L’OFFICIEL BookClub: Bản tụng ca sống đẹp từ "Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ"
Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ là một bản tụng ca việc sống để viết văn, là một “bằng chứng” hoàn hảo cho tinh thần kính nghiệp của Haruki Murakami.
Một trong những dịp rất hiếm hoi và gần như là duy nhất, sau khi gấp lại một quyển sách tôi lại liên tưởng đến tinh thần và nền tảng cá tính của một nhãn hiệu thời trang, ở đây chính là Lacoste với thông điệp “Life Is A Beautiful Sport”. Một câu nói gần như tóm gọn toàn bộ những gì Haruki Murakami chia sẻ trong quyển tự truyện của mình, được xuất bản năm 2007, thời điểm ông đã có trong tay rất nhiều tác phẩm nổi danh toàn cầu như.
“Bạn không cần phải là dân chạy chuyên nghiệp hay yêu thích chạy bộ mới có thể đọc quyển sách này” – Đây gần như là một lời bình luận thường thấy nhất khi ta tìm kiếm keyword Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ, và nó hoàn toàn đúng. Bạn sẽ chẳng thể nào tìm được những lời chỉ dẫn chuyên nghiệp về chế độ ăn, cách chọn giày chạy hay giãn cơ sao cho đúng. Về cơ bản, quyển tự truyện này không phải về thể thao. Vậy nó về gì?
Nếu được nói một cách đầy ngưỡng mộ và phô trương thì Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ là một bản tụng ca việc sống để viết văn, là một “bằng chứng” hoàn hảo cho tinh thần kính nghiệp của Haruki Murakami dành cho sự nghiệp của mình.
"Tôi không chọn văn nghiệp, nghề nó cứ thế mà đến thôi. Anh biết đấy, đó là món quà của thượng đế, vì thế mà tôi phải khiêm nhường."
Tôi không nhớ rõ câu trả lời này đến từ bài phỏng vấn nào của Haruki, nhưng nó đã khiến tôi ấn tượng sâu sắc không chỉ về sự khiêm tốn mà còn là cách ông nhìn nhận rất chân thành về văn nghiệp của mình. Có lẽ cùng vì mang theo tâm thế đó, nên khi đọc Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ, dường như từng triết lý sống cho đến những suy niệm liên quan đến việc chạy của ông đều dẫn dắt tôi đến bên bàn viết của Haruki, nơi ông luôn dành từ 5 đến 6 tiếng mỗi ngày viết đều đặn, không ngừng nghỉ, kiên trì và kỷ luật viết như việc rèn luyện chạy bộ của mình.
“Nói cách khác, một tâm hồn không lành mạnh đòi hỏi một thân thể khỏe mạnh.”
Không chỉ riêng trong quyển tự truyện này, triết lý sống đó của Haruki Murakami được ông truyền tải trong cả những nhân vật và tác phẩm tiểu thuyết khác của ông. Hẳn bạn còn nhớ nhân vật Kafka Tamaru trong Kafka Bên Bờ Biển vẫn luôn duy trì chế độ tập luyện của mình dù đã bỏ nhà ra đi. Thậm chí khi đến một thành phố khác, ngoài việc tìm một nơi để đọc sách thì cậu cũng sốt sắng tìm cho ra một phòng tập mà mình có thể lui tới. Tương tự như Aomame trong 1Q84 với quan điểm rằng: “Nhục thể mới chính là thần điện của con người”, cô cho rằng thứ tâm hồn quan trọng bên trong sẽ chẳng thể nào được bảo bọc trọn vẹn nếu thần điện bên ngoài không được chăm chút khắt khe và thanh sạch. Aomame luôn tập thể dục, ăn uống thanh sạch, người không mỡ thừa, hoạt động thể chất đều đặn, cốt cũng để giữ cho thần điện của mình ở mức hoàn hảo nhất có thể. Và chính Haruki Murakami cũng thế khi đến với chạy bộ. Một dạng rèn luyện không chỉ cho tâm trí mà còn cho cả nhục thể - thần điện của chính mình. Một sự dấn thân đích thực. Sự dấn thân đó phải là một lối sống, một đời sống để có thể tiếp tục giữ cho mình tỉnh táo và tràn trề năng lượng để đặt bút xuống viết. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi bao suy niệm bên trong bị chôn vùi bởi một thứ thần điện nứt nẻ và sụp đổ. Dưới đống gạch vụn, những suy niệm, ý tưởng, lời nói dù đáng giá đến đâu cũng chỉ còn là một mảnh vụn ký ức, hoà vào đống gạch vỡ tan tành kia ra. Tâm hồn lúc đó cũng chẳng thể nào cứu vãn. Sự cân bằng đã mất.
“Ở cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fitzgerald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi ấy có thể là một kiểu giao lộ trong đời. Đó là cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời người chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia”.
“Không phải là người về nhất trong văn chương. Tôi tiếp tục viết những thứ tôi muốn viết, đúng như cách tôi muốn viết, và nếu điều đó cho phép tôi sống bình thường thì tôi không thể đòi hỏi gì hơn”.
Haruku luôn ý thức được rằng mình bắt đầu mọi thứ đều trễ, từ viết lách đến việc chạy bộ, nhưng theo tôi có lẽ vì thế mà ông ý thức được rõ ràng mình muốn gì và cần gì trong đời. Bản thân ông nhận định rõ văn nghiệp chính là thứ mình sẽ theo đuổi suốt đời, chính vì thế ông phải sống vì điều đó. Haruki chọn lối sống để phục vụ văn chương, ông hoàn toàn không xem văn chương chỉ là một phần của mình.
Nói đến đây làm tôi chợt nhớ đến Suối Nguồn của Ayn Rand, khi Roark nói với Gail rằng “Ta có thể chết vì một người, nhưng không thể sống vì một người”.
Đặt câu nói này ra khỏi hoàn cảnh của tuyến tiểu thuyết của Ayn Rand và đặt vào bối cảnh chạy bộ của Haruki Murakami, việc chúng ta buông mình, chết vì thứ gì đó, chỉ chứng tỏ một điều chúng ta chẳng yêu điều đó nhiều đến vậy. Vì nếu ta thật sự yêu thương một thứ gì đó đậm sâu, yêu đến độ mà lãng mạn hoá lên thì sẽ gọi là “không thể sống thiếu”, ta sẽ tìm đủ mọi cách để có thể sống cùng thứ đó. Sống cho ra sống, sống với một thần điện nguy nga tráng lệ, là đền thờ của một tâm hồn đầy khao khát hướng đến chân ái cuộc đời.
Tôi nghĩ đó cũng là một tinh thần “kính nghiệp” ở cấp độ cao nhất. Khi chữ “yêu” đi cùng chữ “kính”. Sự sùng bái đó dường như làm nên một tôn giáo riêng cho từng cá nhân con người. Để từ đó, họ sẽ thăng hoa trong điều họ theo đuổi theo cách của riêng họ. Không cần ánh sáng hay hào quang, mà sự thăng hoa được cảm nhận một cách rõ ràng từ trong sâu thẳm nội tâm chính mình. Bởi những người như Haruki Murakami hay bất cứ ai theo đuổi những đích đến đích thực trong nội tâm sẽ hiểu rõ rằng:
“Đích cuộc đua chỉ là một cái mốc tạm thời không có ý nghĩa gì nhiều. Cũng hệt như đời sống của chúng ta. Chẳng phải vì có một cái kết thúc mà tồn tại là có ý nghĩa. Một điểm kết thúc chẳng qua là được dựng lên như một cột mốc tạm thời, hay có lẽ như một ẩn dụ gián tiếp cho bản chất trôi chảy của sự tồn tại.”
Life Is A Beautiful Sport thế nên hãy mang vào chân “đôi giày chạy”, và bền bỉ chạy đến điều mà bạn “kính yêu” từ tận đáy lòng.
Và cho phép tôi được mượn lời cũng như nhắc lại câu slogan nổi tiếng của Lacoste, cũng là câu trích dẫn tôi đặt ở đầu đề “Life Is A Beautiful Sport”. Cuộc sống chính là một môn thể thao kỳ diệu nhất và độc đáo nhất. Nơi mà từng “vận động viên” phải vượt qua đối thủ nặng ký nhất là chính bản thân mình và luôn phải giữ cho chính mình ở trạng thái vận động và kỷ luật để có thể tận hưởng cuộc đời tự do nhất có thể, tự do yêu, tự do theo đuổi đam mê, tự do với tay nắm lấy những cơ hội được trao cho mình. Bởi khi thân thể là một thần điện nguy nga, cũng là lúc mọi phép lạ đã sẵn sàng thể hiện hết sự màu nhiệm. Life Is A Beautiful Sport thế nên hãy mang vào chân “đôi giày chạy”, và bền bỉ chạy đến điều mà bạn “kính yêu” từ tận đáy lòng, điều làm nên ý nghĩa trong cuộc đời bạn đang sống.
Như cách khi mà Haruki Murakami nói về chạy bộ, chạy bộ và viết lách.
“Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn.”
(Nguồn ảnh: Internet)