Để trở thành người cha hạnh phúc
Những áp lực xã hội, kỳ vọng từ gia đình và đối tác có thể là những gánh nặng đối với những người đàn ông trưởng thành. Đặc biệt khi bắt đầu một vai trò mới – trở thành cha lần đầu. Với những ai thậm chí còn đang loay hoay đi tìm kiếm bản sắc nam tính, sự chuyển giao này có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực.
Làm cha cũng không dễ dàng
Trong những năm gần đây, phong trào nữ quyền, kêu gọi bình đẳng được phát triển mạnh mẽ. Đã có rất nhiều nghiên cứu, chương trình truyền thông tích cực ủng hộ quyền của nữ giới. Nhưng dường như chúng ta đã bỏ quên đi một nửa câu chuyện. Bình đẳng là câu chuyện của hai giới. Có quá ít các nghiên cứu về những áp lực của người đàn ông.
Chúng ta đã biết, trở thành mẹ đồng nghĩa với việc chịu nhiều áp lực thậm chí hy sinh bản sắc cá nhân. Nhưng chúng ta cũng cần biết, người cha cũng không hề dễ dàng gì.
Những người cha Việt lớn lên với những áp lực xã hội phải trở thành “đàn ông đích thực”. Một người đàn ông “chuẩn men” phải là một người quyết đoán, mạnh mẽ, thể chất dồi dào để có thể bảo vệ cho phái yếu. Họ sinh ra với những kì vọng như vậy và được dạy rằng “đàn ông phải thế”. Lớn lên khi lập gia đình thì họ được kì vọng phải giỏi giang, có sự nghiệp và trở thành trụ cột gia đình.
Thậm chí áp lực xã hội ngày nay càng nặng nề hơn so với thời điểm 10 năm trước. Nếu sống ở thành thị, một công việc văn phòng là không đủ. Giờ đây họ cần phải có ô tô, mua được nhà ở thành phố, hay phải cho con cái học ở trường đắt tiền (mặc định là “môi trường giáo dục tốt nhất cho con”). Những mối lo đặt trên vai người đàn ông khiến họ phải vất vả nhiều hơn.
Trong nghiên cứu hiếm hoi về nam tính có tên “Nam giới và Nam tính trong xã hội Việt Nam đương đại”, những kết luận hình mẫu “đàn ông đích thực phản ánh những khuôn mẫu truyền thống của đàn ông Việt đáng để ta suy ngẫm:
- Là đàn ông đích thực: nam giới cần đặt sự nghiệp lên hàng đầu, có vị trí cao trong cơ quan hoặc làm việc phải phấn đấu trở thành quản lý hay lãnh đạo…
- Là đàn ông đích thực: nam giới cần có một cơ thể khoẻ mạnh, quan hệ xã hội rộng, phải mạo hiểm và biết uống rượu giỏi…. Là đàn ông đích thực: phải là người có khả năng tình dục cao, chủ động về tình trường ..
- Là đàn ông đích thực: phải lấy vợ sinh con, kiếm tiền nuôi gia đình và thờ cúng tổ tiên ...
Bản thân nam giới cũng thừa nhận họ phải trở thành người đàn ông đích thực. Chúng ta biết ít tới những áp lực vô hình trên vai của những người đàn ông, một phần vì nữ giới có xu hướng chia sẻ nhiều hơn nam giới. Phần khác vì chính người đàn ông cũng cảm thấy những “vất vả” đó là chuyện bình thường và họ hoàn toàn ổn.
Trong cùng nghiên cứu, 97% nam giới cho rằng họ cần phải là bờ vai che chở cho những người phụ nữ của mình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Thậm chí nhiều người bị ám ảnh bởi vai trò trụ cột trong gia đình. Trong khi đó, một phần tư nam giới trả lời khảo sát cho biết họ đang chịu áp lực bởi nhiều vấn đề, mà đứng đầu là kinh tế và sự nghiệp. Nếu họ không làm được điều này, họ sẽ tự gán nhãn “thất bại” cho chính mình và trở nên căng thẳng.
Cho tới nam tính độc hại. Nam tính độc hại (toxic masculinity) là cách mà xã hội định nghĩa và miêu tả tính nam với khái niệm tiêu cực thậm chí hung hăng và bạo lực. Những người đàn ông là nạn nhân của tính nam độc hại thường duy trì vẻ ngoài cứng rắn và ít biểu lộ cảm xúc vì những cái nhãn được gán cho bản thân “real men don’t cry” “đàn ông là phải biết uống rượu” “đàn ông là phải hút thuốc lá” “đàn ông ai lại mặc màu hồng”… ?
Những “nhãn mác” trở thành tính cách và hậu quả xấu nhất của nam tính độc hại là sự chai mòn cảm xúc. Họ chọn cách kìm nén lại cảm xúc để không bị cho rằng “đàn ông tính đàn bà”. Theo Ronald F. Levant, cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Mỹ, các tư tưởng về nam tính truyền thống có thể gây nên nhiều tác hại bao gồm bạo lực (gồm cả tấn công tình dục và bạo lực gia đình). Những hành vi này hiển nhiên “độc hại” cho môi trường gíao dục trẻ nhỏ.
Để trở thành người cha hạnh phúc cần sự đồng cảm từ gia đình
Không có gì sai khi trở thành chỗ tựa vững chắc cho những người mình thương yêu. Nhưng những áp lực bị đè nén, sự né tránh, không được chia sẻ và không được giải quyết sẽ khiến những người cha ngày càng trở nên không hạnh phúc. Cần giải quyết càng sớm càng tốt trước khi chúng những căng thẳng bùng nổ, có nguy cơ trở thành hành vi độc hại.
Đàn ông cần thấu hiểu chính mình để thay đổi các định kiến. Chính những người đàn ông cần nhìn nhận lại bản thân thì mới có thể gỡ bỏ được nỗi ám ảnh của mấy chữ “trụ cột gia đình”. Ngày nay việc chia sẻ các gánh nặng kinh tế với người bạn đời cũng là điều hết sức bình thường, ngược lại, người cha cũng có thể chia sẻ các công việc gia đình với vợ con.
Bên cạnh đó, cũng cần phải hiểu rằng có rất nhiều hình mẫu khác để theo đuổi ngoài hình mẫu đàn ông truyền thống. Định nghĩa mới về sự nam tính mang tính kiến tạo, cởi mở với nhiều cảm xúc hơn và sự hợp tác. Là đàn ông, bạn hoàn toàn có thể trở nên mềm mại khi cần thiết.
Sự đồng cảm từ người vợ và gia đình là trên hết. Bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như dừng việc gán nhãn “đàn ông không được khóc” hay “chồng lo hết”, cho tới việc giao tiếp, chia sẻ chân thật cảm xúc về những áp lực trong cuộc sống cho vợ và gia đình. Cùng nhau giải quyết sẽ giúp giảm đi gánh nặng trong tâm lý của người đàn ông.
Và lời cuối cùng dành cho những ai chuẩn bị và đang làm cha, người cha hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc. Những hành vi tiêu cực của cha (hoặc mẹ) có thể vô hình tạo ra những dấu ấn tiêu cực trong kí ức của con cái. Mà chúng có thể để lại hậu quả cho tới khi con cái bạn trưởng thành, thậm chí vài chục năm sau đó. Đó cũng là lí do tại sao các nhà tâm lý học khuyên rằng để nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc, điều đầu tiên và cốt lõi nằm ở việc điều chỉnh hành vi của chính cha mẹ. Vì vậy, hãy trở thành những người bố hạnh phúc hơn là theo đuổi mẫu hình nam tính lý tưởng.