Ngô Hồng Quang: “'Tình Đàn' là lời cảm ơn của tôi với nhạc cụ của mình, đó là Đàn Tính."
Âm nhạc gợi cảm giác về không gian, về văn hoá, đôi khi tính phi ngôn ngữ của âm nhạc lấn át, tới mức khiến sức mạnh hiển nhiên của ngôn từ bỗng thành vô năng. Đó cũng chính là cách Ngô Hồng Quang đưa người nghe bước vào thế giới của anh, bằng nhiều chất liệu âm nhạc từ Đông sang Tây, mà cốt lõi luôn là âm nhạc dân tộc.
Khi nghe nhạc của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, bạn không nhất thiết phải khép mắt mới tưởng tượng được không gian trong bài hát. Tôi muốn lấy ví dụ từ bài nhạc “Về đồi non" hiển hiện cảm giác xa - gần: xa của thiên nhiên đồi núi; gần của con người, của cuộc sống bản địa. Người ta bắt gặp tiếng vọng mênh mang, thấy cách nghệ sĩ Ngô Hồng Quang tái tạo khoảng thiên nhiên, văn hoá của người Việt một cách sâu sắc, kỹ lưỡng.
Âm nhạc gợi cảm giác về không gian, về văn hoá, đôi khi tính phi ngôn ngữ của âm nhạc lấn át, tới mức khiến sức mạnh hiển nhiên của ngôn từ bỗng thành vô năng. Đó cũng chính là cách Ngô Hồng Quang đưa người nghe bước vào thế giới của anh, bằng nhiều chất liệu âm nhạc từ Đông sang Tây, mà cốt lõi luôn là âm nhạc dân tộc. Ngô Hồng Quang sử dụng một cách thông minh và đầy bất ngờ tiềm năng của nhiều loại nhạc cụ (đàn nhị, đàn môi đến đàn tính, chiêng dây,...). Điểm ấn tượng là lối hát đặc trưng, mà theo anh: “Giọng hát không chỉ là phương tiện diễn tả ca từ, mà xa hơn, tôi muốn dùng giọng hát để diễn tả âm thanh, âm sắc, giai điệu và chơi với giọng hát, làm nó thú vị và đa dạng. Là một người hát bản năng 100%, tôi tự tìm hiểu và tập luyện để tạo ra những âm thanh dị, lạ, những rung nhấn đặc trưng”.
Qua cách diễn giải mới của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang mà tôi có thể cắt nghĩa là “deconstruction in music" (giải cấu trúc), anh đã đưa âm thanh truyền thống và âm thanh dân tộc hoà vào dòng chảy mới tiệm cận quốc tế. Nói đơn giản hơn, âm nhạc của Ngô Hồng Quang là sự đan cài song song hai yếu tố: dân gian, dân tộc và hiện đại.
Theo dấu lần “check-in" gần nhất, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đang nghỉ dưỡng ở quê phải không?
Tôi đang ở quê. Hải Dương lúc nào cũng trong lành, nhiều cây cối nên tôi rất thích và thường xuyên ghé về. Tôi muốn ở những nơi cho mình cảm xúc và năng lượng tích cực - đó là rừng núi, những nơi có cây cối và nước.
Là một nghệ sĩ tự do, thói quen làm việc của anh có cố định không?
Tôi tự do lắm, có lúc nghỉ cả tháng không làm gì. Nếu nhận dự án có cả tính sáng tạo và tính thương mại, tôi sẽ làm việc liên tục trong vài tuần. Thời gian sau đó để nghỉ ngơi, tập đàn và đi chơi.
Thời gian cặm cụi sáng tác, nghiên cứu tôi đã trải qua khi học nhạc ở Hà Lan rồi. Ở thời điểm sung sức nhất, tôi làm rất nhiều và rất nhanh, ví dụ như album “Nam Nhi" được hoàn thành chỉ trong 2 tuần.
Tôi không thích sự gò bó, phụ thuộc trong công việc. Vấn đề là lúc đó tôi có hứng thú không, có năng lượng để làm việc đó hay không.
Làm việc theo cảm hứng, có bao giờ anh cảm thấy chênh vênh không?
Có chứ. Tôi không thể ngồi máy tính lâu, mà phải kết nối thiên nhiên, môi trường, văn hoá.
Dĩ nhiên, làm việc theo cảm hứng cần có kỷ luật tự thân và chịu trách nhiệm về chất lượng công việc. Biết kiểm soát mới có được tự do.
Quy ước của truyền thống đặt trong không gian âm nhạc đương đại
Sau khi nghe một vài album như “Tình Đàn" (2021), “Nam Nhi" (2021), hay Hà Nội Duo" (2017), có thể thấy tính ambient (không gian) trong âm nhạc của anh khá cao, không biết có đúng không?
Đúng. Tôi được tiếp cận nhiều thể loại nhạc nên thích tạo nên những không gian âm nhạc đa chiều. Tôi muốn gợi nhớ ký ức, giúp người nghe có nhiều cảm xúc khác nhau, hơn là chỉ hướng vào một không gian nhất định.
Tuy nhiên, ambient chỉ là một khía cạnh trong tổng thể con đường âm nhạc của tôi. Trong nhiều sáng tác, tôi lấy yếu tố không gian từ nhạc dân gian (folklore).
Khá khó để có một hình dung cụ thể về không gian âm nhạc của Ngô Hồng Quang, khi dân gian anh cũng chơi, nhạc cụ dân tộc anh cũng thành thục mà chất jazz cũng có?
Nguồn gốc của tôi phải liên quan đến âm nhạc dân tộc, xuất phát điểm là âm nhạc dân gian. Dựa vào đó, tôi tạo một không gian mới trên nền tảng dân gian, kết hợp nhiều văn hoá âm nhạc khác nhau như jazz, world music,...
Cái cốt lõi là màu âm nhạc Việt Nam với hơi thở hiện đại. Gần đây, tôi sáng tác có khuôn khổ (form) nhưng vẫn hướng tới không gian rộng, vượt qua những quy ước truyền thống.
“Tình Đàn" là lời cảm ơn của tôi với nhạc cụ của mình, đó là Đàn Tính.
Làm thế nào để người làm nhạc giữ được quy ước của truyền thống khi đặt vào không gian âm nhạc đương đại?
Đầu tiên phải hiểu cốt lõi truyền thống là gì, thể loại âm nhạc vùng miền của Việt Nam là thế nào và đi sâu vào đó. Những hoa mỹ, luyến láy có giá trị trong âm nhạc Việt đều không nằm ngoài hệ thống ngũ cung. Mỗi vùng miền lại có chất ngũ cung khác nhau. Phải tìm hiểu sâu, sau đó có cách ứng xử hài hòa, tôn trọng và gìn giữ nó, lúc đó thì mới “thích làm gì thì làm" được.
Ví dụ như trong cải lương, phải hiểu chất liệu rung nhấn ở đâu, hoa mỹ như thế nào, để khi đưa chất cải lương vào tác phẩm mới, vẫn giữ những rung nhấn đặc trưng, những đường hoa mỹ đó.
Đi vào chuyên môn thì khá sâu. Ví dụ như trong bài hát “Gọi Em" hát bằng tiếng H'Mông, tôi có gặp nghệ nhân, ghi âm, tự nghe, tự ký âm, từ đó hiểu được người H'Mông hát cung, quãng như thế nào, giọng thật và giọng giả thanh ra sao,...
Khi hiểu tính chất thì mới giữ được quy ước của truyền thống trong không gian âm nhạc mới - được tạo dựng bởi nhạc cụ và màu sắc văn hoá khác nhau. Việc chọn nhạc cụ để phù hợp với không gian âm nhạc cũng rất quan trọng. Ví dụ, khi muốn âm nhạc có không gian mênh mang núi rừng thì có thể chọn nhạc cụ thiên nhiên như sáo, đàn môi kết hợp với vòng hoà âm rộng trong nhạc điện tử. Đó là cách làm của tôi.
Theo anh, có những sáng tạo nào trên chất liệu truyền thống mà người ta dễ làm sai, hoặc hiểu sai?
Nhiều khi, họ gọi một tác phẩm là nhạc đương đại hoặc được lấy yếu tố truyền thống khá dễ dãi. Độ chuyên sâu và thẩm thấu về âm nhạc dân tộc không đủ thì sẽ tạo ra âm nhạc thiên về dòng ngoại lai nào đó, hời hợt. Yếu tố dân gian có ít mà cũng chưa “tới".
Nếu tác phẩm mượn mỗi nơi một tý rồi gọi đó là dân gian đương đại thì rất phù phiếm. Cái gì thuộc về giá trị truyền thống đẹp thì vẫn đẹp. Nếu người ta khai thác nét đẹp đó hời hợt thì tác phẩm không đủ hay, không mang yếu tố văn hoá ở trong đó.
Với tôi, bài nhạc “Đêm qua nhớ bạn" nằm trong album “Hà Nội Duo" là minh chứng cho sự kết hợp giữa hiện đại (Jazz) và truyền thống (dân ca quan họ Bắc Ninh) mà anh đã nói. Tôi đã nghe đi nghe lại tới mức thuộc làu bài nhạc này.
Bản phối đó rất hay và khó. Âm nhạc của tôi có cả những sáng tác mới và những bài hát dân gian ít người nghe. Đôi khi, mình phải làm định hướng giáo dục nghe cho khán giả về không gian văn hoá âm nhạc của mình, bằng cách tạo ra những tác phẩm mới. Tôi muốn hướng người nghe đến những cái mới chứ không phải bài hát nào cũng quen thuộc, hướng đến khán giả. Người nghệ sĩ phải có cái riêng về nghệ thuật.
“Tôi muốn hướng người nghe đến những cái mới..”
Để tạo ra những tác phẩm vừa có tính học thuật, vừa để lại cảm xúc trong lòng người nghe, hẳn chặng đường làm nhạc của anh cũng không hề dễ dàng?
Khoảng thời gian tôi đi du học ở Hà Lan chính là bước chuyển tiếp. Trước đó, tôi chỉ thực hành trên âm nhạc truyền thống, dù biết có những yếu tố đương đại ám ảnh trong người. Thời điểm đó, tôi không biết phải làm như thế nào.
Sang châu Âu, tôi sống trong môi trường nghệ thuật đa dạng, hiện đại. Dần dần, tôi định hướng được mình muốn làm gì trên con đường này. Tôi vẫn chơi nhạc truyền thống nhưng đưa vào nhiều sáng tạo mới mẻ, có tính kết nối rộng chứ không đóng mình lại nữa.
“Chất Việt Nam” và “chất quốc tế” mà anh từng nói đến có thể được miêu tả như thế nào?
Tôi thích những yếu tố thuộc về văn hoá, con người Việt. Tinh thần người Việt phản chiếu lên âm nhạc một cách đa dạng.
Bản chất của âm nhạc dân tộc Việt Nam không đòi hỏi kỹ thuật cao, thay vào đó, cái hay nằm ở những yếu tố dân gian đậm tính bản địa, giàu có về ký ức, tâm tư. Vì thế, để khán giả cảm nhận được một tác phẩm không đơn điệu, cần đưa truyền thống vào một sáng tạo mới và đa chiều, có biến tấu về mặt nhịp điệu, kỹ thuật,..
Đưa nhạc dân tộc vào không gian quốc tế để tạo ra sự cộng hưởng về mặt giá trị, đó là cái khó của người nghệ sĩ.
Cảm ơn nghệ sĩ Ngô Hồng Quang về những chia sẻ rất giá trị!
Hình ảnh: Lam Kiên & Ngô Khôi