡng da và trang điểm với 5 sản phẩm trở xuống đang thay đổi mọi thứ.
Những sản phẩm “đa nhiệm” lên ngôi, nơi kem dưỡng có thể giúp bạn có làn da rạng rỡ như makeup, còn phấn nền hay son môi lại lén lút bổ sung các thành phần skincare. Hydra Glow Foundation của Make Up For Ever tuyên bố chứa 86% thành phần dưỡng da, mang lại độ ẩm suốt cả ngày như thể bạn đang đắp mặt nạ. Rose Perfecto Liquid Balm của Givenchy không chỉ cấp ẩm mà còn bổ sung dưỡng chất giúp đôi môi trông khỏe mạnh hơn. Hay như 13-Free Cera Peptide Serum Foundation của Primera, với hàm lượng hoạt chất phục hồi hàng rào da lên tới 88.48%, thậm chí tên gọi cũng khiến người ta nhầm tưởng đây là một loại serum. Nếu trước đây, những tuyên bố này dễ bị xem là quảng cáo phóng đại, thì nay, nó lại trở thành điều hiển nhiên.
Tại sao mỹ phẩm trang điểm ngày càng lấn sân sang skincare? Thực tế, những sản phẩm "hybrid beauty (mỹ phẩm lai) không phải mới. Nhưng nếu trước đây chúng chỉ tập trung vào những công dụng ngắn hạn, thì giờ đây, chúng hướng đến hiệu quả lâu dài và rõ ràng hơn. Kim Ye-ji, chuyên gia từ tập đoàn sản xuất mỹ phẩm hàng đầu Hàn Quốc COSMAX, cho biết: "Các thành phần dưỡng da cao cấp như collagen, vitamin, peptide - vốn được sử dụng trong kem dưỡng và serum - nay đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các sản phẩm nền. Các thương hiệu cũng tập trung vào kết quả thử nghiệm lâm sàng và công nghệ để chứng minh hiệu quả của chúng."
Nhiều chuyên gia tin rằng xu hướng này bắt nguồn từ "Skinimalism" - lối sống tối giản trong làm đẹp sau đại dịch. Khi người tiêu dùng cắt giảm các bước dưỡng da và trang điểm, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí, họ tìm đến những sản phẩm đa chức năng với hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, sự gia tăng các vấn đề về da do đeo khẩu trang trong suốt đại dịch cũng khiến mọi người chú trọng hơn đến sức khỏe làn da.
TikTok cũng là nền tảng thúc đẩy trào lưu này trở nên phổ biến hơn. Trong những video chỉ vỏn vẹn 15 giây, người ta chứng kiến phép màu của chu trình dưỡng da 3 bước: làm sạch, dưỡng ẩm, chống nắng. Không cầu kỳ, không tầng tầng lớp lớp, chỉ làn da mộc căng bóng, khỏe khoắn – minh chứng thuyết phục nhất cho skinimalism. Các beauty blogger mê mẩn, bác sĩ da liễu cũng gật gù tán thành. Từ lâu, họ đã cảnh báo về mặt trái của quy trình dưỡng da nhiều bước kiểu Hàn. Càng dùng nhiều sản phẩm, da càng phải hấp thụ nhiều hoạt chất, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ kích ứng, dị ứng hoặc bít tắc lỗ chân lông gây mụn viêm.
Yarden Horwitz, đồng sáng lập Spate, nền tảng phân tích xu hướng làm đẹp nhận xét: “Nếu nhìn vào các từ khóa hot trong năm nay, bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt. Trong skincare, những thuật ngữ vốn thuộc về makeup như ‘glow’ (căng bóng), ‘blurring’ (che phủ mịn màng) đang lên ngôi. Ngược lại, makeup lại tràn ngập các từ khóa như ‘hydration’ (cấp ẩm), ‘cooling’ (làm dịu da), ‘moisture’ (dưỡng ẩm).” Nói cách khác, giờ đây người ta không còn trang điểm chỉ để đẹp mà còn để chăm sóc da, cũng như không chỉ dưỡng da vì sức khỏe mà còn muốn nhìn thấy hiệu ứng tức thì. Nhiều người cho rằng các thương hiệu đang lợi dụng skincare để đẩy giá mỹ phẩm lên mức cao cấp. Nhưng xét đến xu hướng tiêu dùng hiện nay, khi khách hàng sẵn sàng đầu tư vào sản phẩm có giá trị hợp lý và hiệu quả xứng đáng, thì việc gọi đây là một chiến lược marketing đơn thuần có vẻ chưa đủ thuyết phục.
Glow Recipe’s
Một trong những sản phẩm tiêu biểu cho xu hướng này là Watermelon Glow Niacinamide Dewy Flush của Glow Recipe. Được ví như một “serum skincare trá hình”, sản phẩm chứa niacinamide, chiết xuất rau má và dưa hấu, vừa giúp da hồng hào tự nhiên vừa làm dịu và phục hồi làn da. Sarah Lee, đồng sáng lập Glow Recipe, còn đầy tham vọng khi kỳ vọng doanh thu của sản phẩm này sẽ chạm mốc 135 triệu USD ngay trong năm đầu tiên ra mắt.
Peach & Lily
Không kém cạnh, Peach & Lily cũng góp mặt với Luminizing Stick, một thỏi highlighter giúp bạn có làn da căng bóng chuẩn “glass skin”. “Công thức sản phẩm này trước hết là skincare, nhưng hiệu ứng makeup cũng phải thật hoàn hảo,” Alicia Yoon, người sáng lập thương hiệu, chia sẻ. Không chỉ giúp làn da căng bóng, sản phẩm này còn chứa 9 loại peptide, chiết xuất rau diếp cá và hyaluronic acid để nuôi dưỡng từ bên trong. Đáng chú ý, công thức của hãng đã được thử nghiệm kỹ lưỡng để đảm bảo bám mượt trên mọi loại nền – từ makeup gốc dầu, nước đến silicone. Dù để mặt mộc hay trang điểm full-face, bạn vẫn có thể tự tin sử dụng.
Versed
Versed, thương hiệu skincare của Catherine Power - đồng sáng lập trang web thời trang kỹ thuật số Who What Wear vào năm 2006, cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Dòng sản phẩm Versed Makeup vừa ra mắt với 14 sản phẩm, bao gồm son tint mịn lì, kem che khuyết điểm dạng serum và highlighter phát sáng như sương. Đúng với tinh thần skincare-meets-makeup, các sản phẩm này chứa hàng loạt thành phần dưỡng da đình đám như caffeine, kojic acid, dầu argan, vitamin E và niacinamide.
Pat McGrath
Ngay cả các thương hiệu chuyên makeup cũng đang dấn thân vào cuộc đua skincare. Pat McGrath Labs vừa trình làng dòng mặt nạ dưỡng da giúp tạo hiệu ứng da bóng mịn như sứ, lấy cảm hứng từ lớp nền hoàn hảo của dàn người mẫu tại show Maison Margiela Xuân/Hè 2024. Sản phẩm có công dụng kép, vừa tạo hiệu ứng bóng sáng, vừa cấp ẩm sâu nhờ chiết xuất lô hội và glycerin.
Isamaya Beauty
Trong khi đó, Isamaya Beauty của nghệ sĩ trang điểm Isamaya Ffrench lại chọn tinh chất ngọc trai làm điểm nhấn. Dòng 5 Point Lift, gồm 5 sắc độ khác nhau, giúp nâng tông, giảm bọng mắt và dần cải thiện làn da theo thời gian. Đây chính là tinh thần của hybrid beauty, makeup không chỉ để làm đẹp tức thì mà còn để chăm sóc da về lâu dài.