Tár: Khi nghệ thuật… vấp ngã!
Thắng giải thưởng duy nhất tại LHP Venice dành cho hạng mục diễn xuất, Cate Blanchett và bộ phim tâm lý xã hội mới nhất - Tár, đang tràn trề hy vọng mang về cho diễn viên người Úc tượng Oscar thứ ba trong sự nghiệp. Diễn xuất uyên thâm của Blanchett vượt ra khỏi khuôn khổ tác phẩm chứa đầy tri thức từ đạo diễn Todd Field - người vừa trở lại làm phim sau 16 năm "ẩn tích".
Nhắc tới Todd Field, người hâm mộ điện ảnh nhớ ngay đến "In the Bedroom" gặt hái thành công lớn trong sự nghiệp nhà làm phim 58 tuổi. Tác phẩm gần nhất mà Field trình làng là "Little Children" đã ra đời cách đây 16 năm! Trong suốt quãng thời gian này ông luôn miệt mài tìm dự án mới, nhưng mãi tới năm 2021 mới toàn tất công đoạn ghi hình bộ phim truyện thứ ba - "Tár", cùng dàn diễn viên thuộc phái thực lực bao gồm Cate Blanchett, Nina Hoss và Noémie Merlant.
Trong suốt hai tuần diễn ra LHP Venice nơi "Tár" tranh giải hạng mục Sư tử vàng, báo chí và truyền thông đổ dồn sự tập trung vào Cate Blanchett - người thủ vai Lydia Tár, nữ chỉ huy dàn nhạc người Đức đầu tiên trên thế giới, nắm giữ vô số giải thưởng trong đó thành tích nổi bật nhất là EGOT (ám chỉ các nghệ sỹ thắng 4 giải thưởng hàn lâm lớn nhất hành tinh). Không phải Blanchett là ngôi sao Hollywood (vâng, chính xác là vậy) mà vì cô là linh hồn bộ phim, thậm chí là yếu tố khiến người xem theo dõi "Tár" vốn dĩ kéo dài gần ba giờ đồng hồ, với rất nhiều đoạn hội thoại chuyên sâu thật sự khó xem với bất kì ai đang mưu cầu một tác phẩm tâm lý thông thường.
(bài viết tiết lộ nội dung phim)
"Tár là nghệ thuật" - trích lời nhà phê bình nổi tiếng A. O. Scott của tờ New York Times, dùng để ám chỉ nhân vật chính của phim, một nữ nhạc trưởng sắc sảo, gai góc và cá tính khác thường. Lydia Tár sống một cuộc đời bài bản, trang trọng, bên cạnh luôn có nữ phụ tá Francesca thân tín, cùng Sharon - người vợ cũng là bè trưởng đàn dây trong dàn nhạc, và con gái nhỏ Petra mà Lydia và Sharon nhận nuôi. Tất nhiên sau các buổi giảng dạy, biểu diễn, trao đổi đối tác, cộng sự... thì Lydia cũng trở về với đời sống bình thường: chở con đi học, chạy bộ mỗi sáng, hay đơn giản là kê thuốc trợ tim cho vợ. Vậy thì có điều gì thú vị về nữ chỉ huy kiêm nhà soạn nhạc tài ba này?
"Tár" dành hai trường đoạn quan trọng để lột tả một phần con người nghệ sỹ của Lydia: một là khi cô tập dợt cùng dàn nhạc và một là khi cô phản biện lại nam sinh viên bất đồng quan điểm. Ở đoạn đầu, Lydia cho chúng ta thấy cô là người có đôi tai xuyên qua tâm can và trí não, cách Lydia lắng nghe và trao đổi (bằng tiếng Đức) với dàn nhạc giao hưởng khẳng định một lần nữa tài năng thiên bẩm trong cách kể chuyện bằng âm thanh.
Nhưng tất cả sẽ choáng ngợp trong cảnh quay đắt giá của phim: Lydia Tár rao giảng về đức tin mà nhạc cổ điển mang lại cho cô, trước sự chứng kiến của các sinh viên đầy mơ mộng nhưng cũng lắm hời hợt. Cảnh quay kéo dài 15 phút không chỉ lôi cuốn người xem với lượng thông tin khổng lồ (và chẳng dễ thấm ngay), mà còn chứng minh kỹ thuật diễn xuất thượng thừa của Cate Blanchett, thông qua một loạt cung bậc cảm xúc: lúc cứng rắn, lúc như nài nỉ, khi lại ngông cuồng, có lúc lại trào phúng... cô đệm Piano, nỗ lực khai phá tư duy khép kín của lứa sinh viên ngồi im phăng phắc, rồi thất vọng vì nhận ra sự khác biệt là khoảng cách quá lớn của tri thức...
Cám dỗ ái tình
Lắm tài nhiều tật, mối quan hệ giữa cô và người bạn đối tác Eliot Kaplan không đơn giản bình yên như vốn dĩ nó hiện hữu bề ngoài. Eliot vừa là nhà đầu tư, vừa trực tiếp quản lý các chương trình học bổng của Lydia, nơi mà anh ta luôn đáp ứng các yêu cầu rất cá nhân của Lydia trong công việc mà đơn cử là khả năng loại bỏ trợ lý nhạc trưởng cố hữu Sebastian nhằm đưa Francesca thay thế - nữ phụ tá mà Lydia từng có quan hệ tình ái trong quá khứ.
Kế hoạch thay thế Sebastian đổ bể, Lydia buộc phải tìm người khác thay vì Francesca, trong khi bản thân cô bị thu hút bởi Olga - một nữ nhạc công cello trẻ măng, người mà tuy có khả năng nhưng chưa đủ để vượt qua vòng tuyển chọn để có thể chễm trệ vị trí trong dàn nhạc. Tuổi trẻ và sự thực dụng của Olga đã giúp cô nàng nhanh chóng chiếm lĩnh sự chú ý của Lydia, khiến Lydia phải thay đổi bảng điểm hòng tiếp cận Olga. Lúc này, tuyến phòng ngự tâm lý của Lydia là Sharon, và Francesca bắt đầu lung lay.
Cả Sharon và Francesca đều nhận thấy Olga có sức hút mãnh liệt với Lydia, họ dần dần rời bỏ Lydia trong khi quá khứ đen tối của Lydia bắt đầu ùa về, kéo cô xuống dưới vực thẳm: Krista, tình nhân đồng giới của Lydia và Francesca liên tục gửi thư nặc danh cố tìm cách tiếp cận Lydia, cho tới khi tự sát. Sau khi Francesca nghỉ việc, cô đã gửi một đoạn video được cắt ghép hình ảnh Lydia giảng dạy trước đó với câu từ tiêu cực, khiến truyền thông chĩa mũi dùi vào nữ nhạc trưởng…
Cuộc sống cá nhân của Lydia bắt đầu xáo trộn, cô không thể ngủ ngon giấc, cãi vã với Sharon, trong khi mỗi lúc một nghe rõ tiếng la hét của một phụ nữ văng vẳng bên tai, như thể thần giao cách cảm và các âm thanh hỗn độn cứ liên tục xuất hiện bên tai Lydia, với tần suất dày đặc, khiến cô tài nào sáng tác nổi... Chuyện gì đến cũng đến: Lydia Tár bị loại khỏi vị trí nhạc trưởng, Sharon và Petra bỏ đi, Olga sau khi đạt mục đích đã không phục vụ tình ái như Lydia mong đợi, một khoảng trống vô định xuất hiện...
"Vai trò của thiên tài!" - The Hollywood Reporter gọi "Tár" của Todd Field bằng mỹ từ, không dấu kỳ vọng sẽ sớm xem thêm một tuyệt tác nữa từ nhà làm phim... chậm chạp này. Nhìn chung, "Tár" không có những khoảnh khắc cố ý gây mủi lòng người xem, ngược lại, nó rất tỉnh táo kể cả khi nhân vật chính của nó - Lydia Tár rơi vào cơn mê sảng của một thứ thuốc an thần mà cô thường dùng trước mỗi buổi diễn. Người xem cuối cùng cũng nhận ra giác quan kỳ lạ của Lydia có ý nghĩa nhất định trong cuộc đời cô, từ con chó mực hung hãn ở căn nhà hoang, đến đôi mẹ con già nua bần hàn sống dưới tầng nhà chung cư, hay các âm thanh của... người chết mà Lydia nghe được từ đôi tai, trái tim và khối óc.
Tiếc rằng, tài năng thiên bẩm của Lydia Tár lại bị chính nhục cảm rất đỗi bình thường và tầm thường quấy nhiễu, khiến cho cô phải xao nhãng mục đích ban đầu của mình đối với âm nhạc hàn lâm. Trong một cảnh quay cliché nhưng đắt giá khác, Lydia xem lại đoạn ghi hình buổi diễn của người thầy Andris Davis, nó khiến cô bừng tỉnh và đi tìm lại khởi nguồn cho việc tưới mát tâm hồn. Lydia Tár không phải thánh nhân, nên sai lầm của cô không phải là thứ gì ghê gớm nhất: cô hòa mình dưới làn nước, tại một xứ sở xa lạ nơi Lydia bắt đầu công việc giảng dạy cấp thấp hơn, biểu diễn với một khán phòng nhỏ hơn, tiệm cận hơn... Tất cả những điều này, diễn ra như vốn dĩ nó phải có: sự thay đổi!
Cate Blanchett không chỉ học tiếng Đức,học piano... cô còn tự mình đồng sáng tác với nhà soạn nhạc Hildur Guðnadóttir và nhiều cộng sự khác, trong quá trình thu âm nhạc nền cho "Tár" - album sau đó đứng đầu BXH Billboard hạng mục nhạc thính phòng - cổ điển. Theo tiết lộ, các cảnh biểu diễn trong phim đều được thu âm trực tiếp, bao gồm cả phần chơi piano của Cate Blanchett. Đòi hỏi khắt khe của Todd Field và kịch bản "đo ni đóng giày" cho Cate dường như đã tìm thấy chủ nhân xứng tầm.
"Tár" có yếu điểm nào không? Chắc chắn là có, dù với điểm số rất cao, bộ phim vẫn chưa phải tác phẩm tâm lý rúng động toàn diện. Bỏ qua phần trình diễn hoàn hảo của Cate, thật đáng tiếc khi bạn diễn Nina Hoss - minh tinh người Đức đầy tài năng, có quá ít thời lượng. Ngoài ra, phim không có tuyến truyện phụ, mọi diễn biến chỉ tập trung quanh Lydia, ít nhiều sẽ hạn chế cảm xúc. Chưa kể phim nhiều thoại, lại chứa đựng triết lý nên những ai không am tường nghệ thuật đặc biệt là nhạc cổ điển, sẽ… chẳng hiểu gì. Thời lượng 158 phút cũng là thách thức không nhỏ!