Love & Life

Gentle Living là gì? Bạn đã sống nhẹ nhàng đến đâu?

Có một câu nói như thế này: “Về cuối đời, chỉ còn lại ba điều quan trọng, bạn đã yêu bao nhiêu, bạn đã sống nhẹ nhàng đến đâu và cách bạn đã buông bỏ những thứ không thuộc về bản thân”. 
person human

Hai thứ được nhắc đến trong câu trên không quá khó để hiểu, đó là về tình yêu và sự buông bỏ những ưu phiền trong cuộc đời. Nhưng thế nào là sống một cách nhẹ nhàng, hay như cách mà phương tây đã gọi về cách sống này - Gentle Living? Liệu chúng ta thật sự có thể sống một cuộc đời nhẹ nhàng trong bối cảnh hiện nay? 

CUỘC CÁCH MẠNG LỐI SỐNG THẦM LẶNG MANG TÊN GENTLE LIVING

Gentle Living dịch sang tiếng việt là Sống bình dị hay Sống nhẹ nhàng. Keith C.Heidom, tác giả bài viết về Gentle Living, cho rằng Gentle Living là một phong trào cách mạng về lối sống có sự gần gũi với các phong trào nổi lên vào những năm thập niên 90. Chúng mang những cái tên khác nhau nhưng chung một ý tưởng - "Simple Living", "Ecological lifestyle", "the conserver society", "realative poverty", "creative simplicity" hay "the good life". Dưới đây là định nghĩa của ông về lối sống này. 

“Gentle Living là cách sống theo đuổi cuộc sống tích cực, đó là cuộc sống được cân nhắc, thanh cao, dễ dàng kiểm soát và tạo ra ít ảnh hưởng nhất tới môi trường có thế. Đó là một lối sống không chỉ đáp ứng cho sự hài lòng của cá nhân mà còn tốt cho các sinh vật đang sống trên trái đất – động vật, con người, cây cối. Và lối sống không chỉ dừng ở việc sống tiết kiệm và có tính toán.” 
 

Copy of Untitled.png

Đây là một cuộc cách mạng mang tính cá nhân, nên dường như nó ít được báo chí phương tây quan tâm. Như cách Keith gọi, đây là một cuộc cách mạng thầm lặng. Dưới đây là những thông tin ít ỏi mà chúng ta biết về cuộc cách mạng mà thời đó được biết đến với cái tên Simple Living (tạm dịch là Sống đơn giản): 

  • Vào những năm 1990, một nghiên cứu của The Trends Research chỉ ra đã có khoảng 15% thế hệ baby boomer của Mỹ đã theo đuổi lối sống đơn giản. 
  • Thập niên 90 là giai đoạn mà những người dân nước Mỹ bắt đầu phong trào từ chối những ham muốn về vật chất. 
  • Trong nghiên cứu về một cuộc sống mơ ước của Merck Family Fund với baby boomer về cuộc sống mơ ước là cuộc sống bình dị - phần lớn họ trả lời rằng họ muốn “dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và bạn bè”, “một cuộc sống ít căng thẳng hơn” và “tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của mình”.
  • Chỉ ít người trong nghiên cứu của MFF trả lời họ muốn sở hữu một ngôi nhà to hơn hay mua những vật dụng đắt tiền cho ngôi nhà của họ.
  • Cuộc nghiên cứu vào năm 1995 cũng chỉ ra rằng, 60%-80% người lao động Mỹ sẵn lòng được trả ít tiền hơn nếu họ có thể làm việc ít giờ hơn. 
  • Những nhân vật tiêu biểu cho lối sống đơn giản: Từ những lãnh tụ tôn giáo như Đức Phật và Chúa Jesus cho tới những nhân vật trí thức như Henry David Thoreau, và Gandhi. 

Ngày nay, lối sống cần kiệm dường như là một hình mẫu về cuộc sống ngoài tầm với của chúng ta. Bối cảnh xã hội đã thay đổi nhưng khát khao về một cuộc sống giản đơn vẫn diễn ra âm ỉ và đang được thực hiện bởi những cá nhân theo đuổi lối sống tối giản hay lối sống giản dị. 

 

Đơn giản là trụ cột trong "Gentle living" 

Gentle Living với những triết lý sống giống như Simple Living, lấy sự đơn giản làm trụ cột trong khi đưa ra những quyết định trong cuộc sống. Điều này có thể bao gồm việc lựa chọn những hoạt động về tinh thần, sức khoẻ, tăng thời gian chất lượng dành cho gia đình và bạn bè, cân bằng công việc và cuộc sống, sở thích cá nhân, tài chính bền vững, tiết kiệm, sống bền vững và giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống. 

Copy of Untitled (9).png

Cũng vì tính đơn giản trong mà Simple Living khá gần gũi với chủ nghĩa sống tối giản của người Nhật. Lối tiếp cận có thể hơi khác nhau một chút khi chủ nghĩa này nhấn mạnh vào triết lý loại bỏ những thứ không cần thiết và tập trung vào những điều quan trọng trong cuộc sống. Một minimalist có thể sở hữu càng ít đồ vật nhất nhất có thể. 

Trong khi đó lối sống Gentle Living tập trung vào một lối sống chú tâm hơn cho những điều đơn giản và nhỏ bé nhưng có thể tạo ra ảnh hưởng trong cuộc sống của một cá nhân. Ví dụ như tiêu dùng chú tâm, tự cung tự cấp, giảm thời gian làm việc và tăng thời gian cho các mối quan hệ quan trọng. Hay nói cách khác, Gentle Living với những nỗ lực nhỏ để kéo các Gentle Liver (người theo đuổi Gentle Living) về trạng thái tích cực và cân bằng. 

Henry David Thoreau, một ví dụ điển hình về lối sống đơn giản, đã thử nghiệm lối sống tự cung tự cấp bằng cách sống một mình ở trong rừng. Ông đã tự vá quần áo của mình khi chúng rách thay vì mua quần áo mới, ông cũng giảm tối đa thời gian tiêu dùng và tăng thời gian thư giãn, thời gian cho bản thân.  

mindful.png

Tại sao chúng ta cần "Gentle Living" ngay lúc này?

Sống bình dị ngày nay dường như trở nên khó đạt được hơn so với thế hệ trước. Tại Việt Nam, thế hệ cha ông chúng ta từng sống rất giản dị, họ coi trọng lối sống tiết kiệm và bền vững hơn bằng những hành động như mua sắm tiết kiệm, họ mua những chiếc giường, tủ quần áo hay bàn ghế bền vững với tầm nhìn 10 năm, 20 năm. Trong khi thế hệ trẻ, Millenials và Gen Z, vốn tôn vinh lối sống hưởng thụ khi còn trẻ, ít khi tính tới kế hoạch về hưu như thế hệ trước. 

Xã hội hiện đại cũng thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng và sự thay đổi nhanh chóng. Sự bất ổn của công việc trong tương lai trong khi giá tăng tiêu dùng tăng nhanh ở các thành phố lớn tạo ra một thế hệ sống trong vội vã. Sự sở hữu vật chất, thật ngang trái, lại tạo ra nhiều lựa chọn và quyết được cần được thực hiện mỗi ngày, khiến tâm trí của chúng ta lúc nào trong trạng thái hoạt động hết công suất. Tương lai vốn dĩ khó đoán và tràn ngập sự nhiễu động càng được củng cố thêm nhờ đại dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết. 

Sống nhanh và hội chứng FOMO khiến chúng ta hiếm khi có những khoảnh khắc ngồi xuống và kết nối với chính bản thân mình. Chúng ta cần cuộc sống khác đi, một cuộc sống tích cực hơn. Chúng ta cần xây dựng sự khoẻ mạnh về mặt tâm lý. Và hiệu quả của sống đơn giản lên tâm lý tích cực đã được chứng minh trong cuốn sách “The Value of Voluntary Simplicity” của Richard Gregg. Cho phép bản thân mình sống bao quanh môi trường ôn hoà sẽ có tác động lớn tới cuộc sống của chúng ta. Đó cũng là mục tiêu của Gentle Living. 

Làm thế nào để bắt đầu "Gentle Living"?

Gentle Living là cả một hành trình, không phải một mục tiêu ngắn hạn. Bạn không thể mong chờ sẽ có một cuộc sống chất lượng ngay sau 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng.  

Copy of Untitled (6).png

Gentle Living là sự phát triển bản thân và đạt được cân bằng trong cuộc sống, bằng cách chủ động theo đuổi các hành động ngoại cảnh để giảm thiểu việc tiêu dùng, tạo ra một ảnh hưởng nhất định, cùng với đó là sự phát triển nội tâm sâu sắc trong hành trình sống của mỗi người. 

Để bắt đầu cuộc sống kiểu Gentle Living, bạn hãy tập luyện để bản thân chú tâm hơn về những điều dưới đây:

Những hành động ngoại cảnh: 

  • Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và các nguồn tài nguyên khác 

  • Sử dụng sản phẩm và dịch vụ thân thiện hơn với môi trường

  • Tìm kiếm các giải pháp thay thế cho những hoạt động/sản phẩm gây lãng phí 

  • Cải thiện các mối quan hệ với người khác

  • Đóng góp thêm giá trị cho cộng đồng  

 

Những hành động nội tâm: 

  • Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, sự tồn tại của bản thân trong vũ trụ 

  • Phát triển niềm tin và kỹ năng cá nhân

  • Thúc đẩy các mối quan hệ thân thiết 

  • Phát triển sự tĩnh lặng trong tâm hồn và trí óc 

  • Học cách sống với chính mình

 

Để thực hành những hoạt động trên bạn không cần phải chờ tới khi có một điều kiện hay môi trường hoàn hảo. Bạn cũng không cần phải cách biệt thành thị và sống một mình trong rừng như Thoreau, hay lên núi tiêu dao như Lý Tử Thất. Dĩ nhiên, bạn có thể lựa chọn một cuộc sống như vậy, nhưng bạn cũng có thể là một Gentle Liver ngay tại trung tâm của một thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn. 

Nếu bạn vẫn chưa có ý tưởng gì, hãy tham khảo những mẹo giúp bạn sống chậm, kết nối nhiều hơn và tăng thời gian chất lượng cuộc sống được giới thiệu trong cuốn sách mới nhất của Monocle – "The book of genle living" dưới đây nhé. 

Cẩm nang hướng dẫn sống chậm của Monocle ra mắt vào 2020. Ảnh: Monocle.
Cẩm nang hướng dẫn sống chậm của Monocle ra mắt vào 2020. Ảnh: Monocle.
  1. Làm đẹp không gian sống của bạn: nhà là nơi chúng ta lấy lại năng lượng sau những giờ làm việc. Làm đẹp căn nhà của bạn bằng một chiếc ghế sofa yêu thích, một góc đọc sách tĩnh lặng hay một ban công tràn ngập hoa và thảo mộc. 

  2. Nuôi dưỡng tâm hồn: ghé thăm bảo tàng, phòng tranh vào buổi trưa hoặc sau giờ tan tầm, chỉ 15-20 phút để mình hoàn toàn đắm chìm vào thế giới nghệ thuật sẽ giúp tâm hồn bạn thêm nguồn cảm hứng. 

  3. Phát triển dự án cá nhân: Tập trung vào một công việc toàn thời gian có thể khiến thấy nhàm nhán, dành thời gian để thực hiện một dự án cá nhân mà mình yêu thích – cắm hoa, làm gốm, viết blog sẽ giúp bạn có thêm cảm hứng sống. 

  4. Mua sắm chú tâm: Một chiếc ghế, một chiếc áo khoác tốt với mức giá cao hơn một chút nhưng lại dùng được lâu hơn thì tốt hơn là mua đồ rẻ. Mua ít, nhưng tốt hơn. 

  5. Kết nối với tự nhiên: những hoạt động rất đơn giản nhưng nhiều người lại thường bỏ quên, kết nối với tự nhiên giúp bạn thư giãn và tốt cho sức khoẻ của bạn hơn - chơi ngoài trời, dã ngoại trong thiên nhiên, đi bộ trong khu rừng sẽ giúp bạn trở về với tâm thế tích cực hơn. 

Copy of Untitled (11).png

Sau cùng thì đây là một cuộc mạng về lối sống cá nhân. Trông giống như lối sống này được thực hiện bởi sự riêng biệt và độc lập của mỗi người, nhưng bằng cách mỗi cá nhân sống tốt hơn, chúng ta có thể tạo ra một sự thay đổi nhỏ tới thế giới. Đó là lí do tại sao những điều nhỏ bé lại đẹp đẽ và sự giản đơn lại đáng ngưỡng mộ đến vậy. Nếu không phải bây giờ thì khi nào chúng ta mới bắt đầu chịu trách nhiệm cho chất lượng sống của chính mình?

Thực hiện: Dương Hương

Ảnh minh hoạ: icons8.com

Tags

Recommended posts for you