Daddy Core - Khi phong cách của bố gặp ngay khẩu vị thời trang cá biệt của gen Z
Phong cách “Daddy Core” đang được Gen Z "remix" lại với độ chill và tự tin khó ai sánh kịp.
Từ cà vạt cho tới áo khoác bomber, bộ đồng phục "unofficial" của các ông bố thập niên 90 đang có màn tái xuất ngoạn mục - và lần này, nó không nằm trong album ảnh cưới cũ của bố, mà ở ngay trên phố New York, cùng Rosé. Đã rất lâu rồi cà vạt mới quay lại như một cú twist thú vị trong cuộc chơi ăn mặc. Không còn là thứ phụ kiện chỉ dành cho phòng họp hay các buổi lễ mà ai cũng muốn trốn, cà vạt giờ trông giống như một món đồ nghịch ngợm, hơi trịch thượng, và rất biết cách khiến người ta phải liếc nhìn thêm lần nữa. Sơ mi thẳng thớm, áo khoác ngoại cỡ, quần tây hay quần jeans đều có thể trở thành sân khấu cho chiếc cà vạt trổ tài.
Rosé, với lịch trình dày đặc vì thành công của APT, bước ra khỏi đài phát thanh trong một bộ cánh gồm cà vạt bản rộng, áo khoác bomber màu xanh rêu, sơ mi sơ vin hẳn hoi. Mọi thứ gợi nhớ đến hình ảnh người đàn ông đứng nghiêm chỉnh cạnh chiếc xe máy trong mỗi buổi sáng đi làm - trừ việc Rosé khiến mọi thứ trông “đẹp trai” hơn.
Nếu muốn sao chép phong cách, bạn cần chọn ra trong tủ đồ chiếc sơ mi trắng, quần âu ống rộng, một chiếc cà vạt hơi hoài cổ. Khoác ngoài là bomber nếu bạn thích kiểu nổi loạn, hoặc blazer nếu bạn muốn tinh chỉnh lại cho hợp phòng họp. Kết thúc bằng đôi giày lười là đủ để bước ra cửa - như thể bạn là nhân vật chính trong một bộ phim lấy bối cảnh văn phòng, nhưng stylist lại là Gen Z.
Nếu muốn phá vỡ sự nghiêm túc, bạn có thể thử đổi “vibe” tinh nghịch với áo croptop trắng, cà vạt nâu giấu khéo bên trong chiếc áo khoác dài đen tuyền. Cà vạt, trong thế giới hiện tại, không còn là tuyên ngôn giới tính hay quyền lực. Nó chỉ là một cách nữa để nói rằng: tôi biết mình đang mặc gì, và tôi thích cảm giác này.
Elsa Hosk chẳng cần nhiều lời. Một chiếc sơ mi trắng tinh, cà vạt sọc xanh trông như mượn vội từ cậu bạn cùng phòng, khoác ngoài là chiếc blazer rộng rãi hết mức. Cô trông như đang trên đường đến một cuộc họp bất chợt, nhưng vẫn sẵn sàng để "slay" hết cỡ.
Không ai quy định rằng cà vạt phải đi với sơ mi trắng. Và cũng chẳng có ai bắt buộc chúng nên nghiêm túc, trưởng thành hay gợi cảm vừa đủ để trông “ra dáng người lớn”. Vậy nên, nếu bạn đang muốn cà vạt làm gì đó mới mẻ - hãy để nó ngông một chút.
Lindsay là ví dụ điển hình. Nàng fashionista nhuộm màu be toàn bộ oufit, gần như biến mất vào background. Nhưng rồi chiếc cà vạt kẻ sọc xuất hiện như tiếng nói bất đồng trong một căn phòng toàn người gật đầu. Nó không phải để hòa hợp. Nó ở đó để chối bỏ sự an toàn. Và bằng cách nào đó, cà vạt khiến mọi thứ trở nên có ý nghĩa.
Sofia Coelho thì chơi một ván cờ khác. Cô đặt chiếc cà vạt đen hoạ tiết vào một outfit tưởng như bài bản - áo sơ mi, blazer, công thức cũ kỹ. Nhưng rồi mọi thứ lệch khỏi quỹ đạo bởi tai nghe to bản, mũ bóng chày ngửa lên đầy thách thức, và đôi bốt nâu trông như sẵn sàng đá văng bất kỳ quy tắc nào.
Sophia Steinberg chọn hướng tiếp cận thẳng thừng hơn, thế là nàng fashionista quăng nó vào một bộ suit đen, đơn giản đến mức chiếc cà vạt xanh lá gần như phát sáng. Và cô đi sneakers grunge, như để cảnh báo đừng mong tôi sẽ ăn nói dịu dàng chỉ vì mặc suit.
Margie Moore thì tinh tế hơn - có thể là người bạn sẽ tin tưởng nếu muốn một bản phối an toàn nhưng không nhạt. Áo sơ mi trắng, quần ống rộng, blazer da đen - như thể sắp sửa đến tham dự tuần lễ thời trang tại Paris. Nhưng rồi chiếc cà vạt xanh lá trồi lên như cú “bẻ lái” nho nhỏ. Không quá nổi, không cần hô hào, nhưng thừa sức để lại sự tò mò.
Ảnh: SplashNews.com, Getty Images, hoskelsa, roses_are_rosie, linmick, sofiamcoelho, st.einberg, whymarj