Điều gì khiến Hà Anh Tuấn và Yiruma tìm thấy tiếng nói chung trong âm nhạc?
Những bài đăng thông báo Yiruma sẽ là một trong những khách mời biểu diễn cùng Hà Anh Tuấn nhận hàng ngàn lượt yêu thích, cùng chia sẻ tích cực của khán giả trong và ngoài nước. "Nhạc sĩ thể hiện nhiều cảm tình với âm nhạc Việt Nam và còn sáng tác ca khúc mới để biểu diễn cùng tôi. Chúng tôi có buổi thu âm cho nhạc phẩm này tại một studio ở Seoul, Hàn Quốc", ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ.
Điểm chạm giữa đại chúng và hàn lâm
Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, Yiruma bắt đầu tiếp xúc với piano từ năm 5 tuổi và được đào tạo bài bản tại Anh Quốc. Dưới sự dẫn dắt của những nhà sư phạm âm nhạc hàng đầu tại Purcell School of Music và King’s College London, anh sớm khẳng định được vị trí của mình. Tuy nhiên, thay vì đi theo con đường cổ điển truyền thống, Yiruma lựa chọn một hướng đi riêng cho âm nhạc của mình, bằng cách viết nên những giai điệu dung dị, gần gũi nhưng chất chứa chiều sâu. Bằng việc kết hợp tinh tế giữa yếu tố cổ điển và đại chúng, Yiruma đã vượt qua những lằn ranh cũ, vươn mình trở thành biểu tượng dương cầm của thời đại.
Trong khi đó, Hà Anh Tuấn đã không còn xa lạ với khán giả Việt qua hình ảnh “người làm nhạc tử tế”. Trong suốt gần 20 năm làm nghệ thuật, đó là một hành trình đường dài và mặc dù thích hay không, người ta đều biết đến sự độc nhất của Tuấn trong âm nhạc, sự tinh tế, lịch thiệp trong cách xử lý bài hát lẫn cung cách làm nghề. Sự ghi nhận dành cho Tuấn vừa thể hiện qua cảm tình của khán giả - thứ không thể đo lường, tới những con số và giá trị truyền thông - văn hoá mà Tuấn cố gắng lan toả ở loạt liveshow và dự án trong 10 năm trở lại đây, có thể kể tới Fragile (2017), Sweet Memories (2018), Những vết thương lành (2022), Chân trời rực rỡ (2023),...
Sự nhất quán và tinh thần “người làm nhạc tử tế” đã trở thành dấu ấn của Hà Anh Tuấn. Liveshow Chân trời rực rỡ (2023) với huyền thoại từng đoạt giải Grammy Kitaro là một cột mốc ấn tượng trong hành trình gần hai thập kỷ của anh. Giờ đây, sự kết hợp với Yiruma không chỉ là một biểu tượng của nhạc cổ điển đương đại mà còn của văn hóa đại chúng tiếp tục khẳng định tầm nhìn dài hạn và uy tín của nam nghệ sĩ. Nhưng lần này, họ không chỉ tái hiện những ca khúc kinh điển, mà còn cùng nhau viết nên những giai điệu mới. Đó là một lựa chọn thông minh, ý nghĩa và đầy quyết liệt, biến hành trình âm nhạc thành cả một “cuộc chơi toàn cầu” lẫn sứ mệnh sáng tạo không ngừng – điều mà một nghệ sĩ thực thụ luôn ý thức gìn giữ.
Trực giác trong nghệ thuật
Được biết đến là một người có tính toán chiến lược và thiên về khoa học tự nhiên, Hà Anh Tuấn có phần đối lập với tính ngẫu hứng mà chúng ta thường gán cho những người nghệ sĩ. Tuy nhiên, đối với anh thì trực giác lẫn lý trí là hai yếu tố luôn song hành. Anh chia sẻ: “Ta có thể học hỏi, cập nhật về công nghệ, kỹ thuật trình diễn hiện đại thôi, chứ cảm xúc thì phải biết lắng nghe mình và thật thà. Đó là một điều may mắn cuộc đời ban cho mình, phải biết tận hưởng cả buồn vui, điên tỉnh khi hát.”
Song song, Yiruma có một sự nghiệp rực rỡ, giao thoa hoàn hảo giữa chất kinh viện cùng sức hút đại chúng. “Tôi thường để cảm xúc dẫn dắt,” Yiruma giải thích. “Ví dụ, ca khúc ‘The River Flows in You’ được gợi cảm hứng từ quảng cáo cho Riverdance trên TV, khi đó, tôi cảm thấy cách họ nhảy rất giống với những chuyển động tay lướt trên các phím đàn.”
Tình yêu cũng là chủ đề phổ quát trong âm nhạc của hai nghệ sĩ. “'River Flows In You' và 'Kiss The Rain' được viết khi tôi mới ngoài 20,” Yiruma chia sẻ trên Zone Out. “Tôi có nhiều cảm xúc với đề tài này, nhất là khi còn trẻ. Đó là lý do hầu hết các tác phẩm đầu tay của tôi đều rất lãng mạn, hoài niệm, tình cảm.” Các nhạc phẩm của Yiruma tạo cơn sốt châu Á một thời, chứng minh tầm ảnh hưởng của Yiruma đến văn hoá đại chúng.
Tính hướng thiện trong âm nhạc
Khi nhắc tới nhạc cổ điển, có một lằn ranh mong manh giữa giới hạn cổ điển với cảm thụ đại chúng. Phá vỡ tháp ngà xa xỉ đó, Yiruma cho rằng, “âm nhạc là để nâng đỡ cảm xúc cho mọi người và thay đổi họ.” Anh chia sẻ trên Classical Post: “Nhạc tôi viết dành cho tất cả mọi người. Có người chia sẻ rằng sau khi nghe nhạc của tôi, họ cảm thấy tốt hơn. Điều đó chứng minh giá trị hướng thiện trong âm nhạc.”
Với Hà Anh Tuấn, hành trình của anh vừa đong đầy cảm xúc, vừa là sự tính toán chiến lược thông minh của người nghệ sĩ. Anh chia sẻ về những chặng đường âm nhạc của mình: “‘Cafe-in-concert’ là câu chuyện của 10 năm đầu, khi mọi chất liệu âm nhạc đều sinh ra quanh ly cà phê, dù độ ngọt đắng tùy từng lúc. Với Fragile, đây là câu chuyện của một người để nói thay nhiều người, thậm chí một thế hệ. Hiện đại, lãng mạn, hết mình nhưng mong manh. Romance là câu chuyện sẻ chia những ký ức tuổi thanh xuân.” Thứ khiến một bản nhạc bám trụ trong lòng người nghe không chỉ vì nó hay, nó đẹp, mà chính là sức hút từ thông điệp từ người nghệ sĩ, khiến âm nhạc giữ vững giá trị, có thể trường tồn theo dòng chảy thời gian.
“Hạnh phúc lớn nhất của một con người là biết ơn.” Đó cũng là giá trị cốt lõi trong hành trình nghệ thuật của Hà Anh Tuấn – khi anh chọn trở về Ninh Bình để tổ chức liveshow Chân trời rực rỡ, hay mang những cánh hồng từ nghệ nhân Việt vươn ra những thành đường âm nhạc quốc tế trong Sketch a rose. Tựu trung, âm nhạc đâu chỉ là những bản hit hay những giá trị nhất thời, mà nhìn rộng ra, đó còn là sự trở về nguồn cội, rồi tiếp nối cảm hứng không ngừng.
Live concert Sketch a Rose của Hà Anh Tuấn sẽ diễn ra ngày 8-9/3 tại TP HCM, cùng nghệ sĩ khách mời là Yiruma, Lam Trường, Quang Hùng MasterD và hơn 150 nghệ sĩ khác.