L’OFFICIEL BookClub: Những Người Đẹp Say Ngủ, những ánh xạ của vô thường
“Nhưng liệu có sự xấu xí nào hơn một ông già muốn nằm suốt đêm bên cạnh một thiếu nữ bị làm cho ngủ li bì mà không thể tỉnh giấc? Phải chăng Eguchi đến ngôi nhà này là để tìm đến cùng cực cái xấu xí của sự già nua?”
Cánh cửa ấy mở ra, và tôi bước vào cùng Eguchi, căn phòng tối mờ và đỏ thẫm. Cái màu đỏ của dục vọng, cám dỗ, của những khao khát đã lụi tàn trên thân thể lụn bại của những ông già không còn được coi là đàn ông. Căn phòng đỏ thẫm như chốn thâm cung bí sử trong cơ thể người phụ nữ, cái hang mang bao tội lỗi mà đàn ông vẫn muốn đặt dấu tích của mình vào. Ở trong căn phòng đó, Eguchi tìm được sự cứu rỗi cho tâm hồn. Ở trong căn phòng đó, tôi tìm thấy vẻ đẹp nhuộm màu bi hài của những điều trái ngược: Ông già và cô gái trẻ, sự suy tàn của sức sống và sự căng tràn của tuổi thanh xuân, hiện thực và mộng ảo, chết đi và hồi sinh, Bồ Tát và kỹ nữ,…Tìm thấy những đốm sáng sắp tan đi. Tìm thấy những thinh không lạnh lẽo và cả sự thức tỉnh của con người khi đã bước qua bên rìa của con dốc.
Những người đàn ông già, những người không chỉ đơn thuần mất đi khả năng đàn ông, mà họ còn mất cả lòng tự tôn và những gì họ từng vỗ ngực tự hào xưng danh. Họ tìm đến những người đẹp say ngủ bởi vì ở đó không có những ánh nhìn thương hại, những câu an ủi khiến họ đau lòng. Họ những tưởng điều đó, trong phút chốc khiến họ quên đi thực tại của mình để đắm chìm trong làn suối nguồn tươi trẻ mát lành. Nhưng rồi cũng chính dòng nước mát lành đó đã khiến họ chết trong lạnh lẽo. Chết dần mòn. Cái chết đến còn nhanh hơn những gì mà thời gian thật sự mang lại cho họ.
“Nhưng liệu có sự xấu xí nào hơn một ông già muốn nằm suốt đêm bên cạnh một thiếu nữ bị làm cho ngủ li bì mà không thể tỉnh giấc? Phải chăng Eguchi đến ngôi nhà này là để tìm đến cùng cực cái xấu xí của sự già nua?”
Ông lão Eguchi nằm bên cạnh các cô gái đẹp khoả thân say ngủ. Những người đẹp không sức chống cự, không có khả năng giao tiếp. Lão đến vì sự tò mò cho lần đầu tiên và những lần sau đều vì khát khao được cứu rỗi. Không phải vì lão Eguchi đã mất hoàn toàn khả năng của nam giới, nhưng vì lão cũng như chúng ta, như bao loài người khác. Không ai thoát được sự cám dỗ của hoài niệm, của những gợi nhớ về quá khứ, của những bàn tay, cơ thể ta đã chạm vào hay chạm vào ta. Những hơi thở, lời nói như vết hình xăm bám chặt trên cơ thể đến độ không thể tách lìa. Quá khứ là nỗi đau nhưng cũng là sự cứu rỗi khi ta đang muốn quên đi cái hiện thực. Có lẽ vì thế mà đã có nhiều người bị nuốt chửng trong cái mênh mông, vô hạn của ký ức.
Đôi lúc tôi tự hỏi, ngôi nhà của những người đẹp say ngủ này hiện lên với mục đích gì? Liệu có phải là một nơi để an ủi những ông lão? Không! Bởi họ đã ném về phía những người khách của mình những cái nhìn rất sâu cay. Vậy đây là một nơi để trừng phạt? Thế thì việc gì phải để các cô gái say ngủ? Phải chăng đó chính là ánh sáng nơi cuối đường hầm? Cái truyền thuyết mà người ta vẫn thường nói đến, rằng khi sắp chết, chúng ta sẽ thấy ảo giác của một đường hầm dài và cuối đó là ánh sáng. Khi đứng trước ánh sáng ấy, các ông lão phải chọn rằng mình sẽ đi theo ánh sáng như lời chấp thuận cho sự già nua huỷ diệt của mình. Hay bừng tỉnh dù chỉ trong một thoáng chốc để nhận ra rằng mỗi giai đoạn con người đều mang một ý nghĩa riêng.
Tôi đặc biệt thích chi tiết Kawabata Yasunari so sánh việc những người đẹp ngủ say là Bồ Tát và nhắc lại điển tích Bồ Tát hoá thân kỹ nữ để thử lòng chúng sinh. Khi đối diện với những sinh linh trần tục, nằm ngủ say không có khả năng chống cự hay giao tiếp, những ông lão không còn là đàn ông lại thấy thâm tâm mình dấy lên những tình cảm trong lành và dịu ngọt, không liên quan hay vương vấn những nhục cảm rất đời. Ông lão Eguchi khi ở bên cạnh những người đẹp, mỗi người gợi lại cho ông những ký ức về những người phụ nữ khác nhau, những giai đoạn trong cuộc đời. Ở đó còn có cả các con gái lẫn người mẹ yêu dấu của ông. Rồi cũng từ những tình cảm rất đỗi sáng trong đó, ông thấy đau khổ, nhưng không phải vì tuổi già, vì sự gần như bất lực, mà là vì những việc vô đạo đức ông đã làm trong đời.
Chỉ khi đứng trước những sinh linh vô tội, đứng trước những hoàn cảnh mà người ta sẵn sàng thủ ác nhưng lại dừng tay, thì đó chính là khi mọi khổ đau đã được an ủi.
Nếu bạn hỏi tôi vì sao khi nằm cạnh những người đẹp say ngủ khoả thân lại khiến cho tâm hồn các lão già trở nên trắng ngần và hối hận đến thế. Thì có lẽ tôi xin trích lại một đoạn trong Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 năm 2010, rằng:
“Để hiện thực hóa sinh động hàm nghĩa kiểu truyện 'kĩ nữ là Bổ tát hóa thân', Kawabata Yasunari đã khéo dùng các hoàn cảnh, bối cảnh để khắc họa nhân vật, xây dựng quan hệ đối lập và tương hỗ giữa các nhân vật. Đằng sau tình tiết kì lạ “người đẹp ngủ say”, đã ẩn giấu chủ đề cứu thế của Phật giáo – mọi chúng sinh đều được an ủi những khổ đau nơi phàm trần.”
Đúng thế, mọi chúng sinh đều được an ủi những khổ đau nơi phàm trần. Chỉ khi đứng trước những sinh linh vô tội, đứng trước những hoàn cảnh mà người ta sẵn sàng thủ ác nhưng lại dừng tay, thì đó chính là khi mọi khổ đau đã được an ủi.
Có lẽ Kawabata Yasunari muốn gửi gắm một cách nhẹ nhàng và thoi thóp niềm tin sâu thẳm của mình vào sự hướng thiện của con người. Khi đứng trước những điều thuần khiết và đẹp đẽ, tự trong tâm hồn con người sẽ trỗi dậy những luồng năng lượng đưa họ quay ngược về những nguyên sơ ban đầu. Nơi “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Đi ngược về những khoảng đời êm đềm và ngọt ngào đã từng giúp họ tồn tại và tiếp tục đi tiếp trên đường đời gian nan. Và còn gì rõ ràng và hài hoà hơn hình ảnh không mảnh vải che thân của những người đẹp đang chìm trong mộng, từ mùi hường thanh tao pha lẫn phàm trần, những cử động vô thức và hơi thở mang theo cuộc đời của họ.
Vào đêm cuối cùng của mình tại ngôi nhà bí mật, ông lão Eguchi lại nhớ về người phụ nữ đầu tiên của đời mình – đó chính là mẹ. Vào cái đêm đó, ông nhận ra một sự kết nối da thịt linh thiêng giữa ông và người mẹ của mình. Mẹ đang mang ông bên trong mình và rồi vào ngày cuối đời, bên cạnh mẹ mình, cũng chính là ông đã cầm tay và chạm vào ngực mẹ, xoa ngực cho mẹ an tâm nhắm mắt. “Đối với ông những người đẹp say ngủ không chỉ là Bồ Tát hóa thân, mà còn là hiện tại hết sức gần gũi, cũng chẳng cần tới “bỉ ngạn” xa xôi. Như vậy, một nhục thể sống của ông già trên đường suy kiệt, cuối cùng đã nhận được sự cứu về tinh thần.” (Trích tài liệu như trên)
Nếu như chúng ta đồng ý với cách mà tôi nói rằng ngôi nhà bí mật này như ánh sáng nơi cuối đường hầm mà những ông lão buộc phải chọn lựa. Eguchi đã có cho mình một sự lựa chọn mà với tôi là toàn vẹn. Bởi vì khi đã nhìn ra được sự vô thường của cuộc đời, rằng tử thần không chỉ đứng cạnh chực chờ những kẻ già nua, mất khả năng sinh lí, mà tử thần có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào dù lão ở đâu. Giáng lưỡi liềm lên lão, hoặc các cô gái hoặc chính con gái lão. Sự hoài niệm – tưởng chừng nó giúp ta viết tiếp những trang cuộc đời, nhưng nếu mãi ôm lấy chúng, thì chẳng khác gì đã đặt dấu chấm trong khi còn nhiều trang cuộc đời đợi ta viết tiếp.
Có lẽ Eguchi đã không còn đau đớn cho chính mình, bởi vì khi nằm bên cạnh các cô gái, lão đã nhận ra rằng cuộc đời mình đâu phải đến bây giờ mới đau đớn.
Khi bước ra khỏi đường hầm, có lẽ Eguchi vẫn còn hoang hoải những giấc mộng xa xưa, nhưng có lẽ lão đã không còn đau đớn cho chính mình, bởi vì khi nằm bên cạnh các cô gái, lão đã nhận ra rằng cuộc đời mình đâu phải đến bây giờ mới đau đớn. Mỗi khoảnh khắc đều có một nỗi đau riêng và một niềm hạnh phúc riêng, không thời khắc nào giống thời khác nào. Và việc lão cần làm là phải sống với tâm niệm đó, dù giờ đây những người đẹp có còn say ngủ đợi lão hay không. Và lão phải tiếp tục sống tiếp cuộc đời mình, với những xấu xí đang mang, và cả những sáng trong le lói vừa tìm thấy, dẫu rằng rất khó để giữ chúng mãi thắp sáng trong tâm hồn loài người đa đoan.
Có thể nói từ đầu chí cuối tiểu thuyết Những Người Đẹp Say Ngủ của Kawabata Yasurani là những ánh xạ lấp lánh về vẻ đẹp của vô thường. “Đời phải vô thường thì đời mới đẹp” (nhà nghiên cứu Nhật Chiêu) vậy Những Người Đẹp Say Ngủ chính là những ánh xạ làm nên vẻ đẹp của cuộc đời này, cuộc đời dẫu có thế nào cũng không thể nào tránh khỏi những thân hình gia nua và giấc mơ đào nguyên trong hình hài thiếu nữ.
Hình ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn trên Internet.