In 3D ở Việt Nam: Từ metaverse đến đời thực
Chúng ta vẫn đang chứng kiến chuyển hướng tốt trong ngành công nghiệp tỉ đô từ thế hệ tài năng trẻ, và một trong những nỗ lực để thay đổi đó chính là những cập nhật cực kì nhanh chóng và nắm bắt xu hướng thời đại – in 3D.
2009, NTK người Hà Lan Iris Van Herpen đã từng thực hiện những chiếc váy in 3D đầu tiên của mình. 2016, BST Thu Đông của thương hiệu ra mắt khiến cả địa hạt thời trang đều cho rằng, các bản thiết kế 3D, dập nổi mà cô sử dụng không thể thực hiện bởi kỹ thuật thông thường mà phải bằng công nghệ nào đó cực kì tân tiến. Trước đó, Karl Lagerfeld trình làng BST Thu Đông 2015 cho CHANEL với các chi tiết 3D đính chặt trên áo tweed đặc trưng của thương hiệu. Trong khi chỉ mới 3 – 4 năm về trước, in 3D sẽ khiến các nhà thiết kế nổi bật nhất cũng phải dè chừng, thì đến thời điểm hiện tại, chắc hẳn rất nhiều người đã quen thuộc với khái niệm người mẫu AI, NFT, metaverse,…
Trở về với thị trường trong nước, mặc dù là nước đang phát triển và xuất khẩu dệt may nằm trong top thế giới, nhưng làng thời trang Việt mới chỉ được nhận định là có dấu ấn vượt bậc trong những năm gần đây. Song, chúng ta vẫn đang chứng kiến chuyển hướng tốt trong ngành công nghiệp tỉ đô từ thế hệ tài năng trẻ, và một trong những nỗ lực để thay đổi đó chính là những cập nhật cực kì nhanh chóng và nắm bắt xu hướng thời đại – in 3D.
Metaverse và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Những ý tưởng tưởng chừng chỉ có trong giấc mơ lại dễ dàng hiện thực hóa với một chiếc máy in đi kèm cùng rất nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau, tùy vào mục đích sử dụng. Nếu như Iris Van Herpen hay Karl Lagerfeld tận dụng công nghệ này để trình diễn khả năng sáng tạo vô tận, thì ở mảng thời trang ứng dụng, chúng ta có addidas là thương hiệu thể thao tiên phong trong việc in 3D vào trong các dòng giày, đặc biệt là giày chạy bộ để tăng độ đàn hồi và thoáng khí. Tất nhiên, bạn cũng không thể bỏ qua cái tên Yeezy khi ở Season 9, đôi bốt YZY 3D mới nhất đã được trình làng với sự trợ giúp của Zellerfeld studio, và chỉ vừa sản xuất vào 1 tuần trước đó.
Thực tế, công nghệ này được phát triển từ những năm 1980 bởi Charles Hull và chỉ bắt đầu nhen nhóm vào thời trang từ thập niên 2000. Nền móng ban đầu đến từ hình mẫu bề mặt của một vật thể bất kì được số hóa theo không gian ba chiều (3D model). Tiếp đến, NTK phát triển thành những chuyển động 3D và bắt đầu trình diễn tại các sàn diễn online - Metaverse Fashion Week là một ví dụ. Và cuối cùng là sản xuất hàng loạt và ứng dụng vào thực tế. Cũng chính vì lý do đó mà có vẻ những bản thiết kế 3D ngoài đời đều mang một cảm giác siêu thực. Mặc dù những bước tiến công nghệ đã được thực hiện ở hơn hai thập kỉ trước, nhưng phải đến ba năm trở lại đây, khái niệm metaverse, 3D mới được cả thế giới chú ý đến bởi mùa giãn cách và hoạt động trực tuyến nổi lên một cách mạnh mẽ. Môi Điên, 143 Dress, Nirvana Streetwear và thương hiệu túi nội địa Lưu Việt Anh cũng hào hứng tham gia vào nền công nghiệp 4.0 này.
Kỷ nguyên mới của thời trang Việt
Bạn sẽ làm gì nếu có 1 ý tưởng điên rồ và vải vóc không thể hiện thực hóa giấc mơ của bạn? In 3D là giải pháp hoàn hảo. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi những bước đầu tiên trong nền công nghiệp 4.0, sinh viên thời trang lại là lứa phát triển và liên tục ứng dụng vào trong đồ án của mình. Đại học Văn Lang là một ví dụ. Bên cạnh đó còn có La Lune – một thương hiệu nổi loạn và táo bạo, cũng đã sử dụng in 3D như một chất liệu mới để làm nổi bật ý tưởng của mình, và đạt hiệu ứng truyền thông cực kì hiệu quả.
Là một tín đồ thời trang, bạn có thể tìm thấy quần áo 3D xuất hiện ở khắp mọi nơi, thậm chí không dễ để phân biệt sản phẩm của công nghệ và đời thực. Với sự trợ giúp của những tấm nhựa, nylon, polyester và sợi carbon, việc tạo nên những mảnh ghép đầy thú vị này được hiện thực hóa chỉ trong vòng vài ngày thậm chí là vài giờ. Tiết kiệm chi phí đi kèm với độ tiện lợi, nhanh chóng, nếu là chủ của một thương hiệu nội địa, người đọc không nên bỏ qua ý tưởng này. Bằng cách lên ý tưởng, tạo mẫu thử,… bạn hoàn toàn có thể thử nghiệm in 3D để đưa ra những điểm nhấn độc bản của riêng mình.
Không như những NTK khác, Hoàng Phạm lại chọn cách tiếp cận công nghệ in theo hướng ứng dụng hơn. BST ra mắt thương hiệu DDIX gần đây bất ngờ xuất hiện bản in 3D với chất liệu cực kì mới đi cùng độ mềm mại và chi tiết sắc nét. Để hiện thực hóa nên rất nhiều ý tưởng, xưởng in 3D thời trang tại Việt Nam cũng góp phần tạo nên thành công đó. Oculus lab là một trong những xưởng in 3D thời trang hiếm hoi của làng thời trang nội địa đi đầu trong công nghệ này. Với rất nhiều sinh viên và NTK “chọn mặt gửi vàng”, đây như một điểm đến mở đầu cho thị trường nội địa vốn có nhiều tiềm năng.
Nền công nghiệp xanh
Ưu điểm mà in 3D có thể mang lại là hoàn toàn thân thiện với môi trường. Công nghệ giảm thải một lượng lớn vật liệu ban đầu bởi quy trình sản xuất chỉ đòi hỏi vật liệu cần thiết cho chính bộ phận đó. Tuy nhiên, bạn sẽ phải lựa chọn chất liệu ban đầu thật kỹ lưỡng, bởi một trong số đó sẽ không thể tái chế. Ngoài ra, chi phí để sản xuất hàng loạt khá cao, người dùng có thể lựa chọn các xưởng in chuyên nghiệp để đưa ra lựa chọn tối ưu chi phí một cách tốt nhất.