Làm bạn với chính mình và đối mặt với cô đơn, đâu là khác biệt?
Một mình không có nghĩa là cô đơn
Điều đầu tiên bạn cần phải nhớ đó là ở một mình không đồng nghĩa với cô đơn. Có rất nhiều người đánh đồng hai khái niệm này làm một.
Theo Psychology Today,“một mình” là tình trạng không ở cùng với một cá nhân khác (có thể là con người hoặc động vật), về cơ bản nếu bạn đang nuôi một chú chó/mèo hoặc được chăm sóc hàng ngày thì chưa thể gọi là “một mình” hoàn toàn. Trong khi đó “cô đơn” là một trạng thái tâm lý được tạo ra bởi trải nghiệm đau buồn, có thể là từ các mối quan hệ xã hội không được như mong muốn.
Giờ đây bạn có thấy sự khác biệt chứ? Một người có thể ở một mình nhưng không hề cô đơn chút nào và một người có thể cảm thấy rất cô đơn ngay cả khi được bao quanh bởi đám đông, bạn bè hay gia đình.
Mặc khác, việc ở một mình tách biệt với xã hội (đặc biệt như trường hợp giãn cách xã hội) trong một thời gian dài quá lâu, vài tuần thậm chí vài tháng cũng có thể cảm thấy cô đơn. Cảm giác cô đơn kéo dài tạo ra những hệ quả xấu tới sức khoẻ cả về thể chất (như tăng tỉ lệ hút thuốc, béo phì…) hay những rối loạn lo âu, căng thẳng, sợ hãi.
Mục đích ở đây là bạn cần kiểm soát và tận dụng tốt thời gian ở một mình, từ đó giảm cảm giác cô đơn. Ngoài ra, biết tận dụng tốt khoảng thời gian quý báu này cũng sẽ tạo ra những lợi ích tốt cho sức khoẻ tâm thần của bạn. Một số nhà tâm lý học cũng chỉ ra rằng dành nhiều thời gian cho chính mình có thể giúp bạn tăng khả năng đồng cảm, tăng năng suất và sáng tạo hay giúp xây dựng một sức khoẻ tinh thần vững chãi hơn.
Dưới đây là những lời khuyên để bạn bắt đầu
Dành nhiều thời gian hơn và làm bạn với chính mình
Lời khuyên 1: Đối xử với bản thân như cách bạn đối xử với người khác
Bạn vẫn dành thời gian để đi cà phê với bạn bè vào cuối tuần, hay lên lịch cho những chuyến du ngoạn mùa hè cùng đám bạn thân. Vậy tại sao không làm những điều tương tự với chính mình? hãy bắt đầu bằng cách tạo không gian trong cuộc sống của bạn và dành thời gian, ngay cả khi bạn chỉ có thể dành ra 30 phút mỗi tuần để đọc một cuốn sách mình yêu tích ở quán cà phê quen thuộc.
Lời khuyên 2: Bạn không cần phải “vượt ra vùng an toàn”, hãy thực hiện từng bước nhỏ
Nếu bạn chưa quen với việc ở một mình thường xuyên. Hãy thực hiện điều đó theo từng bước nhỏ. Bạn không cần phải hối thúc bản thân phải “vượt ra vùng an toàn” hay thực hiện một cú “makeover toàn diện”. Đôi khi những điều này sẽ khiến bạn cảm thấy áp lực phải thay đổi và gây ra những căng thẳng không đáng có. Nếu cảm thấy khó khăn hãy tìm đến một người am hiểu bạn hoặc một chuyên gia sẽ giúp bạn có thêm những tham khảo để bắt đầu. Hãy khám phá bản thân từng bước. Mỗi lần một điều thay đổi nhỏ, mỗi một thay đổi nhỏ đều đáng trân trọng.
Lời khuyên 3: Lập kế hoạch để làm điều gì đó bạn thích đi
Thật trớ trêu là khi chúng ta quá bận rộn với công việc và cuộc sống, chúng ta vẫn lấy cái cớ “bận rộn” cho những việc mình thích mà không làm được. Nhưng khi chúng ta có thời gian dành cho riêng mình, chúng ta lại cảm thấy hoang mang hoặc cô đơn.
Để thay đổi điều đó, bạn nên chủ động lên kế hoạch cho một khoảng thời gian và không gian cụ thể dành cho bản thân. Ví dụ như dành một buổi tối trong tuần mà bạn gọi “me time”, hoàn toàn chỉ dành cho riêng bạn, không bạn bè, không gia đình không social media. Me time có thể là 2 tiếng hoặc cả buổi tối chỉ để dành cho việc đọc sách, xem phim hoặc thêu thùa hay bất kì điều gì bạn thích.
Đừng ngại tham gia các hoạt động của một mình. Những điều bạn nên thử:
- Đi ăn tối tại một nhà hàng ấm cúng
- Đi xem một bộ phim mình yêu thích
- Xem ban nhạc hoặc nhạc sĩ yêu thích
- Đi bộ đường dài
- Tắm rừng
- Du lịch một mình
- Tham quan bảo tàng
- Tìm hiểu hay học một kĩ năng mới
Lời khuyên 4: Trò chuyện với người bạn ở bên trong
Để làm bạn với chính mình, bạn cần “hiểu” được người bạn ở bên trong mình. Self-talk là một cách giúp bạn đi sâu vào thế giới nội tâm, kết nối, trò chuyện với những suy nghĩ, tâm tư, cảm xúc mà chỉ riêng bạn được biết. Self-talk cũng giúp bạn đồng cảm hơn với chính bản thân mình.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc lắng nghe những suy nghĩ trong đầu, thiền, thực hành chánh niệm hay viết nhật ký có thể là những cách tuyệt vời để vượt qua và đánh giá những cảm xúc của bản thân.
Lời khuyên 5: Duy trì mối quan hệ bền vững với chính mình
Giống như xây dựng nên tình bạn tri kỉ, bạn cũng cần nỗ lực và tìm cách để duy trì mối quan hệ tích cực qua thời gian. Giao tiếp thường xuyên, cam kết thời gian cho bản thây hay học cách yêu bản thân, chăm sóc cho chính mình đặc biệt trong những lúc khó khăn và thực hiện điều đó một cách thường xuyên hơn là duy trì tình bạn với chính mình một cách bền vững hơn.
Dương Hương