"Adolescence" - Bạo lực, internet và góc khuất của những đứa trẻ ngoan
Nếu bạn nghĩ con mình “ngoan”, biết nghe lời, không bao giờ gây chuyện - Adolescence sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại.
Hỏi bất kỳ bậc cha mẹ nào trên thế giới điều gì khiến họ sợ hãi nhất, có lẽ bạn sẽ nhận được cùng một câu trả lời: mất con. Đây là nỗi ám ảnh nguyên thủy, đầy bản năng. Nhưng còn một nỗi sợ khác – hiếm gặp hơn, song không kém phần ác mộng, đó là khi chính đứa con của mình tước đi mạng sống của người khác.
Đó là tiền đề lạnh gáy của Adolescence – series giới hạn đang thống trị Netflix những ngày qua. Bộ phim theo chân Jamie Miller, cậu bé 13 tuổi bị buộc tội sát hại dã man một bạn nữ cùng lớp. Adolescence không dựa trên một vụ án có thật cụ thể, nhưng các nhà làm phim tiết lộ họ lấy cảm hứng từ hàng loạt hồ sơ thực tế tại Anh. Chỉ riêng tháng 3/2023, theo Thư viện Hạ viện, đã có 18.500 bản án và cảnh cáo liên quan đến việc mang theo dao, và trong số đó, gần 1/5 là trẻ vị thành niên từ 10 đến 17 tuổi.
Bộ phim khui ra nhiều mảng tối mà xã hội vẫn thường né tránh như văn hóa incel (độc thân bất đắc dĩ), bạo lực giới, sự cực đoan ngày càng đáng lo trong tâm lý của nam giới trẻ tuổi. Những điều nghe có vẻ xa xôi, nhưng nếu bạn là một phụ huynh đang nuôi con lớn lên giữa thế kỷ 21, có lẽ Adolescence là chiếc gương không mấy dễ chịu – nhưng rất cần phải nhìn vào.
Trẻ con giờ không chỉ “dính” vào công nghệ – chúng sống trong đó
Nếu như ngày xưa, điện thoại là công cụ, thì giờ đây, với nhiều đứa trẻ, nó gần như là tấm thẻ căn cước xã hội đầu tiên. Một phần danh tính, một phần thế giới, một phần nơi trú ẩn – và đôi khi, là nơi mọi chuyện bắt đầu trật bánh.
Cha mẹ từng lo sợ vì con mình quá sành công nghệ. Giờ thì nỗi sợ đó đã dịu đi, không phải vì công nghệ trở nên bớt nguy hiểm, mà bởi người lớn cũng đã... buông xuôi phần nào. Ai cũng mệt. Và ai cũng phụ thuộc. Bất giác, cả nhà đều dán mắt vào màn hình – mỗi người một thế giới riêng, được bọc trong lớp vỏ gọi là “kết nối”.
Nhưng chính sự buông lơi đó lại mở ra những cánh cửa khó kiểm soát hơn bao giờ hết cho một thế hệ bắt nạt kiểu mới – nơi không có sân trường, không có máu mũi hay vết bầm, chỉ có emoji, tin nhắn nhóm và dòng bình luận sắc lạnh dưới bài đăng cá nhân. Theo nghiên cứu từ Scientific Reports năm 2022, đại dịch đã khiến tình trạng bắt nạt trực tuyến tăng vọt – nhanh, thầm lặng, và khó nắm bắt hơn bao giờ hết.
Việc làm cha mẹ giờ đây đòi hỏi một kỹ năng cực khó, vừa tôn trọng thế giới riêng của con, vừa đủ tinh tế để nhận ra khi có điều gì đó đang lệch đi. Nhưng làm sao để bạn biết con mình đang bị tổn thương – hay chính là người khiến người khác tổn thương – khi mọi thứ được mã hóa bằng những biểu tượng và câu chữ nửa đùa nửa thật? Trong phim Adolescence, chính cảnh sát điều tra – với quyền truy cập toàn phần vào mạng xã hội của Jamie – cũng không thể chắc chắn liệu một dòng bình luận là đang bông đùa hay là cú đâm chí mạng. Bắt nạt kiểu mới tinh vi đến mức vô hình, và điều nguy hiểm nhất là nó thường được ngụy trang bằng sự “giỡn cho vui”.
Chủ nghĩa phân biệt giới tính đang âm thầm bén rễ từ rất sớm
Một nghiên cứu vào tháng 2 năm 2025 được thực hiện tại Vương quốc Anh, từ PLOS One, 76% giáo viên trung học và 60% giáo viên tiểu học nói rằng họ đang thực sự lo lắng về cách các bé trai tiếp nhận nội dung phân biệt giới tính trên mạng. Mạng xã hội không chỉ dạy các em cách tạo dáng chụp hình hay chạy trend – nó dạy cả tư duy, lối sống, cách đối xử với người khác. Những lời nói vô tâm, những câu đùa nghe như bỡn cợt, nhưng hóa ra lại là thứ ám ảnh dai dẳng trong đầu những cô bé mới mười hai, mười ba tuổi. Không ít giáo viên trong nghiên cứu đã kể rằng học trò nữ của họ... sợ đến trường. Không phải vì bài kiểm tra, không phải vì điểm kém, mà vì những điều mà các bạn nam trong lớp có thể nói ra – hoặc tệ hơn, làm ra.
Và nỗi sợ đó không hề bị thổi phồng. Trong Adolescence, những cậu bé mới lớn, còn đang vỡ giọng và chưa kịp hiểu nổi chính mình, đã thao thao bất tuyệt về "quy tắc 80-20", về thế giới nơi phụ nữ là kẻ thù cần phải thao túng hoặc trừng phạt. Những điều này nghe như thể vừa bước ra từ một forum bí ẩn nào đó trên Facebook – nhưng chúng là thật, đang được rao giảng công khai và được hấp thụ không qua kiểm duyệt bởi những đứa trẻ chưa từng yêu nhưng đã học cách thù hận. Cái đáng sợ không phải là Jamie đã phạm tội. Cái đáng sợ là Jamie không phải là người duy nhất. Và Jamie có cả một cộng đồng ủng hộ phía sau – những người đàn ông từ “manosphere” gửi cho cậu những lý thuyết lệch lạc và... cả vũ khí để giết người.
Làm cha mẹ – tưởng là gần, hóa ra lại xa
Chúng ta hay hỏi nhau một cách rất nhanh và rất bản năng mỗi khi có một vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên: “Bố mẹ nó đâu trong suốt thời gian đó?” Như thể, chỉ cần theo sát, chỉ cần có mặt, thì mọi chuyện đã có thể khác. Nhưng đôi khi, sự hiện diện về thể xác lại không thể nào sánh với sự vắng mặt về tâm hồn.
Trong Adolescence, Jamie có một tuổi thơ yên bình – theo định nghĩa của người lớn: không thiếu thốn, không chấn thương tâm lý. Cậu sống trong tình yêu của bố mẹ Eddie và Manda. Họ biết con mình đi đâu, chơi với ai. Họ cấm cậu những thứ từng khiến họ trượt dài ở tuổi trẻ như rượu, thuốc, tình dục tuổi vị thành niên. Họ nghĩ như thế là đã dựng xong hàng rào an toàn. Nhưng họ quên mất một điều, rằng cánh cửa phòng ngủ, khi khép lại, chính là biên giới mà họ không thể bước qua. Và đằng sau cánh cửa đó, Jamie không ngủ. Cậu ở đó, mỗi đêm, một mình – và internet là nơi cậu sống với bản thể thật nhất của mình.
Tập cuối phim có một phân cảnh khiến người xem nghẹn ngào. Eddie nhìn trân trối vào khoảng trống trước mặt, rồi nói một câu chẳng cần cao trào: “Vì thằng bé luôn ở nhà… tôi nghĩ nó an toàn.” Trong suy nghĩ của rất nhiều người làm cha mẹ, “ở nhà” đồng nghĩa với “trong tầm kiểm soát”. Nhưng không ai dạy chúng ta rằng, cái nguy hiểm nhất có khi không ở ngoài kia – mà chính là những thứ con mình tiếp xúc mỗi đêm, khi căn phòng chỉ còn ánh sáng xanh và lòng thù hận được đóng gói sẵn qua từng đoạn clip. Jamie không được tạo ra từ hận thù. Jamie được tạo ra từ tình yêu – đó là điều khiến mọi chuyện càng cay đắng. Bởi nếu tình yêu, sự hiện diện và cả lòng tận tụy vẫn không đủ để giữ một đứa trẻ ở lại phía ánh sáng, thì làm cha mẹ, chúng ta còn có thể làm gì hơn?
Ngày nay, làm cha mẹ không chỉ là dạy con biết lễ phép, ăn uống đúng giờ và về nhà trước 9 giờ tối. Chúng ta không nhìn thấy hạt giống được gieo, chỉ đến khi nó đã bén rễ. Và nếu xung quanh đứa trẻ là một cộng đồng – dù ảo – tiếp tục tưới tắm cho hạt giống đó bằng sự tán thưởng, cảm thông sai lệch hay lòng tin mù quáng, thì việc cực đoan hóa không còn là điều gì quá xa vời. Ngay cả với một đứa trẻ giỏi giang, ngoan ngoãn, được bao bọc bằng tình yêu.
Và bởi vì những tư tưởng độc hại không cần phải la hét để được lắng nghe – chúng chỉ cần được lặp lại – nên việc bảo vệ con ngày nay cũng đòi hỏi một sự tỉnh táo khác. Không phải là kiểm soát. Mà là thấu hiểu.