Love & Life

#TeachersDay: Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức và góc nhìn khi đứng ngoài dòng chảy văn hoá

Một góc nhìn tự do. Tự do để chiêm nghiệm về những giá trị văn hoá, về những biến động của thời gian, để rồi tri nhận và thấu hiểu về ngọn nguồn của tất thảy. 

blazer coat jacket formal wear suit photography person portrait adult man

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức là người đã làm nên tác phẩm khảo cứu Ngàn Năm Áo Mũ được xuất bản năm 2013. Đây có thể xem là quyển sách đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về trang phục của 1000 năm lịch sử, bắt đầu từ thời Lý đến thời Nguyễn. Đến năm 2022, Trần Quang Đức tiếp tục cho ra mắt “Chuyện trà-Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt”, vẫn là thủ pháp mượn một hình ảnh, một tập tục quen thuộc để nói lên tinh thần, tư tưởng của người Việt Nam. Bên cạnh những công trình nghiên cứu đồ sộ, Trần Quang Đức cũng là dịch giả của các tác phẩm “Trà kinh” (2008), “Chuyện tình giai nhân” (2011)“Trường An loạn” (2012). Song song với danh xưng nhà nghiên cứu và tác giả, Trần Quang Đức còn là một người thầy giảng dạy Hán Nôm và tư tưởng phương Đông.

dress fashion formal wear gown advertisement person poster adult female woman

Trò chuyện và tiếp xúc với “thầy Đức” ở cương vị thầy giáo sẽ khiến ta thay đổi, thậm chí cởi bỏ được nhiều định kiến vốn tồn tại từ lâu trong tâm thức. Buổi đàm đạo với thầy dường như không có chỗ cho những góc nhìn một chiều. Không cổ suý cho những cực đoan hay phân định rạch ròi đúng sai. Thầy liên tục nhấn mạnh rằng hãy luôn chọn một chỗ đứng bên cạnh dòng chảy, thay vì để tư tưởng và bao chiêm nghiệm bị trôi dạt vô định trong sự chuyển động không ngừng ấy. Khi tâm tưởng ta không còn bị giới hạn bởi những thiên kiến, ta mới có thể tự do để tìm về cội nguồn, để hiểu chính mình, để biết ta là ai khi bước chân ra khỏi lằn ranh biên giới. 

formal wear suit coat jacket blazer tie person portrait adult man

Ta hãy nhìn thẳng vào câu chuyện “giải bài toán dân tộc.”

Được biết thầy vốn là người nghiên cứu và viết sách. Cơ duyên nào dẫn thầy đến con đường dạy học?

Nó cũng đến từ nhiều nguyên do. Nhưng có lẽ tôi nghĩ mình là người lan toả và kết nối.

Theo em hiểu là lan toả kiến thức nhưng kết nối là kết nối điều gì, thưa thầy?

Nói hơi dông dài một chút. Đầu tiên, bản thân tôi là người thích nghiên cứu, nhờ cổ văn tôi đọc được nhiều pho sử cổ, khai thác được những thông tin mới lạ, ít hoặc chưa được nhắc đến. Tỉ như lâu nay, hễ nói về Nguyễn Trãi, người ta thường chỉ biết có Bình Ngô Đại Cáo, Côn Sơn ca, Nguyễn Du có Truyện Kiều, hay thậm chí như Cao Bá Quát, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, tên nghe thì quen đấy, nhưng đời sống thế nào, tư tưởng ra sao, hầu như không mấy người biết rõ.

Trong khi mỗi cái tên là một đời sống, một tinh thần, một dấu tích văn hoá. Tôi so sánh một chút với các quốc gia khác ở điểm này. Như bạn thấy, ở nước ta chỉ có một vài bảo tàng, và hầu hết mang nặng âm hưởng quân sự, chiến tranh, trong khi ở một số nước khác, họ có vô số Nhà tưởng niệm cho từng nhân vật lịch sử đặc biệt, thú vị, cung cấp thông tin rõ ràng về đời sống, tư tưởng, với những di vật cùng vô số ghi chép, thơ văn của từng nhân vật qua các thời kỳ. Từ đó để lại dấu tích, tạo thành sự kết nối mang tính văn hoá. Trong khi ở nước mình, ngoài những tên tuổi gắn với con đường, ngôi trường, ngoài những câu chuyện lịch sử hướng tới hun đúc tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, các thế hệ người Việt hiện đại dường như đã mất kết nối với tầng lớp trí thức trong quá khứ. Những đề tài tôi nghiên cứu, viết lách, có thể thông qua phục trang, ẩm thực, danh tính v.v. để bàn về lịch sử, nhưng đằng sau là tinh thần, là tư tưởng. Và lịch sử ở đây không chỉ có các cuộc chiến tranh, mà còn vô vàn những khía cạnh văn hoá, đời sống xã hội v.v. Bài toán đặt ra cho ngày hôm nay, chính là kết nối với những nét đẹp trong văn hoá truyền thống, làm hành trang cho thế hệ trẻ xây dựng hiện tại và bước vào tương lai.

Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ chỉ viết sách. Nhưng dần dà tôi nhận thấy viết sách thôi chưa đủ, cần có những buổi học, tương tác trực tiếp thì sức lan toả mới rộng hơn, đó là một trong những lý do tôi đi dạy. Sau một thời gian, tôi lại thấy dạy học cũng chỉ là một phần công việc thôi, giờ có rất nhiều nền tảng mạng xã hội, sách nói, đều có thể là những phương tiện hữu ích để sẻ chia và lan toả giá trị hay đẹp từ lịch sử, văn hoá.

Khi mới bắt đầu giảng dạy với chương trình đầu tiên là văn tự Hán – Nôm, thầy có lo lắng rằng bộ môn sẽ không được nhiều người hưởng ứng hay đón nhận không?

Đây là một trong những cơ duyên nữa để tôi quyết định đi dạy.

Như tôi chia sẻ, ban đầu tôi chỉ quan tâm nghiên cứu, viết sách. Với tôi, Hán Nôm cũng như bất kỳ ngoại ngữ nào, chỉ là công cụ để ta đăng nhập vào thế giới tư tưởng, tinh thần của một cộng đồng mà thôi. Khi ta đọc sách báo trong vòng trăm năm trở lại đây, ta thu nạp và tri nhận thế giới thông tin được gây dựng, truyền bá thông qua hệ thống văn tự Quốc ngữ, trước đó toàn bộ thông tin lưu truyền qua suốt mấy nghìn năm là chữ Hán, chữ Nôm. Nghĩa là khi chuyển sang văn tự mới, ta chỉ đang đọc bản dịch  đã được gạn lọc và lựa chọn, nhiều khi mang tính mục đích của thời đại. Nhưng khi có chìa khoá để đấu nói trực tiếp với nguồn tin nguyên bản, ta có tầm nhìn rộng hơn và bao quát hơn. Tỉ như Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều còn mấy nghìn bài thơ chữ Hán. Bên cạnh một Nguyễn Du đau đời, đau người, còn có một Nguyễn Du lãng tử, hào hoa, phóng khoáng, một con người biết chơi, và có chất chơi.

Thì đấy, khi tôi chia sẻ những thông tin đó thì có một số lượng lớn các bạn nói rằng hay quá, Hán Nôm bổ ích quá và gợi ý tôi dạy học. Và thế là từ năm 2014 là tôi bắt đầu mở những lớp học đầu tiên, ban đầu là giảng dạy văn tự cùng văn hóa chữ Hán Nôm, sau đó là tư tưởng phương Đông, căn tính văn hoá Việt, tinh tuý thi ca trung đại Việt Nam v.v.

Nếu thế ta có thể thấy giới trẻ rất quan tâm đến văn hoá, vậy lỗ hỏng đến từ đâu, theo thầy

Ta hãy nhìn thẳng vào câu chuyện “giải bài toán dân tộc.”

Trước đây bài toán mà dân tộc ta phải đối diện và đưa ra cách giải đó là chiến tranh, và bây giờ chiến tranh đã qua rồi, nhưng dư âm của bài toán ấy vẫn còn ở lại, một cách bền vững. Trong khi thời thế luôn biến động, với nhiều bài toán mới, chứ không phải loay hoay mãi với bài toán chiến tranh nữa.Thế hệ ông bà ta trong cả trăm năm phải đối mặt với chiến tranh thì mọi thứ từ lịch sử, văn hoá, giáo dục, đều phải hướng đến mục tiêu duy nhất đó là xây dựng khối đại đoàn kết, chống giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước, đề cao chủ nghĩa anh hùng v.v.

Bài toán giờ đây là hội nhập, là kinh thương đa quốc gia, tăng cường tự do cá nhân đi cùng sức sáng tạo, đổi mới, ta cần có thêm nhiều cách giải mới,. Trong khi đó bạn có thể thấy những gì mà đài báo, chương trình văn sử nói đi nói lại vẫn mang đậm màu sắc thời chiến.

Bài toán thời nay là làm cách nào mình lôi được từ trong văn hoá bản địa, truyền thống, những điều hay đẹp, tư tưởng, phương châm sống phù hợp với thời đại, để kết nối, để lan toả, để tự hào, cũng như tự tôn một cách lành mạnh. Từ đó, các thế hệ sau mới biết rõ về văn hoá dân tộc có gì, còn gì, tiếp tục phải xây dựng thế nào... Có như vậy khi ta hoà mình vào thế giới ta mới không bị khủng hoảng căn tính.

adult male man person architecture building wall accessories glasses face

Khủng hoảng căn tính mang những “biểu hiện” thế nào, thưa thầy?

Khủng hoảng là cuộc sang chấn trên diện rộng, ở mọi mặt. Rốt cuộc ta đang tự ti hay tự tôn thực sự đối với văn hoá, tư tưởng trên chính đất nước mình. Tôi lấy ví dụ, người ta cứ nói tôi yêu tiếng Việt, tôi yêu văn hoá Việt nhưng khi được hỏi nghệ thuật truyền thống Việt Nam thế nào, nghệ thuật Lý, Trần, Lê, Nguyễn ra sao, văn chương, hội hoạ, kiến trúc có gì độc đáo, tư tưởng có gì đặc sắc, phần đông người ta sẽ lúng túng. Đó là còn chưa nói, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Đoàn Thị Điểm, có đời sống tinh thần thế nào, có thú chơi gì hay, phương châm sống ra sao… hầu hết cũng tắc tị. Danh nhân ngàn năm ở nước mình chỉ còn mỗi cái tên hão thôi ư?

Đấy, nếu ta không biết ta là ai, ta có gì hay đẹp, có gì để kể cho nhau nghe ngoài câu chuyện dân tộc Việt Nam hào hùng, anh dũng chống giặc ngoại xâm, thì đó chính là khủng hoảng bản sắc, khủng hoảng căn tính. Nếu ta luôn miệng nói ta tự hào bốn nghìn năm văn hiến, nhưng tự trong cốt tuỷ, ta tự ti vì chẳng biết gì hơn ngoài câu chuyện chiến thắng các đế quốc, ta vô thức sính ngoại, mê Tây sùng Nhật chuộng Tàu thì đó chính là khủng hoảng bản sắc, khủng hoảng căn tính… Tôi xin nhắc lại, văn hoá là đời sống, là những câu chuyện đời đời kể cho nhau nghe, chắc chắn không chỉ là câu chuyện về chiến tranh.

Thật ra thời gian gần đây, cục diện kinh tế, văn hoá đã và đang có nhiều thay đổi và khởi sắc, cần nhìn theo hướng tích cực. Tôi vẫn tin rằng, thế hệ trẻ sau khi được hưởng thời đại yên bình đánh đổi bằng xương máu cha ông, sau khi có tầm nhìn rộng mở, sẽ biết cách gạn đục khơi trong, biết cách vừa kết nối với thế giới công nghệ toàn cầu, với những giá trị văn minh phổ quát, vừa tái kết nối với văn hoá truyền thống, văn hoá khu vực, để có được sự tự tin lành mạnh, xây dựng đời sống văn hoá xã hội ngày một tốt đẹp hơn nữa.

coat blazer jacket formal wear suit adult male man person long sleeve
blazer coat jacket formal wear suit long sleeve photography tie glasses portrait

"Văn hoá là đời sống, là những câu chuyện đời đời kể cho nhau nghe, chắc chắn không chỉ là câu chuyện về chiến tranh."

Dạo gần đây thường xuất hiện những tranh cãi xoay quanh ngôn ngữ “mới” của giới trẻ. Nói theo cách của “cư dân mạng” là ngôn ngữ đang bị lệch lạc. Thầy nghĩ gì về điều này?

Tôi không có khái niệm “ngôn ngữ đúng” hay “ngôn ngữ sai”. Nói vui thì không lẽ người miền Bắc bảo người trong Nam nói sai hay ngược lại à? Người Nghệ An hay người miền Tây sử dụng từ vựng, giọng nói khác với “chuẩn” Hà Nội thì đều sai hết à? Ngôn ngữ tự thân là thực thể sống, luôn biến dị và đa dạng. Cái gọi là đẹp-xấu, đúng-sai đều là tưởng tượng của cộng đồng và do cộng đồng tự quy ước mà thôi, nó tuỳ vào từng thời đoạn.

Ví dụ khi mình đọc nhiều văn học giai đoạn 30 – 45, mình coi ngôn ngữ văn chương đó là chuẩn mực, nhưng lại như sĩ phu thời Nguyễn đọc nhiều văn chương thời Lê, lại coi ngôn ngữ văn chương thời Lê uyên áo, chuẩn mực hơn.v.v. Rồi thì văn nhân nhà Lê lại hoài niệm thời Lý Trần, coi văn học đỉnh cao phải cổ giả như văn chương thời Lý v.v.

Nghệ thuật, ngôn ngữ hay đời sống luôn biến đổi. Một lần nữa, tôi sẽ lại là người đứng ngoài dòng thời gian và văn hoá để nhìn câu chuyện, và tôi phải nói rằng ta nên hiểu và chấp nhận rằng thế hệ sau rồi cũng sẽ tiếp biến, sáng tạo ra những từ vựng, lối nói mới. Ta không nên quy chụp họ làm hỏng hay làm lệch lạc ngôn ngữ gốc, bởi gốc là gốc từ đâu? Và mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ này: “đầu vào” (input) thế nào “đầu ra” (output) thế ấy. Ngôn ngữ hay tư tưởng cũng thế. Mình đọc ai, học ai, theo ai thì mình cũng sẽ viết và nghĩ theo như thế, sau đó pha trộn, chọn lọc, rồi cấu thành nên bản thể, từ đó sáng tân. Nếu không có sự tiếp nối với ngôn ngữ văn chương hay đẹp truyền thống, chỉ một mực nghĩ ra những từ vựng, lối nói khẩu ngữ trong bối cảnh văn hoá đại chúng toàn cầu, rồi từ đó ảnh hưởng lây sang ngôn ngữ viết thì sẽ thật hời hợt và phù phiếm biết bao. Nhưng bên cạnh những từ mới mang đậm sắc thái khẩu ngữ đó, vẫn có không ít từ mới biểu đạt ý nghĩa mới, cũng rất tinh tế, thi vị thì cũng cần được đón nhận, thay vì một mực muốn giữ một thứ ngôn ngữ kinh viện bất biến.

Còn những từ mới, lối nói mới mà tào lao, không có nền tảng văn hoá, chỉ mang tính nhất thời, thì theo dòng thời gian, theo sự phát triển, nâng cao của văn hoá và dân trí, tự khắc sẽ bị đào thải.

Song song đó là những tư tưởng cực đoan văn hoá xuất hiện khá nhiều. Dường như đó là hướng ngược lại với trường hợp ta vừa nói bên trên?

Con người luôn mang sẵn trong mình hai xu hướng tính cách. Và xu hướng nào cũng có hai mặt.

Một là hoài cổ, luôn coi quá khứ là huy hoàng. Hai là đổi mới, kiến tạo, hướng về tương lai hy vọng.

Nếu cải cách, hướng tới tương lai mà mang tâm niệm phải đập bỏ hay dẹp hẳn quá khứ thì là mất gốc, là khủng hoảng căn tính như ta nói ban nãy. Còn bám chắc quá khứ, cực đoan với nó thì lại chết lâm sàng trong tư tưởng, nhận thức.

Động lực để xã hội và mỗi cá nhân luôn được vận hành là nhờ sự tồn tại song song và nhịp nhàng của hai xu hướng này. Cần học cách linh hoạt và cân bằng giữa hai điều này.

Như việc học chữ Hán Nôm hay tư tưởng phương Đông cũng vậy. Tôi từng gặp những trường hợp đọc hết sách của cụ Nguyễn Duy Cần viết về tư tưởng Kinh Dịch, Phật giáo, Đạo giáo xong thấy thích quá, hay quá, thế là bị “lậm”, nghĩ rằng cả thế giới, cả văn hoá chỉ xoay quanh tư tưởng Nho, Lão, Phật đó. Và ở chiều khác, nếu quên bẵng, vất bỏ hẳn văn tự Hán Nôm, chẳng quan tâm tới tư tưởng văn hoá truyền thống, chỉ nhìn nhận văn hoá, tư tưởng theo góc nhìn bó hẹp, thời cuộc thì cũng là thiếu sót. Tựu trung lại, phải đọc, phải học rộng, để không bị cực đoan, giới hạn trong bất cứ điều gì. Bởi nếu bạn cực đoan là bạn đang bị lạc trong ma trận tư tưởng, và bạn chỉ đang nhìn đời theo góc nhìn của người khác mà thôi.

"Hãy bày mọi thứ ra theo dòng thời gian, và rồi đứng ngoài để tri nhận dòng chảy, đừng để bản thân kẹt lại ở bất cứ giai đoạn nào."

handrail window adult male man person skylight silhouette glasses staircase

Bản thân thầy cũng từng cực đoan như thế chứ?

Tôi có chứ.

Tôi cũng từng bảo thủ. Nó là câu chuyện “đầu vào” –  “đầu ra” đấy. Khi đọc và nghiên cứu quá nhiều một luồng tư tưởng, giai đoạn đầu luôn là bị lây nhiễm, ta sống trong tư tưởng ấy luôn. Khi bạn trở thành Phật tử, bạn nhìn đâu cũng thấy nhân quả, duyên nghiệp; khi bạn là một người Công giáo, bạn nhìn đâu cũng thấy thánh tích, cũng thấy ý chúa, tình yêu của chúa; khi bạn là một người Cộng Sản, bạn luôn thấy mâu thuẫn giai cấp, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, sự phân tách giữa vật chất và ý thức… Nhưng ta buộc phải cố gắng bước ra ngoài, đọc nhiều, để đầu óc mình mở rộng ra hơn. Ta tập nhận thức được những cái hay khác xung quanh. Đứng bên ngoài dòng chảy như tôi vẫn hay nói, để nhận ra rằng, đời sống văn hoá, tư tưởng luôn biến động, linh hoạt. Mỗi thời kỳ, mỗi luồng tư tưởng đều có giá trị riêng. Đó chính là sự vận động.

Hãy bày mọi thứ ra theo dòng thời gian, và rồi đứng ngoài để tri nhận dòng chảy, đừng để bản thân kẹt lại ở bất cứ giai đoạn nào.

Cảm ơn thầy đã dành thời gian chuyện trò cùng L'Officiel Vietnam.

Hình ảnh: Kỳ Anh Trần 

Tags

Related Articles

Recommended posts for you