Love & Life

Valentine's Day: Nồng nàn và bạo liệt, ba mối tình kinh điển của ba nhà văn nổi tiếng

Văn nhân, thi nhân và những mối tình đi vào kinh điển, nhưng, chẳng phải trên trang sách hay trong từng dòng thơ, mà chính từ cuộc đời thật của họ. Những nồng nàn lãng mạn, sóng đôi với cả mãnh liệt và bạo tàn hơn bao giờ hết. 

collage people person adult bride female woman male man portrait

Bên cạnh những tác phẩm để đời, độc giả vẫn luôn hướng ánh nhìn tò mò vào cuộc đời và mối tình của những nhà văn. Phải chăng một điều vốn đẹp đẽ và đầy đam mê như tình yêu khi được đặt vào trái tim của văn sĩ lại càng thêm mê hoặc và quyến rũ hơn bao giờ hết? Hay chính vì cái chất nghệ sĩ, những mộng tưởng si cuồng, những kỳ vọng lớn lao đậm chất thơ ca họ dành cho nhau đã góp phần tô màu thắm rực cho tình yêu của họ dành cho nhau, đồng thời cũng phủ lên tình yêu ấy những bạo tàn đau đớn nhất.

Ernest và Martha

person dancing leisure activities

“Hoặc em là phóng viên trong cuộc chiến này, hoặc là người phụ nữ của tôi”

Bức thư vỏn vẹn vài chữ đã thúc đẩy Martha Gellhorn, người vợ thứ ba của nhà văn Ernest Hemingway đồng thời là một trong số những nữ phóng viên chiến trường đầu tiên và cũng thuộc số những nhà báo phóng sự giỏi của thế kỷ 20, quyết định dứt khoát việc theo đuổi đam mê và từ bỏ tình yêu của mình với Hemingway, chấm dứt cuộc hôn nhân chóng vánh của họ kéo dài trong 4 năm. Sau khi chia tay Martha, Hemingway đã kết hôn lần thứ tư với Mary Wels.

Năm 1936, Hemingway lần đầu gặp Martha trong quán bar có tên Naughty Joe. Khi ấy nàng tóc vàng, thông minh, từng lời nàng nói ra đều sâu sắc và cá tính khiến cho nhà văn đại tài rung động ngay lập tức. Họ cưới nhau vào năm 1940, cùng chu du qua nhiều vùng đất từ Tây Ban Nha, Phần Lan, Pháp, Indonesia, Trung Quốc. Tiểu thuyết Chuông Nguyện Hồn Ai chính là món quà đời đời Hemingway đã dành cho Martha của đời mình. Đó cũng là tác phẩm đã đem đến vinh quang sáng chói nhất cho nhà văn.

Những tưởng rằng mối tình hoà hợp, viên mãn của họ sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng với tính cách sôi nổi và độc lập của mình, Martha đã khiến cho Hemingway khó chịu vô cùng và rạn nứt đã bắt đầu xảy ra. Trong khi Hemingway chỉ muốn tận hưởng cuộc sống và tình yêu của mình trên những chiếc ca-nô và buổi chiều thưởng ngoạn rượu vang thì Martha vẫn quyết tâm dấn thân vào những nơi khói lửa để theo đuổi nghề nghiệp phóng viên chiến trường của mình. Năm 1944 họ chính thức chia tay, Martha vẫn tiếp tục dùng ngòi bút của mình để viết về số phận con người trong khói lửa, Hemingway vẫn tiếp tục làm nhà văn và mang trong lòng niềm tự hào vì cũng đã một lần chinh phục được “người phụ nữ tham vọng nhất trong số những người đã sống trên đời này.”

Bức tranh lãng mạn về một Martha 29 tuổi và Hemingway 37, cùng với 50 đô la trong túi đi đến Tây Ban Nha vào năm 1937 vẫn luôn là hình ảnh tuyệt đẹp cho tình yêu đầy nhiệt huyết và đồng điệu. Thế nhưng chẳng ai có thể vứt bỏ cái tôi của mình vì tình yêu dành cho nhau. Cũng có lẽ vì khởi đầu đẹp đẽ như những bài thơ ấy mà những năm sau khi li dị, Ernest và Martha vẫn luôn dành tình cảm và những lời tốt đẹp cho nhau. Và có chăng cũng chính vì tính cách độc lập, cứng cỏi của nhau mà họ đã cuốn hút lấy nhau ngay từ phút đầu như thế.

Scott và Zelda

“Nàng là cô gái đẹp nhất mà tôi từng gặp trong đời”

Francis Scott Fitzgerald, thiếu úy thuộc Trung đoàn bộ 67, đã gặp người phụ nữ của đời mình, Zelda Sayre tại tại một quán bar của thành phố Montgomery, bang Alabama, năm 1918. Ngay lập tức, chàng thiếu uý trẻ tuổi đã bị hoa khôi của bang cuốn hút từ cái nhìn đầu tiên. Zelda khi ấy tuy luôn được vây quanh bởi những lời tán dương và tung hô cũng đã chú ý ngay đến Scott Fitzgerald, những kẻ ve vãn xung quanh dường như tan vào hư vô. Cặp đôi lao vào nhau như những con thiêu thân và nhanh chóng trở thành những ông hoàng bà chúa trong mọi buổi tiệc tùng xa hoa, thâu đêm suốt sáng, sôi động bậc nhất. Nàng trở thành nàng thơ, nguồn cảm hứng bất tận của chàng. Chàng vì nàng mà viết lên những áng văn đem lại vinh quang, dù rằng mục đích ban đầu của chúng cũng chỉ để kiếm tiền chiều chuộng, phục vụ của nàng thơ Zelda của mình.

Vào năm lần đầu gặp nhau đó, Zelda Sayre tròn mười tám tuổi, là con út trong một gia đình danh giá, được ba mẹ yêu thương và sống cuộc đời không phải lo lắng, một hình ảnh kiểu mẫu của Golden Age, một nàng thơ truyền cảm hứng làm nên Daisy trong The Great Gatsby, như theo Parul Sehgal của The New York Times đã nói: "Tôi mơ hồ thấy được cô ấy là nguyên mẫu cho những nữ anh hùng đáng yêu, liều lĩnh trong tác phẩm của Fitzgerald. Ông ấy cũng đã dựa vào Zelda để xây dựng nên nhân vật Daisy trong Đại gia Gatsby". Từ bé, Zelda tiếp xúc với những môn nghệ thuật tinh hoa, múa ba lê, vẽ, đàn và khiêu vũ. Nàng không muốn làm việc, nàng chỉ muốn cuộc sống là một “hội hè miên man” và nàng đã gặp nhà văn Scott Fitzgerald.

Ngày 3/4/1920, lễ cưới được cử hành tại thánh đường Saint Patrick ở New York. Mọi người tề tựu đông đủ chỉ riêng bố mẹ cô dâu là không đến vì họ vẫn cho rằng nhà văn khi đó không xứng đáng với gia tộc và con gái họ. Dù rằng lúc này con đường văn nghiệp của Scott Fitzgerald ngày càng khởi sắc. Truyện ngắn của ông bán chạy và thậm chí còn được hãng phim Metro Goldwyn Mayer Pictures xin mua bản quyền để chuyển thể thành phim.

Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn yên bình trước giông bão. Vì tiệc tùng liên miên và ảnh hưởng của rượu, ngòi viết của Scott dần bị mài mòn và sa sút vì trạng thái luôn ngầy ngật, không tỉnh táo của mình. Zelda bắt đầu có những màn ghen tuông cùng các  dấu hiệu của chứng hoang tưởng và rối loạn tâm thần. Bà bắt đầu chuốc rượu chồng nhiều hơn để cản trở việc viết lách, gây chuyện với những người phụ nữ ở gần chồng cốt chỉ để làm Scott lao tâm khổ tứ mà xao nhãng viết văn. Bạn thân của Scott lúc bất giờ là Hemingway đã chỉ trích Zelda vô cùng gay gắt với những lời lẽ cay nghiệt nhất, rằng bà đã “hủy hoại một văn hào xuất sắc bậc nhất của nước Mỹ”, đổi lại Zelda cũng chửi rủa người bạn của chồng mình không thương tiếc.

Quan hệ giữa hai vợ chồng họ càng căng thẳng hơn, khi cả hai bắt đầu ngoại tình và đổ lỗi cho đối phương đã làm huỷ hoại đời mình. Zelda cáo buộc Scott lấy những lời bà viết trong nhật ký làm chất liệu cho văn của mình. Bà thậm chí còn đổ lỗi cho Scott đã cản trở con đường trở thành văn sĩ, thậm chí hoạ sĩ của mình. Về sau, các nhà nghiên cứu đều cho rằng những bức vẽ và cả những bản thảo của Zelda đều không hề tệ. Đồng thời quả đúng là nhà văn The Great Gatsby đã thật sự "vay mượn" vài tư tưởng của vợ mình để cho vào tác phẩm. Về phần mình, Scott dần dần không thể chịu được nỗi đau khi có người vợ lăng nhăng và ngày càng cuồng loạn. Những căng thẳng cứ leo thang mãi giữa cặp đôi nhưng họ vẫn chẳng thể tách rời đời nhau ra. Cho đến khi nhà văn qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim vào ngày 21/12/1940, trong căn hộ của Sheila Graham tại Hollywood. Khi ấy nhà văn chỉ mới 44 tuổi. Tám năm sau, Zelda, nàng thơ một thuở của Scott Fitzgerald cũng đã chết cháy trong bệnh viện nơi bà đang nằm điều trị bệnh tâm thần.

Một vỹ thanh buồn của một mối tình đẹp nhất và dữ dội nhất trong lịch sử văn chương.

 

Sylvia Plath - Ted Hughes

face head person photography portrait adult male man female woman

"Nhưng khi nụ hôn trườn xuống cổ, tôi đã cào thật mạnh vào má anh, khiến máu chảy thành dòng trên mặt".

Năm 1956, khi Sylvia Plath vẫn chưa được ai biết đến, Ted Hughes đã là một nhà thơ nổi tiếng, đó cũng là lần đầu tiên gặp nhau tại Cambridge trong một bữa tiệc ra mắt tạp chí St. Botolph's Review. Sylvia Plath vì muốn chiếm được sự chú ý của Ted, nhà thơ mà bà vô cùng ngưỡng mộ khi ấy, mà đã đọc to bài thơ của ông. Và tất nhiên, Ted Hughes ngay lập tức đã không thể ngó lơ cô gái trẻ xinh đẹp và láu lỉnh ấy.

Chuyện tình của họ không chỉ lãng mạn, mà theo những bút tích để lại nó còn nhuốm màu tăm tối, bạo lực nhưng lại đem đến thoả mãn cho cả hai. Dường như đó chính là chất kích thích neo giữ hai tâm hồn nghệ sĩ gắn kết bên nhau. "Anh hôn lên trán, rồi mãnh liệt tìm xuống môi và xé toạc dải băng đô trên đầu tôi... Nhưng khi nụ hôn trườn xuống cổ, tôi đã cào thật mạnh vào má anh, khiến máu chảy thành dòng trên mặt".

Sylvia Plath là nguồn cảm hứng bất tận của Ted, còn Ted đã đỡ sự nghiệp của Sylvia. Một cặp đôi vàng trong những năm đầu hôn nhân của họ. Một tình yêu lãng mạn và nồng cháy đến độ ai cũng phải ghen tỵ khi nhìn vào. Tiến sĩ Gabriel Heaton, chuyên gia nghiên cứu lịch sử và văn học Anh của Sotheby's đã nói về những bức thư mà Plath viết cho Hughes vào tháng 10/1956 đến năm 1961 như sau: “Những bức thư cho thấy mối quan hệ tình cảm sâu sắc của Plath và Hughes từ những ngày chớm nở. Người con gái ấy đã vui mừng như thế nào về một tương lai xán lạn có nhau. Độc giả hẳn sẽ đồng cảm với cảm xúc mãnh liệt ấy, cũng như những ‘phản ứng hóa học’ diễn ra khi hai người cùng nhau sáng tác văn chương.”

Nhưng ngọn lửa yêu ấy nơi Ted đã sớm cháy lan sang cả người đàn bà khác. Đó là vào năm 1961, Ted đã phải lòng Assia Wevill, một phụ nữ gốc Đức đã có ba đời chồng. Thảm kịch xảy ra chỉ sau vài tháng sau khi Quả Chuông Ác Mộng của Sylvia Plath được ra mắt vào năm 1963, bà đã quyết định tự sát bằng khí gas vì không vượt qua nổi nỗi đau đớn khi thấy chồng ngoại tình.

Ted sau cái chết của Sylvia Plath cũng đã kết hôn với chính nhân tình. Điều đó khiến dư luận phẫn nộ, gán cho ông những cái tên cay nghiệt nhất và thậm chí còn xoá tên của Ted ra khỏi bia mộ của Sylvia Plath. Nhưng cuộc hôn nhân tội lỗi của Ted và Assia cũng chẳng suôn sẻ hay hạnh phúc. Assia cũng chọn cách ra đi như Sylvia, chỉ khác nhau ở chỗ bà đã dùng thuốc ngủ để quyên sinh, thậm chí giết chết cả đứa con chung của bà và Ted. Và bi kịch vẫn chưa dừng lại, nỗi đau đớn và cơn ám ảnh ấy kéo dài đến cả hậu thế. Khi vào năm 2009, con trai của Ted và Plath cũng treo cổ tự tử tại nhà riêng.

 (Dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau)

Tags

Related Articles

Recommended posts for you