"Chúng mình cần rất ít thứ để làm cho cuộc sống hạnh phúc"
Tuổi trẻ là những năm tháng bạn cần tích lũy nhiều vốn sống và kiến thức nhất có thể, trong đó cần rèn luyện cách tư duy đúng đắn. Đây là giai đoạn ươm mầm và tạo nền móng cho sự phát triển bền vững sau này. Dưới đây là những tư duy tích cực đã được nhiều người thực hành.
1. Tư duy phát triển
Tư duy phát triển (growth mindset) vẫn luôn được nhắc đến như một cách có thể thúc đẩy và phát huy những tiềm năng vô cùng lớn của não bộ con người. Tư duy phát triển được nhà tâm lý học Carol Dweck nhắc đến trong cuốn sách cùng tên, đó là niềm tin của một người rằng họ có thể trở nên tốt hơn, thông minh hơn nhờ nỗ lực và rèn luyện chăm chỉ. Đây là kiểu tư duy học tập. Nếu được áp dụng tốt, bạn sẽ đạt được nhiều điều hơn bạn tưởng.
Ngược lại với tư duy phát triển là tư duy cố định (fixed mindset) với suy nghĩ kiểu “mình không làm được” hay “việc này quá khó để thực hiện” và có xu hướng từ bỏ khi bị thử thách. Nếu bạn đang có xu hướng tư duy cố định, bạn hoàn toàn có thể chuyển đổi sang tư duy phát triển. Chúng có thể đạt được thông qua sự thay đổi trong suy nghĩ và thực hành hàng ngày. Bạn có thể làm tốt một điều gì đó, nếu bạn tin tưởng và bỏ công sức ra để làm điều đó.
2. Tư duy mục tiêu
Các doanh nhân, người làm trong lĩnh vực kinh tế thường áp dụng tư duy mục tiêu trong quản trị công việc. Chúng ta thường thường lãng phí thời gian vì không có mục tiêu cụ thể. Bên cạnh đó sự phát triển thường được đo lường cụ thể bằng các mốc mục tiêu trong cuộc sống. Điều này cũng đúng với cá nhân. Biết mình muốn gì và sẵn sàng để làm điều là hai điều hoàn toàn khác nhau, việc tư duy theo mục tiêu có thế tạo động lực cho sự phát triển của bạn.
Cuộc sống sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn khi bạn trưởng thành, tư duy theo mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn của cuộc đời là cách giúp bạn dễ dàng kiểm soát. Ví dụ như trong mục tiêu nghề nghiệp, khi mới ra trường là tích luỹ kinh nghiệm,nhưng khi 30 tuổi và có gia đình mục tiêu của bạn cần tập trung vào tốc độ tăng trưởng của lương và thưởng. Đến 40 tuổi, bạn sẽ cần mục tiêu đột phá hơn trong sự nghiệp chẳng hạn như thăng chức hay tự kinh doanh riêng
3. Tư duy tối giản
Đã bạn tự hỏi tại sao cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn khi bạn lớn lên? Sự thật là chúng ta sẽ có thêm nhiều trách nhiệm trong cuộc sống khi trưởng thành. Đó có thể là hẹn hò, kết hôn, mua nhà, mua xe, có con, mở doanh nghiệp riêng, và các mối quan hệ chồng chéo phức tạp … và áp lực khiến bạn đi theo lối mòn của cuộc sống. Các lớp trách nhiệm công việc, cuộc sống gia đình và thời gian dành cho cá nhân dày dặc cũng sẽ khiến bạn cảm thấy ít hài lòng và hạnh phúc hơn với cuộc sống.
Tư duy tối giản là một trong số nhiều giải pháp. Bạn không thể thay đổi xã hội, nhưng có thể thay đổi cách mà bạn sống hài lòng hơn với chính bản thân mình. Áp dụng tư duy tối giản không đơn thuần là vứt bỏ mọi thứ mà là sàng lọc những gì không cần thiết trong cuộc sống của mình. Cảm thấy đủ với những nhu cầu phù hợp với bản thân chứ không phải với kỳ vọng của xã hội. Đó có thể là vật chất, cũng có thể là mối quan hệ hoặc những suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí của bạn. Để những thứ cần giữ lại là những thứ thật sự cần thiết và mang lại niềm vui cho cuộc sống của bạn.
4. Tư duy đồng cảm
Theo một nghiên cứu nổi tiếng Blue Zone về hạnh phúc, các mối quan hệ tích cực có thể là một trong những chìa khoá của trường thọ và hạnh phúc. Tình bạn, gia đình và cộng đồng có thể làm giảm đi tác động của những nhân tố tiêu cực ảnh hưởng tới cuộc sống hạnh phúc như sự cô đơn, trầm cảm… Theo Psychology Today, để xây dựng những mối quan hệ thân thiết và gắn bó thì đồng cảm đóng vai trò then chốt.
Đồng cảm trước hết là cách bạn nghĩ cho vị thế của người khác, sau đó là kĩ năng nhận biết tốt được những cảm xúc hay trải nghiệm của người đối diện, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm của nhau… từ đó bạn hiểu hơn và tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau, bắt đầu xây dựng nên những vòng tròn quan hệ gần gũi hơn.
5. Tư duy đảo nghịch
Và cuối cùng, tư duy nghịch đảo là một tư duy thú vị bạn có thể sẽ muốn tiếp thu trong hành trình phát triển bản thân. Chúng ta đánh giá quá cao sự thành công mà quên đi một việc rằng, làm sao để không thất bại cũng rất quan trọng.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng, sẽ luôn có những thử thách khó khăn và bạn sẽ gặp phải nhiều thất bại trong cuộc sống. Việc hiểu rằng chúng luôn tồn tại ở đó là cách bạn chuẩn bị đối phó với nghịch cảnh.
Tư duy nghịch đảo (inversion) là cách bạn nghĩ về một tình huống khó khăn, điều ngược lại hoàn toàn với điều mà bạn đang mong muốn khi đối diện với một thử thách. Đây là tư duy được yêu thích của Charlie Munger, nhà đầu tư vĩ đại và là cánh tay phải, tri kỉ của Warrant Buffet. Ông là người đã gặp vô số nghịch cảnh trong cuộc sống nhưng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan suốt cuộc đời của mình.
Một ví dụ về tư duy nghịch đảo: trong quản lý tài chính cá nhân, thông thường chúng ta sẽ nghĩ cách làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn, tư duy nghịch đảo sẽ cho phép bạn lật ngược vấn đề bằng cách “làm thế nào để không mất tiền?”. Việc này đúng với nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân cơ bản – không nợ nần, chi không được vượt thu đã được nhiềuchuyên gia tài chính cá nhân nhận định.