Mùa hè, streetwear trong dòng chảy thời trang nội địa đương đại
Ta có một mùa hè rất khác khi nhìn vào cách mà thương hiệu đường phố nội địa chọn khai thác, đó là những bản phối đương đại, đậm nét phá cách của gen Z qua lăng kính sáng tạo riêng biệt.
BEUTER® S/S24 DESERTION
Cultural crisis - khủng hoảng văn hoá không phải là chủ đề mới trong dòng chảy thời trang và nghệ thuật, nhất là khi con người dần quen thuộc trong thời đại số, việc duy trì bản sắc cá nhân và tiếp thu những loại hình mới sẽ dễ dàng trở nên xung đột và trở thành khủng hoảng. Dựa vào tình trạng đó, nhà thiết kế có thể đưa ra tiếng nói cũng như góc nhìn riêng biệt của mình thông qua quần áo. Ta đã từng chứng kiến không ít những thương hiệu chọn diễn giải ý tưởng cũng như sức sáng tạo của mình về các vấn đề khủng hoảng văn hoá. Từ Vivienne Westwood với những thiết kế táo bạo phản ánh biến đổi khí hậu và chiến tranh, đến Alexander McQueen đầy phá cách thách thức ranh giới giới tính, thời trang đã trở thành công cụ đắc lực để các nhà thiết kế lên tiếng về những vấn đề nhức nhối của xã hội. Trong thời trang, khủng hoảng văn hoá có thể khai thác và diễn giải dưới nhiều góc độ khác nhau. Tất nhiên, không chỉ dưới góc nhìn tiêu cực, “khủng hoảng" nói chung, là một hình thức để người sáng tạo dễ dàng tiếp cận với những ý tưởng mới, “chính trong cuộc khủng hoảng mà sự sáng tạo, ý tưởng khám phá cũng như những chiến lược vĩ đại được nảy sinh.” - Albert Einstein. Theo đó, việc Anna Sui, với tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, chọn khám phá và tôn vinh sự đa dạng văn hóa, kết nối con người qua những sáng tạo độc đáo cũng là một cách khai thác khủng hoảng văn hoá.
Trở lại làng thời trang nội địa, Beuter vừa qua cũng đã trình làng BST mới mang tên BEUTER® S/S24 DESERTION với những câu hỏi còn bỏ ngỏ về thế giới bên ngoài, nơi con người đang phải đương đầu với hàng loạt vấn đề xã hội, khủng hoảng dẫn tới sự mất cân bằng và xung đột giữa thế giới nội tâm và bên ngoài,... Một thế giới hỗn mang và đầy rối loạn. Trước hàng loạt thông tin tiêu cực liên tục ập đến mỗi ngày, việc chắt lọc hoặc thờ ơ với vấn đề xã hội hiện tại lại trở thành vấn đề không thể giải đáp.
Bước vào thế giới của Beuter, ta thấy rõ những cảm xúc đa chiều và vô định được khai thác tỉ mỉ. Gen Z, dưới sự tác động của hàng loạt thông tin, đang trải qua 1 giai đoạn cô đơn, lạc lõng và trốn chạy. Những bản phối mang gam màu đen và be làm chủ đạo, sử dụng chất liệu nhẹ như len, cotton, kaki,.. chấm phá một chút denim với các đường cắt xéo, tái cấu trúc. Áo thun và tank top được khai thác đa dạng dưới nền màu trung tính như nâu be, trắng, xanh đi cùng với những câu tagline như Culture crisis, I’m on the guest list, C.I.P Access. Khác với mùa trước khi cảm xúc hỗn loạn, ảnh hưởng bởi thông tin thế giới số trở thành tâm điểm, kim loại và denim chiếm ưu thế, thì tại mùa này, thương hiệu lại chọn ẩn mình với những bản phối layer quần váy, áo hoodie trùm kín đầu hay mũ balaclava. Đồ ngủ xộc xệch, quần túi hộp, váy chắp vá 5 loại vải khác nhau,... nhìn chung, là một sự hỗn loạn trong nội tâm của một cá thể, hay rộng hơn là của một xã hội.
Beuter chọn trở lại mùa hè với BST mang đầy ẩn ý, tất nhiên ta vẫn thấy đâu đó những sáng tạo uyển chuyển và mềm mại phù hợp với bản phối trong những ngày oi bức. Beuter không chỉ mang đến các thiết kế cho ngày hè năng động, mà tại đây, người mặc sẽ được đắm chìm vào những ý niệm và thông điệp đường phố của thời đại.
Môi Điên Signature Design
Đã gần 8 năm trôi qua kể từ khi cái tên Môi Điên xuất hiện trên thị trường nội địa. Khi nhắc đến, ta không thể nào quên bộ ảnh “cướp giật” nổi trội một thời, với cách khai thác từ góc nhìn mới mẻ, mở đường cho những ý tưởng sáng tạo táo bạo hơn cho thế hệ sau này. Hay sự châm biếm, cách chơi chữ trong từng cái tên quần, tên áo,... và người viết đang nói đến những gì gai góc và thực tế nhất đại diện cho hình ảnh của Môi Điên. Tất nhiên, “dư chấn" mà thương hiệu để lại không đến chỉ từ một chiến dịch duy nhất, hành trình phát triển của Môi Điên còn dài hơn thế.
Bền vững là một cụm từ khá quen thuộc khi người đọc là một tín đồ lâu năm của thương hiệu. Không chỉ khai thác góc nhìn thực tiễn, rất đời thường, ở Môi Điên còn trình làng nguồn cảm hứng từ patchwork, chắp vá từ những mảnh vải thừa để tái tạo nên một item hoàn toàn mới và ấn tượng về phần nhìn. Những kiểu áo được xem là “key item" như áo sơ mi dập ly Vô Danh, quần dang dở với các đường vải tưa, áo khoác mỏng nổi bật với phần chạy chỉ lộn xộn có chủ đích,... luôn xuất hiện len lỏi trong từng BST. Từ những ấn tượng ban đầu, có lẽ thị trường nội địa sẽ mong chờ một Môi Điên ngày càng “điên" và táo bạo, thế nhưng Môi Điên lại chọn cách đi ngược, theo hướng đơn giản và đặt tính bền vững, không chỉ là những tác động của việc sản xuất quần áo lên môi trường, mà xa hơn là tính ứng dụng, khả năng linh hoạt và tuổi thọ trong từng sản phẩm.
Là một thương hiệu có cá tính mạnh mẽ, Môi Điên hiện tại đã làm được hơn thế. Đúng như “kim chỉ nam" đã từng đặt ra, Môi Điên trình làng BST mới nhất với những thiết kế mang đậm dấu ấn thời gian, nhưng đồng thời cũng được cải tiến về kỹ thuật cũng như thay đổi tốt hơn từ những chi tiết nhỏ nhất. BST hoàn toàn được nhuộm đen, với những thiết kế đặc trưng và quen thuộc nhất của thương hiệu. Ta có thể nhận ra chiếc áo sơ mi Vô Danh phối cùng quần Yaska với kỹ thuật ghép vải quen thuộc, hay khoác patchwork được ghép từ những mảnh vải đủ sắc thái từ xám đến đen tuyền và quần dập ly, áo sơ mi được xử lý bề mặt vải, tạo nên những đường hoa văn nổi đanh thép,... Có vẻ như Môi Điên đang đi đúng với tinh thần cũng như định hướng hình ảnh của mình. Tóm lại, đối với các tín đồ đang mong chờ một màn trở lại đặc sắc, Môi Điên không phải là một cái tên thích hợp trong thời điểm hiện tại. Ngược lại, sự linh động cùng tính ứng dụng cao và thiết kế không đơn điệu khi đứng trước một sân chơi có tính đào thải cao thì đây lại là bước đi khôn ngoan và cần thiết để một thương hiệu có thể tồn tại lâu dài và “bền vững".
Paradise Saigon - Post war Hippies
Con người thân thiện, ăn thì phải thêm chút nước mắm, đường đua trên khắp nẻo đường, còn thời tiết thì nóng như đổ lửa - Đó là Sài Gòn trong cách nhìn của Paradise. Và tất nhiên, cái chất “đời" vừa thân thuộc vừa ngông cuồng đã trở thành đặc sản trong từng thiết kế của thương hiệu. Một người lao động chất đầy hàng hoá trên con xe cũ, có anh bán bắp xào trên chiếc xe đẩy dọc đường, hai người bạn hữu tâm giao trên chiếc ghế nhựa trước cửa,... cách Paradise để lại trong người xem không chỉ tập trung vào thiết kế mà còn đi sâu vào lối sống, thói quen cũng như những gì đời thường nhất đối với người con đất Việt.
Paradise có những chiếc áo thun in dòng chữ “nước mắm is my holy", “Viettrace", áo Saigon Hanoi,... nhưng vẫn mang âm hưởng của một cộng đồng giao thoa văn hoá. Tinh thần này có vẻ như xuất phát từ người sáng lập nên thương hiệu, Ping Chao - người Đài gốc Việt. "Khi còn là một đứa trẻ, Chao thường suy ngẫm về nhà và sự tự do. Chính vì lẽ đó mà @paradise4saigon ra đời như một không gian kết nối và tôn vinh văn hoá." - Theo sprbloom.
Đúng như tên gọi của BST "Post war Hippies", BST mang đến một loạt thiết kế linh hoạt và ứng dụng và cơ bản nhất. Từ chiếc áo thun, áo sơ mi in hình , chiếc quần bermuda bằng denim, cho đến chiếc áo bomber hoạ tiết quân đội với những chi tiết graphic quen thuộc. BST đặt để trong khung cảnh quen thuộc không kém, với bức tường vàng xưa cũ, nền gạch bông, những chiếc kệ gỗ đi cùng cầu thang cũ kỹ,... Tất cả đều nhuốm màu thời gian, tạo nên những đoạn kí ức khó phai.