Love & Life

Gọi tên 3 kiểu burnout phổ biến của giới trẻ hiện đại

Burnout là sự mắc kẹt giữa động lực và mệt mỏi, giữa khao khát tiến lên và sự bất lực đến bào mòn. Và khi cuối cùng không thể gồng gánh thêm nữa, bạn lại thấy có lỗi với chính mình, như thể việc dừng lại cũng là một thất bại.

couch furniture dress face head person photography portrait fashion smile

Ai rồi cũng có lúc rơi vào burnout, dù có muốn thừa nhận hay không. Nó không đơn thuần là mệt mỏi, mà là một kiểu cạn kiệt đến mức ngay cả khi mọi việc đã xong, bạn vẫn thấy trống rỗng. Burnout không giống với kiệt sức thông thường. Kiệt sức là khi bạn chạm đáy năng lượng và không thể bước tiếp. Burnout là khi bạn đã cạn sạch nhưng vẫn cứ lao về phía trước, hết ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này nối tháng kia.

Overload Burnout

Kiểu burnout này chẳng xa lạ gì - đó là khi bạn lao vào công việc như một cơn lốc, cố gắng làm nhiều hơn, nhanh hơn, giỏi hơn, bất chấp sức khỏe lẫn cuộc sống cá nhân bị vắt kiệt. Những người mắc kẹt trong vòng xoáy này thường là những nhân viên đầy tham vọng, lúc nào cũng cảm thấy mình phải cố gắng, phải chứng tỏ… cho đến khi cạn kiệt cả thể chất lẫn tinh thần.

Dấu hiệu nhận biết dễ thấy là bạn bỏ qua nhu cầu cá nhân chỉ để chạy theo deadline. Bạn đánh đồng thành công với khối lượng công việc. Bạn thậm chí tự hào vì mình “bận rộn” mà không nhận ra mình đang kiệt sức. Nguy hiểm hơn, kiểu burnout này không khiến bạn dừng lại - mà lại thúc bạn làm nhiều hơn. Than vãn vì mệt mỏi nhưng vẫn ôm việc? Quá tải nhưng vẫn gồng mình nhận thêm trách nhiệm? Nghe quen không?

Burnout vì quá tải không đơn thuần là làm việc nhiều - mà là khi bạn để công việc chiếm trọn mình. Nếu không kiểm soát, nó sẽ làm bạn kiệt sức, dễ cáu kỉnh, mất tập trung và kéo cả cuộc sống cá nhân xuống dốc. Một nghiên cứu năm 2013 trên Anxiety, Stress, & Coping chỉ ra rằng, những người lao đầu vào công việc quá mức có nguy cơ kiệt sức cao, dù từ góc nhìn của sếp, họ là những nhân viên xuất sắc. Nhưng thật ra, họ chỉ đang tự thiêu rụi chính mình mà thôi.

Under-Challenged Burnout

Ai cũng nghĩ kiệt sức là do làm quá nhiều, nhưng đôi khi, nó lại đến từ việc bạn chẳng có gì để cố gắng. Công việc quá dễ đoán, không thử thách, không cảm hứng, nó không bào mòn bạn bằng áp lực mà bằng sự đơn điệu đến nghẹt thở.

Bạn không quá tải, nhưng cũng chẳng hứng thú. Mỗi ngày trôi qua như một bản sao của ngày trước đó. Bạn làm vì phải làm, nhưng không thấy ý nghĩa, không có động lực, không còn cảm giác thành tựu. Dần dần, bạn bắt đầu mất kiên nhẫn, mất đam mê, rồi mất luôn cả sự kết nối với công việc và mọi người xung quanh.

Burnout vì nhàm chán không ập đến như một cú sốc tinh thần, mà len lỏi vào từng ngày, bào mòn nhiệt huyết của bạn. Nhưng trước khi nghĩ đến việc bỏ việc, hãy thử đặt câu hỏi: Liệu có cách nào để tìm lại sự hứng thú ngay trong hiện tại? Đôi khi, một thay đổi nhỏ cũng đủ để kéo bạn khỏi vùng trũng của sự nhàm chán. Nếu bạn chưa thể rời bỏ công việc hiện tại, hãy thử "job crafting" - biến công việc đang có thành thứ đáng làm hơn. Bạn có thể chủ động tìm những nhiệm vụ thú vị, những cách tiếp cận mới hoặc đề xuất một dự án mà bạn thực sự quan tâm. 

Neglect burnout

Nếu burnout vì quá tải khiến bạn kiệt sức, thì burnout kiểu buông xuôi lại bào mòn bạn theo một cách khác, chậm rãi và dai dẳng hơn. Đây là khi bạn cảm thấy công việc giống như một vòng lặp nhàm chán, chẳng còn động lực để phấn đấu. Bạn không được hướng dẫn rõ ràng, không ai thực sự quan tâm đến những gì bạn đang làm, và dù có cố gắng hay không thì kết quả vẫn vậy. Thế nên, bạn chọn cách… buông.

Kiểu burnout này bắt nguồn từ sự bất lực, khi bạn từng cố gắng nhưng nhận lại toàn thất vọng, đến mức bạn thôi không còn muốn thử nữa. Bạn dần trở nên thụ động, chấp nhận mọi thứ như nó vốn thế, không còn động lực để tạo ra thay đổi.

Hãy tưởng tượng một người mẹ từng háo hức kể chuyện, cười đùa cùng con, tận hưởng niềm vui làm cha mẹ. Rồi một ngày, họ vẫn làm mọi thứ - chuẩn bị bữa sáng, dỗ con ngủ, kiểm tra bài tập - nhưng chỉ theo quán tính, không còn cảm xúc. Mọi thứ trở thành guồng quay mệt mỏi, niềm vui dần biến mất chỉ vì không nhận được sự công nhận và chia sẻ. Một người mẹ có con gặp khó khăn trong học tập có thể giữ cân bằng nếu có hỗ trợ và thời gian cho bản thân. Nhưng nếu áp lực chồng chất mà không lối thoát, kiệt sức là điều không thể tránh khỏi.

Ảnh: Allure, skuukzky

Recommended posts for you