Bước vào thế giới nghệ thuật của Trần Hải Minh
Trần Hải Minh nhận được học bổng du học Đức từ 1987, sau khi học xong trung cấp mỹ thuật tại Hà Nội và sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh học và tốt nghiệp học viện nghệ thuật Berlin vào năm 1993. Anh ở lại Đức thêm thời gian nữa, đến năm 1997, mới chính thức về nước-ở Sài Gòn.
Bình thường, tôi không quan tâm lắm chuyện hoạ sĩ đã từng học ở đâu, tốt nghiệp trường nào. Bởi có thể rất vô nghĩa. Riêng trường hợp Trần Hải Minh, tôi phải nhắc. Bởi cái khoảng thời gian anh học và ở lại Đức-từ 1987 đến 1997-là khoảng thời gian đặc biệt có ý nghĩa. Đó là khoảng thời gian nước Đức “thống nhất” cả trên phương diện chính trị-xã hội và văn hoá. Cả nước Đức hừng hực trong không khí đổi mới. Tinh thần tự do hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại tràn ngập đã mang lại niềm tin mới vào tương lai và giải phóng nhiệt tình sáng tạo nơi mỗi cá nhân sinh sống ở Đức-nhất là với các nhà văn và nghệ sĩ.
Trong môi trường với bối cảnh đó, Trần Hải Minh có cơ hội tiếp xúc với tinh thần nghệ thuật của những Joseph Beuys, Anselm Kiefer, Ernst Wilhelm Nay, Emil Schumacher, AR Penck, Sigmar Polke, Gunther Uecker, Fritz Schwegler..., thêm cả Marchel Duchamp, và Antoni Tapies... Dĩ nhiên, còn nhờ có “căn cơ ngộ tính”, từ đó, đã mở rộng nơi anh một quan niệm khác về đối tượng nghệ thuật (không còn giới hạn trong các quan hệ lịch sử-xã hội), về lý tưởng thẩm mỹ (tự do biểu đạt tinh thần) và hình thành nơi anh một trạng thái sáng tác khác (là hành trình kiến tạo bản thân như một cá tính nghệ thuật không ngừng đổi mới)...
Trớ trêu là ngay sau đó, anh rơi vào tình trạng “khủng hoảng”. Hơn mười năm trời, từ 2007, anh gần như “không kết thúc được” bức tranh nào, không vẽ thêm được gì mới...
Hai chữ “khủng hoảng” ở trên, tôi phải bỏ vào ngoặc kép, bởi sẽ còn phải giải mã. Trong suốt khoảng thời gian đó, thỉnh thoảng đến thăm, tôi nghĩ rằng, trong một nền văn hoá mỹ thuật còn loay hoay trong các khuynh hướng Hiện thực và Lãng mạn chủ nghĩa cũ kỹ như ở Việt Nam, Trần Hải Minh đã đi quá xa với lựa chọn nghệ thuật của mình, trở thành lạc điệu, và anh đã rơi vào tình trạng cô đơn cùng cực...!
Bẵng thời gian, cuối năm 2021, tôi nghe tin Trần Hải Minh đã vẽ lại. Vẽ rất nhiều. Và chuẩn bị triển lãm. Với tư cách bạn bè, không riêng gì tôi, tất cả anh em đều rất vui. Ở quan hệ đời thường, vui, bởi Trần Hải Minh đã “hoà giải được với chính mình”. Nhưng trước câu chuyện nghệ thuật, vui hơn, bởi dường như, “qua những khó khăn và cô đơn cùng cực, anh đã ‘hốt nhiên’ khai thông được nguồn năng lượng sáng tạo vốn giàu có ẩn sâu trong mình...”
Cho đến nay, trong vòng chưa tới hai năm, anh đã chuẩn bị cho triển lãm cá nhân lần thứ ba (sẽ khai mạc vào chiều thứ bảy, ngày 1 tháng 7 năm 2023). Cách đây mấy hôm, đến thăm xưởng vẽ, tôi thực sự kinh ngạc trước sức làm việc và sức sáng tạo mạnh mẽ của anh. Cả hàng trăm bức tranh lớn nhỏ mới vẽ và mới mẽ được bày la liệt khắp nơi...
Có thể nói, trong giai đoạn này, Trần Hải Minh là một hoạ sĩ Biểu hiện trừu tượng (Abstract expressionism) ngày càng triệt để, với phong cách riêng. Mỗi bức tranh mới của anh, đều là một “tâm
cảnh”-một loại phong cảnh tinh thần-đầy xao động và biến động, với bút pháp mạnh mẽ, lưu loát và biến ảo hiếm thấy...
Trước tranh, số đông người Việt Nam đến giờ, vẫn hay hỏi: “vẽ cái gì vậy?”, hay “ý nghĩa của bức tranh
là gì?” Để tiếp cận nghệ thuật hiện đại, người xem có lẽ nên dần làm quen với sự thực, nói như Archibald Macleish: “Bài thơ không nên có nghĩa, nó chỉ hiện hữu” (A poem should not mean. But be.), hay nói như Frank Stella: “Những gì anh thấy là những gì anh thấy" (What you see is what you see)...
Tranh Biểu hiện trừu tượng của Trần Hải Minh là những thực tại tinh thần của “một nhân loại cụ thể”, để thấu cảm, người ta cần phải mở lòng, mà trước hết, cần giải trừ các thành kiến, định kiến về nghệ thuật thường vốn mai phục nơi mình...!
Triễn lãm “Trần Hải Minh”
Thời gian: 8:00 AM – 9:00 PM, 02/07 – 09/07
Địa điểm: Bảo Tàng Mỹ Thuật TP. HCM, 97 Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1
Vé vào cổng: 30.000 VND
Thông tin từ ban tổ chức