Giới phê bình công bố 10 Phim hay nhất 2022: Dĩ hòa vi quý
Trong khi mùa giải Oscar 2023 đã bắt đầu "lăn bánh", thì ở diễn biến khác, các cây bút chuyên môn và báo chí cũng bỏ phiếu bình chọn những tác phẩm danh giá. Dễ nhìn thấy điểm chung của những danh sách này là việc kết hợp hài hòa giữa arthouse và mainstream, từ "Top Gun: Maverick" đến "Tár". Các phim cuối năm như "Babylon" hay "Avatar 2: The Way Of Water" lại không chiếm nhiều ưu thế !
"Decision to Leave" là niềm hy vọng duy nhất của châu Á
Sau khi giành được giải thưởng ở Cannes hồi tháng 5, tới tận tháng 10 tác phẩm của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook mới công chiếu toàn cầu, nhưng rất may hiệu ứng bộ phim mang lại tương đối tiệm cận với sự ủng hộ nhiệt liệt từ giới phê phim trước đó. Bằng chứng là "Decision to Leave" đã nhận được hàng loạt đề cử quan trọng trong đó có giải Tinh thần độc lập Anh, giải Tinh thần Gotham và giải Satellite. Đặc biệt hơn cả, bộ phim lọt Top 5 Phim nước ngoài hay nhất của Ban phê bình phim quốc gia và gần đây nhất là đứng thứ 3 trong danh sách của Rolling Stone, hạng 5 Indiewire, thứ 8 trong danh sách 10 Phim hay nhất năm của thời báo New York, hạng 10 của tờ NME, hạng 12 của Metacritic...
Bộ phim tâm lý tình cảm hạng nặng được nhận định chung là tác phẩm lãng mạn giật gân "làm chủ cuộc chơi của Park" theo lời đánh giá từ The Hollywood Reporter. Thậm chí cây bút David Rooney còn tấm tắc cho rằng khán giả là những người có lợi khi được thưởng thức một phim, dưới bàn tay lão luyện như Park Chan-wook, khi ông điều hướng cốt truyện theo nhiều lớp và mang tới những bất ngờ khó đoán. Không chỉ thành công ở quê nhà (gặt hái hầu hết các giải thưởng quan trọng), "Decision to Leave" còn đang rất tiềm năng khi đại diện Hàn Quốc trong cuộc đua giành một suất đề cử Oscar Phim quốc tế hay nhất.
Phim "nhỏ" phủ sóng Variety, Vanity Fair, Metacritic, Indiewire…
So với các bảng danh sách sở hữu nhiều cái tên "big name", thì ngược lại các biên tập của tờ báo Variety lại lựa chọn những tác phẩm mang dấu ấu diễn xuất. Điển hình là bộ phim arthouse doanh thu hạn hẹp "Tár" của đạo diễn Todd Field chiếm vị trí dẫn đầu trong tất cả bảng bình chọn vì một lý do tưởng đơn giản nhưng lại hiệu quả không ngờ: hầu như bộ phim đều khiến cho chúng ta tin rằng nhân vật chính - nữ nhạc công tài hoa nhiều tật Lydia Tár thật sự tồn tại. Nhưng tất cả đều nhờ vào vai trò biên kịch và diễn xuất thượng thừa của Cate Blanchett - ứng cử viên sáng giá nhất cho tượng vàng Oscar hạng mục Diễn viên nữ chính. Mặc dù "Tár" không thành công thương mại, có nhiều yếu tố nghệ thuật cao siêu mà chắc chắn khán giả lẫn Viện hàn lâm AMPAS sẽ cần khám phá và cổ vũ.
Ngoài "Tár", Variety còn vinh danh "Holy Spider" và "Good Luck To You, Leo Grande" hai trong số những phim có phần diễn xuất nổi trội ở bảng nữ. Cụ thể trong "Holy Spider" của Ba Tư, nữ diễn viên Zar Amir Ebrahimi thủ vai phóng viên đi tìm sự thật về tên sát nhân hàng loạt chuyên nhắm vào gái điếm; hay trong "Good Luck To You, Leo Grande" hiện lên vẻ đẹp tinh tế từ hình thức đến nội dung của nữ diễn viên Emma Thompson khi cô vào vai một quý bà cô đơn tuổi về già, đi tìm tình một đêm với chàng trai bao trẻ tuổi...
Chỉ có "The Batman" là tác phẩm đồ sộ duy nhất trong danh sách của Variety, bộ phim thu về 770 triệu USD và do ngôi sao Robert Pattinson thủ vai chính, ra mắt vào tháng 3 - thời điểm các rạp phim còn chưa thật sự hoạt động một cách bình thường. Thế nhưng bộ phim vẫn tạo được dư chấn nhờ là "chiến binh" đầu tiên trong công cuộc vực dậy đời sống sinh hoạt bình thường của hệ thống rạp chiếu bóng khắp nước Mỹ.
Một trong những trang đánh giá phim uy tín và lớn nhất hiện nay - Metacritic, cũng đã công bố danh sách các tác phẩm có điểm phê bình cao nhất, cũng như được nhắc đến nhiều nhất năm qua. Thứ tự khá bất ngờ với vị trí đầu bảng thuộc về một phim độc lập kinh phí thấp, lại là phim đầu tay "Aftersun" kể về tình cha con đứt đoạn; vị trí thứ hai thuộc về "Tár" với điểm số 91; "Top Gun: Maverick", ""Everything Everywhere All at Once", "EO"... lần lượt ở các vị trí tiếp theo.
Trang điện tử Indiewire cũng có những lựa chọn thiên về dòng phim nghệ thuật, với tác phẩm đầu tay kinh phí dưới 1 triệu USD - "Aftersun" ở vị trí dẫn đầu, theo sau là "Tár" và "Everything Everywhere All at Once"; trong khi bộ phim về thời thơ ấu của đạo diễn gạo cội Steven Spielberg là "The Fabelsmans" chỉ chiếm thứ 10…
"RRR" cùng điểm sáng của phim hành động bom tấn
Trong khi vị trí quán quân của Esquire - một tạp chí nam giới nổi tiếng, thuộc về bộ phim tình cảm lãng mạn ra mắt từ năm ngoái "The Worst Person in the World", thì lần lượt ba vị trí đầu bảng đều dành cho các phim Bắc Mỹ có doanh thu "khủng" bao gồm hạng 2 "Everything Everywhere All at Once" thu về 100 triệu USD; hạng 3 "RRR" thu về khoảng 180 triệu USD; hạng 4 "Top Gun: Maverick" áp đảo 1,5 tỷ USD. Cả ba phim đều những câu chuyện bên lề cực kỳ hấp dẫn.
Thành công của "Everything Everywhere All at Once" là điều bất ngờ đến từ bộ đôi Daniels, khi phim không có ngôi sao và ra mắt vào thời điểm mọi người đều đang bận tâm với lễ trao giải Oscar. Thế nhưng câu chuyện đa vũ trụ được xử lý thông minh, tài tình và diễn xuất của cả dàn diễn viên đã giúp tác phẩm tạo được dấu ấn, kéo dài từ tháng 2 tới tận cuối năm. Cụ thể, "Everything Everywhere All at Once" vừa giành được 6 giải tại Hiệp hội phê bình phim Hollywood; giải Phim và Nữ chính tại Hiệp hội phê bình phim quốc gia; 6 đề cử quan trọng tại Satellite cùng nhiều thứ hạng cao trong Top 10 Phim (hạng nhất của TIME, Empire...).
Câu chuyện của "Everything Everywhere All at Once" xoay quanh làn sóng châu Á ở Hollywood, còn "RRR" tạo ra dấu ấn Bollywood một cách bất ngờ chẳng kém. Bị mặc định chỉ là phim thương mại thuần túy, "RRR" không mấy được báo chí nhắc tới dù thành công vang dội phòng vé đầu năm nay, do bàn tay của đạo diễn "triệu đô" S. S. Rajamouli dàn dựng. Với kinh phí trung bình 70 triệu USD, nhiều đại cảnh hoành tráng, dàn diễn viên quần chúng thuộc hàng "khủng" cùng các pha hành động độc lạ đẹp mắt, "RRR" sở hữu một loạt thành tích khiến bất kỳ ai cũng phải tò mò: giải Đạo diễn tại Hiệp hội phê bình phim New York, Top 10 phim của Hiệp hội phê bình phim quốc gia... Câu chuyện đơn giản nhưng khắc họa sâu sắc tình thân, sự nghĩa hiệp và lý tưởng của cái thiện đã giúp "RRR" trở thành điểm sáng khác biệt mùa tổng kết cuối năm.
Con số biết nói của "Top Gun: Maverick" gần như đã minh chứng mọi thứ: sự chín muồi! Tom Cruise đã từng tìm đường đến vinh quang qua "Top Gun" gần 30 năm trước, để rồi khi trở lại với một phần phim không ai ngờ tới, Tom đã cùng đạo diễn Joseph Kosinski làm nên thước phim có tính sử thi, vừa hoài niệm, vừa hướng về tương lai bằng nhiều cung bậc cảm xúc. Khá nhiều nhà phê bình đặt cược chiến thắng Oscar cho "Top Gun: Maverick", tuy chỉ ở các hạng mục kỹ thuật, song với bộ phim, lọt vào những bảng bình chọn của báo giới cũng là một niềm khích lệ không nhỏ.
"The Northman" giành được vị trí trong Top 10 của tờ Esquire là một bất ngờ khi các cây bút của tạp chí này bỏ qua rất nhiều phim hấp dẫn khác như "The Batman" hạng 20 hay "Glass Onion: A Knives Out Mystery" hạng 29, "Black Panther: Wakanda Forever" hạng 32 và đặc biệt hai phim ứng viên Oscar là "The Banshees of Inisherin" hạng 31 và "The Fabelmans" hạng 30. Vị trí Top 10 thật sự là lời tri ân cho "The Northman" khi cuốn phim hành động mang đầy dấu ấn nghệ thuật của đạo diễn Robert Eggers chỉ mang về gần 70 triệu USD doanh thu so với gần 90 triệu USD kinh phí bỏ ra, tức là lỗ nặng dù quy tụ dàn sao đình đám như Nicole Kidman, Anya Taylor-Joy, Alexander Skarsgård...
Tờ Time Out cũng dành sự tôn vinh cho "Everything Everywhere All at Once" hạng 10; "Top Gun: Maverick" hạng 2 và "The Northman" hạng 3, bên cạnh các tác phẩm tâm lý xã hội như "The Banshees of Inisherin" hạng 6 hay "Aftersun" hạng 4...
Như đã nói ở trên, hai cuốn phim: "Babylon" (23 tháng 12) và "Avatar: The Way of Water" (16 tháng 12) tuy được đầu tư kinh phí khổng lồ, kết hợp với dàn sao và kỹ xảo bắt mắt nhưng do ra mắt khá muộn, lại không tham gia các Liên hoan phim trước đó nên không tạo được hiệu ứng. Đạo diễn James Cameron (phim Avatar) dường như hiểu được điều này nên đã nỗ lực sử dụng các câu chuyện kỹ thuật để giúp phim gây chú ý hơn, khiến phim lọt vào danh sách Top 10 của Viện phim Mỹ, cùng "The Woman King", "She Said", "Nope"… những tác phẩm có màu sắc chính trị nhưng ít thấy ở các danh sách khác…