Art & Design

Helmut Lang: Khi thời trang là bước đệm cho nghệ thuật

Helmut Lang vắng mặt tại Tuần lễ Thời Trang New York Thu Đông 2025. Chiếc ghế Giám đốc Sáng tạo tại nhà mốt vẫn chưa có chủ, sau khi nhà thiết kế Peter Do rời đi vào tháng 11 năm 2024. Tuy vậy, người sáng lập, nhà thiết kế, nghệ sĩ Helmut Lang vẫn bận rộn hơn bao giờ hết, không phải vì lo toan cho sự nhiễu loạn trong thương hiệu mang tên mình, mà chuẩn bị cho What remains behind, triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Los Angeles.

t-shirt head person photography portrait adult male man alien bear

Năm 2025 đánh dấu năm thứ 20 nghệ sĩ Helmut Lang rời làng thời trang để dành toàn bộ tâm sức cho nghệ thuật – “sứ mệnh” đầu tiên mà ông cảm nhận được khi còn trẻ. Chia sẻ về hứng thú dành cho điêu khắc, ông khẳng định: “Tôi không muốn được nhìn nhận như thể chỉ sáng tạo với một phương tiện duy nhất. Tôi cảm thấy vị trí của mình ở giao điểm của nhiều ngành khác nhau, và thách thức các khái niệm cố hữu về hội họa, điêu khắc, v.v.” Trên thực tế, Helmut Lang đã bắt đầu tham gia vào các triển lãm nghệ thuật từ năm 1996, trong khi vẫn nắm toàn quyền sáng tạo tại thương hiệu mang tên mình. Những năm ấy, cái tên Helmut Lang không chỉ bao trùm thế giới thời trang từ Đông sang Tây, mà còn xuất hiện tại các thủ phủ nghệ thuật như Florence (Italia), Viên (Áo)... Trên đỉnh cao sự nghiệp và trong sự ngỡ ngàng của nhiều tín đồ, ông rời khỏi đường đua thời trang mà không có một tín hiệu báo trước. Nhưng về phía Helmut Lang, dường như ta có thể nghe thấy một tiếng thở phào nhẹ nhõm. 

“Suy cho cùng, một nhà thiết kế thời trang bị cơ thể giới hạn, vì trang phục phải có chức năng, phải chuyển động và phải phục vụ nhu cầu của người mặc,” Helmut Lang chia sẻ. “Tôi đã sáng tạo xung quanh cơ thể, và giờ đây, với những tác phẩm mới, tôi đang tạo ra cơ thể trong những hình hài vật lý khác”.

indoors basement room

Cơ thể mang những ý niệm khác nhau trong bối cảnh của thời trang và điêu khắc, nhưng đó vẫn là nguồn cảm hứng túc trực trong mọi sáng tạo của Helmut Lang – Ông hứng thú với bản chất con người và mọi hệ quả đến từ nó. Như trong triển lãm What remains behind (2025), Helmut Lang sử dụng những bức tượng điêu khắc mang hình dạng như nắm đấm, trong chất liệu mút, cao su và sáp, để khám phá mâu thuẫn căng thẳng giữa bản thể công khai và cái tôi riêng tư. Thông qua đó, ông tìm hiểu cách mà cơ thể – chủ đề xuyên suốt nhưng lại không hiện diện trực tiếp – vừa là đối tượng của khao khát, vừa là nơi chốn để tự biểu đạt cá nhân. 
Trước đó, cơ thể của Helmut Lang tồn tại trong hình dáng những cột trụ cao kịch trần, với chất liệu chính đến từ những thiết kế thời trang của ông. Một vụ hỏa hoạn suýt đã thiêu kho lưu trữ của ông tại New York, và sau nhiều tháng xem xét tình trạng của từng món đồ, ông dần bị cuốn hút vào ý tưởng tự mình phá hủy chúng và biến chúng thành nguyên liệu nghệ thuật – Quần áo, phụ kiện, trang sức bị cắt vụn, trộn với hỗn hợp resin có màu, rồi đúc trong nhôm – gợi nhớ về một quá khứ huy hoàng, và một tương lai đầy hứa hẹn. “Trải nghiệm ấy như một sự thanh tẩy, cùng một nguồn năng lượng thú vị và tích cực”, ông nhớ lại. Helmut Lang lần đầu trưng bày 16 cột trụ như vậy trong triển lãm Make It Hard (2011), và tiếp nối ý tưởng này bằng những sản phẩm của Anthony Vaccarello, Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Saint Laurent, trong một loạt các triển lãm tại cửa hàng Saint Laurent Rive Droite trong năm 2020 và 2021. 

fungus plant food meat mutton pork
tar slate anthracite coal city rock

Cơ thể tiếp tục là nhân vật chính trong chuỗi tác phẩm broken hearts and other injuries (2019–2022), nơi ông sử dụng nhựa resin, màu, băng gạc và vải để tạo nên những “bộ phận cơ thể” biến dạng méo mó. Đó là con người sau những sang chấn, sau khi gặp tai nạn, trải qua cơn bạo bệnh, hay khi đối diện với một đại dịch toàn cầu, nỗi sợ chiến tranh, v.v. “Công việc của tôi [trong thời trang] là một cách phản ứng trước sự xa hoa của thời đại [lúc bấy giờ]”, nghệ sĩ nhớ lại. “Và về sau, nó trở thành một phong trào phản khác mang tinh thần chủ nghĩa tinh giản”. Tất cả những gì tạo nên Helmut Lang trong thời trang vẫn đi theo ông trong hành trình theo đuổi nghệ thuật, đó là những gì đang xảy ra xung quanh trong cuộc sống: Những chiếc taxi màu vàng luồn lách trong những con phố New York, chiếc quần denim và áo thun có thể được bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, và những trải nghiệm rất “đời”, rất “người” như vậy.

Trả lời câu hỏi liệu có khi nào Helmut Lang sẽ trở về với thời trang, ông luôn dập tắt mọi kỳ vọng. “Tôi luôn tôn trọng quá khứ của mình, nhưng cũng không ngừng tiến về phía trước. Việc trì trệ hay sống trong quá khứ không phải là điều lành mạnh. Dù vậy, tôi tự hào vì đã tạo ra một khối lượng tác phẩm vẫn mang tính đương đại và có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần hình thành một ngôn ngữ mới, bởi thời đại rõ ràng đang đòi hỏi điều đó, và tôi chưa thấy đủ sự chuyển biến. Thời trang không chỉ là thời trang - cuối cùng, nó trở thành một sự biểu đạt rõ nét của một kỷ nguyên.”

person

“Giữa cộng đồng nghệ sĩ, tôi cảm thấy mình đã tìm được nơi có thể tồn tại đúng với bản thân”, ông tâm sự. Nếu có trở về, ông cũng sẽ đứng ở cương vị của một nghệ sĩ, như trong màn hợp tác cùng Anthony Vaccarello. Nhiều dự án thời trang - nghệ thuật đã được xây dựng trên nền tảng tình bạn, sự ngưỡng mộ, mong muốn dành thời gian cùng nhau, cùng sáng tạo và mở rộng khả năng của chính mình, như lần cựu nhà thiết kế thời trang từng hợp tác với Jenny Holzer và Louise Bourgeois từ giữa những năm 1990. Nhưng dù là thời trang hay hội họa hay điêu khắc, vai trò của nghệ thuật nói chung, trong cuộc sống của Helmut Lang, và trong cuộc sống xã hội, vẫn không thay đổi: Để bộc lộ những gì tồn tại bên trong - dù vô tình hay hữu ý. Tổng hòa của cuộc đời mỗi người dẫn lối đến những tác phẩm họ tạo ra. 

“Tôi không nghĩ mình có một vai trò phải đảm nhận, và chưa từng nghĩ vậy,” Helmut kết luận. “Đơn giản là tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống thật với chính mình, dù tốt hay xấu”.

Recommended posts for you